1. romeo
    Avatar của romeo
    Có lẽ không còn từ nào khác để diễn tả về vở diễn hôm qua ngoài 2 từ “tuyệt tác”, một buổi tiệc thơ làm hài lòng tất cả khách thơ. Lâu lắm rồi khán giả mới được thưởng thức một đêm biểu diễn nghệ thuật đích thực như vậy.



    NS Điền Thanh- Photo:Nirvana


    Sách sử xưa kể rằng năm 1072 vua Lý Thánh Tông băng hà, Đông cung Càn Đức lên ngôi lấy niên hiệu là Lý Nhân Tông, vua còn nhỏ tuổi nên Linh Nhân Thái hậu Ỷ Lan buông rèm chấp chính. Tháng 3 năm 1076, nhà Tống sai Tuyên phủ sứ Quảng Nam (Quảng Đông- Quảng Tây ngày nay) là Quách Quỳ làm Chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem 10 vạn quân tinh nhuệ, 1 vạn ngựa chiến và 20 vạn dân phu, hợp với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lấn Đại Việt. Quân Tống tiến theo 2 đường thủy, bộ vào Đại Việt, đường thủy do Hòa Mâu chỉ huy, đường bộ do Quách Quỳ chỉ huy. Ở trên sông Vân Đồn (Quảng Ninh), Lý Kế Nguyên đã chặn đánh thủy binh nhà Tống, làm thất bại kế hoạch hội quân của quân giặc. Lý Thường Kiệt đã lập phòng tuyến ở bờ nam sông Như Nguyệt (một khúc sông Cầu) để chặn đánh quân Tống.
    Và bài thơ của tất cả chúng ta bắt đầu từ việc quân dân đang cùng xây đắp phòng tuyến sông Như Nguyệt để ngăn chặn quân Tống. Có một thanh niên yêu nước tên gọi Lý Ngân (nghệ sĩ Điền Thanh thủ diễn) đã chế tạo ra cỗ mộc xa nhằm tiết kiệm thời gian, công sức của dân phu đắp lũy xây thành. Sự hăng hái của chàng trai yêu nước đã bị Vệ Uông (nghệ sĩ Công Minh thủ diễn) - một tên gián điệp nhà Tống tác động, hắn trao cho chàng bức thư của Thượng Dương hoàng hậu và sau đó là mảnh chiến bào đẫm máu với những dòng huyết thư (giả mạo) của phụ thân chàng là tướng quân Lý Quán. Tất cả nhằm tác động đến lòng hiếu kính của Lý Ngân với cha mình, vu cho Lý Thường Kiệt vì muốn tranh đoạt đầu công cùng tướng quân Lý Quán nên đã hại cha chàng, kích động Lý Ngân tìm cách tận tru Lý Thường Kiệt nhằm trả thù cha.
    Éo le thay, Lý Ngân và Hạnh Hoa (nghệ sĩ Tú Sương thủ diễn) - nghĩa nữ của Lý Thường Kiệt đã trao lời ước hẹn. Nay vì thù cha, chàng đành cắn răng dứt tình với người thương. Bài thơ lúc này được xử lý đẹp như tranh khi Lý Ngân hồi tưởng cảnh 2 người trao lời ước hẹn. Mối tình đẹp đó nay chàng đành cam dang dở vì chữ hiếu nặng hơn chữ tình. Tôi rất thích nét diễn bằng ánh mắt của nghệ sĩ Điền Thanh ở trường đoạn này, anh không chọn cách diễn nhăn mặt, nhíu mày để diễn tả những giằng xé nội tâm mà đã chọn cách xử lý bằng ánh mắt. Một ánh mắt rực lửa hờn căm khi lầm tưởng cha mình chết do bị người mưu hại, nhưng cũng ánh mắt ấy lại thật buồn và u uẩn xót xa khi nhắc đến người thương, biết rằng người ấy không có tội nhưng vẫn cố tự thuyết phục mình là nàng có tội, biết rằng sự khép tội “vì nàng là con gái của kẻ thù” này là khiên cưỡng, nhưng chàng cần nó để thêm can đảm dứt tình.
