BÀ CHÚA ĂN MÀY
Những năm cuối thập niên 1960, tôi có nghe qua vở cải lương ''Bà chúa ăn mày'' (soạn giả Thu An) trên loại dĩa 33 tour. Vở rất hay vì đã quy tụ nhiều danh ca thượng thặng của SKCL miền Nam thời bấy giờ như: Thành Được, Hữu Phước, út Hiền, Ngọc Hương, Mỹ Châu, Văn Hường, hề Minh,... Nghe đi nghe lại nhiều lần nên dĩa bị mòn thành cà lăm nên tôi cất vào kho lưu trữ riêng của mình. Sau giải phóng người nhà của tôi trong lúc dọn dẹp đã làm thất lạc dĩa, tôi tiếc vô cùng. Vừa qua, hãng dĩa Việt Nam của cô Sáu Liên tái bản một số CD cũ và có gởi đến báo SKTP mấy bộ dĩa, trong đó có vở ''Bà chúa ăn mày'', tôi mừng lắm, cho dĩa vào máy nghe liền. Đúng là sao y bản chánh.
Nội dung và thời lượng của vở vẫn giữ nguyên dù nó được thu gọn trong dĩa nhỏ bằng 1/10 loại dĩa 33 tour trước đây. Chuyện của vở kể về Thái tử Mã Lạt Di (nước ả Rập, do Hữu Phước đóng) kiêu căng, ngạo mạn, háo sắc, hiếu chiến,... sang nước Ba Tư cầu hôn nữ hoàng An Thiên Mỵ (Ngọc Hương). Nhưng tình cờ phát hiện gương mặt nữ hoàng có vết sẹo dài giấu sau mái tóc thề xỏa che khuất một bên mặt nên Mã Lạt Di kinh tởm, ngưng ngay ý định cầu hôn mà chuyển tình yêu sang tiểu thơ Xuân Yên (con quan tể tướng Ba Tư, Mỹ Châu đóng). Vốn hiếu chiến nên trong những ngày sang kinh đô Ba Tư cầu hôn nữ hoàng, Mã Lạt Di đã nắm được những bí mật quân sự của nước này sau đó đưa quân sang chiếm kinh thành Ba Tư. Nhưng sau đó người dân Ba Tư đoàn kết một lòng, khởi nghĩa chống ngoại xâm và đánh thắng quân Mã Lạt Di. Dù bị Mã Lạt Di chê bai, phụ rẩy nhưng nữ hoàng An Thiên My vẫn tha thứ và tạo cơ hội cho Mã Lạt Di về nước để tránh họa chiến tranh khổ cho nhân dân hai nước. Ngoài tuyến kịch chính, trong vở này còn có nhiều trưởng đoạn ghi lại chuyện tình giữa vương tử An Chung (em ruột nữ hoàng An Thiên Mỵ, Thành Được đóng) si mê Xuân Yên (Mỹ Châu). Trong khi Xuân Yên lại yêu Mã Lạt Di, chê An Chung xấu xa, bệnh tật. Và còn một chuyện tình nữa cũng rất cảm động giữa tên nài voi Lim Ba (Út Hiền) với nữ hoàng An Thiên Mỵ (Ngọc Hương).
