Bữa có nghe NSND Viễn Châu có đưa báo NLD quyển hồi ký, mừng thầm trong bụng vì với tuổi đời gần 100 và gắn bó với cải lương từ giai đoạn tiền phong, chắc hẳn sẽ có nhiều câu chuyện hay về cải lương cũng như những câu chuyện phía sau bức màn nhung. Chờ mãi, giờ NLDO mới bắt đầu cho trích đăng loạt bài này.
Trang nhà đăng lại cho cả nhà cùng chia sẻ nhé!
Gã si tình nặng nghiệp cầm ca
Viết kịch bản lăng xê Thanh Nga; sáng tác “Tình anh bán chiếu” dành cho Út Trà Ôn; phát hiện, đào luyện “Tư Ếch” Văn Hường, “Chàng là ai” Lệ Thủy, “Mai Đình” Kim Ngọc… Những nội dung trong loạt bài này của soạn giả - NSND Viễn Châu cũng là một phần cuốn hồi ký mà ông sẽ ra mắt nay mai.
Chuyến xe định mệnh
Không biết vì sao NSND Năm Châu thường gọi tôi là “tía nó”. Mãi đến giờ, tôi vẫn còn hối hận vì chưa lần nào có cơ hội “tra cứu” cách gọi thân thương và ngộ nghĩnh này của anh
Nghệ sĩ Kim Cúc và NSND Năm Châu trong vở Vợ và tình. Ảnh do nghệ sĩ Hồng Dung cung cấp
Một thân, một mình, tôi lên Sài Gòn năm 1943, khi vừa 19 tuổi, bỏ lại sau lưng quá khứ say mê đờn ca tài tử. “Bảo bối” hiểu biết về nghề hát của tôi chỉ là những dịp được xem các gánh ùa về làng sau mùa gặt. Nhờ ba tôi là hương cả xã Đôn Châu (nay thuộc huyện Trà Cú - Trà Vinh) nên anh em nhạc công, nghệ sĩ, cả mấy ông bầu đều được mời đến nhà đờn ca, ăn uống no say. Tôi có dịp lân la làm quen, học lóm các ngón đờn. Vậy đó, mê riết rồi tôi quyết định ra đi...
Bước vào đam mê
Đến Sài Gòn, tôi tá túc nhà anh bạn trên đường L’Eglise (nay là Trần Bình Trọng, quận 5 - TPHCM) rồi hỏi thăm, tìm đến nhà nhạc sĩ Jean Tịnh, Trưởng Ban Cổ nhạc Đài Phát thanh Sài Gòn, phụ trách chương trình cổ nhạc mà ở Trà Vinh ngày nào tôi cũng lắng nghe. Gặp tôi, anh hỏi: “Chú em biết đờn cây nào?”. “Dạ, cây nào em cũng học được một chút nhưng có lẽ rành đờn tranh”. “Vậy đờn thử coi”.
Tôi đờn bản Nam Xuân. Lúc đó, tôi không tính chuyện người ta có nhận mình hay không, chỉ nghĩ đến một ngày không xa, ba mẹ tôi nghe được tiếng đờn của Bảy Bá trên sóng radio nên bài bản réo rắt, khoan thai. Nhạc sĩ Jean Tịnh chấp thuận ngay. Tôi được thu nhận vào ban nhạc toàn những danh cầm đương thời: Jean Tịnh (violon), Chín Hòa (kìm), Bảy Hàm (cò), Hai Biểu (tranh), Hai Thanh (kìm) và tôi (tranh). Danh ca thời đó ở đài là những giọng hát mà tôi mê mỗi khi nghe radio, nay được ngồi đờn để họ ca thì còn gì sung sướng cho bằng: Năm Cần Thơ, Ba Vĩnh Long, Ngọc Nữ, Tư Bé (Kim Danh)…
Một hôm gặp nhau, anh Mười Còn, một nhạc sĩ mà tôi may mắn quen biết, nhấn mạnh: “Gánh anh Năm Châu chuẩn bị lưu diễn cuốn chiếu từ đây ra Hà Nội hát dài hạn, chú đi không?”. Tôi nghe mà như mở cờ trong bụng vì đờn ở đài hoài cũng chán, không mở mang nghề nghiệp gì được. Tôi dọ hỏi: “Sao anh Mười lại kêu tôi?”. “Sáu Quý đờn tranh của gánh anh Năm vì bệnh không thể đi theo”.
Hai ngày sau, chuyến xe lửa chở Đoàn Việt kịch Năm Châu đi từ tỉnh này qua tỉnh nọ, hát ở điểm nào cũng đông. Đó là lần đầu trong đời tôi được đi xe lửa ra tới tận Hà Nội, thấy cuộc đời của một thanh niên 19 tuổi sao đáng yêu đến vậy. Trước mặt là một chân trời mới mà tôi sẽ học hỏi, khám phá nhiều điều mới lạ cho ngón đờn của mình...