    Cơ hội trả thù của Lý Ngân đã đến khi chàng được vời vào triều yết kiến Linh Nhân Thái hậu (nghệ sĩ Bạch Lê thủ diễn) và Thái úy Lý Thường Kiệt (nghệ sĩ Thanh Bạch thủ diễn), chàng đã nhân cơ hội được biểu diễn tài nghệ xạ tiễn côn quyền mà buông tên hành thích quan Thái úy. Trước hành động không thể tha thứ đó, Thái hậu đã truyền lệnh xử trảm Lý Ngân. Nhưng Thái úy Lý Thường Kiệt đã xin lệnh Thái hậu tạm giam chàng vào ngục thất để hỏi rõ nguồn cơn. Cảnh Lý Ngân trổ tài xạ tiễn là một cảnh biểu diễn vũ đạo hay và chuẩn của nghệ sĩ Điền Thanh, mỗi động tác của anh đều toát lên vẻ kiêu dũng của chàng thanh niên trẻ, tự tin ở tài nghệ của mình, quyết trả thù cha. Khi quyết định buông tên nhắm thẳng vào “kẻ thù”, tất cả mọi đau đớn nội tâm dường như đều dồn hết vào mũi tên oan nghiệt đó! Xung đột nội tâm đã được đẩy đến đỉnh điểm và vỡ òa khi tên đã rời cung! Nghệ sĩ Thanh Bạch đã phối hợp diễn xuất nhịp nhàng với nghệ sĩ Điền Thanh trong lớp diễn này, tạo nhiều cảm xúc cho khán giả.
    Sau khi tạm giam Lý Ngân, Thái hậu cùng Thái úy và triều thần bàn việc triều chính. Trước họa giặc Tống ngoài biên ải, Thái úy Lý Thường Kiệt lại nhắc Thái hậu việc mời lão thần Lý Đạo Thành về triều tham gia việc nước. Trước sự e ngại của Thái hậu, Thái úy Lý Thường Kiệt đã hết lời bảo tấu, cuối cùng Thái hậu đã chấp thuận. Và vượt trên những hiềm khích nhỏ nhen của chốn Tam cung lục viện, Thái hậu cũng công bố với triều thần về quyết định phục chức cho Hoàng hậu Thượng Dương nhằm đoàn kết hoàng gia trước họa giặc ngoài xâm lấn. Bà đích thân đến tận lãnh cung để báo tin cho Thượng Dương Hoàng hậu (nghệ sĩ Xuân Yến và nghệ sĩ Thanh Loan đồng thủ diễn). Thượng Dương Hoàng hậu, sau khi tiên đế băng hà được 3 ngày thì bị biếm vào lãnh cung, ngày qua ngày cùng 2 cung nữ tâm phúc là Thanh Mai (nghệ sĩ Kim Duyên thủ diễn) và Liễu Huệ (nghệ sĩ Xuân Thu thủ diễn), bà nuôi lòng oán hờn và căm ghét Linh Nhân Thái hậu. Bà có ngờ đâu, bao lâu nay, 2 cung nữ mà bà cho là tâm phúc đã bị tên gián điệp Vệ Uông mua chuộc, không ngớt chất đầy và trói chặt sự oán hờn Thái hậu Ỷ Lan trong lòng bà. Mỗi động tác ra tay, ra bộ, mỗi lời thoại của nhân vật đều được bộ ba nghệ sĩ Xuân Yến - Xuân Thu - Kim Duyên chú ý đến từng chi tiết. Diễn xuất kỹ, mỗi điệu bộ đều có chứa nhiều hàm ý nên nghệ sĩ Xuân Thu dù là vai phụ nhưng đã nhận được những tràng vỗ tay của khán giả (Chỉ tiếc là lúc đầu micro của chị gặp trục trặc, ảnh hưởng ít nhiều đến sự tập trung diễn xuất của chị nhưng nhờ vậy mà phát hiện ra một điều là thời gian không làm mất đi sức vang và sự lảnh lót trong giọng nói, giọng hát của chị, vẫn cao và rõ). Bởi sự oán hờn nên Thượng Dương Hoàng hậu không tin khi Thái hậu Ỷ Lan báo tin bà sẽ được phục chức, trong suy nghĩ của bà cuộc chiến giữa 2 người đàn bà có lẽ sẽ không bao giờ chấm dứt.
