Đàn kìm là một nhạc cụ có vị trí "chỉ huy" trong dàn nhạc tài tử.
Đàn kìm có ngôn ngữ âm nhạc từ tốn, sâu sắc, chững chạc khi luyến láy nhấn nhá chuyển cung, được người xưa gọi là Quân tử cầm. Vì vậy trong dàn nhạc tài tử chính thống không thể thiếu vắng cây đàn này.
Là một nhạc cụ có nhiều cách lên dây và tên gọi cũng rất phong phú qua từng loại dây. Như dây Hò nhứt, Hò nhì, Hò ba, Hò tư, Hò năm, Nhị ngũ, Quả phụ, Sa giang… và đặc biệt là dây
Tố Lan dùng
để đàn các bản oán, mà âm sắc thầm trầm sâu lắng buồn thảm đã gắn liền với điệu thức này gồm các bản Tứ Đại, Phụng Hoàng, Giang Nam, Phụng Cầu, Dạ Văn Quyên, Tư Mã Tương Như, Hậu Đình Hoa, Ngàn Dặm Quan San, Biên Ải v.v...
Kể từ khi dây Tố Lan ra đời, hầu hết người đàn kìm khi đàn điệu oán đều sử dụng dây này để thay cho dây Hò tư nguyên thủy. Và phải nói dây Tố Lan đã nâng giá trị các bản oán lên cao nếu nhạc sĩ nắm đúng âm điệu mà tính chất bản oán đòi hỏi.
Điệu oán u buồn sâu lắng ai oán cùng dây Tố Lan chuyển tải tình cảm của người Miền Nam chịu thương, chịu khó trong quá trình khẩn hoang lập ấp, mở mang bờ cõi, chất chứa nhiều nỗi đắng cay mà những bản nhạc “thầy” đã nói lên qua dây này.
Hiện nay ít nhạc sĩ sử dụng đàn kìm trong các bản oán bằng dây Hò tư, ngoại trừ khi đệm cho sân khấu cải lương. Vì âm sắc của dây Tố Lan hòa quyện cao độ với tính chất oán, tạo ra sắc thái đặc thù trong điệu thức này và dễ đi vào tình cảm người nghe.
Vậy dây Tố Lan phát xuất từ đâu, ai là người sáng tạo ra nó? Là trường hợp ngẫu nhiên hiếm hoi trong âm nhạc tài tử nói chung, nhạc sĩ Bảy Triều nói riêng, ngày nay khi đề cập tới đàn kìm qua các bản oán, người am tường dòng nhạc dân gian Nam phần không quên nhắc sự song hành: “Tố Lan – oán”.
Nhạc sĩ Bảy Triều tên thật là Trần Văn Triiều, người làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho nay là Vĩnh Kim, tỉnh Tiền Giang: Là thân sinh giáo sư nhạc sĩ Trần Văn Khê và nhạc sĩ Trần Văn Trạch.
Như đã nói, dây Tố Lan đàn kìm là sự ngẫu nhiên tạo ra của nhạc sĩ tài tử Bảy Triều mà tình tiết không khác chuyện tình sân khấu, chứa đựng khá nhiều chất lãng mạn của thơ văn:
Tố Lan là tên của một nữ sinh trường áo tím, tiền thân của trường nữ Gia Long trước năm 1975. Nàng biết đàn tranh và ca khá hay. Nhạc sĩ Bảy Triều quen với Tố Lan qua những cuộc đàn ca tài tử. Cảm nhau qua âm nhạc, hai người yêu nhau thề non hẹn biển. Tố Lan dự định bãi trường (nghỉ hè) sẽ quê về xin với cha mẹ và nếu được chấp thuận, nàng sẽ báo tin cho Bảy Triều để làm lễ hỏi cưới xin.
Nhưng duyên âm nhạc không xe nợ ái tình, bất ngờ Tố Lan lâm bạo bệnh qua đời, "khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan". Bảy Triều được tin, ôm khối tình sầu, "tình trong giây phút mà thành thiên thu", và chỉ còn gởi lòng mình vào tiếng tơ đàn kìm.
Một hôm vì thương nhớ Tố Lan, Bảy Triều định mượn tâm sự Bá Nha khóc Tử Kỳ để khóc nàng, "hồng nhan tri kỷ". Nhạc sĩ tài hoa ôm đàn kìm đàn bản Tứ Đại dây Hò tư để nhớ lòng bản hầu sáng tác lời ca; xin trích một đoạn sau đây:
“Thu trung thu nay đã đến ngày
Sắm sanh lễ vật sẵn sàng
Tạ Thánh hoàng cho mình hồi hương
Buồm thuyền vừa trương sực nhớ đến hẹn kỳ…
Thuyền đến nơi đàn Bá Nha lên dây luống đợi
Chờ bạn Tử Kỳ tri âm hỡi có hay…”
Viết tới đây, vì có chuyện cần gấp Bảy Triều vội vã ra đi. Khi trở về viết tiếp, cầm đàn lên khảy thì dây tồn (dây lớn) tuột xuống. Bảy Triều sợ điều chỉnh lại dây đàn sẽ quên lời ca mình nhả trong lòng nên dò chủ âm liu để tìm thang âm đờn tiếp. Thì ra, khảy dây nhỏ (dây tàn) cung liu phím thứ nhất song thanh với dây tồn tuột xuống cung hò ở âm vực trầm tạo ra âm thanh trầm buồn não nuột. Rồi dùng dây này làm nền nhạc viết hết lời ca bản Tứ Đại. Và kể từ đó nhạc sĩ Bảy Triều luyện thật nhuần nhuyễn, ai nghe qua cũng khen hay, bắt chước.
Biết được tâm sự của Bảy Triều, lâu ngày giới chơi nhạc tài tử đặt tên là “dây Tố Lan” để nhắc nhở người nữ sinh bạc số trường áo tím.
Về sau, Nguyễn An Ninh, người học cùng trường Chasseloup Laubat với Bảy Triều thương cảm một chuyện tình đẹp, nhiều chất thơ nên sửa câu ca (bài Tứ Đại):
“-Thuyền đến nơi đàn Bá Nha lên dây luống đợi”
Chờ bạn Tử Kỳ tri âm hỡi có hay
Thành:
-Đàn Tố Lan lên dây luống đợi
Chờ bạn Bảy Triều tri âm hỡi có hay”
Qua lịch sử dây Tố Lan đàn kìm hẳn những ai rung cảm khi thưởng thức điệu oán có thể nói rằng: Trong nhạc tài tử sự ngẫu nhiên cũng như ứng tấu ứng tác của nhạc sĩ là nét rất riêng của cổ nhạc Nam phần vậy.