VỌNG CỔ
ĐẾN VỌNG THÊ NHỚ VỢ NHÀ
***
* NGUYỄN TRUNG NGUYÊN
Nói lối:
Đến “Vọng Thê”chợt nhớ vợ mình
Nghĩ ai đặt cái tên thiệt ngộ
Chắc đàn ông xứ này vô cùng tử tế
Nên tên làng người đã chọn Vọng Thê
VỌNG CỔ
I. Chẳng biết ai là người đầu tiên đặt cái tên kêu nghe thiệt ngộ, mình nhớ vợ mình can chi cho người ta biết hay bởi đàn ông xứ này hiền lành chất phác cái bụng làm sao thì miệng nói ra… lời. Chỉ hai chữ thôi mà chứa biết bao tình. Cái nghĩa tào khang trăm năm vàng đá, chia ngọt sẻ bùi muối mặn gừng cay. Ghé Vọng Thê thấy khói bếp nhà ai nhớ dáng vợ vào ra tất tả; nhớ tiếng kẽo kẹt võng đưa, nhớ tiếng vợ ru con mỗi khi chiều xuống.
II. Chuyện kể ngày xưa những người lưu dân xa xứ, tụ họp về đây khai phá đồng hoang, dẫn thủy nhập điền. Cố quán mờ xa tận cuối chân trời. Khói un muỗi làm cay đôi mắt hay nỗi nhớ nhà khiến giọt lệ tuôn! Những người đàn ông nhớ vợ xa quê, chiều dõi mắt theo cánh chim về tổ. Hai chữ Vọng Thê người đời sau ghi lại để nhớ tấm chân tình của lớp người mở cõi khai hoang.
Nói lối:
Nhớ vợ. Ừ! Thì mình thiệt tình
Cái bụng làm sao miệng thời nói vậy
Ngọn gió đồng thơm nhớ mùi cơm vợ
Mỹ vị xứ nào ăn cũng hổng ngon.
VỌNG CỔ:
V. Ta đã từng ngạo nghễ cho là mình từng trải nay ghé lại Vọng Thê tự thấy lòng mắc cỡ, có hai chữ thôi mà nói biết bao… điều. Chẳng hoa mỹ, sâu xa hay đẹp đẽ, mỹ miều.
Hò ơ…
Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi.
Ngẫm lại cha ông xưa thật thâm thúy vô cùng, đàn ông không nhớ vợ chắc là sanh chuyện. Chàng ơi phụ thiếp làm chi, thiếp là cơm nguội để khi đói lòng.
VI. Xin nghiêng mình cảm ơn người đặt tên làng, bài hát này xem như nén nhang thắp muộn. Dẫu xác thân theo thời gian rã nát thì tấm chân tình cũng đâu thể nào quên. Chúng tôi chỉ là những kẻ hậu sinh, dừng chân Vọng Thê để hiểu mình thêm chút nữa. Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt, nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà… (*)
Mình nhớ vợ mình chuyện hợp lẽ đời
Chẳng can cớ gì mà phải giấu
Nhớ mấy chữ vàng “Xã Anh hùng” thương vợ!
Hẹn với lòng sẽ một ngày quay lại nơi đây.
(*) Thơ Phạm Hữu Quang