Ở gánh Năm Châu, kỹ thuật, lề lối đâu ra đó. Anh Năm là người dễ gần gũi, có ánh mắt sáng rực và nụ cười chân thành. Nghe tôi đờn, anh thường biểu hiện sự đồng cảm bằng cách gật đầu rồi rít một hơi thuốc. Tôi nghe danh anh Năm khá lâu. Không ở đâu xa, ngay trong ban nhạc cổ Đài Phát thanh Sài Gòn, hễ nhắc tới tên anh (tác giả Nguyễn Thành Châu), ai cũng nể. Tiếng lành về một người tài giỏi trong giới được truyền xa và tôi luôn khao khát có dịp gặp anh. Thì nay, tôi đã ngồi trong ban nhạc cổ của gánh hát anh Năm, diễn suốt 2 tháng rưỡi từ Sài Gòn ra Hà Nội.
“Cặp đôi hoàn hảo”
Năm 1923, anh Năm Châu đã là kép chánh sáng giá nhất của ban cải lương thầy Năm Tú ở Mỹ Tho. Anh là người tài giỏi, có ý chí và luôn nhìn xa trông rộng, nắm bắt tình thế để ứng biến cho nghề, cho sân khấu một cách thần thông. Thế nhưng, anh lại không đoán được số phận long đong của con tim mình, mà có lẽ đây cũng là cái bệnh chung (khó trị) của giới nghệ sĩ.
Năm 1925, khi kép Hai Giỏi, con của bầu Hai Cu - gánh Nam Đồng Ban, mất do bạo bệnh, anh Năm được mời về thế vai. Đào chánh hát cặp với anh là chị Bảy Phùng Há, lúc đó cũng được mời về hát thế cho cô Năm Phỉ (chị NSND Bảy Nam, dì NSND Kim Cương), buồn vì chồng là nghệ sĩ Hai Giỏi mất đã bỏ đi biền biệt. Hai người tài Năm Châu - Phùng Há nhanh chóng trở thành “cặp đôi hoàn hảo” vì xứng đào, xứng kép. Nam Đồng Ban phất lên đến đỉnh huy hoàng.
Theo tâm sự của Năm Châu sau này, mối tình chớm nở giữa anh và chị Bảy Phùng Há đã bị chia cắt khi xuất hiện nhạc sĩ Tư Chơi. Năm 1927, chị Bảy thành hôn với nhạc sĩ này. Anh Năm buồn tình bỏ Nam Đồng Ban để qua đoàn Trần Đắc. Tôi còn nhớ anh kể với giọng trầm buồn, đôi lúc nghèn nghẹn: “Tía nó biết không, tôi hay tin cô Bảy chia tay với Tư Chơi khi Bửu Chánh (con gái NSND Phùng Há) mới 3 tuổi. Cô về gánh Huỳnh Kỳ của Bạch Công Tử (Phước George), muốn làm bầu để trả đũa Tư Chơi phụ mình mà theo cô đào Kim Thoa. Biết chuyện, tôi muốn rời đoàn Trần Đắc để về gánh Huỳnh Kỳ thì ông bầu Trần Đắc Nghĩa đã kẹp công tra (hợp đồng) nên không xoay xở kịp. Một lần nữa, tôi trễ tàu nhìn cô Bảy sánh duyên với Bạch Công Tử”.
Tôi biết ở gánh Trần Đắc, anh Năm đã hát cặp với cô đào chánh Sáu Trâm. Anh Năm đã bỏ ra biết bao công phu để đào tạo cô đào trẻ này trở thành một ngôi sao sáng rực, sau đó họ thành hôn. Rồi ngang trái lại phủ trái ngang. Gánh Trần Đắc chiêu mộ thêm nhiều cô đào trẻ: Tư Sạng xuất hiện, nổi danh với anh Năm qua vở Lỡ tay trót đã nhúng chàm; Sáu Ngọc Sương nổi lên cùng anh qua Một tối tân hôn; cô Thanh Loan bừng sáng với anh qua Hồn bướm mơ tiên; rồi cô Năm Phỉ khi đã nguôi ngoai, quay về hát với anh cũng được khen ngợi qua Huyền Châu Nữ, Túy Hoa vương nữ... Lúc này, cô Sáu Trâm ghen tức, cho rằng anh Năm o bế mấy cô đào, nhất là có “tình ý” với Tư Sạng. Đang trong đêm hát, cô Sáu Trâm rời đoàn trong sự ngơ ngác của các nghệ sĩ.
