1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Một bảng hiệu mới ra đời. Đó là đoàn Kim Chưởng – Thanh Hương. Trang kịch trường các báo ở Sài Gòn tung tin sốt dẻo: hai nữ nghệ sĩ CL lừng danh thành lập một đại ban mang tên mình và sẽ khai trương một ngày không xa. Dân Bạc Liêu yêu CL, bởi vọng cổ là đứa con máu thịt của bản xứ.


    Cải lương thuở ấy: Đoàn Kim Chưởng - Thanh Hương


    Người mộ điệu Sài Gòn thì xôn xao mong đợi, và đoán chắc rằng rạp Nguyễn Văn Hảo (tức rạp Công Nhân hiện nay) là điểm khai trương hoành tráng. Thế nhưng, sau đó báo đăng là đoàn Kim Chưởng - Thanh Hương sẽ về Bạc Liêu khai trương. Công chúng mê CL ở Sài Gòn bị hụt hẫng. Còn khán giả Bạc Liêu thì nao nức đợi chờ. Người viết bài này vui khôn xiết, lòng tự nhủ: ''Lạ quá, sao khai trương tại Bạc Liêu?'' Rồi bỗng nghĩ đến một sự kiện khá lý thú mấy năm trước...

    Năm 1952, hay 53 gì đó, anh tôi và tôi được mẹ dắt đi Sài Gòn chơi. Lên xe khách tại Bạc Liêu, chúng tôi ngồi chung băng ghế với một phụ nữ trung niên, tay bế một đứa bé trai trắng trẻo, cực đẹp và bụ bẫm. Quả rất đáng yêu! Mẹ tôi khen: ''Em bé dễ thương quá''. Người bế bé cười: ''Không phải con tôi đâu. Cháu là con cô đào Kim Chưởng. Bữa nay đem cháu lên Sài Gòn cho má nó thăm''. Anh em tôi trầm trồ, vuốt ve bàn tay dày bụp thơm sữa của bé mà lòng vui như gặp điềm may. Tôi thầm nghĩ rằng có lẽ quê cô Kim Chưởng là Bạc Liêu nên nhờ nhũ mẫu tại quê. Bây giờ, lập đoàn hát, về Bạc Liêu ra mắt là lẽ đương nhiên. Thập niên 70, ở Cần Thơ có khách sạn Kim Long của cô Kim Chưởng; danh hài Ngọc Trai (anh của NSUT Kim Cương) có quầy bán cơm tấm kế bên do cô Bảy Kim Chưởng giúp đỡ; tôi đoán ra danh từ riêng Kim Long là tên em bé đẹp trai mình gặp trên chuyến xe năm xưa. Có lẽ quê cô Bảy không phải là Bạc Liêu. Cô chọn địa danh này ra mắt đoàn hát, có lẽ do vấn đề phong thủy. Anh Ngọc Trai nói như vậy.

    Sẽ không có sự chào đời của Kim Chưởng – Thanh Hương (KC-TH) lếu đại ban Kim Thanh không gặp sự cố: giải thể. Đoàn hát Kim Thanh trước có được thành lập do bộ tứ ngôi sao ăn khách nhất: út Trà Ôn, Thanh Tao, Kim Chưởng, Thúy Nga liên kết, với một dàn diễn viên cực mạnh. Ngoài bộ tứ vừa kể còn có Ba Vân, cô Ba Kim Anh, Ba Trội, Thanh Lịch, Liễu Nhị, v.v... Diễn viên trẻ có Thanh Hương, Văn Minh (tức hề Minh), út Hậu, Mai Hoa, Thu Cúc,... Kim Thanh giải thể, báo giới chỉ loan tin, nguyên do thì không đề cập đến. Sau đó ít lâu, cô lập đoàn mới KC-TH.

    Giữa thập niên 50, Thanh Hương nổi lên như một hiện tượng. Thời điểm này, bản vọng cổ chuyển mình từ nhịp 16 lên 32 rất trữ tình, đủ sức dung chứa đa chiều tư tưởng của tác giả gởi gắm vào ca từ, đồng thời giúp nghệ sĩ bay bổng, thăng hoa khi thể hiện. Thanh Hương có chất giọng quý hiếm, đài từ rổn rảng của chất kim, khi bi cảm lại nhiều chất thổ. Chị có lối ca nhảy múa, khiêu vũ trên khung nhạc như út Trà Ôn. Ông út và cô Ba Kim Anh chói rạng từ cuối thập niên 40 như một tiền đề khơi thông một thế hệ dài lâu những danh ca lỗi lạc, mà cuộc tiếp nối tiền đề là những Hữu Phước, út Bạch Lan, Thanh Hương rồi những Thành Được, Tấn Tài, Minh Cảnh, Phượng Liên, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Dũng Thanh Lâm, Minh Vương, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Hoài Thanh, Thanh Nga, Thanh Sang, Hà Bửu Tân, út Hiền, Thanh Hải, Bạch Tuyết v v... Quả là một thế hệ vàng cổ kim hy hữu.

