Khi nói về ai đó có công ơn, cưu mang hay từng có sự giúp đỡ hết sức lớn lao đối với ta cần phải ghi nhớ mãi mãi, dân gian ta hay dùng thành ngữ “sống tết chết giỗ”. Hàm ý câu này được biểu trưng qua một cách nói ẩn dụ từ thực tế: Khi người ta chịu ơn còn sống thì ta phải nhớ lễ tết cho chu đáo, còn khi người đó mất rồi, ta phải nhớ cúng giỗ nghiêm chỉnh theo phong tục. Đó là lẽ thường đối với tứ thân phụ mẫu mỗi người. Nhưng còn có những người khác mà nghĩa ơn sâu đến nỗi họ cần phải được ứng xử như vậy trong cuộc sống. Đó là những người thầy từng dạy dỗ ta.
TỪ MỘT CÂU CA DAO…
Mồng một thì đi tết cha/ Mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy. Câu ca dao này trong dân gian còn tồn tại khá nhiều dị bản, nghĩa tương đồng cũng có, nghĩa hơi khác cũng có (Mồng một ăn tết nhà cha/ Mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy; Mồng một tết mẹ, tết cha/ Mồng hai tết chú, mồng ba tết thầy…). Nhưng dù có nói theo cách nào đi nữa thì câu chuyện lễ nghĩa ở đây cũng chỉ xoay quanh trong “ba ngày tết” (Đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết). Đây là khoảng thời gian chủ chốt, là tiêu điểm của các hoạt động hướng về cái Tết cổ truyền thiêng liêng của dân tộc ta (Sang ngày mồng 4, mồng 5 chẳng hạn, không khí tết vẫn còn nhưng cảm xúc và ý nghĩa của nó đã giảm đi nhiều).
Vấn đề đáng nói là các nhân vật được “tết” (và khi chết được “giỗ”) ở đây chỉ có 3: cha, mẹ và thầy. Cha được hiểu là người đàn ông trực tiếp sinh ra ta, là hiện thân của “họ hàng bên nội”. Cũng nghĩa đó, mẹ là hiện thân của “họ hàng bên ngoại”. Còn thầy tức là thầy dạy học. Ngày xưa, nói chung ở các gia đình gia giáo nền nếp, con cái được gửi gắm cho các thầy đồ dạy dỗ ngay từ tấm bé. Thầy đồ nuôi cho ăn, dạy cho chữ nghĩa thánh hiền và cách thức ứng xử ở đời. Quyền uy của thầy rất lớn, có khi còn lớn hơn cả cha mẹ. Điều đó cũng nói lên quan niệm về chữ hiếu và chữ đạo của cha ông ta ngày xưa rất rõ. Nước ta nằm trong vùng ảnh hưởng đậm nét của Nho giáo (Trung Quốc) vốn coi trọng mọi mối quan hệ xã hội theo thuyết tam cương ngũ thường (tam cương chỉ ba mối quan hệ trong đạo làm người là: vua - tôi, cha - con, chồng - vợ; ngũ thường chỉ năm đức tính chủ yếu mà người đời phải trọng thị: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Vậy mà ngay cả tiết nghĩa quân thần (vua - tôi) kia cũng phải đứng sau nghĩa thầy - trò. Vua đang xa giá, gặp thầy dạy học của mình cũng phải xuống ngựa từ xa mà chắp tay cung kính vái chào. Triều đình gặp hệ trọng, vua và quần thần bàn bạc nghĩ chưa ra, nhiều khi phải vời thầy dạy vào cung để thỉnh cầu và nghe lời chỉ giáo...
Vậy là cùng với cha mẹ - những người mà ta phải mang nặng công ơn sinh thành (Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra) - thầy dạy kia chính là người ta phải “ghi xương khắc cốt”, không thể quên mỗi khi tết đến xuân về. Phan Kế Bính, trong Việt Nam phong tục viết rằng: “Học trò mới vào học gọi là nhập môn, phải kiếm buồng cau lạy yết kiến thầy hai lạy. Lúc học gặp khi mồng năm ngày tết như Tết Nguyên Đán, Tết Thanh Minh, Tết Đoan Dương, Tết Trung Thu, mùa nào thức ấy, hoặc cặp gà thúng gạo, hoặc đường mứt bánh trái, hoặc dăm ba quan tiền, tùy tình đa thiểu mà đem đến lễ thầy”. Thầy không khác gì cha mẹ của ta, mà có khi, còn hơn thế nữa…
…ĐẾN MỘT CÂU TỤC NGỮ
Dân gian ta hay truyền tụng một câu tục ngữ: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Tục ngữ này có gốc Hán, đọc theo âm Hán - Việt. Nếu giải nghĩa từng thành tố, ta có: nhất = một, tự = chữ, vi = là, bán = nửa, sư = thầy. Nghĩa đen của câu này là “Một chữ là thầy, nửa chữ (cũng) là thầy”. Hàm ý của nó nhằm nhắc nhở mỗi chúng ta về đạo thầy trò ở đời. Rằng “chúng ta phải biết ơn người dìu dắt, dạy dỗ mình, dù chỉ là điều nhỏ nhặt nhất”. Đó chính là “lẽ thường (topos)” tối thiểu ở đời trong thiên hạ xưa và nay.
