Lịch sử nền nghệ thuật hát bội truyền thống dân tộc nhất định phải dành cho Nghệ sĩ Nhân dân Thành Tôn một vị trí trân trọng, như một trong những ngôi sao sáng nhất của sân khấu tuồng thế kỷ XX. Không chỉ là một nghệ sĩ tài năng mà Thành Tôn còn là tấm gương về đức độ, lòng yêu nghề và sự nghiêm túc bền bỉ hiếm có trong lao động sáng tạo nghệ thuật.
Ngôi sao sáng bất ngờ
Sài Gòn mùa xuân năm 1941. Hàng loạt ban hát bội xuất hiện. Họ đua nhau “giành” những đào kép nổi tiếng. Họ cạnh tranh “đất” diễn quyết liệt, nhất là vào các dịp cúng đình, cúng Kỳ Yên. Những ban hát nào có nghệ sĩ nổi tiếng đương thời cỡ như đào Năm Sa Đéc, kép Mười Vàng thì mới được vô đình hát. Gánh nào chỉ có nghệ sĩ bậc trung, lượng sức mình không địch nổi, lặng lẽ... rút lui! Ban Cầu Muối chiếm thế thượng phong. Họ chiêu mộ hầu hết các đào kép nổi danh nhất. Dựa sức mạnh đồng tiền, muốn chơi ép các ban khác cho mất danh rã đám nên ban Cầu Muối đã thông mưu với các chủ hội đình đưa ra “luật” trên. “Thị trường” hát bội đang hồi “máu lửa”. Vĩnh Xuân ban của ông Bầu Thắng bị điêu đứng trước “luật chơi” của kẻ mạnh.
Lúc bấy giờ có một chàng trai miệt vườn mê nghề hát, từ Vĩnh Long lên Sài Gòn thử thời vận. Dáng người đậm chắc, đôi mắt sáng nổi bật trên gương mặt khôi ngô. Dáng bước nhanh nhẹn. Chàng diễn viên trẻ đã “liều” đề nghị ông Bầu Thắng cứ nhận lời yêu cầu “không tưởng” mà chủ hội đình đặt ra: phải có kép xuất sắc thủ diễn các vai Châu Do, Triệu Tử Long, lẫn cả vai hề Tạ Lôi Nhược! Một mình chàng nhận đóng tất cả các vai khó “gặm” ấy. Chưa biết tài sức chàng diễn viên đến đâu, nhưng vì sự “tồn vong” của gánh hát, ông Bầu Thắng đành phải “liều” nhận. Thật bất ngờ, chàng diễn viên tên tuổi còn lạ hoắc đã “thủ” các vai trên một cách xuất thần, thành công ngoài mong đợi, báo hiệu một ngôi sao sáng mới trên sân khấu tuồng.
Năm mươi năm sau, trong một lần trò chuyện với chúng tôi, chàng diễn viên ngày xưa nhớ lại thời điểm đẹp và ý nghĩa nhất sự nghiệp mình: “Lúc ấy, ai cũng bán tin bán nghi, vì họ chỉ biết tôi trước đó là dân hát cải lương. Nhưng đã cùng đường nên liều chấp nhận. Nếu hát không được thì phải tự giác dọn gánh ra khỏi đình tức khắc. Vậy là ráo riết tập dượt. Tới ngày diễn ai cũng lo, cũng hồi hộp. Nhưng kết quả thật bất ngờ. Khán giả khen dữ dội. Vậy là Vĩnh Xuân ban của Bầu Thắng thành “đại ban”, với kép chánh Thành Tôn vừa chân ướt chân ráo ở tỉnh lên, mà chinh phục được khán giả Sài Gòn khó tính. Từ đó, Vĩnh Xuân ban được mời hát khắp nơi nhưng với điều kiện: phải có kép Thành Tôn!”.
