Có một nữ nghệ sĩ mà tôi vô vàn quý yêu! Tôi chưa từng gặp gỡ cũng chưa từng một lần trò chuyện cùng Cô. Tôi chỉ bắt gặp dáng hình Cô qua những poster, qua những trang báo, tạp chí và nghe giọng nói cũng như tiếng cười với những điệu lý quê hương mặn mà tha thiết mà tôi sưu tầm có được những cuộn bang cassette mười mấy năm nay. Nhưng may mắn … vài ba lần tôi đã được Cô gởi gắm lời khen!!! Người ta bao gồm những người mộ điệu cũng như báo chí ngợi ca Cô là “Cải lương chi bảo”. Song, mọi người còn biết đến Cô qua những việc làm từ thiện, giúp ích cho đời với những món quà nhân ái, những căn nhà tình thương… dù là trời đang xuân hay mưa dầm những ngày hạ, bão lũ những ngày thu.
Hình ảnh Cô khệ nệ với những món quà càng làm tôi cũng như mọi người vừa thương vừa kính một tấm long vừa chịu khó bởi lẽ đời “một giọt máu đào hơn ao nước lã” xuyên suốt trong tâm hồn những người dân Việt, mấy ngàn năm lịch sử cho đến tận ngày nay.
Cô – tấm lòng đó cùng “nghiệp” mà Tổ đã ban cho khái quát đôi từ “Đời, Đạo và Cải lương” đã thấm nhuần trong tôi những ngày còn bé. Dù là con trai, dù là chơi chung giữa đám bạn chỉ toàn thích điện ảnh và ca nhạc… nhưng tôi, tự hào với nét riêng biệt của chính mình… mê cải lương với những vai diễn sống động, nhẹ nhàng, tinh tế của Cô.
Một tiếng hát đã đi trong tim, đi vào máu thịt một cậu bé lớp năm thoắt chốc đã ba mươi hai tuổi đời với vai diễn Thúy Kiều từ độ xuân thập niên 90 thế kỷ trước. “Duyên ước trao nhau, mong trời cao thương tình trẻ, cho lứa đôi ta một long như chim liền cánh…” (Kim Vân Kiều) nghe ngọt ngào câu hát như khẳng khái sự thủy chung, dù là “số kiếp đau thương, có tên trong sổ Đoạn trường.”
Và tôi nhớ mãi câu nói của Cô mà tôi lấy đó làm phương châm, quan niệm cho riêng mình… “Tôi đến và đi đều tình cờ nhưng đó lại là những tình cờ đầy trách nhiệm. Nếu đủ duyên và gặp lại những tình cờ như thế, tôi sẽ cố gắng vượt qua”Giáng sinh một ngày lại đến cũng như tuổi mới một ngày cộng thêm.
Trong sự vô thường bao la với tấm long từ taam của Đức Phật, tôi nguyện cầu Cô mãi vui, mãi khỏe, mãi là “Chi bảo Bạch Tuyết” không chỉ riêng tôi mà cả những người mộ điệu cải lương, trân trọng yêu thương nền nghệ thuật nước nhà. Một bản sắc không phai … “Cội nguồi Việt”!
DƯƠNG MINH THI
Nguồn tin: Báo sân khấu