Nếu so về độ dày vai diễn và tuyến kịch phát triển thì vai nam chánh trong vở này là Lim Ba do út Hiền đóng. Anh ca rất hay, giọng trầm, ấm, tuy thấp nhưng rất ngọt trong nhiều bài bản như: Phụng hoàng, Nam xuân, Ngựa ô nam,... Cảnh Lim Ba ru ngủ nữ hoàng nơi rừng sâu lúc bà chạy loạn vì quân ả Rập chiếm đóng kinh thành, út Hiền ca bài Bắn nhạn rất hay, bên cạnh sự phụ họa (đồng ca) của tốp bè nam nữ. Đây là sự sáng tạo của soạn giả Thu An khi tân hóa một số bài bản cải lương với tốp ca bè ở hậu trường làm nền cho các vai chánh ca sàn diễn lẫn băng dĩa. Có thể đây là ''đặc sản'' của Thu An đoàn Hương Mùa Thu do anh lập ra, sau khi đã có kinh nghiệm nhiều năm làm tác giả thường trực ở hai đoàn Thủ Đô (bầu Ba Bản), Kim Chưởng (bầu Bảy Chưởng). Ngoài ca hay các bài bản, út Hiền còn ca vọng cổ rất ngọt, đặc biệt là độ ngân trong giọng ca của anh ở các chữ có song lang gõ thật tuyệt vời. Đây chính là tuyệt chiêu làm nên thương hiệu của danh ca út Hiền, hiếm có nghệ sĩ nào thực hiện được. Sau khi chia tay ''vua Tao Đàn'' Thanh Hải qua hơn 5 năm cộng tác cùng nhau ở hai đoàn Thủ Đô và Kim Chưởng để nam tài danh Thanh Hải về đầu quân cho Kim Chung còn vợ chồng Thu An - Ngọc Hương ra riêng với việc lập đoàn Hương Mùa Thu, trong vở này Thu An có sử dụng 6 câu Tao Đàn, 4 cho Ngọc Hương và 2 cho út Hiền khá thành công. Mỹ Châu trong CD này đóng vai đào nhì, xuất hiện khá ít nhưng chị đã để lại ấn tượng tốt trong người nghe qua những câu vọng cổ chân phương ngọt ngào. Sau vai đào nhì vở này và vở Trinh nữ lầu xanh (Mỹ Châu đóng vai Mai Thảo, Ngọc Hương đóng vai chánh Mai Trinh), Mỹ Châu bắt đầu được các hãng dĩa lăng-xê hát chánh hàng loạt vở khác, mở đầu cho thời kỳ rực rỡ về lĩnh vực băng dĩa của người đẹp Lolita. Do có đoàn hát riêng, thường xuyên cùng đoàn nhà đi lưu diễn nên Ngọc Hương ít xuất hiện ở băng dĩa. Nhưng sự xuất hiện của chị dù ít nhưng rất chất lượng. Trong vở này, chị ca rất hay từ các câu vọng cổ đến một số bài bản cải lương như: Xang xừ líu, Phụ ng hoàng, Nam xuân, Ngựa ô nam,... Khác với các vai lão mùi thành công trước đó, ở CD này Hữu Phước đóng vai độc mùi Mã Lạt Di. Dù vậy giọng ca của anh đã chinh phục được người nghe qua lối hành văn sắp nhịp độc đáo trong các câu vọng cổ và một số bài bản, đúng là một danh ca thượng thặng khó tìm. Sau khi cùng Thanh Nga đoạt giải Thanh Tâm (giải Xuất sắc), Thành Được là một trong những cái tên hót nhất của SKCL miền Nam thời bấy giờ không những ở sàn diễn mà băng dĩa cũng vậy. Nhưng trong CD này, Thành Được chỉ đóng vai kép ba. Dù vậy với giọng ca trầm, hùng, sang,... Thành Được đã để lại những dấu ấn tốt đối với người nghe qua kỹ thuật diễn trong ca của anh. Hai danh ca hài Văn Hường (vai Bạo Thực) và hề Minh (vai Bao La) mỗi người có một phong cách ca riêng, đại diện cho hai trường phái ca hài cũ và mới nhưng giữa họ đã có sự hòa quyện ăn ý, duyên dáng trong lớp ngũ điểm - bài tạ và hai cáu vọng cổ trong tình huống hai tên cận thần của Mã Lạt Di chạy loạn. Xin cảm ơn hãng dĩa Việt Nam đã tái bản những CD cũ, hay trước giải phóng để khán giả và người nghe hôm nay có dịp thưởng thức những tuyệt tác một thời của SKCL Việt Nam.
Nguồn tin: Báo sân khấu