Có một đề tài, một vở tuồng, một ca khúc, một bộ phim khi ra đời đều thành công, sống mãi với thời gian và đưa nhiều tên tuổi nổi tiếng sau đó – đó là trường hợp của “Mưa Rừng”.
Thanh Nga - thành công trên sân khấu và tân nhạc qua "Mưa Rừng"
“MƯA RỪNG” TRÊN SÂN KHẤU THANH MINH – THANH NGA Mưa Rừng đã nói lên nỗi niềm thương nhớ, than van cho duyên kiếp ngắn ngủi, và một nỗi nhớ không bao giờ phai nhạt. Vở cải lương Mưa Rừng với nội dung hư cấu diễn ra trong cảnh núi rừng thơ mộng ở Việt Nam với cô sơn nữ dịu dàng K' Lai do Thanh Nga thủ diễn. Khi một nhóm soạn giả trong đoàn Thanh Minh-Thanh Nga như: Nguyễn Phương, Hà Triều, Hoa Phượng, Kiên Giang Hà Huy Hà, đi tắm suối ở Tây Nguyên và phải trọ qua đêm trong một buôn bản vì mưa to. Giữa lúc nhậu nhẹt thâu đêm tại nhà ông chủ bản, làng với những điệu tình ca Radhê buồn da diết, thì từng tràng tiếng hú của người rừng trổi lên giữa cơn mưa bão càng làm rùng rợn thêm cảnh rừng khuya âm u. Tuồng “Mưa Rừng” nổi tiếng của Hà Triều, Hoa Phượng được hình thành dựa trên bối cảnh tiếng hú rừng khuya này.Tuồng cải lương thành công rực rỡ do Thanh Nga đóng. Vở tuồng viết về tiếng hú có thật từ rừng vọng về, sau đó được viết hư cấu thêm nội dung phong phú và nhân vật tình cảm đa dạng. “Mưa Rừng” với nội dung hư cấu diễn ra trong cảnh núi rừng thơ mộng ở Việt Nam với cô sơn nữ dịu dàng Klay “Thầy cai lên ngựa về rồi! Sao K'Lai còn đứng bên đồi ngó theo. Mưa rừng gió lạnh đìu hiu! Em mang gùi nhỏ đựng nhiều nhớ thương”. Khanh làm cai phu ở đồn điền của ông Tịnh trên cao nguyên, rất được mọi người thương mến. K’Lai, cô gái dân tộc, giúp việc nhà cho ông Tịnh, hằng ngày đem cơm nước cho Khanh, cô thầm yêu anh nhưng trái tim anh hướng về Tuyền, cô dâu trưởng của ông Tịnh có chồng là Thuyết bị bệnh chết hơn một năm. Bằng là em trai của Thuyết đem lòng si mê K’Lai, hắn tìm cách đuổi Khanh đi. Chán ngán cảnh đời đen bạc, anh quyết định bỏ đi làm cho Tuyền và K’Lai đau khổ. Ở rừng hằng đêm có tiếng hú ghê rợn vọng về, mọi người lo sợ vì trên đồn điền xanh tốt kia đã thấm máu bao người phu. Bí mật tiếng hú đó chỉ một mình K’Lai biết, Khanh lợi dụng tình cảm của K’Lai để điều tra một chuyện khác trong gia đình ông Tịnh : tiếng hú đó là của Thuyết, anh ta điên, bị gia đình xích chân tại một nơi kín đáo, chỉ có K’Lai đến đem cơm. Thì ra Thuyết đã bắn chết cha K’Lai và để trả thù, K’Lai xin vào làm người giúp việc, đã dùng lá thuốc rừng trộn vào thức ăn đầu độc Thuyết, vì danh dự gia đình, ông Tịnh nói dối mọi người rằng Thuyết đã chết. Bị lời lẽ thuyết phục của Khanh , K’Lai tìm thuốc cứu Thuyết hết điên, anh chứng kiến vợ mình tỏ tình với Khanh, quá đỗi ghen tức, toan giết Tuyền thì ông Tịnh đến, tưởng Thuyết còn điên, để cứu con dâu ông bắn chết Thuyết.
Không còn gì cản trở tình yêu của Khanh và Tuyền, nhưng đối với K’Lai đó là sự mất mát lớn trong đời, cô đi khỏi đồn điền, từ chối tình yêu với Bằng, Khanh cũng bỏ đi lần nữa vì anh thấy mình hèn khi lợi dụng tình cảm của K’Lai để đạt ý nguyện của mình. Họ chia tay giữa tiếng Mưa Rừng não ruột giăng kín núi đồi cao nguyên phủ lấp những huyền bí năm xưa.