    Từ khi Thái hậu chấp thuận mời lại Lý Đạo Thành tham gia triều chính, ngày đêm Thái úy Lý Thường Kiệt trông ngóng tin nghĩa phụ. Và niềm mong mỏi ấy đã chuyển thành sự mừng vui khi đón nghĩa phụ Lý Đạo Thành (nghệ sĩ Trường Sơn thủ diễn) trở về. Tạo hình của nghệ sĩ Trường Sơn khi diễn lớp Lý Đạo Thành trở về triều rất thuyết phục, khi chú vừa xuất hiện trên sân khấu đã nhận được những tràng pháo tay của khán giả. Tôi không nghĩ đó là chú Trường Sơn hiền hòa vui tính mình đã gặp trong những ngày tập tuồng, mà thật sự đó là chính là lão thần Lý Đạo Thành. Mỗi bộ bước chân đi, mỗi động tác phất tay áo, vuốt râu, nhíu mày khi dò ý quan Thái úy, hay đôi bàn tay run run, vuốt mồ hôi khi đọc bức huyết thư giả mạo mà Lý Ngân trao lại… đều toát lên cốt cách của người chí sĩ, kiêu hãnh mà lại rất thanh tao, nghiêm khắc nhưng cũng đầy tình cảm. Khi phát hiện cháu mình vì nông nổi hồ đồ mà lầm mưu kẻ khác, ông rất giận và đau đớn, giận vì cháu hồ đồ, thiếu suy xét mà hóa thành “ngu muội”, đau đớn vì “đây chính là đứa cháu cuối cùng của chi tộc” dù thương nhưng theo phép nước vẫn phải xử cho đúng tội. Tôi chú ý cách nghệ sĩ Trường Sơn nhấn nhá từng lời thoại, chú ý động tác trao trả gươm lệnh, cũng có nghĩa là để cho quan Thái úy tùy nghi xử tội cháu mình theo phép nước. Thanh gươm bình thường không nặng nhưng nay sao lại nặng trong tay người chí sĩ thế này! Đến đây thì ai cũng có thể đoán được Thái uý Lý Thường Kiệt sẽ hành xử như thế nào, chàng trai trẻ vì thiếu xét suy mà lầm mưu kẻ khác, nhưng có đủ đức tài cùng góp sức gìn giữ non sông. Vì vậy, ông tha tội cho Lý Ngân và hứa sẽ xin với Thái hậu cho chàng đoái công chuộc tội.

