Cải lương trôi nổi
NSƯT Thanh Thanh Hiền (vai Hồ Xuân Hương), Trương Hoàng Long (vai người cha) trong Bà chúa thơ Nôm - vở diễn sẽ sáng đèn ở rạp Kim Châu từ cuối tháng này - Ảnh: M.Châu
Cuối tháng 9 vừa qua, rạp Hưng Đạo - “thủ phủ cải lương” của TP.HCM - đập bỏ để xây mới. Cải lương TP.HCM bắt đầu thời kỳ “trôi nổi”.
Đoàn Nhà hát Trần Hữu Trang sẽ đóng tại rạp Thủ Đô (125A Châu Văn Liêm, Q.5). Đơn vị này bao gồm đoàn 1, đoàn 2, nhóm Thắp sáng niềm tin, nhóm xã hội hóa Vũ Luân, lực lượng khá đông. Q.5 là địa bàn có đa số người Hoa, nên cải lương chưa chắc... dễ thở. Tuy nhiên, ông Quốc Hùng, Giám đốc nhà hát, than: “Rạp Thủ Đô cũng xuống cấp lắm rồi, nhưng không tạm trú ở đó thì đi đâu?”.
Nhóm Sân khấu Vàng của NSƯT Minh Vương - Lệ Thủy sẽ về rạp Nam Quang (147 Cách Mạng Tháng 8, Q.3) của ông bầu Phước Sang. Nhưng rạp này chỉ 600 ghế, ít hơn rạp Hưng Đạo khoảng 300.
Nghệ sĩ Kim Tử Long dường như rất “máu lửa” khi trong tình hình như vậy mà lại dám cho ra đời nhóm cải lương xã hội hóa của mình. Được ông bầu Phước Sang chia sẻ lịch diễn kịch tại rạp Đại Đồng (130 Cao Thắng, Q.3), anh nói: “Tôi ưu tư cho cải lương quá, thôi thì sức mình tới đâu đóng góp tới đó. Dự kiến sẽ ra mắt 3 vở, với sự cộng tác của bạn bè và các chuông vàng vọng cổ Lê Văn Gàn, Cao Thúy Vy...”.
Nghệ sĩ Linh Huyền có cổ phần trong công ty giải trí của NSƯT Hồng Vân, nên sau một thời gian diễn vở Bà chúa thơ Nôm tại Nhà hát TP.HCM đã được Hồng Vân chuyển giao rạp Kim Châu (15-17 Nguyễn Thái Bình, Q.1) để sử dụng hẳn cho thỏa lòng đam mê. Linh Huyền sẽ dựng một loạt vở lịch sử như Sương Nguyệt Anh, Nguyễn Bỉnh Khiêm... ra mắt vào tối thứ bảy. Còn chủ nhật sẽ là vở xã hội. Chị cũng mời gọi các anh em nghệ sĩ khác cùng tham gia dàn dựng, đầu tư cho cải lương sáng đèn thường xuyên.
Các nhóm Vũ Linh, Kim Thoa, hoặc đoàn tập thể Thanh Nga lâu lâu mới diễn thì sẽ hợp tác với rạp nào “rảnh” và có khán giả. Có thể họ sẽ nhờ đến các sân khấu kịch.
400 ghế nhưng 700 vé mời
Cải lương đang hồi khó khăn, nên khi nghệ sĩ C. nỗ lực đứng ra thành lập một chương trình hát miễn phí thì khán giả vô cùng hoan nghênh. Thế nhưng, mới đây khán giả cũng buồn lòng phản ánh cung cách tổ chức của chương trình này, mấu chốt ở chỗ của cho không bằng cách cho.
Khán phòng chỉ khoảng 400 ghế, không hiểu sao có đến gần 700 vé mời. Thế là mọi người nhốn nháo vì không đủ chỗ ngồi. Vé mời lại không ghi số ghế, càng nhốn nháo hơn. Ban tổ chức đã bắc thêm cả trăm ghế súp nhưng cũng thừa ra quá nhiều người. Khi khán giả lên tiếng đề nghị lần sau mời đủ chỗ và ghi số ghế đàng hoàng, thì một vị quản lý rạp nói: “Vé mời mà còn đòi hỏi”. Thật tình, mời kiểu đó chắc cũng không ai muốn đi xem.
Hoàng Kim (Theo báo Thanh Niên Online)