Nữ nghệ sĩ Mộng Tuyền - vai K'Lai là một vai diễn ghi đậm dấu son nghệ thuật của mình
NHẠC PHẨM MƯA RỪNG – MỘT CÂU CHUYỆN TÌNH ĐẸP CỦA THANH NGA VỚI NHẠC SỸ HUỲNH ANH
Có một câu chuyện tình khác gắn liền với bài hát nổi tiếng Mưa rừng, đó là những tình cảm rất đẹp, trong sáng giữa nhạc sĩ Huỳnh Anh và Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga: “Mưa rừng ơi! Mưa rừng! Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên Phải chăng mưa buồn vì tình đời, Mưa sầu vì lòng người, duyên kiếp không lâu…. “Mưa rừng ơi! Mưa rừng! Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên Phải chăng mưa buồn vì tình đời, Mưa sầu vì lòng người, duyên kiếp không lâu….
Ca khúc Mưa Rừng là bài hát chính trong vở tuồng cùng tên của hai sọan giả Hà Triều & Hoa Phượng. Hai nhạc sĩ này đã nhờ nhạc sĩ Huỳnh Anh viết. Bài này được viết đặc biệt theo giọng Thanh Nga và tính toán rất kỹ những đoạn nào làm Thanh Nga phát huy hết khả năng cũng như để giảm thiểu những sở đoản của một nghệ sĩ cải lương khi hát tân nhạc. Nhạc sĩ Huỳnh Anh đã bỏ rất nhiều công sức cũng như thời gian để tập hát cho Thanh Nga, và Thanh Nga hát rất thành công trên sân khấu cũng như trên đĩa nhựa, đài phát thanh. Đây là một tuyệt chiêu, tận dụng tối đa phương pháp “đo ni đóng giày” và bà bầu Thơ đã làm sáng thêm bảng hiệu Thanh Minh Thanh Nga với thành công quá mức tưởng tượng. Chính nhạc sĩ Huỳnh Anh cũng đã khiêm tốn xác nhận là vào năm 1961, anh được nổi tiếng thêm, nhất là sau khi bản nhạc này được phát đi phát lại nhiều lần trên làn sóng của đài Phát Thanh Sài Gòn.
Chính Mưa Rừng đã góp phần thành công cho Thanh Nga ở mặt tân nhạc và cũng chính bài hát nầy đã giúp cho thế đứng của nhạc sĩ Huỳnh Anh càng thêm vững chắc và đưa ông vào lĩnh vực viết nhạc cho điện ảnh với hai nhạc phẩm Loan Mắt Nhung trong phim cùng tên, và Sa Mạc Tuổi Trẻ trong phim Điệu Ru Nước Mắt.
Thanh Nga lúc bấy giờ đã là một nghệ sĩ được mọi người yêu mến. Nhạc sĩ Huỳnh Anh gặp lại Thanh Nga khi cô đóng phim Loan Mắt Nhung, mà ông là người viết nhạc chủ đề cho phim và đồng thời thu thanh vào "soundtrack". Đây là thời gian đi xuống nhất về mặt tinh thần của Thanh Nga, vì cô vừa trải qua 2 lần sóng gió, lần đầu là sự tan vỡ của cuộc tình kéo dài 3 năm với nam nghệ sĩ Thành Được, sau đó là một lầm lỡ thứ hai khi Thanh Nga lấy đại úy Mẫn. Cuộc hôn nhân chỉ kéo dài được vài tháng là đi tới kết thúc khi đại úy Mẫn bị chính quyền Sài Gòn bắt và bị xử án tù vì tội danh tham nhũng. Thanh Nga rất buồn nên thường đi chơi với bạn bè thân để đỡ buồn.Lúc này là lúc sau biến cố Tết Mậu Thân, biệt động thành của cách mạng đã làm cho chính quyền Mỹ Ngụy phải thức tỉnh để nhận thấy sức mạnh như triều cường của đội quân giải phóng Việt Nam. Trận chiến ngày trước chỉ xảy ra và được biết tại miền quê, nay đã lan tới đô thị. Chính quyền Ngụy vì lý do an ninh, đã ban lệnh giới nghiêm ở Sài Gòn làm đình trệ tất cả những sinh hoạt về đêm. Phòng trà, vũ trường cũng như sân khấu cải lương phải tạm ngưng hoạt động, do đó nhạc sĩ Huỳnh Anh cũng có thời giờ đến thăm bà Bầu Thơ và ở