    Lớp diễn tại triều đình, khi Thái hậu phong chức Bình chương quân quốc trọng sự cho Lý Đạo Thành, phục chức cho Thượng Dương Hoàng hậu và cảnh xuất quân ra trận là lớp diễn mà tôi chờ đợi nhất, bởi vì tâm điểm là 4 gương mặt gạo cội, đầy kinh nghiệm và bản lĩnh sân khấu của gia tộc Minh Tơ, tuyến nhân vật phụ cùng tham gia lớp diễn này cũng là những nghệ sĩ đầy kinh nghiệm, giỏi vũ đạo: nghệ sĩ Bạch Long, nghệ sĩ Thanh Sơn, nghệ sĩ Chí Bảo, nghệ sĩ Xuân Trúc. Và thực sự tôi đã không thất vọng, sự chờ đợi đã được đền đáp bởi một lớp diễn quá tuyệt vời. Nghệ sĩ Bạch Lê diễn hay đến từng chi tiết nhỏ. Tưởng như vai diễn của chị sẽ có phần chìm khuất trước 2 vai diễn của nghệ sĩ Trường Sơn và nghệ sĩ Thanh Bạch, nhưng không, vẻ uy nghi, trí tuệ và sự quyết đoán của một bậc mẫu nghi buông rèm nhiếp chính đã được chị thể hiện xuất sắc. Cảnh Thái hậu chính thức phục chức cho Thượng Dương hoàng hậu, diễn xuất của chị và nghệ sĩ Thanh Loan phối hợp ăn ý đến không ngờ. Một người vì vận nước, xoá bỏ tỵ hiềm riêng vì không muốn “cái loạn của đàn bà từ chốn cung viên sẽ tiếp tay cho cái loạn giặc thù cướp nước”. Một người thì chỉ nghĩ uy quyền và địa vị của riêng mình. Vòng tay mở rộng đón chờ nhưng không được đáp lại của Thái hậu Ỷ Lan, vòng tay ôm ngọc ấn của Hoàng hậu Thượng Dương cho thấy sự khác biệt trong suy nghĩ và là sự báo hiệu cho sự ngăn cách giữa 2 bậc mẫu nghi sau đó. Vượt lên trên tất cả, trước đòi hỏi của giặc thù, buộc triều đình phải giao nộp long bào và ngọc ấn, Thái hậu vẫn thể hiện bản lãnh và sự quyết đoán của mình, bởi “Văn có Lý Đạo Thành, võ có Lý Thường Kiệt, nước Đại Việt ta miên trường vĩnh cửu!”. Tôi đã nín thở khi nghe giọng thoại trong đoạn diễn này của nghệ sĩ Bạch Lê, tất cả toát lên sự tự tin khi bà đang có sự phò tá của những bề tôi trung thành, lương đống và trên hết đó là lòng tự tôn của cả một dân tộc với lịch sử bất khuất oai hùng. Cảnh tróc mã xuất quân là một cảnh diễn tạo hiệu ứng xúc cảm rất lớn nơi tất cả khán giả có mặt trong khán phòng, lời ca hay, vũ đạo của nghệ sĩ, kế cả các vai quân sĩ đều chuẩn và đẹp. Đến giờ phút này mà bên tai tôi vẫn nghe văng vẳng từng lời “Nhìn người dân Nam, đang ao ước một ngày, một ngày vinh quang… quê hương ngày nay, quê hương ngày mai…”, chẳng cần chi những bài học khô khan giáo điều về lòng yêu nước, chỉ cần một lớp diễn này thôi cũng đủ làm sục sôi bầu máu nóng của bất cứ ai rồi.
    Lớp diễn ở phòng tuyến sông Như Nguyệt lại đẹp ở khía cạnh bi hùng. Giặc liên tục đêm ngày khiêu chiến nhưng Quốc công Thái uý vẫn kiên quyết án binh bất động. 2 Thái tử Hoằng Chân và Chiêu Văn, vì nóng lòng đã trộm lệnh Quốc công tự ý xuất trận. Cảnh diễn này là đất để nghệ sĩ Bạch Long và nghệ sĩ Xuân Trúc biểu diễn sở trường vũ đạo của dòng họ, mọi động tác dù chỉ là ước lệ nhưng vẫn đẹp và toát lên chất dũng mãnh của những võ tướng. Và tạo hình nhân vật của nghệ sĩ Xuân Trúc khi diễn cảnh Thái tử hy sinh chỉ có thể dùng một từ để nhận xét: đẹp - cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tôi và người bạn ngồi kế bên cùng chung ý nghĩ: với vóc dáng đó, khuôn mặt đó, vũ đạo chuẩn và giọng ca khoẻ như vậy, giá như sân khấu cải lương luôn giữ được phong độ như thời hoàng kim thì nghệ sĩ Xuân Trúc hoàn toàn có thể trở thành một anh kép chánh.
