Trích: ĐMCT.
Trong nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu cải lương tuồng cổ, các nữ diễn viên đóng vai nữ cải nam trang, điển hình là vai kép lão thì đều phải dán râu. Để thể hiện nét nam nhi và đúng tính cách nhân vật, hoá trang là một giai đoạn rất quan trọng, như một bức tranh biến tấu đầy màu sắc và sinh động. Mời các bạn khám phá thế giới “đàn bà mang râu” qua tâm sự của các nữ nghệ sĩ đã từng biểu diễn thành công các vai kép lão.
NS Trinh Trinh
NS Ngọc Đáng - Thanh Uyên
Được gắn râu nhiều nhất phải kể đến ba cô đào trẻ thuộc gia đình cải lương tuồng cổ Minh Tơ - Thanh Tòng, đó là Quế Trân, Trinh Trinh và Tú Sương. Cả ba đã từng đóng thành công nhiều vai kép, đặc biệt là kép râu. Tú Sương rất đa dạng khi vào những vai kép đẹp như: Tiết Ứng Luông, Tiết Đinh San, kép lẵng như Cao Quân Bảo, kép lão râu dài như: Bao Công, Cao Hoài Đức, Đổng Trác... cô đều diễn tròn vai. Tú Sương tâm sự: “Ông bà xưa nói “nhìn mặt mà bắt hình dong”, thế nhưng đối với nghề hát, khi diễn vai kép chỉ cần nhìn râu là đoán được tính cách. Râu của các nhân vật được qui định đúng cách, vai Bao Công thì râu phải dài năm chòm, đen nhánh uy nghi, còn Đổng Trác thì để râu rìa, mọc lộn xộn chẳng khác rễ cây”. Nghệ sĩ Quế Trân cho biết: “Không dễ chút nào nếu không biết cách xử lý bộ râu để diễn ra tính cách nhân vật. Nhìn lại tất cả các vai giả trai của Trân, trừ vai Mạnh Lệ Quân là hóa trang đẹp, còn lại đều phải gắn râu. Như trong vở Đại Thiên Ấn mang màu sắc Ba Tư, liên tưởng đến bộ râu của ông già trong hình “cà ri Ấn Độ”, thế là Trân làm một bộ râu dài, nhọn cho vai Anh Đào giả trai. Khi diễn đến lớp bị phát hiện là gái giả trai, Trân cố ý để râu rơi ra từ từ, chầm chậm... Nhưng khán giả thì tưởng Trân lỡ tay làm rớt râu, đã la lên nhắc nhở. Đó là kỷ niệm khó quên khi đóng vai kép có râu”.
NS Ngọc Giàu trong vai Bao Công
NS Ngọc Giàu và NS Ngọc Đáng khi diễn vai Bao Công, đều phải đặt bộ râu đeo vào cằm. Có khi xong lớp diễn, đầu bị đau nhức vì sợi dây kẽm quá chặt, kẹp lấy hàm và vành tai, cả hai NS phải tập suốt mấy tuần mới quen với hàm râu của ngài Bao Công.
NS Tú Sương nhờ cha là NS Trường Sơn làm hộ những bộ râu, còn Quế Trân thì đã có mẹ tỉ mỉ chăm chút từng bộ râu khi cô diễn. Các nghệ sĩ Thanh Thế, Bo Bo Hoàng... đều là những nữ NS thâm niên trong việc đeo râu đóng kép. NS Phùng Há nhận xét: “NS Ngọc Đáng đeo râu đã đẹp, nhưng bàn tay vuốt râu lại càng đẹp hơn và vô cùng điệu nghệ. Không uổng công tôi tạo ra hình tượng đào đóng vai kép cách đây 60 năm”.
Chấn Cường, Ngọc Đáng, Tú Sương và Thanh Uyên trong vở “Lưu Kim Đính”
Ai bảo đàn bà mang râu trong thế giới màn nhung không duyên dáng và xinh đẹp. Đó còn là sự thử thách cho các nữ diễn viên sáng tạo nên những vai diễn ấn tượng hơn. Về nghề làm râu phải kể đến các nghệ sĩ: Trường Quang, Thủy Thượng, Trường Sơn, Trường Lộc, Xuân Trúc, Công Minh, Kim Phượng, Phương Nga, Bảo Ly, Nguyên Đạt... họ là những bậc thầy trong việc chế tạo ra đủ kiểu râu, tóc, mũ, mão và phục trang cho sân khấu cải lương tuồng cổ. Họ âm thầm đứng sau những thành công của nghệ sĩ, góp phần tô điểm cho sân khấu những hình ảnh thật khó quên.
NAM KHÁNH