chơi với Albert (cố nghệ sĩ Hữu Thình, cha của Hữu Châu), anh của Thanh Nga và tập cho Thanh Nga hát tân nhạc để sau này có dịp sẽ hát tân cổ giao duyên trên sân khấu. Tình cảm quý mến trong sáng đã nẩy nở giữa hai người, ban đầu chỉ mang tính cách của một người anh trai và cô em gái nhỏ. Nhạc sĩ Huỳnh Anh chỉ dẫn Thanh Nga rất tận tình. Những buổi Thanh Nga không phải hát, người ta thấy hai người thường sóng đôi đi chơi, có khi từ hậu trường đi vòng ra vào rạp ngồi xem trước các cặp mắt tò mò của mọi người. Tình trạng giới nghiêm tại Sài Gòn không biết bao giờ mới chấm dứt, bà Bầu Thơ quyết định mang đoàn hát ra Huế. Trước khi đoàn hát rời Sài Gòn, nhạc sĩ Huỳnh Anh đến từ giã, khi ấy anh đang đứng nói chuyện với Albert, thì Thanh Nga ở trong đi ra, bí mật đưa lá thư cho anh. Về nhà mở ra, anh đọc những giòng chữ thân mến viết lời chào tạm biệt và dặn dò anh bớt uống rượu hút thuốc, không phải như lời của một người em gái, mà lời lẽ trong lá thư ấy chứa đựng một tình cảm thắm thiết hơn nhiều. Sau đó ít lâu anh nhận một điện tín của Thanh Nga đánh về yêu cầu anh ra Huế gấp, nhưng anh không thể đi được…
Nữ diễn viên Kiều Chinh - Vai Tuyền trong điện ảnh
… Thế rồi từ đó giòng đời phân đôi ngả, đoàn Thanh Minh Thanh Nga sau khi đi lưu diễn miền Trung trở về, được mời đi trình diễn bên Pháp, người hướng dẫn phái đoàn đi Pháp là ông Đổng Lân. Sau khi lưu diễn bên Pháp về được vài tháng, đám cưới Thanh Nga và ông Đổng Lân đã nhanh chóng diễn ra. Từ đó, Thanh Nga sống yên ấm dưới mái gia đình vì có một người chồng rất mực thương yêu và chiều chuộng vợ…
Ít người biết bài hát mà nhạc sĩ Huỳnh Anh viết về cuộc đời Thanh Nga, chính là bài Kiếp Cầm Ca nổi danh của người nhạc sĩ tài hoa này. Hai câu cuối “Ánh đèn lặng tắt. Gởi ai nỗi niềm” thì người gửi nỗi niềm là nhạc sĩ Huỳnh Anh chứ không phải Thanh Nga! “…Mưa rơi cho đời thêm nhớ thương Hạt mưa ướt vai người tha hương Mưa rơi phố thưa vắng tiêu điều Xóm nghèo quạnh hiu màn đêm tịch liêu Đêm đêm đem lời ca tiếng thơ Đời ca hát cho người mua vui Nhưng khi cánh nhung khép im lìm Ánh đèn lặng tắt Gởi ai nỗi niềm” (Huỳnh Anh - Kiếp Cầm Ca)
Một điều cần nói là Huỳnh Anh vốn không nhiều lời, nhưng lại rất giàu tình cảm. Chuyện tình của Thanh Nga và nhạc sĩ Huỳnh Anh là một câu chuyện tình rất đẹp của hai tâm hồn đầy thông cảm và chia sẻ, không bị vẩn đục bởi hoàn cảnh và không gian…
Sau khi Thanh Nga trình bày nhạc phẩm thành công, tiếp theo đó là hàng loạt danh ca miền nam trình bày ca khúc này trong băng đĩa nhạc Sơn Ca, Asia, Việt Nam như Thanh Thúy, Phương Dung, Thanh Tuyền, Mộng Tuyền...đều thành công, trở thành một trong những ca khúc yêu thích nhất miền Nam.
Sau thành công vang dội trên sân khấu và đài phát thanh, chỉ một năm sau, Mưa Rừng bước lên phim ảnh màu, đại vĩ tuyến đầu tiên của Việt Nam, nhưng do Kim Cương và Kiều Chinh đóng vai chính (năm 1962) và cũng là sự kiện cháy vé thời bấy giờ.
Kim Cương - nàng K' Lai trong Điện ảnh
PHIM MƯA RỪNG (NĂM 1962)
Hãng phim Alpha sản xuất năm 1962. Phim này đoạt giải Tượng Vàng- phim có cốt truyện hay nhất.