    Thanh Hương là con gái đệ nhất nữ danh ca Tư Sạng, ngoại mạo giống cha là đệ nhất diễn viên Năm Châu. Một lai lịch đáng nể nang! Chị có làn hơi giống mẹ, nhưng mới mẻ hơn nhờ ca vọng cổ nhịp 32 thay vì nhịp 16 như mẫu thân. Cô Bảy Kim Chưởng trước đó là đào chánh đóng cặp với út Trà Ôn. Cô xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu, hiển thị một ngoại hình lộng lẫy kiêu sa, trình thức diễn xuất linh động, hấp dẫn được khán giả mộ điệu tôn vinh đệ nhất danh ca bên một út Trà Ôn đệ nhất nam danh ca. Đến năm 1956, tờ nhật báo của ông Trần Tấn Quốc (chủ nhân giải Thanh Tâm từ 1958 về sau) mở cuộc trưng cầu bầu chọn các danh hiệu nghệ sĩ CL, cô Bảy Chưởng tuyên bố nhường danh hiệu đệ nhất nữ danh ca cho đàn em Thanh Hương. Và Thanh Hương đã đạt danh xưng này bên nữ, út Trà Ôn vần tại vị đệ nhất bên nam. Cùng đạt giải còn có Năm Châu Phùng Há là đệ nhất nam - nữ diễn viên; Việt Hùng : Kim Lan là đệ nhất kép đẹp – đào đẹp v.v…

    Đoàn KC-TH diễn tại Bạc Liêu mấy đêm, đêm nào cũng đầy ắp người xem. Hoàng hôn vừa xuống, tiền trường rạp Chung Bá sáng đèn, công chúng đã đứng đông nghẹt tiền sảnh. Phải chen lấn, bị xô đẩy cả khắc đồng hồ mới vào được khán phòng. Vở chủ lực khai diễn là Nụ cười đã tắt trên môi tím thuộc thể loại xã hội cận đại phương Tây. Thanh Hương hóa thân cô tiểu thư đa cảm sa vào lưới tình của gã phóng đãng Đồng Phong Cơ - Hữu Phước (vai độc mùi). Kết cuộc, cô chết (nụ cười đã tắt) trong cơn thảm sầu của chàng trai (Văn Chung) yêu đơn phương và sự sám hối của kẻ bạc tình Đồng Phong Cơ - Hữu Phước, Thanh Hương với làn giọng riêng: một người trầm khàn, người kia cao vút, sôi nổi; kỹ thuật nhịp trường canh cả hai đều chắc nịch tâm con quán quân, thao túng cung đàn huyền hoặc ru hồn khán giả vào cõi mộng du, khiến cho công chúng Bạc Liêu thánh địa cảm nhiễm sâu xa, để rồi òa vỡ ra thế nào là mê là ảo diệu của vọng cổ nhạc vua.

    Ngoài vở Nụ cười đã tắt, đoàn KC-TH còn có các soạn phẩm của tài hoa Thu An như: Nhặt cánh mai vàng, Tỉnh mộng rất hay. Nhặt cánh mai vàng, bên cạnh Hữu Phước – Thanh Hương là Tám Vân xuất thần vai lão nhân điên loạn; cô Bảy Kim Chưởng vai con gái lão điên. Cô vừa xuất hiện, sàn diễn đã nóng lên vì trình thức sôi động, kịch tính bốc cao. Cô Bảy ca Bắc phải nói rằng rất độc đáo, vừa chắc nhịp, vừa giòn giã, sôi nổi, hùng hồn rất đặc trưng hơi Bắc.

    Vở Tỉnh mộng, cô Thúy Nga vai cô lái đò, em của Lý Anh Huy - Hữu Phước; Tám Vân vai vua Chiêm Thành; Liễu Thị vai người mẹ của Anh Huy; Thanh Hương vai Hoàng Phi của vua Chiêm, gốc người Việt nên luôn hướng về Tổ quốc Lý Anh Huy là kẻ lưu vong, bị vua Chiêm lợi dụng, phong tước, đem hùng binh trở vê xâm chiếm Việt Nam (tác giả Thu An dùng từ Việt Nam là không chính xác, vì quốc hiệu của ta khi ấy là Đại Việt). Khi đoàn quân đến bờ sông, Anh Huy vênh váo gọi đò; gặp mẹ và em mà chẳng biết (vì Huy lưu vong từ nhỏ). Người mẹ căm hận nguyền rủa, Anh Huy điên tiết giết mẹ.

    Thúy Nga diễn lẳng tài tình lớp ở bến đò, gặt hái nhiều tràng cười. Nhưng khi mẹ bị anh giết chết, hài thân tốc hóa bi. Thúy Nga và Hữu Phước ca Lý con sáo lan tỏa từ trường thổn thức bao người: ''Báu kiếm đây... anh lãnh của người Chiêm bang / anh mang nó về Việt Nam / về Việt Nam anh giết mẹ hiền / anh đoạn nghĩa sinh thành...''. Tiếp sau là mấy câu vọng cổ của Thanh Hương, Hữu Phước, can gián, thức tỉnh lâm ly, bi đát trong nước mắt. KC-TH thắng lợi vẻ vang tại Bạc Liêu. Thời gian ngắn sau, đoàn trở lại địa linh vọng cổ. Cũng complete khán giả. Nhưng chỉ duy nhất một đêm. Ngày thứ nhì, đoàn biến mất, không kèn, không trống. Hỏi ra mới biết: các quý ông lính kín (công an) địa phương có ''hảo ý'' mời các đào hát của đoàn đến tư gia hâu rượu cho các ngài uống. Bỏ đi là phải. Bởi nghệ sĩ chân chính không thể khuất phục trước ác bá, cường quyền.




    Hồ Quang (Nguồn tin: Báo sân khấu)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 6 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    10Cuong (23-05-2012), DOHOANG (23-05-2012), MEM (23-05-2012), romeo (23-05-2012), Thanh Hậu (23-05-2012), trieuton (24-05-2012)

  3. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    Tròng thời gian này, em rất thích giọng ca cô Kim Chưởng và cô Năm Cần Thơ, hay cực kì !
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 2 Users Say Thank You to Thanh Hậu For This Useful Post:

    Phong_Vũ (24-05-2012), romeo (23-05-2012)

ANH EM CHANNEL