Biểu tượng sân khấu tuồng Nam Bộ
Thực ra thành công bước đầu của chàng nghệ sĩ tỉnh lẻ Thành Tôn chẳng phải “đột biến”. Đó là sự kết tinh từ dòng họ ba đời làm nghệ thuật. Đầu tiên là Nguyễn Thành Luông, tức Bầu Luông, chủ gánh hát Phước Long ban. Ông bà Bầu Luông đồng thời cũng là đào kép chánh. Kế tiếp, đời thứ hai là kép Hai Nở nổi danh khắp miền sông nước Tây Nam bộ. Mặc dù nghề hát bội xưa có một điều luật bất thành văn “không được hát liên tiếp ba đời”, nhưng Thành Tôn vẫn quyết chí nối nghiệp ông cha, mà hào quang cuộc đời sân khấu đã không hổ thẹn “con dòng cháu giống”.
Năm 14 tuổi, Thành Tôn bắt đầu học hát. Người thầy đầu tiên là kép Tư Nhuận. Chỉ mới những vai diễn phụ như con của Hoàng Phi Hổ, Phàn Diệm,... nhưng cậu bé Thành Tôn đã đóng rất “nghề”, thể hiện một năng khiếu bẩm sinh, đem lại niềm hy vọng lớn cho gia đình. Năm 1940, ông nội mất, Thành Tôn được đôn lên hát kép chánh. Mặc dù nổi danh ngay khắp đất “Chín Rồng” nhưng Thành Tôn cảm thấy mình vẫn là một anh kép chánh tỉnh lẻ. Muốn biết tài năng thực sự của mình ra sao thì phải lên Sài Gòn thử sức. Và chàng nghệ sĩ miệt vườn quyết chí dấn bước giang hồ... Nhìn lại hành trình nghệ thuật phong phú và sôi động của mình, ông từng thổ lộ: “Với tôi, vai nào tôi diễn cũng rất dễ “nhập”. Về kép văn có hai vai được khen ngợi nhiều nhất là Bá Ấp Khảo dạy đàn và Trần Nhựt Chánh hội tam thê. Về kép võ, hai vai Châu Do trong Châu Do Giang Đông phó hội và Triệu Tử Long trong Triệu Tử Long đoạt Ấu Chúa cũng được khán giả hết sức tán thưởng”.
Không chỉ thời trẻ trung ngang dọc, tài năng nghệ sĩ Thành Tôn còn có độ bền đáng khâm phục, khi ở tuổi lục tuần ông lại “xuất thần” với vai diễn Thái Kiệt được trao giải diễn viên xuất sắc năm 1980, rồi đoạt huy chương với vai Trần Liễu năm 1985 tại hội diễn sân khấu toàn quốc. Ngoài ra, nghệ sĩ Thành Tôn còn là một soạn giả tuồng, với nhiều vở từ lâu được dàn dựng, biểu diễn khắp Nam - Trung - Bắc và thu phát trên đài. Ông cũng là người thầy từ sân khấu đến nhà trường chuyên nghiệp, trực tiếp đào tạo nhiều học trò tài năng. Vào năm 1992, ông được Nhà nước phong Nghệ sĩ nhân dân trong đợt xét tặng đầu tiên. Sự nghiệp của ông trở thành một biểu tượng của sân khấu tuồng Nam bộ!
NSND Thành Tôn từng đứng ra thành lập ban Vân Hạc năm 1947, quy tụ nhiều nghệ sĩ hát bội ưu tú bấy giờ như Thiệu Của, Chín Luông, Hữu Thoại, cô Ba Út, Hai Nhỏ... Ba mươi năm sau, ông lại là một trong những thành viên sáng lập Đoàn Hát bội TP. Hồ Chí Minh. Trăn trở trước sự mai một của nghệ thuật hát bội, ông dành nhiều phần tâm lực cuối đời để nghiên cứu cách viết, cách diễn tuồng tích cho phù hợp hướng cảm thụ mới của khán giả; đồng thời hết lòng truyền đạt, nâng đỡ các nghệ sĩ trẻ. Theo ông, hát bội không bao giờ chết, nó vẫn tồn tại trong đời sống văn hóa dân tộc, qua lễ hội đình chùa miếu mạo. Nhà nước cần hỗ trợ, đầu tư đúng mức cho loại tuồng cổ truyền thống này. Đó là tài sản tinh thần quí báu của quốc gia. Hát bội với lối vũ đạo có tính ước lệ và cách điệu rất cao siêu mà các chuyên gia thế giới đã thừa nhận, đủ sức hấp dẫn cả những du khách yêu nghệ thuật nước ngoài...