Phim màu- màn ảnh đại vĩ tuyến. In, rửa và thâu thanh tại Nhật Bản (trình chiếu vào dịp tết Quý Mão- năm 1963)
Nguyên tác: Tuồng cải lương Mưa Rừng của Hà Triều- Hoa Phượng. Đạo Diễn: Thái Thúc Nha..Ca khúc chính trong phim -Mưa Rừng của nhạc sĩ Huỳnh Anh- do Thanh Nga và Phương Dung trình bày. Diễn viên: Kim Cương, Kiều Chinh, Lê Quỳnh, Ngọc Phu, Hoàng Vĩnh Lộc, Xuân Phát, Năm Châu …
Mưa Rừng đã nói lên nỗi niềm thương nhớ, than van cho duyên kiếp ngắn ngủi, và một nỗi nhớ không bao giờ phai nhạt. Sau thành công vang dội trên sân khấu và đài phát thanh, Mưa Rừng bước lên phim ảnh màu, đại vĩ tuyến đầu tiên của Việt Nam, do Kim Cương và Kiều Chinh đóng vai chính (năm 1962) và cũng là sự kiện “cháy vé” thời bấy giờ.
Thời gian quay phim Mưa Rừng rất cực khổ, nhất là những cảnh quay tại đồn điền cao su Di Linh, mưa gió liên tục và đường đi ngập bùn lầy. Phim quay kéo dài không nghỉ, kể cả Giáng sinh và những ngày cuối năm.
Bìa băng tuồng Mưa Rừng do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sản xuất
TUỒNG MƯA RỪNG THÂU BĂNG ĐĨA NHẠC
Khi hãng dĩa nhạc Continental cho thâu tuồng Mưa Rừng thì mời các tài danh thượng hạng như: Út Trà Ôn vai ông Tịnh, Thành Được vai Khanh, Hữu Phước vai Bằng, Thanh Sang vai Thuyết, Mộng Tuyền vai K'Lai, Bạch Tuyết vai Tuyền.
TUỒNG MƯA RỪNG TRÊN TRUYỀN HÌNH
Khi Mưa Rừng được quay trên Đài truyền hình Sài Gòn số 9 thì nữ nghệ sĩ Mộng Tuyền nổi tiếng rực rỡ với vở cải lương này.Chính nhờ sự phổ biến của truyền hình mà vai diễn này cùng Mộng Tuyền sống mãi với thời gian, nhắc đến Mộng Tuyền là nhắc đến nàng sơn nữ dịu dàng K' Lai. Sự nổi tiếng của Mộng Tuyền trong vai diễn này còn có sức sống lan rộng hơn Thanh Nga trên sân khấu ngày trước.
Sau này sang Pháp, Mộng Tuyền cùng Phương Thanh, Dũng Thanh Lâm, Thành Được…còn quay video tuồng này một lần nữa cho Thúy Nga Paris.
VÀ HIỆN NAY!
Tuồng cải lương, bài tân cổ giao duyên, tân nhạc được nhiều thế hệ trẻ hóa thân và trình bày thành công. Nhóm tác giả Lê Quang Thanh Tâm và Vy Uyên đang viết lại kịch bản này thành bộ phim truyền hình 30 tập với nhiều bất ngờ và thú vị. Trong bộ phim dài 30 tập này, các tác giả kịch bản vẫn sẽ viết về tiếng hú ma quái, về ma rừng, những bí ẩn ở núi rừng hoang vắng, cũng nàng K'Lai, cũng nghề trang trại, trồng rừng, nghề thuốc cổ truyền...nữ nghệ sỹ Mộng Tuyền sẽ tái ngộ khán giả trong vai nàng K'Lai nhưng của những năm về sau, kể lại câu chuyện đời mình cho con cháu nghe...Hãy chờ xem!
Tuyệt vời quá, không ngờ kịch bản Mưa Rừng của 2 tác giả Hà Triều, Hoa Phượng lại nổi tiếng đến vậy và được nhiều phiên bản từ cải lương đến phim điện ảnh - truyền hình do các nghệ sĩ - diễn viên tài danh đóng vai chính - vai K'Lay. Vở tuồng này có thu âm vào dĩa nhựa do nghệ sĩ Mòng Tuyền vai K'Lay, Bạch Tuyết vai Tuyền và Thành Được vai Khanh đã nổi tiếng, làm say đắm khán giả một thời và bây giờ nghe lại cũng khó quên.
Tuồng này đã nghe qua và hiện mình có lưu giữ, sẽ up lên cho cả nhà cùng nghe, vở tuồng cô Mộng Tuyền đóng vai chính, thời điểm này cô còn tên Kim Loan thì phải, vở tuồng đã giao cho cô sau khi cô vừa đoạt giải Thanh Tâm. Vở tuồng nội dung rất tuyệt vời, nghe cũng có hơi kì bí về cô sơn nữ xinh đẹp nhưng bất hạnh này, nghe rất cảm động.
Nhiều phiên bản phim ảnh quá, ước gì mình được xem lại hết qua sự diễn xuất của cô Thanh Nga, cô Kim Cương và cô Mộng Tuyền. Những bản phim có quay thì chắc chắn vẫn còn nhưng không biết xem từ đâu !