    Cảnh Quốc công Thái uý Lý Thường Kiệt cùng 2 tuỳ tướng đi thuyền trên sông xem xét thế giặc lại là một cảnh biểu diễn vũ đạo tuyệt vời nữa, sự phối hợp của 3 nghệ sĩ Thanh Bạch, Thanh Sơn và Chí Bảo đã làm cho khán giả như tôi quên đi đây là sân khấu mà tưởng chừng như đang nhìn thấy tiền nhân đi thuyền trên dòng Như Nguyệt. Cảnh diễn này đã nhận được những tràng vỗ tay không ngớt của khán giả cả khán phòng. Và khi cảm xúc dâng tràn, Quốc công Thái uý đã phóng bút nên bài thơ Thần bất hủ:
    “Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
    Tiệt nhiên định phận tại thiên thư,
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.”
    Đoạn ngâm này nghệ sĩ Thanh Bạch đã xử lý khác cách xử lý trước đây của nghệ sĩ Hữu Cảnh, nếu giọng ngâm của nghệ sĩ Hữu Cảnh vang và sang sảng thì nghệ sĩ Thanh Bạnh đã tận dụng chất giọng trầm ấm rất riêng của mình. Giọng ngâm trầm ấm và động tác múa bút đề thơ của anh phối hợp với những động tác dâng nghiên mài mực, soi đuốc của nghệ sĩ Thanh Sơn và nghệ sĩ Chí Bảo đã tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Cái đẹp của hồn thiêng nước non đồng vọng, cái đẹp của lòng người vì nước quên thân. Kịch tính của bài thơ được nối dài từ cảnh xuất quân ra trận cho đến tận lúc này. Quốc công Thái uý hẳn đã tìm ra phương cách và thời điểm phản công đuổi giặc.
    Dù bận việc quân nhưng Thái uý vẫn quan tâm đến con mình, dành thời gian hàn gắn lại mối duyên tình cho đôi trẻ Hạnh Hoa và Lý Ngân, đó là cái tình của người cha hết dạ thương con. Đồng thời ông giao cho Lý Ngân nhiệm vụ về kinh thành trình mật thơ đề nghị gửi binh lương cứu viện, đồng thời bắt cho được tên gián điệp Vệ Uông.

    Tại cung Linh Phụng, trong khi triều đình và quân dân đang ngày đêm chống giặc thì Hoàng hậu Thượng Dương lại đang mê mải với những thỏi bạc - lợi nhuận thu được sau mỗi chuyến hàng của Vệ Uông. Ở cảnh diễn này, so với bản dựng cũ đã có sự chỉnh sửa một chi tiết cho phù hợp với lịch sử, đó là khi Vệ Uông đề nghị Hoàng hậu viết mật thơ hàng phục nhà Tống, bà đã thẳng thừng từ chối, bà nhận thức được “đó là bán nước”. Bức mật thơ bằng chứng sau này là do Vệ Uông, lợi dụng việc bà viết thơ cho phu nhân của mình, với sự tiếp tay của Thanh Mai và Liễu Huệ, lừa bà uống trà có thuốc mê rồi cầm tay bà thảo thơ và ấn ký. Bản dựng cũ ghép tội oan cho bà là người chủ động bán nước, bản dựng hôm nay lý giải việc có bức mật thơ bằng chứng kia là do bà đã bị lợi dụng. Nhưng vì lòng đố kỵ, ghen hờn không thể xoá bỏ được với Thái hậu, Hoàng hậu đã không tỉnh táo trước những lời xúi giục của Vệ Uông và 2 cung nữ, đã xúi giục nhị vị Vương phi vợ của 2 Thái tử đến dinh quan Tể chấp Lý Đạo Thành đòi làm rõ ngay gian cái chết của chồng, đòi giao nộp Lý Thường Kiệt cho quân Tống.
