Bài vọng cổ "Giọt sữa cuối cùng" của soạn giả Trọng Nguyễn ra đời đã hơn sáu năm, hát về một câu chuyện có thật, một người mẹ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, làm thổn thức trái tim nhiều người.
Năm 1997, soạn giả Trọng Nguyễn bấy giờ là chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, đã mời tôi viết kịch bản văn học cho bộ phim tài liệu Bạc Liêu quê hương tôi dài bốn tập, do Hãng phim Giải Phóng thực hiện. Khi đi thu thập tài liệu cho tập phim chiến tranh đánh Mỹ ở Bạc Liêu tôi mới phát hiện câu chuyện về chị Nguyễn Thị Tư, ở ấp Trung Hưng I, xã Vĩnh Hưng anh hùng
Hồi đó Vĩnh Hưng dù chỉ là một xã nhưng được địch coi là một vùng quan trọng bậc nhất bởi đây là vùng áp sát tiểu khu Bạc Liêu, điểm xuất phát các trận đánh có thể làm mất an ninh vùng ven đô thị Bạc Liêu; đồng thời Vĩnh Hưng còn là chiếc nôi cách mạng từ kháng chiến chống Pháp cho đến đánh Mỹ. Chỉ là xã thôi mà Vĩnh Hưng có cụm pháo với hai khẩu 105mm, một tiểu đoàn bảo an. Ngoài ra, tiểu đoàn 411 cũng được điều động phụ trách vùng này. Chưa kể nghĩa quân, dân vệ, tề điệp... được bố trí đều khắp các ấp.
Lực lượng như thế cùng với tàu chiến, máy bay địch đã chà đi, xát lại, làm tan hoang, xơ xác những cụm rừng lồi lõm da beo ở Vĩnh Hưng. Vậy mà căn cứ Mỹ Trinh - nơi đảng bộ và lực lượng vũ trang của xã (có lúc có cả lực lượng huyện Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu về trú đóng) vẫn bám trụ chiến đấu. Ông Năm Dỏng, xã đội trưởng, chồng của chị Nguyễn Thị Tư - nhân vật trong bài ca nói trên của Trọng Nguyễn, giống như một “hung thần” làm sa sút tinh thần chiến đấu của địch. Hễ ông Năm Dỏng viết thư cảnh cáo tên tề điệp, ác ôn nào thì chắc chắn kẻ ấy cũng phải đền nợ máu. Ông còn chỉ huy nhiều trận đánh xuất thần mà địch không bao giờ ngờ được.
Sau khi tìm mọi cách để giết ông Năm Dỏng nhưng không thành, cuối cùng địch bày mưu bắt chị Nguyễn Thị Tư để buộc chị khai ra những căn hầm bí mật ở khu căn cứ Mỹ Trinh. Theo lời cô Tám Bò, bạn từ thời con gái cũng là người chứng kiến cái chết của chị Nguyễn Thị Tư, chị Tư sinh năm 1937 trong một gia đình nghèo, đông con. Sáng chị chèo xuồng ra chợ bán mớ rau, con cá để giúp mẹ nuôi em, trưa về lại ra đồng cấy lúa đến tối mịt.
Dòng sông Vĩnh Hưng nên thơ với đôi bờ lá dừa nước soi bóng, cánh đồng Vĩnh Hưng xanh thẫm, bao la thẳng cánh cò, người Vĩnh Hưng chân chất, hiền hòa... đã nuôi dưỡng cô thôn nữ mảnh mai với một vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm. 17 tuổi, chị Tư yêu anh Năm Dỏng. Đám cưới của chị và anh Năm diễn ra ngày 16-12-1945. Mấy năm sau thì chị sinh cho anh được ba đứa con. Căn nhà lá của anh chị bao giờ cũng rộn rã tiếng cười. Việc gì anh Năm cũng làm thay chị nên chị sướng như tiên, gót chân vẫn đỏ, mái tóc vẫn bồng bềnh như thời con gái.
Đình chiến chưa được bao lâu thì Mỹ nhảy vào, chiến tranh lan rộng; anh Năm Dỏng vào cứ Mỹ Trinh chiến đấu, để lại chị Tư đầu tắt mặt tối nuôi con thay chồng. Ngoài nỗi lo an nguy cho anh Năm, chị còn thắc thỏm lo cho ba đứa em ruột cũng ở Mỹ Trinh. Chị mở thêm một cái quán cóc để có lý do đi ra chợ Vĩnh Hưng mua hàng tiếp tế cho anh em trong cứ. Mỗi đợt pháo chụp xuống Mỹ Trinh là hai tiếng đồng hồ sau người ta đã thấy chị tất tả chạy vào cứ xem ai còn ai mất. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy mà chị Tư vẫn trụ được, vẫn gánh vác việc nuôi con thay chồng và vẫn tiếp sức cho cách mạng.