“Tía nó biết không, chuyện gì tới đã tới. Tôi gá nghĩa với Tư Sạng, sinh con đẻ cái thì bên kia, cô Bảy đã chia tay Bạch Công Tử, gánh Huỳnh Kỳ rã trong mùng 2 Tết” - giọng anh Năm nặng trĩu nỗi lòng. Anh Năm ở với cô Tư Sạng có 5 người con. Năm 1948, anh chung sống với người vợ thứ ba là chị Kim Cúc, con gái của kịch sĩ tiền phong Bảy Nhiêu (Huỳnh Năng Nhiêu) và có thêm 6 người con…
Tôi ôm xấp kịch bản, lật từng trang bản thảo. Những ghi chú cẩn thận của anh Năm Châu là cả một kho báu mà tôi đang muốn tìm chìa khóa để mở ra, để “vơ vét” cho thỏa lòng ham thích.
“Chú phải theo tôi về Trà Vinh, không sống cái kiểu rày đây mai đó được” - giọng anh Huỳnh Thanh Tòng, anh Sáu của tôi, cương quyết. Dù nể anh nhưng đụng đến nghề mà tôi si mê, tôi vẫn cãi: “Anh về trước đi, mai tui về”. Anh Năm Châu lên tiếng: “Thôi, tía nó về quê đi, đừng để ba mẹ buồn”.
Sang trọng, quý phái
Xách cây đờn lên, tôi ngậm ngùi hẹn anh Năm Châu: “Rồi tui sẽ tìm anh”. Tôi chỉ kịp nhìn đôi mắt sáng rực và nụ cười quen thuộc của anh. Cũng dáng vẻ đó hôm nào đã ban cho tôi niềm vui sướng khi một thanh niên còn quá trẻ, có chút năng khiếu về đờn tranh, từ dưới Trà Vinh lên Sài Gòn lập nghiệp đã được anh nhận vào Đoàn Việt kịch Năm Châu.
Soạn giả Viễn Châu (bìa phải) và các nghệ sĩ trong Đoàn Việt kịch Năm Châu
(Ảnh tư liệu của NSND Viễn Châu)
Anh Năm thường nhận xét: “Tía nó đờn hay lắm”. Tôi rất mừng vì anh khen chân thành và động viên, khích lệ. Trong tuồng Hoa rơi cửa Phật (Trần Hữu Trang viết dựa theo tác phẩm Tắt lửa lòng của Nguyễn Công Hoan, sau đổi là Lan và Điệp), lúc Lan xuống tóc đi tu có ca bài Tứ đại oán, anh Năm đề nghị: “Tía nó nhấn cho đúng chữ và tui chỉ muốn nghe mỗi tiếng đờn tranh của tía nó ở lớp này”. Quả thật, lớp diễn ấy hiệu quả vô cùng.Vở Khi người điên biết yêu (anh Năm Châu viết với Trần Hữu Trang, Lê Hoài Nở) có 30 câu vọng cổ, 16 bài bản, 4 ngâm lối và chủ yếu là thoại kịch. Tôi được anh Năm rót vào hồn những câu thoại mang tính văn học. Cải lương sang trọng, quý phái là từ anh mà ra!
Tôi ôm xấp kịch bản của chuyến lưu diễn cùng Đoàn Việt kịch Năm Châu, lật từng trang bản thảo được gạch nhịp chính xác mỗi câu xuống xề, xuống hò. Những ghi chú cẩn thận của anh Năm là cả một kho báu mà tôi là kẻ đang muốn tìm chiếc chìa khóa để mở ra, để “vơ vét” cho thỏa lòng ham thích.
Hai năm lao tù
Trong Đoàn Con Tằm có một đội tuyên truyền cách mạng do anh Năm Châu và soạn giả Trần Hữu Trang lãnh đạo. Sau này, tôi mới biết đoàn không chỉ in ấn truyền đơn mà còn vận chuyển vũ khí cho anh em trong khu kháng chiến.
Một dạo đoàn nghỉ hát, tôi về phụ anh bạn là tài xế xe khách chạy lục tỉnh xé vé mỗi sáng. Một bữa đang đi đến chợ Bình Tây, đột nhiên xe thắng gấp, lính Pháp sấn lại. Một thanh niên là khách thường xuyên đi lục tỉnh vội ôm giỏ bỏ chạy. Lính Pháp bắn anh ngã gục, rồi lục trong giỏ thấy 6 quả lựu đạn. Hóa ra, anh là người vận chuyển vũ khí cho khu kháng chiến.
Lính Pháp lôi tôi cùng 3 người trên xe về bót Catinat. Tôi bị chúng treo ngược lên đánh, giam 18 ngày nhưng không khai thác được gì vì thực tế, tôi có biết gì đâu! Giai đoạn này, anh Năm Châu muốn thử thách tôi nên chưa giao nhiệm vụ. Sau đó, chúng giải tôi về nhà tù Cẩm Giang - Tây Ninh giam 2 năm.