    Lớp diễn xử tội Thượng Dương Hoàng hậu là lớp diễn không kém phần kịch tính của cả một bài thơ. Không phải là tâm điểm diễn xuất chính trong lớp diễn này nhưng nghệ sĩ Điền Thanh vẫn làm cho khán giả bật vỗ tay khi anh ca và diễn những giằng xé nội tâm của một đứa cháu, buộc lòng phải tố cáo cô mình tội bán nước cầu vinh. Tình gia tộc khiến cho anh không nỡ, nhưng nợ nước non vẫn nặng hơn tình riêng. Nghệ sĩ Thành Lộc đảm nhận vai diễn Thái sư Tể chấp Lý Đạo Thành trong lớp diễn này. Một khán giả lớn tuổi như mẹ tôi, đã từng quá ấn tượng với diễn xuất của nghệ sĩ Thanh Tòng của bản dựng ngày xưa, đã phải thốt lên từ “xuất sắc” khi xem diễn xuất của nghệ sĩ Thành Lộc. Anh đã làm cho tất cả chúng tôi hết sức bất ngờ khi phối hợp nhịp nhàng, ăn ý với nghệ sĩ Thanh Loan, nghệ sĩ Bạch Lê. Cái thần của Lý Đạo Thành được anh thể hiện trọn vẹn qua từng ánh mắt, điệu bộ và từng lời thoại, lời hát. Bài hát Lý cây bông “Gương xưa trị nước đành dẹp tình riêng lo việc chung……lòng thần đã quyết!”, chữ “quyết” cuối cùng được anh nhấn giọng một cách kiên quyết, làm cho Hoàng hậu khiếp sợ, Thái hậu nể vì cái uy vũ của vị quan văn đầu triều. Nghệ sĩ Thanh Loan, như nhận xét của người bạn ngồi bên, diễn vai diễn ruột nên hay không thể chê. Từng cái run rẩy, nhăn mặt, nhíu mày, từng lời thoại, lời hát đều được chị chăm chút sao cho biểu đạt được đầy đủ ý nghĩa nội tâm của nhân vật. Nghệ sĩ Bạch Lê cũng vậy, giận dữ đó khi biết rằng kẻ âm mưu hàng phục nhà Tống là Thượng Dương Hoàng hậu nhưng cũng thương cảm cho số phận của người, không nỡ xuống tay xử án gia hình vì dẫu sao cũng là “người nội tộc hoàng gia”, việc chuyển trạng thái tâm lý từ giận dữ sang thương cảm đã được chị xử lý rất ngọt. Vì thế quyết định phê án “biếm lãnh cung trọn đời” đối với Hoàng hậu có thể làm cho một vị quan văn nghiêm khắc như quan Tể chấp Lý Đạo Thành hiểu và thông cảm. Tiếng cười rồi sau đó chuyển sang tiếng khóc của cả 3 người sau khi Thái hậu phê chiếu nghe sao mà đau, mà xót. Việc Hoàng hậu Thượng Dương tự xử bằng cách uống độc dược cũng là một cách xử lý khéo léo và hợp lý của bản dựng lần này. Vì ghen hờn, oán hận mà bị quân thù lợi dụng nhưng sự tự tôn, chút lòng tự trọng của một bậc mẫu nghi, của một người dòng dõi lá ngọc cành vàng và hơn hết của một con dân nước Việt, tự cảm thấy mình có tội, bà đã tự xử tội mình, không van xin hay chờ đợi sự khoan dung của Thái hậu. Bà muốn người đời sau đừng cho là “Thượng Dương Hoàng hậu này là kẻ mãi quốc cầu vinh”.