Nhưng phải chăng, câu tục ngữ trên đã được xây dựng trên một lối nói hơi ngoa ngôn, cường điệu? Bởi ta đi học là để thu nhận một hệ thống kiến thức rất rộng, đủ để thành nghề, thành tài. Tri thức có thể ít, có thể nhiều. Song với “nhất tự (một chữ)” và “bán tự (nửa chữ)” có lẽ chẳng là cái gì cả. Người xưa còn có câu Tự vi sư (Chữ làm ra thầy). Thầy thực sự phải chứa trong đầu cả một “biển” chữ. Ta học thầy, chí ít cũng phải được truyền dạy một khối lượng cơ bản của cái “biển chữ” ấy mới “đắc đạo”. Vậy một hai chữ kia ăn nhằm gì? Lão Tử từng nói: Bất độc ngũ xa thư bất thành thi sĩ (Chưa đọc tới năm xe sách, chưa thể thành nhà thơ).
Tục ngữ Nhất tự vi sư, bán tự vi sư chứa đựng cả một quan niệm sâu sắc của dân gian về sự học, về đạo thầy trò. Bất kì ai, đã là học trò thì cần phải học bắt đầu từ những kiến thức sơ đẳng nhất. Có thế thì họ mới có cơ sở để tiếp tục mở mang kiến thức cao hơn để đi xa hơn. Người thầy luôn luôn là một đối tượng cần phải tôn kính. Thầy phải là người cao hơn một bậc về tri thức, về tư cách, về tầm nhìn. Không có thầy, chúng ta khó có cơ hội trau dồi, tiến bộ mọi mặt để lớn lên “thành người” và “thành tài”. Vì vậy, khi đi học, người ta luôn có thái độ trân trọng, “ngước nhìn” lên thầy với sự ngưỡng mộ, coi thầy là thần tượng để hướng theo. Nhất nhất mọi cử chỉ, lời dạy của thầy đều là khuôn thước của sự học hỏi. Không hiếm những học trò, sau này thành danh phương trưởng, vẫn có nét “hao hao” giống thầy về cử chỉ, cách nói, vốn tri thức… Và cũng không hiếm học trò kính thầy, mê thầy mà… “phải lòng” thầy! Nói chung người ta không khuyến khích quan hệ đó, bởi học đường luôn là nơi tôn nghiêm, đúng mực. Nhưng chúng ta cũng biết rằng, từ sự quý trọng, ngưỡng mộ đến tình yêu chỉ cách nhau chưa đầy nửa bước. Cần tỉnh táo mà không nên sa đà quá mức vào tình cảm riêng tư.
Câu Tiên học lễ, hậu học văn như một khẩu hiệu treo trang trọng ở mỗi cổng trường cũng có ý nhắc nhở chúng ta cần có thái độ ứng xử sao cho đúng, cho “phải đạo” với mọi người quanh ta, trong đó đặc biệt là đối với thầy cô. Trong học đường, điều trước hết phải rạch ròi: Thầy ra thầy, trò ra trò. Lòng kính trọng thầy cô là một biểu hiện cao nhất của niềm tin và tình yêu của học trò trên con đường trau dồi học vấn. Không thầy đố mầy làm nên. Có ai trên đời này giỏi giang, thành đạt mà lại không nhờ bàn tay dìu dắt của những người thầy đích thực?
Có lẽ không ít học sinh đã từng đọc cuốn Núi đồi và thảo nguyên của nhà văn Xô viết Ch.Aimatôp. Chắc hẳn các em không thể quên truyện “Người thầy đầu tiên” với những tình tiết vô cùng cảm động. Trong truyện, nhân vật Đuysen trong mắt cô học trò Antưnai (sau này đã trở thành một viện sĩ) không chỉ là một người thầy mà còn là một người cha, người anh, người bạn vô cùng đáng yêu và đáng kính. Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng từng tôn Đại văn hào Nga L.Tônxtôi là bậc thầy.
Trong thực tế, chúng ta bắt gặp không ít những người thầy đáng quý. Họ có thể trực tiếp dạy ta trên bục giảng. Hoặc họ chỉ là một người bình thường, đôi lần chỉ giáo cho ta những điều mắc mớ mà nếu không có họ, ta không thể nào “gỡ” được. Đó là những tấm gương, những bài học để chúng ta noi theo. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư là câu nói làm thấm thía hơn những bài học đó. Ngày xưa đã thế và ngày nay vẫn thế… Tôn sư trọng đạo là một trong những đạo lí cơ bản trong lẽ làm người và chính đạo lí này đã làm nên nét đẹp đậm chất nhân văn nhất mà tổ tiên còn truyền lại cho chúng ta hôm nay: Muốn sang thì bắc phù kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy (ca dao)./.