Tối 24/7, liveshow cải lương 'Khúc tương tư' của NSƯT Ngọc Giàu diễn ra trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của hơn 700 khán giả. Không khí đậm chất nghệ thuật một thời của cải lương thật sự sống lại qua các tiết mục đặc sắc.
Tối qua, Sài Gòn mưa tầm tã. Trước giờ diễn ra liveshow Khúc tương tư, có người lo chương trình sẽ rơi vào cảnh "chợ chiều". Nhưng ngược lại, dòng người đến xem chương trình ngày càng đông. Rạp Quốc Thanh ấm cúng vì gần như tất cả các ghế đều kín.
Ở tuổi 64, NSƯT Ngọc Giàu khiến cho khán giả và bạn trong nghề không khỏi khâm phục khi từ đầu đến cuối chương trình (kéo dài gần 3 giờ), bà vừa diễn xuất, vừa hát liên tục cùng với các nghệ sĩ khách mời.
Từ năm 16 tuổi, NSƯT Ngọc Giàu đã đoạt Huy chương vàng triển vọng giải Thanh Tâm. Năm 1963, bà đoạt Huy chương vàng xuất sắc giải Thanh Tâm. Sau năm 1975, bà lại là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Ngoài ra, trong sự nghiệp diễn xuất đa dạng, bà còn đoạt giải Mai Vàng, giải diễn viên được yêu thích nhất, giải của Gala cười 2003...
Từ tiết mục đầu tiên là hò Huế, rồi lần lượt qua các trích đoạn cải lương Phiên chợ đêm, Hoa cuối mùa, Thần tượng thật, Hạng Võ biệt Ngu Cơ... Ngọc Giàu vừa ca vọng cổ mộc, lại vừa vào rất ngọt các vai bi, hài. Thậm chí khi bà giả trai trong tuồng Hạng Võ biệt Ngu Cơ, khán giả vỗ tay rần rần vì quá đạt.
NSƯT Ngọc Giàu "tả xung hữu đột" trong trích đoạn "Phiên chợ đêm". Với diễn xuất nhanh nhẹn và hài hước, bà đã mang đến những tràng cười thú vị cho khán giả.
Ngọc Giàu hóa thân thành người mẹ khát khao tìm lại tình yêu trong trích đoạn "Thần tượng thật".
Giọng hát khỏe khoắn, truyền cảm, diễn xuất tài tình nhiều nhân vật với tính cách đa dạng của Ngọc Giàu qua đêm diễn càng minh chứng cho nhận xét của các bậc cha chú, đàn anh trong nghề sân khấu đã dành cho Ngọc Giàu "diễn bi ra bi, kịch ra kịch, cải lương ra cải lương". Diễn nghiêm túc, có nghề và truyền được cảm xúc, đó chính là dấu ấn mà Ngọc Giàu để lại trong cuộc đời sân khấu của bà.
Trong Khúc tương tư, Ngọc Giàu không diễn lại bất kỳ vai diễn để đời nào của chính mình. Ngay cả Bảy "Cán Vá", vai phụ ấn tượng nhất của bà trong vở cải lương Đời cô Lựu cũng chỉ được chiếu lại qua màn hình. Hầu hết các tiết mục trong đêm diễn đều mới, và bà đã dùng các nhân vật sân khấu ở các trích đoạn khác nhau để "minh họa" cho cuộc đời đi hát.
Trên một sân khấu nhỏ, ấm cúng, thiết kế sang trọng và giản dị, Ngọc Giàu "kể" lại đời mình từ khi còn là cô bé chuyên hát sơn đông mãi võ, đến khi thành danh với nghề và vượt qua bao vất vả, gian truân để dù có lui vào hậu trường sân khấu, bà vẫn vui vì đã truyền đạt nhiều kinh nghiệm quý báu cho đàn em.
Chương trình liveshow của Ngọc Giàu được chăm chút cẩn thận từ âm thanh đến hình ảnh. Nhạc nền của đêm Khúc tương tư do nhạc sĩ Bảo Chấn thực hiện gây hiệu ứng cảm xúc mạnh về sự mộc mạc và ấm áp nghĩa tình qua những giai điệu mang âm hưởng miền Tây Nam Bộ. Đạo diễn Tất My Loan với những video clip phỏng vấn các nhân vật như: NSƯT Út Bạch Lan, đạo diễn Đoàn Khoa, GS-TS Trần Văn Khê, NSƯT Việt Anh... đã rất thành công khi khắc sâu và minh họa rõ nét cá tính, và thành quả lao động nghệ thuật của Ngọc Giàu.
Hát live từ đầu đến cuối, lại diễn quá hết mình, gần cuối chương trình NSƯT Ngọc Giàu gần như khuỵu đi. Nhưng sau đêm diễn, khán giả vẫn chưa chịu về, họ nấn ná ở lại để chúc mừng bà. Họ là anh chạy xe ôm, là chị tiểu thương ở chợ An Đông, và cũng có bà Nguyễn Thế Thanh, Phó giám đốc Sở văn hóa thông tin TP HCM, người đã xem từ đầu đến cuối chương trình và luôn tấm tắc: "Ngọc Giàu hát hay, diễn có duyên quá!".
Dưới đây là vài hình ảnh trong liveshow Khúc tương tư. Chương trình còn đêm diễn vào tối nay, 25/7 tại rạp Quốc Thanh:
Cùng với nghệ sĩ Hương Lan (phải), Ngọc Giàu trở thành một dũng tướng trong "Hạng Võ biệt Ngu Cơ".
NSƯT Ngọc Giàu là người vợ quyết bỏ nhà, bỏ người chồng lạnh nhạt (NSƯT Việt Anh) để đi tìm hạnh phúc.
Với bài vọng cổ "Trong bóng hậu trường" nói về sự gắn bó sống chết với sân khấu của người nghệ sĩ, NSƯT Ngọc Giàu xuất sắc trong màn độc diễn và hóa thân thành các nhân vật tuồng cổ khác nhau.
Khán giả dường như quên đi ngoại hình của NSƯT Ngọc Giàu và bị thu hút bởi giọng ca và diễn xuất của bà.
Cuối chương trình là bài vọng cổ nói về cuộc đời của Ngọc Giàu do NSƯT Viễn Châu sáng tác riêng cho người học trò của mình. Ngọc Giàu xem đó là một màn "truyền lửa" đầy ý nghĩa mà bà dành cho thế hệ đi sau.
Nụ cười hạnh phúc khi truyền kinh nghiệm diễn xuất cho các nghệ sĩ đàn em.
Trên sân khấu, vì xúc động, Ngọc Giàu khuỵu xuống cảm ơn soạn giả Viễn Châu và những người thày đã dìu dắt bà trong hàng chục năm qua.
Chương trình kết thúc nhưng khán giả vẫn nán lại chia vui cùng nghệ sĩ.
Bài, ảnh: Thoại Hà