Giọng ca cải lương "thế hệ vàng" Thanh Nguyệt và chồng - nghệ sĩ Quốc Nhĩ - hiếm khi cãi vã trong 45 năm gắn bó.
Sáng 6/9, trong ngôi nhà nhỏ ở hẻm quận Gò Vấp, nghệ sĩ Quốc Nhĩ lúi húi nấu cháo điểm tâm cho vợ. Gần đây, chứng giãn tĩnh mạch tái phát khiến Thanh Nguyệt đi lại khó khăn, thỉnh thoảng phải nhờ chồng dìu. Nhìn ông trong gian bếp, nghệ sĩ nói lòng bà dấy lên hạnh phúc. Hai tuần trước, bà là một trong 35 tên tuổi tại TP HCM được đề xuất Nghệ sĩ Nhân dân. Thanh Nguyệt cho biết: "Hơn ai hết, chồng là hậu phương của tôi suốt 45 năm qua".
Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Nguyệt, Quốc Nhĩ dự buổi ra mắt hồi ký Lệ Thủy tháng 11/2019. Ảnh: Trần Tiến
Thanh Nguyệt miêu tả cuộc sống thời dịch của vợ chồng bà đơn sơ mà bình yên. Cả hai chỉ ở trong nhà, "có gì ăn nấy". Thanh Nguyệt, Quốc Nhĩ không có con chung, còn con riêng của bà sống cách đó vài km, hạn chế đi lại nên đôi nghệ sĩ tự lo liệu mọi sinh hoạt. Quen đạm bạc, bữa ăn mùa dịch của vợ chồng bà có khi chỉ cần trứng luộc, canh rau muống.Mỗi sáng, bà dậy sớm, pha cho ông ly cà phê, cả hai vừa nhâm nhi vừa xem thời sự hoặc coi lại các trích đoạn cải lương trên Youtube. Bà nói: "Đời sống vợ chồng già vậy thôi, quanh đi quẩn lại cũng hết ngày".
Ở tuổi 74, Thanh Nguyệt mắc nhiều bệnh nền như cao huyết áp, tim mạch... Năm 2016, bà được cấp cứu sau một lần tăng huyết áp, mất một tuần điều trị. Ra viện, mắt phải bà không còn nhìn rõ vì chứng xuất huyết võng mạc. Đến nay, thỉnh thoảng bà phải tiêm thuốc vào mắt để tan máu bầm, tránh suy giảm thị lực. Một năm qua, bác sĩ khuyến cáo hạn chế làm việc quá sức, cộng thêm dịch, bà ngưng đi diễn. Không có thu nhập, cuộc sống đôi vợ chồng bấp bênh vì mỗi tháng bà phải tốn vài triệu đồng tiền thuốc. Dù vậy, bà cho biết ít khi nhờ vả đồng nghiệp vì hiểu ngoài kia còn nhiều nghệ sĩ khốn khó hơn.
Thanh Nguyệt tự nhận vẫn may mắn khi có chồng sát cánh. Từ khi sức khỏe vợ giảm sút, Quốc Nhĩ nghỉ ca hát, lui về hậu trường để hỗ trợ bà. Mỗi lần bà được mời đi quay, không quản nắng mưa, ông thường đèo vợ trên chiếc Dream cũ vì bà không biết chạy xe máy. Có hôm, ông chờ bà ở trường quay đến 4-5h sáng để hoàn thành vai diễn. Thương chồng chịu sương gió, chỉ khi có kịch bản phù hợp, bà mới nhận lời. Thanh Nguyệt nói: "Chưa bao giờ thấy ông ấy than thở một lời. Mấy chục năm chung sống, chúng tôi chưa từng cãi vã vì hiểu nhau đến từng chân tơ kẽ tóc".
Vợ chồng Thanh Nguyệt san sẻ cho nhau từng bữa cơm trong hậu trường sân khấu. Ảnh: Thanh Hiệp
Trước khi gặp Quốc Nhĩ, Thanh Nguyệt từng nghĩ hạnh phúc với bà là điều nằm ngoài tầm với. Mẹ qua đời khi bà độ tuổi đôi mươi, cha cưới vợ khác, một mình Thanh Nguyệt đi hát, kiếm tiền nuôi các em khôn lớn. Khi được soạn giả Mộc Linh - tên tuổi nổi tiếng của làng cải lương thời vàng son - ngỏ lời, bà gật đầu vì muốn cuộc sống bớt quạnh quẽ. Con đầu lòng chào đời, tình cảm vợ chồng phai nhạt, hôn nhân Thanh Nguyệt đứt gánh giữa đường sau vài năm bà gắng gượng chịu đựng. Nghệ sĩ nuốt nước mắt ôm con gửi chị ruột nhờ chăm sóc, còn bà tiếp tục lang bạt theo gánh hát, sống đời "gạo chợ nước sông".