Xã ủy Vĩnh Hưng nhận được tin mật báo về ý đồ của bọn chỉ huy tiểu khu Bạc Liêu, cùng lúc đó lại nhận được tin ở xã Minh Diệu bọn chúng đã giết chết vợ của đồng chí Hai Hoàng, thường vụ huyện ủy Vĩnh Lợi, nên chỉ đạo cho chị Tư phải bỏ trốn khỏi xã. Chị Tư gửi ba đứa con lớn cho bà ngoại giữ, còn mình thì ẵm đứa con gái út mới hơn 10 tháng tuổi đi khỏi ấp Trung Hưng I, tá túc nhà bà Hai Đẩu để sáng xuống đò đi ra Láng Tròn lánh nạn.
Khoảng 6g chiều ngày 14-7-1972, một đại đội bảo an nhận lệnh đi bắt vợ xã đội trưởng Năm Dỏng ập đến sau khi đã lùng sục khắp ấp Trung Hưng I. Không thể thuyết phục được chị Tư chỉ hầm ông Năm Dỏng và du kích Mỹ Trinh, đám lính bảo an đánh đập chị tơi tả. Những người chứng kiến hôm đó còn nghe rõ trong bộ đàm lệnh của đại úy Phước, tiểu đoàn trưởng bảo an: “Giết nó, cắt lỗ tai đem về cho tao” sau khi tên chỉ huy ra điện về tiểu khu xin ý kiến.
Biết chúng sắp giết mình, từ trong cõi mê man chị Tư chợt tỉnh lại, lần đầu tiên người ta nghe chị van xin bọn lính cho chị được cho con bú lần cuối. Chị Tư đứng dậy vững chãi, vạch bầu vú cho con bú. Không lâu sau đó, đám lính giành lấy đứa bé và lôi chị đi cách đó khoảng 100m, bắn chị chết và cắt một vành tai của chị trong tiếng khóc thét hãi hùng của đứa bé chưa tròn 2 tuổi.
Lê Mỹ Linh, giọt máu cuối cùng chị Tư để lại, giờ đã 36 tuổi, bằng tuổi của mẹ lúc qua đời. Gia cảnh Linh đề huề, có chồng và hai đứa con xinh xắn, học giỏi.
Khi tôi đưa cái chết bất khuất của chị Nguyễn Thị Tư vào tập phim, nghệ sĩ Trọng Nguyễn bảo câu chuyện ấy đã gợi cảm hứng cho ông sáng tác. Sau đó bài ca vọng cổ Giọt sữa cuối cùng ra đời, nhanh chóng được công chúng mến mộ. Cùng với kịch bản bốn tập phim, tôi còn viết bài trên báo Bạc Liêu đề nghị chính quyền nhìn nhận một cách thỏa đáng về cái chết của chị Nguyễn Thị Tư. Chị đã được công nhận là liệt sĩ, nấm mồ của chị cũng được qui tập về nghĩa trang liệt sĩ.
The Following 4 Users Say Thank You to caphephaphin For This Useful Post:
Duongtonhu
Mấy năm trước chú Trọng Nguyễn có tặng DTN tuyển tập bài hát của chú, hoàn cảnh ra đời của: Giọt Sữa Cuối Cùng, Chợ Mới, Quê Anh Quê Em, Đối Mắt...
Giọt Sữa Cuối Cùng là bài hát chú tâm đắc nhất, DTN muốn wính lên nhưng ngày qua ngày quên mất. Nay thấy em trai nhanh tay hơn, đọc thấy vui vui hen mà thông tin thì hoàn toàn khác.
Nếu nghe lại bài nầy, mình thích giong của Giang Bích Phương nhất.
The Following 3 Users Say Thank You to Duongtonhu For This Useful Post:
MEM
Đúng là bài này rất hay, chỉ gói gọn trong 01 bài ca cổ mà nhiều tâm trạng cảm xúc và ý nghĩa. Có nhiều nghệ sĩ ca bài này quá, chắc tập hợp làm 01 album bài này quá! hihi