Tối nay Cải lương Số có 5 anh em đi xem cùng 2 người nhà.
Dù cũng còn ít nhiều cái khó nhưng cách dàn dựng và hát live hoàn toàn đã làm cho khán phòng chật ních người xem thỏa mãn. Những tràng pháo tay vang lên từng chập từ đầu tới cuối vở cho từng câu thoại, lời ca đã thuộc nằm lòng cho thấy sự thành công của cả ekip.
Đi ngồi trên lầu hơi xa nên hình chỉ mang tính chất minh họa, hy vọng anh em ko đi được cảm được không khí của chương trình và tiếp tục ủng hộ đêm 9/3 sắp tới (nếu còn vé). hihi
Ngoài ra, còn có 1 vài clip do người bạn quay bằng điện thoại chơi, nếu xem lại thấy đẹp, MEM cũng sẽ chia sẻ với cả nhà.
Mời các anh em đi xem cùng vào chia sẻ thêm cảm nhận về đêm diễn nhé.
Phải nói là lâu lắm rồi mới được chứng kiến cảnh khán giả phải xếp hàng để vào rạp xem một vở cải lương. Khán phòng Nhà hát Bến Thành hôm nay chật ních người xem, trên lầu cũng không còn một chổ trống nào.
Khán giả kéo đến rạp với số lượng đông như vậy (trong thời buổi cải lương gặp nhiều khó khăn như hiện nay) là điều dễ hiểu vì họ đến để xem một vở tuồng cải lương quá là kinh điển từ mấy mươi năm trước, lại được phục dựng với dàn nghệ sĩ đa phần là ngôi sao. Trong số họ, có người là chứng nhân lịch sử (như NSƯT Thanh Sang, NSƯT Bảo Quốc, Xuân Lan, Kim Hương....), được diễn, được sống lại và hoài niệm về những phút giây của ngày xa xưa ấy; có người là những ngôi sao đương thời như NSND Lệ Thủy, NSƯT Vũ Linh, NS Phượng Liên,...... được hòa mình cùng lịch sử để cùng ôn lại cái giai đoạn hưng thịnh của ĐCL Thanh Minh - Thanh Nga. Tất cả họ cùng góp công sức để phục dựng lại vở cải lương này.
Bên cạnh NSƯT Vũ Linh với giọng ca ngọt ngào và vóc dáng thư sinh rất hợp với vai Trần Minh thì sự xuất hiện của NSƯT Thanh Sang trong lớp Trần Minh đã đỗ Trạng Nguyên thật sự làm cho khán giả xúc động. Tuy rằng do bệnh tật mà bước đi của chú nhiều khi không vững nhưng giọng ca thì không thể chê vào đâu được, mỗi khi chú dứt lời ca ở một trường đoạn nào đó thì y như rằng cả khán phòng đều dành cho chú những tràng vỗ tay không ngớt. Có lẽ chú cũng không ngờ có ngày mình được sống lại với nhân vật Trần Minh của ngày nào.
NS Phượng Liên hơi ca còn khá tốt. Vai Quỳnh Nga của cô làm cho khán giả chợt nghĩ như là NSƯT Thanh Nga vẫn còn đâu đây.
NSƯTTrọng Phúc với lợi thế về hình thể rất hợp với vai Nhuận Điền, một anh chàng nông dân tráng kiện.
NS Xuân Lan diễn lại vai cũ của cô, tuy đã nhiều năm không còn đứng trên SK nhưng hôm nay cô ca rất ngọt ngào, hơi ca khỏe. NSND Lệ Thủy diễn phân đoạn đối đáp cùng nàng Quỳnh Nga được khán giả nhiều lần tán thưởng.
Hai nghệ sĩ hài gạo cội Hồng Nga - Kiều Mai Lý diễn vai Tiểu Loan khá duyên, dù tuổi tác của hai cô không còn trẻ nữa.
NSƯT Út Bạch Lan tuổi đã 80 nhưng giọng ca của bà sao mà ngot lịm và mùi mẫn quá. Ở cái tuổi đó giờ SKCL còn được mấy người còn đứng trên SK ca diễn được đâu. Tiếc là giây phút Trần Bá Mẫu chết chắc là do ý đồ của ekip dàn dựng hay sao mà không được "cảm" cho lắm.
NSƯT Hữu Châu phát huy được cái "uy" của Quan huyện ở màn đầu (sau đó anh nhường vai lại cho chú ruột của mình là NSƯT Bảo Quốc để đóng vai lính hầu triều đình). Còn NSƯT Bảo Quốc phân đoạn Quan huyện nhận ra công chúa Bích Vân thì khá hài và duyên.
Diễn viên hài Gia Bảo (bầu show chương trình này) - cháu nội của NSƯT Bảo Quốc, cháu cố của bà bầu Thơ - cũng xuất hiện trên SK trong vai quân hầu (dù nhân vật không được thoại câu nào) để hòa mình cùng các nghệ sĩ, cùng ôn lại cái quá khứ lẫy lừng của dòng tôc mình.
Trên SK, ekip dàn dựng đã cho treo 5 cái mirco cổ, loại mà ngày xưa các đoàn cải lương dùng cho diễn viên hát, kéo lên kéo xuống theo vị trí của nghệ sĩ như một cách hoài niệm.
Nhìn chung, vở diễn hôm nay đáng để xem và nghe.
Khán giả trân trọng công sức lao động của toàn bộ ekip, đã thăng hoa trên SK, đã ca diễn hết mình dù đa phần các nghệ sĩ đều không còn trẻ nữa.
Cảm ơn gia đình NSƯT Bảo Qước đã cho phục dựng kịch bản này với những người thật - việc thật, những chứng nhân lịch sử còn sót lại để khán giả có cơ hội thưởng thức vở tuồng mà đã đi vào lòng công chúng mộ điệu cải lương từ mấy mươi năm trước.
Trước khi tuồng diễn, chú Bảo Quốc có lên tặng hoa và cám ơn nhà thơ soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà, người một thời làm phó đoàn Thanh Minh Thanh Nga.
Sau đó, Đàm Vĩnh Hưng được giới thiệu để tái hiện hình ảnh ca ngoài màn với bài hát Mưa rừng - một tác phẩm gắn liền với đoàn và một bài hát tự chọn - Về đâu mái tóc người thương - như để nhắc nhớ mái tóc đẹp đã đi vào huyền thoại của thần tượng của anh - Thanh Nga.