    Tôi muốn dành đôi dòng chữ để nói về vai Vệ Uông của nghệ sĩ Công Minh, đây là vai sở trường của chú nên không có điểm gì để chê về diễn xuất, thật sự ấn tượng với nét mặt và nhất là giọng cười. Vai diễn này là vai thắt và mở những kịch tính, xung đột chính của vở diễn. Má tôi ngồi kế bên, khi nghe giọng cười của chú đã nói “Má thách con cười được như vậy đó!”.
    Vở diễn kết thúc, khán giả vỗ tay không dứt, dường như không ai muốn về. Một không khí rất xúc động, tưởng như cải lương đang ở trong thời hoàng kim - những năm 80 của thế kỷ trước. Kịch bản Câu thơ yên ngựa là một kịch bản hay, có nhiều lớp diễn để nghệ sĩ thể hiện và theo chủ quan của riêng tôi, chính nó phát pháo khởi đầu, tạo đà thắng lợi cho những kịch bản lịch sử Việt Nam không thể nào quên sau này của đoàn Minh Tơ: Tô Hiến Thành xử án, Bão táp Nguyên Phong, Giai nhân và dũng tướng, Cánh nhạn mù sương…
    Có thể nói, ngoại trừ một số trục trặc về kỹ thuật âm thanh và sự phối hợp của ánh sáng (đi xem tập tuồng nên thuộc hết các xử lý của đạo diễn, chỗ nào trục trặc là biết liền à!), đêm diễn hôm qua đã thành công rực rỡ. Sân khấu thiết kế đẹp, gợi hình và biểu cảm. Phục trang thiết kế rất đẹp và sang trọng, màu sắc trang nhã, không chói chang loè loẹt mà vẫn rạng rỡ dưới ánh đèn, nghệ sĩ biểu diễn hết mình, từ vai chính đến vai phụ đều cháy rực lửa nghề trên sân khấu. Và khán giả, khán giả đêm qua rất nhiều lứa tuổi, từ khán giả lớn tuối, fan xa xưa của Minh Tơ như má tôi, rồi lớp khán giả mê mẩn đoàn Minh Tơ từ hồi những năm 80 thế kỷ trước như tôi đến lớp khán giả trẻ, những 8x, 9x hôm nay đều say mê theo dõi từng lớp diễn. Từng tràng vỗ tay không dứt trước mỗi lớp diễn hay, mỗi động tác vũ đạo, mỗi câu vọng cổ hay thậm chí nghệ sĩ xuống một câu oán cũng vỗ tay. Hiệu ứng cảm xúc giữa người biểu diễn và người thưởng thức đã không ngừng được trao đổi, và không quá lời khi nói rằng sân khấu cải lương đêm qua là sân khấu cải lương mà tôi mơ ước. Sân khấu thật sự là một thánh đường, nơi người nghệ sĩ cảm xúc thành thi và là nơi khán giả tỏ tình tri âm tao ngộ.
    Cám ơn đạo diễn Vũ Minh, cám ơn toàn thể các nghệ sĩ, nhạc công, nhân viên âm thanh, ánh sáng, hậu đài, cám ơn tất cả các khán giả có mặt tại khán phòng Nhà hát Bến Thành tối qua đã cùng tạo nên Câu thơ yên ngựa - Một bài thơ tuyệt tác.


    Tiffany Nguyen - TV diễn đàn Trần Hữu Trang
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. DOHOANG
    Avatar của DOHOANG
    Vở diễn này hồi còn nhỏ xíu đã xem qua TV.

    Hơn hai mươi năm sau, được xem chính thức qua diễn xuất của các NS tuồng cổ "gạo cội", xúc động quá.

    NS Điền Thanh hát rất hay.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  3. romeo
    Avatar của romeo
    Anh Dohoang cũng có đi xem nữa hả?
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. DOHOANG
    Avatar của DOHOANG
    Anh xem hai lần rồi em, một lần hôm phúc khảo và một lần hôm khai trương 23/07/2010.
    Tuồng này hay lắm em.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL