NDĐT- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa ban hành Thông tư số 06/2010/TT-BVHTTDL “Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú”. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 30.8.2010. Giảm bớt số lượng cấp hội đồng xét tặng, thay đổi và bổ sung một số tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu là những điểm mới trong Thông tư.
Ông Vương Duy Biên,
Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Nghệ thuật Biểu diễn
thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
Ông Vương Duy Biên – Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.
PV: Thưa ông, phải chăng Thông tư mới được ban hành có cái nhìn “thoáng hơn” so với những quy định trước đây?
- Có thể nhìn như vậy, theo tôi với 4 chương, 15 điều, Thông tư lần này đã có phần chặt chẽ hơn, tạo hành lang pháp lý để các cấp Hội đồng xét phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, các đơn vị nghệ thuật, cá nhân nghệ sĩ có thể tường tận chi tiết những tiêu chí cũng như quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu một cách cụ thể. Trong đó quy định số lượng huy chương rất chi tiết: “Có nhiều giải thưởng nghệ thuật loại Vàng và Bạc, trong đó có ít nhất hai giải Vàng quốc gia hoặc quốc tế, tính từ thời điểm sau khi được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú” (Đối với xét tặng NSND), “Có nhiều giải thưởng nghệ thuật Vàng và Bạc, trong đó có ít nhất hai giải Vàng quốc gia hoặc quốc tế” (Đối với xét tặng NSƯT).
PV: Vì sao lại lấy giải Vàng quốc gia là giải Bông Sen Vàng và Huy chương Vàng của hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc làm chuẩn để xét tặng?
- Theo tôi, do đặc trưng của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, do các cuộc thi, các cuộc liên hoan nghệ thụât có quy mô và tiêu chí khác nhau nên về nghệ thuật điện ảnh, truyền hình lấy giải Bông sen Vàng của Liên hoan phim quốc gia làm chuẩn, về nghệ thuật biểu diễn, lấy HCV của Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc làm chuẩn cũng là điều xác đáng.
Bên cạnh việc lấy HCV và Giải Vàng quốc gia làm chuẩn thì Thông tư cũng linh hoạt khi đưa ra một phần riêng đó là các giải thưởng trong nước hoặc quốc tế khác được áp dụng quy đổi dựa theo tiêu chí nghệ thuật, theo quy mô, tầm cỡ của Liên hoan phim quốc gia hoặc của Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Các cụm từ “Có nhiều giải thưởng nghệ thuật loại Vàng và Bạc” và phải có “ít nhất 02 giải Vàng quốc gia hoặc quốc tế” là cơ sở để cân nhắc về thành tích cá nhân, số lượng huy chương và chất lượng giải thưởng của từng nghệ sĩ khi xét tặng.
PV: Mở thêm tiêu chí đặc cách cho các nghệ sĩ có tài năng đặc biệt xuất sắc cũng như xét tặng giải thưởng của cá nhân trong giải thưởng tập thể… rõ ràng chứng tỏ các nhà soạn thảo Thông tư đã có cái nhìn cởi mở và thực tế hơn?
- Đúng vậy. Điểm mới nhất của Thông tư lần này đó là việc đặc cách phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú giành cho các nghệ sĩ có tài năng đặc biệt xuất sắc, đoạt giải thưởng cao tại các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp lớn của quốc tế hoặc có thành tích nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, đạt nhiều giải thưởng cao ở cấp quốc gia được đặc cách xét phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Quy định này sẽ tạo cơ hội lớn cho những nghệ sĩ trẻ tài năng có hưng phấn sáng tạo để vươn lên đạt những thành tích nổi trội, không phụ thuộc vào số năm hoạt động nghệ thuật. Dư luận thời gian qua cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng việc cá nhân muốn được xét tặng không có giải thưởng cá nhân thì phải có tới 5 giải thưởng tác phẩm chung là bất hợp lý. Chính vì vậy lần này trong Điều 6 - Vận dụng thành tích nghệ thuật của tác phẩm tính thành tích cho cá nhân của Thông tư đã cải cách khác: “Trường hợp tác phẩm (bao gồm vở diễn sân khấu, bộ phim, chương trình nghệ thuật ca, múa, nhạc, xiếc, rối, tạp kỹ) được giải Vàng thì cá nhân tham gia với tư cách là thành phần chính của tác phẩm đoạt giải Vàng để tính thành tích cho cá nhân.
PV: Việc rút ngắn còn ba cấp hội đồng xét phong tặng danh hiệu cũng làm đơn giản quy trình xét tặng?
- Trước việc xét tặng phải qua năm cấp hội đồng nay theo Thông tư mới chỉ còn có ba cấp Hội đồng xét phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng cấp Bộ, Ngành, tỉnh và Hội đồng cấp Nhà nước. Thành phần của Hội đồng cấp cơ sở gồm 5 – 7 thành viên, trong đó có: Thủ trưởng đơn vị nghệ thuật cơ sở (Chủ tịch Hội đồng), Phụ trách nghệ thuật của đơn vị, nghệ sĩ có uy tín về chuyên ngành nghệ thuật, phụ trách công tác tổ chức, cán bộ, phụ trách công đoàn, 1 hoặc 2 NSND, NSƯT là đại diện cho giới. Hội đồng cấp Bộ, Ngành, tỉnh gồm 11 – 15 thành viên gồm có: Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng phụ trách nghệ thuật (Chủ tịch Hội đồng), thủ trưởng và phụ trách các đơn vị hoạt động nghệ thuật, một số nghệ sĩ có uy tín chuyên môn chuyên ngành nghệ thuật, đại diện của Hội VH-NT chuyên ngành TƯ, một hoặc một số NSND, NSƯT là đại diện cho giới. Riêng đối với Hội đồng cấp Bộ của Bộ VHTTDL, Bộ trưởng Bộ VHTTDL ủy quyền, giao nhiệm vụ cho Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn và Cục trưởng Cục Điện ảnh phối hợp với Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng giúp Bộ trưởng thành lập Hội đồng cấp Bộ. Hội đồng cấp Nhà nước thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Theo tôi vai trò của hội đồng các cấp, đặc biệt là hội đồng cơ sở vô cùng quan trọng. Đặc biệt là trong việc xét tặng các giải thưởng trong nước, hoặc quốc tế khác được áp dụng theo quy đổi dựa theo tiêu chí nghệ thuật, theo quy mô và tầm cỡ cần phải có sự thống nhất và phù hợp với từng trường hợp.
PV: Mức thưởng mới căn cứ theo % mức lương tối thiểu có tăng giá trị mức giải thưởng cho từng danh hiệu?
- Bên cạnh nhận Huy hiệu, Bằng chứng nhận danh hiệu mức tiền thưởng cho danh hiệu NSND và NSƯT đã được nâng lên gấp gần 3 lần số tiền thưởng cũ: “đối với danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân là 12,5 lần mức lương tối thiểu chung, đối với danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú là 9,0 lần mức lương tối thiểu chung” (theo Điều 2. Quyền lợi của người được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú). Quy định giá trị tiền thưởng theo mức lương tối thiểu là sự linh hoạt và phù hợp với sự biến động của thời giá thị trường hiện nay.
PV: Xin cảm ơn ông.
Theo NGÂN CA – Báo Nhân Dân