Một nhân cách nghệ sĩ lớn
Thành Tôn cũng là nghệ sĩ từng vào bưng biền tham gia kháng chiến. Trở về Sài Gòn, ông được tổ chức phân công cùng các nghệ sĩ Trần Hữu Trang, Nguyễn Thành Châu, Hoàng Chỉ đứng ra thành lập Hội Ái hữu tương tế nghệ sĩ, mà thực chất là một tổ chức vận động nghệ sĩ tiếp tế hậu cần cho chiến khu. “Tôi gần gũi với cách mạng là nhờ hồi nhỏ được hai anh Trần Ngọc Bá và Lương Tử Mạnh dạy dỗ. Anh Bá dạy đàn. Anh Mạnh dạy viết tuồng. Hai anh là đảng viên kỳ cựu nương náu gánh Bầu Luông của ông nội tôi mà hoạt động”.
Mỗi lần có việc hầu chuyện vị nghệ sĩ lão thành, là mỗi lần chúng tôi được nghe ở ông nhiều điều thú vị. Ân cần và cởi mở, chân thành và sâu sắc, với nụ cười hóm hỉnh thường trực trên khuôn mặt đôn hậu, ông là người dễ gần, có sức thu hút. Ở tuổi bát tuần, trí nhớ cùng cách diễn đạt của ông cũng rất lớp lang, trôi chảy. Căn cứ lời kể chính ông lúc sinh thời, thì NSND Thành Tôn sinh năm 1913, tức đến khi qua đời ngày 8 tháng 11 năm 1997, ông thọ 84 tuổi. Trong đó, gần 65 năm ông gắn đời mình với ánh đèn sân khấu, với những vui buồn của cái nghề tổ tiên truyền lại mà khi lọt lòng mẹ ông đã “nhập”, đã yêu lấy và đem đến cho nó nhiều hào quang.
Người xưa dạy “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Vận vào cuộc đời và sự nghiệp NSND Thành Tôn, điều đó thật chí lý. Bằng tài năng và đức độ nghề nghiệp, ông là hiện thân của vẻ đẹp nghệ thuật hát bội truyền thống dân tộc. Bằng tình yêu và ý thức của người cha, ông đã cùng người bạn đời trăm năm, nghệ sĩ Huỳnh Mai, nuôi dạy và đem lại cho nghệ thuật, cho đất nước những người con nghệ sĩ tài danh (Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Lý, Bạch Long, Thành Lộc) xứng đáng với công nghiệp tổ phụ dày công vun đắp. Các thế hệ diễn viên nhớ đến ông như một người thầy đáng kính. Người hâm mộ sân khấu tuồng thương tiếc ông như một nghệ sĩ huyền thoại mà tài năng và nhân cách được mãi mãi truyền tụng. Trước phút lâm chung, NSND Thành Tôn còn dặn dò Thành Lộc cùng các con không được khóc than mà phải đưa tiễn ông bằng những nụ cười, đồng thời không được phép nhận tiền phúng viếng, linh cữu ông phải được quàn ở Trụ sở Ban Ái hữu Nghệ sĩ cho đi lại của đồng nghiệp nghệ sĩ và bà con đến viếng. Một lối hành xử đúng tính cách văn hóa miệt vườn Nam bộ!
Theo Trác Nguyên