Nghệ sĩ HẠ VÂN - Đoàn cải lương Long An
Sinh ra và lớn lên tại xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, niềm đam mê sân khấu đã thôi thúc Hạ Vân vào TP.HCM dự khóa đào tạo diễn viên cải lương tại Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Từ khóa học 18 cùng chung lớp với Quỳnh Hương, Lưu Chí Vỹ, Lê Nam... Hạ Vân đã tốt nghiệp, trở thành một nghệ sĩ được bà con khán giả ĐBSCL yêu mến.
Sự kiện nào khiến Hạ Vân quyết định vào TP.HCM học khóa đào tạo diễn viên cải lương, trong khi bạn là người Thanh Hóa lại không mê chèo, dân ca Bắc bộ?
- Ở làng quê của Vân nghèo lắm. Bố là thương binh, bị thương ở chiến trường Tây Ninh – Campuchia. Trước đó, bố gặp mẹ là một cô giáo có thêm nghề làm ruộng. Bố mẹ sinh 5 anh chị em, Vân là con thứ ba trong gia đình. Thuở nhỏ, nhà người bác bên cạnh thường mở máy hát vở cải lương
Mùa thu lá bay (Bạch Tuyết, Minh Phụng), Tướng cướp Bạch Hải Đường (Ngọc Giàu, Phương Quang)... Vân thích quá nên xin bố mẹ cho vào Nam học nghề diễn viên. Ban đầu bố mẹ không đồng ý, nên bữa cơm nào Vân cũng ngoảnh mặt vào góc nhà vừa ăn, vừa khóc. Thấy Vân kiên quyết, mẹ lân la hàng xóm hỏi thăm thì biết ở làng có anh Dũng đang học khóa 17 lớp cải lương của trường, mẹ viết thư nhờ anh Dũng chỉ dẫn. Sau đó Vân một mình vào TPHCM, nhưng mới 14 tuổi chỉ được học dự thính. Đến năm 16 tuổi mới thi vào hệ chính qui. Chẳng hiểu sao Vân mê sân khấu cải lương hơn các bộ môn khác, dù biết mình khó mà ca vọng cổ ngọt ngào.
Nhưng đến nay Hạ Vân đã được khẳng định là một diễn viên tài sắc của đoàn cải lương Long An?
- Để vượt qua yếu điểm của mình, năm 15 tuổi Vân dự thi Liên hoan Hát ru TPHCM. Vân dược cô Diệu Đức dạy hát ru Nam bộ. Với bài Ru em, Vân đã được trao giải Thí sinh nhỏ tuổi hát ru hay nhất. Vân học đến năm thứ ba thì được đạo diễn Hữu Lộc mời về đoàn Long An. Chính đạo diễn Hữu Lộc đã đặt nghệ danh cho Vân là Hạ Vân, vì một câu thơ “Mây mùa hè trông đẹp làm sao”.
Từ một cô bé hay mơ mộng được làm nghệ sĩ, bỗng dưng giấc mơ trở thành hiện thực, Hạ Vân có tin vào định mệnh?
- Có chứ. Không ai ngờ ước mơ được đi hát lại đến nhanh như vậy. Vân về đoàn không bao lâu thì được giao đóng vai Phương Tâm trong vở Hãy yêu nhau thật lòng. Các cô chú, anh chị trong đoàn đã dạy Vân ca diễn, uốn nắn từng chi tiết, giúp Vân diễn tự tin trên sân khấu. Với Vân, đoàn Long An vừa là mái nhà của mình, vừa là chiếc nôi nghệ thuật đầu đời đã mang đến cho Vân nhiều cơ hội. Hiện nay, nhờ sự giới thiệu của đoàn, Vân được tham gia lớp tập huấn diễn viên tại TP.HCM.
Tham gia cuộc thi Diễn viên triển vọng Trần Hữu Trang cách đây 3 năm, lần này Hạ Vân có dự định đi thi nữa?
- Vân không có duyên với những cuộc thi. Lần đó chỉ vào được chung kết. Tuy nhiên, tại cuộc thi Vân đã diễn hết mình trong hai trích đoạn Hồi xuân dược và Huyền thoại một tình yêu.
Hiện nay cuộc sống của Hạ Vân có ổn định? Nghề diễn viên ở một đoàn tỉnh có vất vả lắm không?
- Vân đang giúp hai đứa em ngoài Thanh Hóa vào TPHCM đi làm và thi đại học. Cuộc sống phải tằn tiện lắm mới đủ trang trãi. Lương diễn viên tỉnh như Vân 1,2 triệu đồng/tháng. Một đễm diễn được lãnh 37 ngàn đồng. Chi phí học cho hai em hết 800 ngàn đồng/tháng. Nhưng Vân vui vì bố mẹ đã tin vào cái nghề của con mình. Mẹ và anh đã nhiều lần vào Nam xem Vân diễn. Mơ ước của Vân là có được nhiều vai diễn hay, đoàn mở màn diễn thường xuyên và bản thân mình không ngừng tiến bộ.
- Tên thật:
Lê Thị Vân
- Sinh ngày 23-10-1980
- Các vai đã đóng: Cô gái thanh niên xung phong (Bà mẹ vùng ven), Nụ (Võ Văn Tần một dấu son), Thủy (Hồn đàn), Trương Bội Ngọc (Kép hát làm vua), Mẹ Cám (Tấm và Cám), Thủy (Hương tràm), Giàu (Lời thề trước miễu), bạn Thơm (Huyền thoại một tình yêu)...
PHÚC MINH (Đất Mũi cuối tuần)