Yên Lang là một trong những người Bạc Liêu đã từng đươc sự ái mộ của khán giả khắp nơi bằng ngòi bút của mình, một soạn giả bậc thầy đã từng tạo cơ hội cho nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, đã đem lại thành quả không nhỏ cho việc phát huy sân khấu cải lương, kịch bản của ông đa số đã trở nên quen thuộc đối với nhiều người trong suốt một thời gian dài. Tên thật của ông là Nguyễn Ngọc Thanh, lúc nhỏ có bút danh là Huyền Thanh Huyền. Yên Lang đã được chào đời năm 1940 tại Giòng Me – Cầu Kè, một vùng quê nghèo ở ngoại thành Bạc Liêu, nhưng lại là mảnh đất tốt đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, tác giả, những nhà văn hóa đã có những cống hiến tích cực cho quê hương xứ sở.
Năm 1955, Yên Lang về Sài Gòn tiếp tục học cho xong chương trình Trung học, ông học rất giỏi còn rất có khiếu về văn nghệ vì vậy ngay trong niên học đầu tiên ở đây, ông đã sáng tác vở kịch nói Đường lên ải bắc, kể lại đoạn Nguyễn Trãi tiễn cha là Nguyễn Phi Khanh ở biên thùy, được chọn là một trong ba học sinh giỏi dự trại hè Đà Lạt. Từ đó cuộc sống của ông dần dần thay đổi, có nhiều cơ hội tiến gần tới nghệ thuật, nhất là khi ông lập gia đình với nghệ sĩ Kiều Oanh (Trần Thị Kiều Oanh), con ông bầu đoàn cải lương Chấn Hưng, ông càng có dịp gần gũi và nghiên cứu bộ môn nghệ thuật độc đáo này.
Yên Lang hoạt động trong nhiều lĩnh vực, như: thơ, văn, kịch nói… nhưng cuối cùng ông nhận ra sở trường của mình là sáng tác kịch bản cải lương và ông đã thành công lớn trên phương diện này. Tác phẩm cải lương của ông có trên ba mươi vở, đa số là những vở rất nổi tiếng và rất quen thuộc trong giới mộ điệu. Vở đầu tiên của ông ra đời năm 1960, ông viết chung với Nguyễn Liêu mang tên Nắng chiều lên cổ tháp đã được đoàn Song Kiều sử dụng, vở thứ hai là Bếp lữa chiều ly biệt cũng viết chung với Nguyễn Liêu, do đoàn Bạch Vân dàn dựng. Từ đó đến năm 1975 có rất nhiều vở, như: Đêm lạnh chùa hoang, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Tâm sự loài chim biển (Yên Lang và Nguyên Thảo), Người đẹp Tây Thi, Bảo Biển, Bảo cát, Đường về quê ngoại (Manh áo quê nghèo), Nắng thu về ngõ trúc, Người phu khiêng kiệu cưới, Băng tuyền nữ chúa, Tình hận trên băng hồ, Hỏa sơn thần nữ, Trời lạnh sương khuya, Nhất kiếm bá vương, Ngựa hoang về núi, Pháo hồng tiễn bước em đi (Máu nhuộm sân chùa), Bẻ kiếm bên trời (Yên Lang và Thiên Lý), Quán khuya sầu viễn khách (Yên Lang và Hồng Điệp), Thằng điên trên bến Hạ (Yên Lang và Nguyên Thảo)... Sau năm 1975 có các vở: Khi rừng thu thay lá, Thủ lĩnh Cốc Sơn, Một chuyện tình buồn, Kỷ niệm thời con gái.
