Tôi nhìn lên sân khấu và cho mãi đến bây giờ vẫn không thể nào quên một lớp diễn đầy thương cảm của Ngô Phù Sai – Năm Châu và Tây Thi – Kim Lan trong vở “Tây Thi gái nước Việt”. Đó là lớp Phù Sai vì nghe lời Tây Thi và Bá Hỉ, liệng thanh kiếm Chước Lâu, bức tử Ngũ Tử Tư.
Khi quân vào báo Tử Tư đã tự trảm thủ, Tây Thi – Kim Lan chết lặng, gương mặt lạnh lùng như băng còn Ngô Phù Sai – Năm Châu thì gục xuống trong cơn say, chới với gọi Tây Thi:
“Đêm tàn rồi ái phi hỡi có hay
Lòng khao khát đắn đo không thể dứt
Tha thiết quá chút tình riêng rạo rực
Tình đôi ta sao cảm thấy mong manh
Luồng cảm thông theo gió lọt qua mành...”
Tây Thi – Kim Lan vẫn bất động, gương mặt vẫn lạnh như băng như trong tâm hồn nào là một cơn bảo tố: Nhiệm vụ đã hoàn thành, giết người Ngũ Tử Tư trong hoàn cảnh quân Việt đã sang sông thì cơ nghiệp nhà ngô nhất định phải sụp đổ. Nhưng còn nàng? Nội tâm xung đột dữ dội giữa tình riêng – bao nhiêu năm sống chung đụng với Phù Sai - lời thề sắc đá với đất nước - phải tiêu diệt nhà Ngô nghĩa là huỷ diệt Phù Sai! nghịch cảnh phơi bày, đau thương chồng chất và Kim Lan đã diễn tả tâm trạng Tây Thi một cách tuyệt vời.
Đã gần 20 năm không còn thấy Kim Lan trên sân khấu nữa nhưng tôi vẫn không bao giờ quên bao nhiêu vai diễn của Kim Lan từ trước giải phóng và sau giải phóng. Nhứt là Kim Lan trong vai Bà Năm hậu (Huy chương vàng hội diễn SK toàn quốc năm 80 - vở “Cho tình yêu mai sau”). Cảm giác bao trùm khi xem chị diễn là tình thương bao la của những bà mẹ Việt Nam. Bản thân nhân vật Bà Năm Hậu đã mang một sức sống nội tâm mãnh liệt, nỗi lòng của người mẹ mất con bị dằn xé dữ dội. Kim Lan đã diễn tả rất tài tình qua sự căm lặng xót xa và những đường nét khổ đau trên gương mặt biểu hiện một nội tâm đầy sóng gió. Một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ giữa tình thương bao la và lòng thù hận của riêng mình.
Đầu những năm 1960, nghĩa là khi đang ở đỉnh cao danh vọng thì bổng dưng cô gái đầu lòng của chị thọ bệnh và mất. Nổi buồn quá lớn nên ít lâu sau, Kim Lan quyết định rời xa sâu khấu, xa môi trường mà ở đó hàng đêm chị khóc cười với nhiều số phận khác nhau. Chị thu mình trở về với cuộc sống đời thường. Tất cả đồ nghề tự trang chì dành để biểu diễn chị mang tặng tất cả cho đồng nghiệp, không giữ lại một chút gì để còn thấy và luyến lưu sân khấu.
Kim Lan đã nói: “Mình nghĩ hát, đó là lẽ đương nhiên. nghệ sĩ lớn tuổi lui về phía sau, đó là quy luật, không thể nói là nghề hát bạc bẽo với mình. Hơn nữa với tôi, nghề hát đã ưu đãi quá nhiều, đã nuôi sống tôi, đã tạo cho tôi biết bao danh vọng”.
Nữ NS Kim Lan đã rút lui khỏi sàn diễn đúng như ý muốn của mình nhưng có bao giờ khán giả quên được những hình tượng của chị trên sân khấu qua những vai: Dương Quí Phi (Trường Hận), Triệu Tử Long (Quan Công Phò Nhị Tẩu)...Rồi Lan (Hồn bướm mơ tiên), Phượng (Vợ và tình), Thị Kính (Quan Âm Thị Kính), và Tây Thi, Bà Năm Hậu,...Những hình ảnh không bao giờ phai trong lòng khách mộ điệu.
Theo Trác Nguyên