Năm 1976, bà và Quốc Nhĩ quen nhau sau khi đóng chung vở Tiếng trống Mê Linh. Lần đầu gặp, ông đã đem lòng cảm mến cô đào có gương mặt "đẹp tựa trăng rằm" - như lời ông tả, tính nhân hậu, hay quan tâm đồng nghiệp. Về phần Thanh Nguyệt, dù mến ông, lòng bà ngổn ngang muôn câu hỏi. Bà sợ hạnh phúc một lần nữa khép cửa, lo ông không thương yêu con trai riêng của bà.
Cố nghệ sĩ Thanh Nga - đàn chị dẫn dắt bà ở đoàn Thanh Minh - ra sức làm cầu nối cho cả hai nên duyên. Một đám cưới nhỏ diễn ra sau đó. Lấy nhau về, ông một tay chăm sóc con trai Thanh Nguyệt những ngày bà bận lưu diễn. Nhìn cách ông cưng nựng con riêng của vợ như con ruột, cũng như săn sóc người chị bị tâm thần của Thanh Nguyệt, bà biết không chọn nhầm người.
Nghệ sĩ Thanh Nguyệt từng là cô đào sáng giá thập niên 1960. Ảnh: Nguyễn Phương
Thanh Nguyệt vẫn nhớ những ngày đầu tiên bước chân vào nghiệp hát. Năm 16 tuổi, bà bỏ nhà theo đoàn, hành trang chỉ là vài bộ đồ mẹ may. Sau khi thử giọng, bà được "bầu" Bảy Cao nhận vào đoàn hát Hoa Sen. Một lần, diễn viên Ngọc Hạnh bất ngờ xin nghỉ, ông bầu cấp tốc tập cho Thanh Nguyệt thế vai trong tuồng Bến hẹn năm xưa. Nhờ "học lỏm" tuồng trước, bà nhanh chóng nhập vai dù lần đầu đảm nhận đào chánh, được giao thêm các tuồng Sanh dưỡng đạo đồng, Người mẹ Việt Nam.
Bước ngoặt của Thanh Nguyệt là khi bà rời đoàn Hoa Sen, gia nhập đại ban Kim Chưởng. Dù đoàn đã có nhiều ngôi sao như Phương Quang, Diệp Lang, Phượng Liên..., bà vẫn tỏa sáng với vai Tiểu Long Nữ trong tuồng Song long thần chưởng. Năm 1965, bà đoạt giải Thanh Tâm với vai Gia Cát Anh, tuồng Thiên hạ đệ nhất kiếm. Soạn giả Nguyễn Phương từng nhận xét: "Chỉ sau ba năm đi hát qua hai đoàn, Thanh Nguyệt đã đoạt được huy chương vàng Thanh Tâm - giải thưởng sân khấu các nam nữ nghệ sĩ cải lương đều mơ ước. Buổi phát giải năm 1965, Thanh Nguyệt hát trên sân khấu Dạ Lý Hương vở Bụi mờ ải nhạn, được khán giả và ký giả kịch trường nhiệt liệt khen ngợi".deo Player is loading.
Dừng
Kinh qua nhiều dạng vai, Thanh Nguyệt vẫn để lại ấn tượng đậm nét với những nhân vật hiền lành, thương chồng con. Một thời, bà đóng đinh bởi các vai như bà mẹ mù trong vở Áo cưới trước cổng chùa, bà Hai Hương trong Đời cô Lựu, Thị Bình trong Lôi Vũ... Thanh Nguyệt nói, mỗi lần đóng vai mẹ, bà thường lấy cảm hứng từ người mẹ quá cố. Một trong những nỗi day dứt lớn của bà là không kịp nhìn mặt mẹ lần cuối.
Năm 1963, khi diễn vở Người mẹ Việt Nam ở Khánh Hòa, bà nhận được tin mẹ qua đời ở quê nhà Bạc Liêu. Đường xá cách trở, mất chín ngày, bà về đến nhà thì mẹ đã được chôn cất. Bà cho biết: "Nỗi đau ấy theo tôi mãi về sau. Để mỗi khi lên sân khấu, tôi lại cảm giác mẹ đang dõi nhìn mình dưới hàng ghế khán giả, khóc cười với từng vai diễn...".
Cô Thanh Nguyệt nổi tiếng với hai vai : Thị Bình (Lôi Vũ) và Cô Ba (Kiếp chồng chung) trên SK ĐCL 2-84 năm 1989-1990. Vai người phụ nữ cơ cực rất xuất sắc, mà vai lẳng lơ cũng hay không kém.