Vào khoảng năm 1960, ở Sài Gòn nói riêng cả Miền Nam nói chung do bị ảnh hưởng tình hình chính trị kinh tế không ổn định nên vật giá leo thang, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, các sinh hoạt xã hội đều bị hạn chế, đa số mọi ngườì chỉ tập trung giải quyết những nhu cầu chính của cuộc sống hàng ngày như ăn uống, trang phục, học hành… các nhu cầu về vui chơi giải trí không được chú ý lắm. Một số đoàn hát cải lương không hoạt động được phải tự giải thể, do đó đời sống của giới nghệ sĩ bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là đối với soạn giả vì khán giả càng ngày càng thưa, vé bán càng ít, tiền bản quyền thu nhập chẳng được bao nhiêu. Tiền bản quyền lúc bấy giờ không biết căn cứ vào đâu hay chỉ là thông lệ, mỗi soạn giả chỉ nhận được 5% tính theo doanh thu của mỗi xuất hát, nhưng số tiền 5% này chỉ được nhận trong năm mươi xuất hát đầu, còn xuất hát thứ năm mươi mốt về sau chỉ còn lại 4%.
Trước tình hình khó khăn đó, Yên Lang đã vận động một số soạn giả khác tổ chức một cuộc họp mặt để tìm ra giải pháp ứng phó những vấn đề không thuận lợi trước mắt. Thế là cuộc họp mặt đầu tiên được diễn ra ở một địa điểm bên cạnh rạp Quốc Thanh, hôm đó ngoài Yên Lang còn có mặt các soạn giả: Hoàng Khâm, Mộc Linh, Hà Triều, Hoa Phượng, Ngọc Điệp, Tuấn Khanh, Loan Thảo, Yên Ba và hai ký giả kịch trường là Phong Vân và Hoài Ngọc. Kết quả cuộc họp mặt, anh em đều thống nhất đòi nâng tiền bản quyền lên 6% doanh thu của mỗi xuất hát và tỷ lệ này không chỉ giữ ở năm mươi xuất hát đầu mà kéo dài không giới hạn thời gian. Sau đó là những cuộc họp khác với những nghệ sĩ lão thành tại trụ sở Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế ở đường Cô Bắc (Sài Gòn), thời gian kéo dài gần một năm mới chấm dứt. Kết quả của đề nghị nâng tiền bản quyền đã thành công, từ đó trở về sau soạn giả được hưởng 6% doanh thu của mỗi xuất hát.
Năm 1995, Yên Lang xuất cảnh, ông sang định cư ở Hoa Kỳ, nhưng dòng máu nghệ sĩ lúc nào vẫn lưu chảy trong châu thân, ông vẫn hoạt động nghệ thuật một cách hăng say như thời trai trẻ. Ngoài việc sáng tác ông còn có những hoạt động rất có ý nghĩa. Tiêu biểu nhất là việc ông đã góp phần vận động thành lập Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Hải Ngoại. Yên Lang cùng mười một nghệ sĩ khác đã liên lạc với nhau và cùng hình thành Ban Vận động, Ban Vận động có nhiệm vụ: Soạn thảo nội qui, tìm người tài trợ tổ chức Đại hội, kêu gọi các nghệ sĩ tham gia Hội để tương trợ với nhau. Với sự quyết tâm của Ban Vận động và được sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, Đại hội đã được tổ chức thành công tốt đẹp với hơn 400 đại biểu vào ngày 5 tháng 4 năm 2004 tại Nhà hàng Seafood World ở Nam California (Hoa Kỳ). Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành, Hội đồng Quản trị và Ban Giám sát. Yên Lang là một trong tám thành viên của Ban Giám sát. Phương hướng của Hội đã đề ra những việc rất có ý nghĩa : Tổ chức xây dựng đờn ca tài tử ; Xây dựng một sân khấu cải lương chuyên nghiệp ; Tổ chức giỗ Tổ Cổ nhạc hàng năm ; Tổ chức vinh danh những nghệ sĩ có công ; Tuyển chọn tài năng mới theo mô hình giải Thanh Tâm ngày xưa ; Tương trợ anh em nghệ sĩ trong các việc quan hôn tang tế ; Xây dựng trụ sở Hội quán Nghệ sĩ ; Thành lập một Webside trên mạng ; Thực hiện Đặc san Nghệ sĩ. Một tổ chức ra đời với hướng đi đúng đắn và tốt đẹp như thế chắc chắn sẽ phục vụ được một phần nào cuộc sống tinh thần của những nghệ sĩ đang sống ở nơi xứ lạ quê người. Yên Lang cùng các bạn đồng nghiệp của ông đã làm được một việc vô cùng tốt đẹp.
Yên Lang không những là một soạn giả có tài, có nhiều uy tín, đã có những kịch bản nổi tiếng được nhiều người hâm mộ, ông còn sáng tác rất nhiều bài thơ, lời thơ của ông bình dị nhẹ nhàng dễ gây cảm xúc, đa số nói về quê hương xứ sở, kể cả những bài thơ tặng bạn bè cũng chan chứa tình yêu quê hương, điển hình như bài Vĩnh biệt Thu An, trong đó có những câu “Nằm ở đầu sông nhớ gió. Chiều về chòi nhỏ nhớ sông” và “Ba năm không về một bận. Mẹ còn vá áo chờ trông”... Ông đang ở nơi đất khách xa xôi, nơi phồn hoa đô hội nhưng lúc nào cũng nhớ đến quê nhà, ông đã gởi tâm tư của mình trong bài thơ Mơ về Phú Quý “Tôi chưa đến nhưng tâm hồn thân thiết. Chia sẻ tâm tình lưu lạc phương xa. Những đứa con rời bỏ đất quê nhà. Nghe thương nhớ từng bãi xanh hòn đất ... ” hoặc “Anh có về thăm đất mẹ Tam Thanh. Cho tôi gởi ân tình thương Ngũ Phụng” hay là “Đất lạ trời xa những độ trăng buồn. Lòng vời vợi hương rừng thơm Núi Cấm” , bốn câu chót của bài thơ này càng biểu lộ nổi lòng thương nhớ quê hương của một người xa xứ “Tôi chưa một lần ghé thăm Phú Quý. Sao nghe lòng rào rạt mối tình quê. Những đứa con xa ai đã đi về. Cho tôi gởi bao nỗi niềm thân ái”. Tâm tư của Yên Lang càng thể hiện rõ ràng hơn trong bài thơ Đón mùa xuân mới, trong khi mọi người vui mừng chờ đón xuân sang thì ông lại rất buồn, buồn đến nổi phải nức nở thốt lên “Tôi đứng bơ vơ bên góc phố. Nghe lòng vời vợi mảnh tình yêu. Ly hương tính lại dài thăm thẳm. Đếm nốt đoạn trường cay đắng qua”. Tết là lễ hội trong đại của người Việt Nam, là ngày đoàn tụ gia đình, chúc phúc ông bà cha mẹ, vui chơi với thân nhân bạn bè, nhưng chính lúc ấy ông lại cô đơn nơi xứ lạ quê người, không biết nói với ai, chỉ biết nói với chính mình “Nhớ quá Sài Gòn đêm tháng chạp. Ngồi bên quán cũ đợi tin xa” và ông cứ ngồi nơi quán cũ ấy nhìn về hướng quê nhà nhớ sân khấu, nhớ người thân để cuối cùng đành phải “Cách xa ngàn dặm ngóng trông nhau”... Lời thơ của ông bình dị thật thà, không cầu kỳ khiên cưỡng, nhưng đã nói lên được tình cảm chan chứa của ông đối với nơi “cắt rún chôn nhau”.
Yên Lang gần như đã hiến dâng trọn vẹn cuộc đời của mình cho nghệ thuật, đóng góp của ông quả thật to lớn đối với sân khấu cải lương, các kịch bản Tâm sự loài chim biểm, Đêm lạnh chùa hoang, Máu nhuộm sân chùa, Mùa thu trên Bạch Mã sơn... đã một thời gây tiếng vang rất lớn. Tên tuổi của ông đã có một vị trí nhất định trong lòng khán thính giả suốt một thời gian dài. Và không chỉ riêng ông, mà gia đình của ông cũng có nhiều người tham gia hoạt động nghệ thuật, ngoài ông ra còn có em ông là Nguyên Thảo, con ông là Lam Tuyền, người đồng hương của ông là Quốc Khánh… đều là những soạn giả có tầm cở, đã có những đóng góp rất tích cực để phát huy nghệ thuật sân khấu cải lương.
Sưu tầm báo Phật Giáo Bạc Liêu