Nghệ sĩ cải lương quay quắt mưu sinh
Ngày 9/11, rất nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu cải lương đã thảo luận sôi nổi trong tọa đàm Thực trang sân khấu cải lương tại TP HCM.
Sau buổi tọa đàm, ai cũng tin một ngày không xa cải lương lại khởi sắc. Nhưng ít ai nhìn lại để thấy hiện những người làm nghề đang sống ra sao?
Để trở thành một nghệ sĩ cải lương, ngoài năng khiếu bẩm sinh, các nghệ sĩ còn phải trải qua quá trình dài khổ luyện gian khổ. Vậy mà giờ đây, không ít nghệ sĩ tên tuổi quay quắt mưu sinh để được sống với nghề.
Hát đình, hát miễu
Hiện tại, cải lương lâm vào tình cảnh người hát thì nhiều mà sân khấu quá ít. TP HCM từng được xem thánh đường của cải lương chỉ còn duy nhất rạp Trần Hưng Đạo còn sáng đèn. Bên cạnh đó là chương trình Vầng trăng cổ nhạc mỗi tháng cũng phục vụ một lần. Vì vậy, chỉ có những nghệ sĩ đang nổi, hoặc các ngôi sao cựu trào mới được ông bầu để mắt đến. Các nghệ sỹ hạng hai, hạng ba, thậm chí nhiều tên tuổi lẫy lừng một thời, chờ vai diễn như nắng hạn đợi mưa rào.
Làm nghệ sĩ ai chẳng mong được hát trong ánh đèn sân khấu lung linh. Nhưng không có sân khấu thì họ phải làm gì? Không ít người đã chấp nhận làm ca sĩ phục vụ trong các quán nhậu đờn ca tài tử. Ở đó, họ hát những bài vọng cổ, những trích đoạn theo yêu cầu của thực khách. Cát-sê được nhận theo phần trăm tổng số tiền boa (kẹp trong hoa hồng) của người nghe. Nghệ sĩ T.N bộc bạch: “Nghệ sĩ được hát là vui. Nhưng nhiều khi gặp thực khách cư xử với mình chẳng khác gì một người phục vụ. Bỏ tiền ra là có quyền ra lệnh. Lắm lúc buồn rơi nước mắt”.
Rất nhiều nghệ sĩ cải lương phải quay quắt mưu sinh để nuôi sống nghề.
Nhiều tên tuổi từng được kẻ đón người đưa khi qua thời vàng son, phải chấp nhận chạy sô trong các đám ma và đám giỗ. Nhiều người trong họ không khỏi vui mừng khi được góp mặt trong những đám cúng đình. Một nghệ sĩ thổ lộ: “Thôi thì hát ở đâu cũng hát, miễn sao vẫn còn được nghe tiếng đờn, được cất lời ca. Hát trong đám ma hay đám cúng đình có khi được phước. Quan trọng là còn kiếm được tiền từ cái nghề đã vận vào thân”.
“Kiếm cơm” ở điện ảnh
Cải lương đang dần mất chổ đứng đến mức gần như lụi tàn thì phim truyền hình vào thời điểm nở rộ. Nhờ vậy, nhiều nghệ sĩ cải lương có được nơi cứu cánh. Những năm gần đây, những cái tên như: Út Bạch Lan, Thanh Nguyệt, Thanh Điền, Tô Kim Hồng, Kim Phượng, Ngân Phương, Thanh Nam… Trong đó có cả ngôi sao trẻ Kim Tiểu Long dần dần trở nên quen thuộc với khán giả màn ảnh nhỏ.
Nhiều người thường nghĩ đặc thù của cải lương mang tính ước lệ nên diễn viên cải lương thường hay diễn quá lố, không tự nhiên. Bên cạnh đó, cách ăn mặc và trang điểm cũng khá là “sến”. Nhưng người am hiểu có cái nhìn khác. Đạo diễn Xuân Phước cho biết: “Một đạo diễn giỏi sẽ biết cách tiết chế cách diễn hơi “over” theo lối cải lương. Ngược lại nghệ sĩ cải lương nuôi cảm xúc tốt và rất nhanh trong việc tiếp cận tâm lý nhân vật. Đó là lý do tôi thường chọn dân cải lương vào phim của mình. Tài năng diễn xuất của họ khiến cho bộ phim trở nên đa dạng và thuyết phục người xem”.
Nghệ sĩ Thanh Điền chia sẻ: “
Tôi buồn khi chứng kiến cải lương gặp khó khăn mà không có người giúp đỡ. Buồn hơn, khi các nghệ sĩ nảy sinh quá nhiều tỵ hiềm. Tôi không chịu đựng được cảnh này. Tôi làm phim vì miếng cơm manh áo và khát khao được sống trong nghề diễn”.
Sau thời gian đóng phim, nghệ sĩ Thanh Điền đã bắt tay viết một kịch bản phim về đề tài nỗi buồn trong đời nghệ sĩ cải lương. Anh bộc bạch: “Tôi làm bộ phim này để nói lên thực trạng đời sống của một người nghệ sĩ cải lương hiện nay”.
Nguyễn Huy ( Theo Báo Đất Việt Online)