Đến năm 1949, chúng phải trả tự do cho tôi. Về Sài Gòn, một lần nữa tôi đổi họ tên thành Trương Văn Bảy…
Mẹ vẫn đợi con về
Ngày lên Sài Gòn, tôi chỉ có bộ quần áo dính da, đôi dép và cây đờn, nay về cũng vậy nhưng có thêm gia tài là những kịch bản mà anh Năm Châu cho và cây đờn tranh chở nặng nỗi lòng của một chàng trai Đôn Châu có máu phiêu lưu. Gặp lại tôi, mẹ khóc, ôm tôi rầy: “Sao bây đi mà không xin phép, ba giận”. Tôi khoanh tay, quỳ xuống: “Thưa ba mẹ, con sai rồi”. Ba định rầy điều gì đó nhưng thấy mẹ tôi khóc quá nên bỏ vô buồng. Mấy chị lôi tôi đi chỗ khác.
Buổi cơm chiều hôm đó thật nặng nề... Bỗng dưng, ba tôi lên tiếng: “Bây theo gánh hát, người ta đối đãi đàng hoàng không?”. Tôi bèn thưa hết mọi chuyện. Chẳng những không rầy la mà ba còn kêu tôi đờn vài bản cho ông nghe, coi tôi đã học được thứ gì. Đó là lần đầu trong đời và cũng là lần duy nhất, tôi đờn cho ba mẹ nghe.
Tối đó, mẹ ngồi dưới ánh trăng ngoài sân chải tóc. Chị Năm khều tôi: “Chú đi xa, đêm nào mẹ cũng ra đó ngồi tới khuya mới chịu vô ngủ, ba hỏi thì mẹ nói đợi chú về”. Tôi khóc, biết mình đã làm cho mẹ phải buồn vì thương nhớ. Mẹ luôn sống nội tâm, không dám thốt lên lời vì ba tôi rất nghiêm nghị nên mỗi lần nhớ con, bà chỉ để cho ánh trăng hiểu được... Hình ảnh và tâm tư của người mẹ ngồi chờ con về trong đêm được tôi đưa vào bài ca cổ Mẹ vẫn đợi con về, sau này NSND Ngọc Giàu đã diễn đạt đúng tâm trạng của tôi ngày đó.
Vở đầu tay: Hồn dân tộc
Ở nhà được hơn một năm, tôi theo anh Sáu gia nhập Đội Thanh niên Tiền phong của làng. Lâu nay, hầu hết các bài báo viết về tôi đều cho rằng kịch bản Nát cánh hoa rừng là tác phẩm đầu tay nhưng ít ai biết vở đầu tiên tôi viết là Hồn dân tộc.
Anh Sáu vốn hăng hái lắm, tích cực kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp. Tôi theo anh làm nhiều việc, như in truyền đơn, chuyển vũ khí... Rồi anh bị giặc bắt, bị tra tấn dã man nhưng đã tự ải để che giấu bí mật của Đội Thanh niên Tiền phong. Anh tôi đã ra đi theo tiếng gọi của hồn dân tộc. Nhân vật trong kịch bản đầu tay của tôi, một chiến sĩ trẻ quyết hy sinh để bảo vệ xóm làng, chính là viết về anh trai mình.
Chiến sự nổi lên, giặc đốt cháy cả làng tôi. Anh rể tôi bị bắn chết, rồi anh Sáu mất, gia đình lâm cảnh ly tán, ba giục tôi phải trốn đi. Một lần nữa, tôi lạy từ ba mẹ, chia tay các chị rời khỏi làng quê. Họ tên Huỳnh Trí Bá mà ba mẹ đặt cho tôi được thay bằng ba chữ lạ xa: Trương Ánh Truyền.
Điểm tới của tôi trong chặng đường phiêu bạc mới không phải Sài Gòn mà là Vĩnh Long. Ở Vĩnh Long, hằng ngày tôi dò la gánh hát của anh Năm Châu. Biết anh đang ở Đoàn Cải lương Con Tằm, tôi vội tìm đến…
Theo Người Lao Động
Kỳ tới: Lăng xê Thanh Nga
Với hàng loạt sáng tác, tôi từng bước có được tên tuổi, uy tín. Chia tay anh Năm Châu, tôi đến Đoàn Kim Thanh - Út Trà Ôn rồi được mời về Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, được bà bầu Thơ đặt hàng viết tuồng lăng xê con gái là Thanh Nga…
Loạt bài này anh mở với tên Hồi ký NSND Viễn Châu đó 2 đứa. Anh gộp vào topic kia nhe! Loạt bài nói về cuộc đời Viễn Châu chứ ko phải dạng tin tức nên anh để vào Mục Soạn giả.... Thanks
Thấy phần 2 SG có nhắc tới bài Mẹ vẫn đợi con về do Ngọc Giàu ca. Ko biết bài này là bài xưa hay mới vậy ta? Tìm lại trong kho thì thấy có bài này của Ngọc Giàu ca với Hương Lan nói về nỗi lòng người mẹ đối với người con gái xa xứ, có lẽ thu cũng sau này thôi.
Anh Em nào có thông tin về phiên bản của Ngọc Giàu ca một mình bài này chia sẻ với nhe! Thanks
Loạt bài này anh mở với tên Hồi ký NSND Viễn Châu đó 2 đứa. Anh gộp vào topic kia nhe! Loạt bài nói về cuộc đời Viễn Châu chứ ko phải dạng tin tức nên anh để vào Mục Soạn giả.... Thanks
Dạ, em cũng nhớ là đã đọc kỳ 1 rồi, mà kiếm hoài không nhớ nằm ở đâu.
Tiếng lành đồn xa, lại có thêm sự cộng hưởng từ lời giới thiệu uy tín của anh Năm Châu và chị Kim Cúc, tôi được “bà bầu của các ông bà bầu” Nguyễn Thị Thơ mời về viết tuồng cho Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga
NSƯT Thanh Nga lúc sinh thời. Ảnh tư liệu của NSND Viễn Châu
Năm 1950, tôi mới trở lại gặp anh Năm Châu, lúc đó gánh hát Con Tằm đã đổi bảng hiệu là Đoàn Việt kịch Năm Châu. Lúc này, đoàn có thêm các nghệ sĩ (NS): Văn Lang, Hoàng Kinh, Ngọc Đán, Thừa Vĩnh, Văn Lâu, Ba Thâu, Sáu Huề…
Cải lương Thật và Đẹp
Ngày tôi về, Đoàn Việt kịch Năm Châu bắt đầu diễn các tuồng: Dân chúng trước pháp luật, Tuyết băng và bạo lực, Cách Lan Phương Tử, Gió ngược chiều… Anh Năm Châu lấy tích tuồng từ các sách truyện của Pháp, Anh để chuyển thể cải lương và bắt đầu khai sáng trào lưu cải lương Thật và Đẹp.
Một lần, thấy tôi mân mê cuốn tuồng của anh, lật tìm những bài bản để gạch nhịp rồi lẩm bẩm ca, Năm Châu hỏi: “Tía nó có thích viết tuồng không?”. Thấy tôi gật đầu, anh nói: “Sao tía nó không thử?”. “Tui có thích nhưng nghĩ mình không đủ sức”. “Chưa thử sao biết không đủ sức. Tía nó rành bài bản, có khiếu văn chương, bước đời ít nhiều đã trải qua sóng gió... Viết đi, tui sẽ góp ý” - anh khích lệ.
Chính anh Năm Châu đã cho tôi niềm tin vào khả năng để tự tin thử sức. Tôi đi theo chủ trương của anh - sân khấu cải lương phải thật và đẹp. Điểm tựa của tôi là đọc và biết chắt lọc những nét đẹp từ tiểu thuyết văn chương. Tôi say mê đọc những tác phẩm của các tác giả nổi tiếng và tập hành văn theo sự tinh túy mà mình chắt lọc được. Từ kho tàng này, tôi đem vào kịch bản, đưa vào bài ca vọng cổ, cố gắng nâng chất văn học lên để những tinh hoa đượm thêm hồn quê, rứt tim nhỏ máu mà đi vào lòng công chúng mộ điệu.
Kịch bản đầu tay ở giai đoạn chuyên nghiệp mà tôi đã viết là Nát cánh hoa rừng. NS Kim Cúc lúc đó đóng vai chánh, anh Năm Châu đọc rồi cho hát liền, không sửa một chữ, còn vỗ vai tôi khen: “Tía nó viết được đó, tiếp đi!”.
“Tía nó” ra riêng
Tôi quyết định đổi nghệ danh Viễn Châu từ ngày khai trương vở Nát cánh hoa rừng. Tôi nghĩ mình mang thân viễn xứ, lìa quê cha, đất mẹ đi bôn ba khắp nơi, chữ “Viễn” để nói lên nỗi lòng của một kẻ vì hoàn cảnh, thời cuộc mà phải xa nhà, ghép với chữ Châu - Đôn Châu, nơi chôn nhau cắt rốn - để làm nghệ danh sáng tác. Hồi đó ở Sài Gòn, người trong nghề luôn nhắc đến bộ ba danh cầm: Năm Cơ, Văn Vỹ và Bảy Bá nhưng chỉ mỗi mình tôi rẽ sang nghề sáng tác.
Sau Nát cánh hoa rừng, tôi có động lực để viết thêm nhiều tuồng trên sân khấu Đoàn Việt kịch Năm Châu: Con Tấm - con Cám, Đường ra biên ải, Bến đò ma, Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng… NS Kim Cúc khoái cách hành văn trong bài vọng cổ của tôi, bảo chỉ đọc qua một lần là thuộc làu, rằng dường như tôi “đi trong gan, trong ruột của người ca”. Tôi thì nghĩ khác, chính vì cái tên Viễn Châu đã khiến tôi phải tự trọng với ngòi bút của mình.
Năm 1955, tôi đã có được tên tuổi, được anh em NS tín nhiệm, uy tín ngày càng khẳng định. Các hãng dĩa và bầu đoàn tìm tới mời tôi về ký công tra (hợp đồng) làm tác giả thường trực. Thấy tôi còn phân vân, anh Năm Châu vỗ vai: “Tía nó ra riêng đi, đã tới lúc phải tự đứng mà tung hoành cái tài của mình”. Tôi rất mừng và cảm động.
Tạo cú đột phá cho Thanh Nga
Chia tay Đoàn Việt kịch Năm Châu, tôi về cộng tác với Đoàn Kim Thanh - Út Trà Ôn. Tôi đã sáng tác kịch bản Tình vương hoa thắm khai trương đoàn này, có các đào, kép tham gia: Út Trà Ôn, Kim Chưởng, Thanh Tao, Thúy Nga. Sau đó, tôi sung sức viết hàng loạt vở tuồng lấy chuyện xưa nói chuyện nay: Viên ngọc rắn thần, Bèo dạt mây trôi, Tình anh lính chiến, Hoa rụng giữa thiền môn, Dưới bóng Phật đài…
Tiếng lành đồn xa, lại có thêm sự cộng hưởng từ lời giới thiệu uy tín của anh Năm Châu và chị Kim Cúc, tôi được “bà bầu của các ông bà bầu” Nguyễn Thị Thơ - thân mẫu của cố NSƯT Thanh Nga và danh hài Bảo Quốc - mời về viết tuồng cho Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga. Bầu Thơ là người trọng dụng soạn giả, chủ trương trả lương tháng để anh em yên tâm. Lúc này, tôi đã viết các tuồng mà số lượng vé bán được xem là kỷ lục: Người yêu của hoàng thượng, Yêu nữ thần, Thiên thần trên thiết mã, Người nữ cứu thương, Tình nở Đào hoa thôn, Kiếp hoa tàn…
Khán giả đến xem Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga thường mang theo về những câu ca mà tôi viết. Nghĩ cũng vui! Các đào, kép chánh của Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga thời đó gồm: Thành Được, Út Bạch Lan, Thanh Nga cùng dàn bao hát vai phụ toàn là những NS thượng thặng: Ba Vân, Hoàng Giang, Kim Giác, Trường Xuân, Văn Ngà, Ba Xây…
Khi tôi về đoàn, để tạo cú đột phá cho Thanh Nga sau khi cô đã đoạt HCV giải Thanh Tâm năm 1958, bà bầu Thơ đã đặt hàng tôi phải viết các kịch bản lăng xê con gái bà. Vì thế, tôi đã sáng tác Hoa mộc lan, Chuyện tình Hàn Mạc Tử…
Sống mãi những danh hiệu
Trong giới nghệ thuật cầm ca, nghệ danh được khán giả đặt tức là lộc của Tổ ẩn ý ban tặng cho đứa con cần cù, chăm chỉ, được bà con thương. Không ít danh hiệu mà khán giả tặng cho NS sống mãi cho tới ngày nay: Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn, Hoàng đế dĩa nhựa Tấn Tài, Ông hoàng cải lương Thành Được, Hoàng tử sân khấu Minh Phụng, Đệ nhất đào thương Thanh Hương, Sầu nữ Út Bạch Lan, Kiều nữ Bích Sơn, Kỳ nữ Kim Cương, Vua vọng cổ hài Văn Hường, Vua xàng xê Minh Chí, Vua Tao Đàn Thanh Hải, Giọng ca lụa trải nhung căng Ngọc Giàu, Giọng ca thánh thót chuông ngân Lệ Thủy, Nữ quái kiệt Kim Ngọc, Khôi nguyên Vọng cổ Minh Vương, Cải lương Chi bảo Bạch Tuyết… mà tôi sẽ lần lượt đề cập trong hồi ký của mình.
Kỳ tới: Út Trà Ôn và Tình anh bán chiếu
Khi “đệ nhất danh ca” Út Trà Ôn đầu quân về hãng dĩa Hồng Hoa, chủ hãng kêu tôi tới bảo: “Anh Mười ký hợp đồng độc quyền với mình, vậy anh mau viết bài ca để thu, phải làm cho thị trường náo động”. Thế là Tình anh bán chiếu ra đời…
Đúng rồi đó Trieuton! Đọc mà hiểu hơn về những nghệ sĩ liên quan thời đó và cảm nhận được tài năng của soạn giả cũng như thời vàng son lừng lẫy của cải lương. Có lẽ, giờ chỉ có ông là người cao niên nhất còn gắn bó và lưu giữ một kho tàng thông tin về thời đó mà thôi.
Mong ông luôn khỏe để có nhiều sáng tác nữa, như để níu giữ và lưu dấu về một thế hệ soạn giả vàng son ngày nào.
Bài này cho phép MEM gộp vào topic Hồi ký NSND Viễn Châu trong mục Soạn giả, Đoàn hát... nhe. Thanks
NSND Út Trà Ôn khi đã chơi thì ngông lắm nhưng hễ làm nghề là hết mình
Năm 1959, “đệ nhất danh ca” Út Trà Ôn kết thúc hợp đồng độc quyền ở hãng dĩa Hoành Sơn, về đầu quân cho hãng dĩa Hồng Hoa. Bà chủ hãng dĩa này kêu tôi tới bàn: “Anh Bảy nè, anh Mười chịu ký hợp đồng độc quyền với hãng mình rồi, vậy anh mau viết bài ca để thu, phải làm cho thị trường náo động”.
“Hoàng đế vọng cổ”
Tôi lục trong trí nhớ, tìm kiếm lại những mẩu chuyện đời mà mình đã tích lũy trong cả mớ nỗi niềm của người nghệ sĩ (NS). Tôi chợt nhớ một lần đi từ Bạc Liêu về Sài Gòn, tới chợ Phụng Hiệp thì xe hơi hư máy, phải đậu lại sửa. Khi ngồi nghỉ, tôi thấy một anh chàng ôm đôi chiếu bông đứng mệt nhọc giữa trưa nắng như chờ ai trước một căn nhà đóng kín, xa xa lại có một đám cưới.
NSND Út Trà Ôn (phải) và NSND Viễn Châu thời trai trẻ. Ảnh tư liệu của NSND Viễn Châu
Nhân đây, tôi cũng xin nói rõ về chất liệu hình thành câu chuyện Tình anh bán chiếu, bởi một số tờ báo trong và ngoài nước đã hư cấu quá đà. Khi đó, tôi chỉ nhìn chứ chưa hề nói chuyện với anh bán chiếu câu nào. Một số báo bịa ra chuyện tôi đến hỏi thăm, rồi mới biết anh từ Cà Mau đem chiếu lên Phụng Hiệp giao nhưng cô chủ nhà đi đâu mất biệt.
Chuyện chỉ có vậy nhưng với con mắt của người viết, tôi nhìn anh bán chiếu và nghĩ ngay đến một mối tình, rồi tự hỏi tại sao mình không cho anh bán chiếu mang tâm trạng hụt hẫng trước một tình yêu đơn phương? Thế rồi, tôi đã viết liền 4 câu hò khi nghĩ tới “món nợ” với anh Mười mà mình đã nhận với bà chủ hãng dĩa: Hò ơi, chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm/ Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu/ Chiếu này tôi chẳng bán đâu/ Tìm cô không gặp/ Hò ơi, tìm cô không gặp tôi gối đầu mỗi đêm.
NSND Út Trà Ôn và NSND Viễn Châu (ảnh do NSND Viễn Châu cung cấp)
Tôi đã viết kịp bài vọng cổ Tình anh bán chiếu để anh Mười thu dĩa. Hồi đó, báo giới Sài Gòn đã phong cho anh Mười là Hoàng đế vọng cổ khi dĩa Tình anh bán chiếu được tái bản liên tục.
Giọng ca thiên phú
Năm 1960, ký giả Trần Tấn Quốc tổ chức cuộc trưng cầu ý kiến khán giả trên nhật báo Tiếng Dội và anh Mười chiếm đầu bảng với danh hiệu Đệ nhất danh ca miền Nam; còn Đệ nhất danh ca miền Bắc là NS Huỳnh Thái ở Hà Nội.
Tôi biết NSND Út Trà Ôn trước đó nhưng ít có dịp tiếp xúc, chỉ nghe anh ca bài Tôn Tẩn giả điên mà đã thấy nể vì chất giọng điêu luyện. Sau này, khi cộng tác với Đoàn Kim Thanh - Út Trà Ôn, có dịp trao đổi, làm việc, tôi thật sự kính mến nhân cách người NS, đặc biệt là giọng ca thiên phú của anh Mười.
NSND Út Trà Ôn và NSND Kim Cương (ảnh Thanh Hiệp)
Anh Mười luôn cầu tiến. Cách rèn giọng của anh được người trong nghề kính phục vì biết tạo âm vực đủ để khi phát âm tròn vành, rõ chữ. Anh còn có khiếu sắp văn chẻ nhịp... Nếu lắng nghe NSND Út Trà Ôn ca và có óc phân tích, bạn sẽ nhận biết ngay thế mạnh của anh trong câu vọng cổ chính là chữ “hơ” điêu luyện và dấu sắc, dấu hỏi chất chứa sự “giàu có” của làn hơi.
NSND Út Trà Ôn trong vở Giấc mộng đêm xuân (ảnh Thanh Hiệp)
Anh Mười khi đã chơi thì ngông lắm nhưng hễ làm nghề là hết mình. Trước khi diễn, anh vẽ cặp chân mày đến 2 giờ. Hồi anh làm đoàn hát, NSƯT Diệu Hiền được tăng cường về hát chánh. Một lần, Diệu Hiền vô câu vọng cổ: Cha ơi con biết mình đã làm nên tội. Ơn của cha con ngàn đời ghi nhớ khi cha đã hy sinh cho con có một cuộc sống đủ… đầy. Vậy mà, nhìn thần sắc của anh Mười, Diệu Hiền sợ quá nên quên lời, thay vì “đủ đầy” thì cô lại ca... “đẩy đù”. Anh Mười tức giận xô cô té nhào xuống dàn đờn.
Bị Hồng Nga chơi khăm
Út Trà Ôn rất khoái chơi số đề. Người “thường trực” nằm mộng cho số để anh Mười đánh đề không ai xa lạ chính là NS Hồng Nga. Lúc đó, Hồng Nga còn bé xíu, đen đúa, mập ú, được nhận vào đoàn hát để phụ việc lặt vặt cho anh Mười. Siêng năng nhưng rất lí lắc, biết thần tượng thích chơi đề, cô bày ra trò nằm mơ báo mộng để anh Mười bàn số.
Một buổi sáng, anh Mười hỏi Hồng Nga: “Tối qua, mày nằm chiêm bao thấy cái gì?”. Hồng Nga thưa: “Dạ, tối qua con không nằm mơ”. Anh Mười tức giận: “Tao ra lệnh bây giờ mày phải đi ngủ để chiêm bao, rồi cho tao biết số mà ghi đề”. Hồng Nga leo lên giường ngủ một giấc tới trưa rồi bật dậy, bịa: “Con gặp vua huỳnh đế, ông ấy cho 5 xu”. Anh Mười gãi đầu: “Làm gì có ông vua huỳnh đế nào, chắc là con cua huỳnh đế”. Anh bàn số rồi ghi đề... Chiều đó xổ số trật lất, Hồng Nga trốn biệt. Từ ngày biết bị cô bé giúp việc chơi khăm, anh Mười nghỉ chơi đề luôn.
Sau NSND Út Trà Ôn, nhiều nghệ sĩ tài danh đã thể hiện bài
Tình anh bán chiếu - NSƯT Thanh Sang quay video bài ca cổ này năm 1998 (ảnh Thanh Hiệp)
NSƯT Vũ Linh đã đặt hàng soạn giả Viễn Châu viết hẳn một kịch bản
Tình anh bán chiếu để anh diễn quay video năm 2000 (ảnh Thanh Hiệp)
Hồng Nga thường tìm cách chọc ghẹo anh Mười trong những tình huống gay cấn. Lúc diễn vở tuồng Tuyệt tình ca, Hồng Nga - đóng vai bà giáo Lan - nắm tay anh Mười - vai ông cò - rồi ém hơi nói nhỏ: “Bàn tay này chơi xập xám hoài coi chừng có ngày bị cảnh sát hỏi thăm”. Đang lúc diễn đoạn ông cò gặp lại người vợ sau nhiều năm xa cách, không thể phản ứng gì mà phải tỏ ra mùi mẫn, lâm ly, anh Mười chỉ biết đưa mắt “căm hờn” trừng Hồng Nga. Sau lớp diễn, anh Mười vào hậu trường tìm thì Hồng Nga đã trốn biệt, tới lớp mới lại lò dò ra sân khấu...
“Sống” nhờ Tình anh bán chiếu
Khi đã ở tuổi 80, NSND Út Trà Ôn vẫn đi ca trong các chương trình cổ nhạc mà Bích Phượng, con gái anh, tổ chức. Có lần gặp nhau, anh khoe: “Anh Bảy nè, hồi trẻ tui diễn biết bao nhiêu tuồng nhưng tới tuổi này chỉ “sống” nhờ vào mấy câu vọng cổ Tình anh bán chiếu của anh”.
Đi xe chung với nhiều người khiến anh mệt. NSND Ngọc Giàu và NS Kim Ngọc xáp lại rầy Bích Phượng: “Mày biết ba lớn tuổi rồi mà sao đi hát cứ kéo ổng theo hoài?”. Bích Phượng mếu máo: “Để ở nhà, ba đâu có chịu”. Vậy mà hễ tới nơi, bước lên sân khấu là anh Mười nhất định phải ca đủ 6 câu vọng cổ mới chịu xuống.
Kỳ tới: Cuộc tình Út Bạch Lan - Thành Được Khán giả hồi đó say mê những vai diễn của đôi nghệ sĩ tài danh Thành Được - Út Bạch Lan qua nhiều vở tuồng. Chính cuộc tình thắm đượm nhân nghĩa trên sân khấu đã xe mối lương duyên để cả hai trở thành đôi uyên ương ngoài đời...