Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009, cả khán phòng rạp hát Hưng Đạo khán giả sụt sùi khóc lau những dòng nước mắt, khi xem vai diễn má Tư – một hình tượng người Mẹ miền Tây chân chất, có con trai phản cách mạng. Nhìn gương mặt khắc khoải, thẩn thờ của má Tư khi chịu tiếng dèm pha của bà con, người mẹ đau khổ ấy đã đứng lên giác ngộ lý tưởng con trai mình quay về với chính nghĩa. Vai diễn Má Tư trong vở cải lương “Mẹ của chúng con” của nghệ sĩ Lam Tuyền thuyết phục người xem phải đồng cảm, khóc cùng nhân vật. Chính vai diễn này mang về cho NS Lam Tuyền chiếc HCV – diễn viên tại Hội diễn.
Lam Tuyền sinh ra và lớn lên ở Trường Xuân – Đồng Tháp. Ba cô làm ở phòng văn hóa thông tin xã, vốn có máu mê văn nghệ, nên thỉnh thoảng ông hay sáng tác những bài ca cổ ngợi ca quê hương mình. Trong những sáng tác của ông có bài ca cổ “Trường Xuân – quê hương tôi”. Ba cô hướng dẫn chỉ dạy cho Lam Tuyền từng cách luyến láy, nhã chữ trong bài ca cổ, để con gái mình tham dự văn nghệ quần chúng ở tỉnh.
Đó cũng là bài vọng cổ đầu tiên Lam Tuyền được học qua sự truyền dạy của ba mình. Bài hát đó giúp nghệ sĩ Lam Tuyền đạt nhiều giải thưởng từ cấp xã, huyện đến tỉnh. Cũng bài hát đó mang về giải nhất Cuộc thi Văn nghệ quần chúng năm 1990. Với chất giọng ngọt ngào và gương mặt khả ái của nghệ sĩ Lam Tuyền đã lọt vào tầm ngắm của chú Hoàng Hải – phòng nghiệp vụ văn hóa Sở Văn hóa thông tin Đồng Tháp lúc bây giờ. Chính chú Hoàng Hải đã đến nhà nghệ Sĩ Lam Tuyền phân tích và xin ba mẹ cho nghệ sĩ Lam Tuyền theo đoàn cải lương văn công Đồng Tháp học nghề Trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp Lam Tuyền được sự chỉ dạy, nâng đỡ của đạo diễn Thắng Vinh, nhạc sĩ Thanh An và anh em nghệ sĩ trong Đoàn giúp Tuyền ngày càng tự tin đứng vững trên sân khấu. Trên sân khấu của Đoàn VC Đồng Tháp , nghệ sĩ Lam tuyền có được những vai diễn đầu tiên như: Trịnh Đồng trong Thiếu phụ Nam Xương, Bạo chúa tình yêu, Nước mắt tình người, Một chuyện tình buồn…
Đến năm 1998 Lam Tuyền về đầu quân cho Đoàn cải lương Ánh Hồng – Trà Vinh được tham gia Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2000 với vai Tuyết Nga trong vở “Ai đưa con sáo sang sông”( đạo diễn Hà Quang Văn). Qua vai diễn này Lam Tuyền để lại dấu ấn trong lòng ban giám khảo và mang về chiếc HCB với vai Nga. Bên cạnh đó với giọng hát ngọt ngào và sâu lắng Lam Tuyền tham gia cuộc thi Tiếng hát ca cổ của Đài truyền hình Trà Vinh và đạt giải 3.
Năm 2000 Lam Tuyền lại xuôi ngược về cộng tác với Đoàn cải lương Tây Đô được sự dìu dắt , tạo điều kiện cho cô được tham gia giải triển vọng Trần Hữu Trang năm 2001. Sự nỗ lực và phấn đấu không ngừng nghĩ của cô được bù đắp xứng đáng khi hai vai diễn Thơm trong “Huyền thoại tình yêu” và Thiên Kiều công chúa trong “Trắng hoa mai” đã chinh phục hội đồng giám khảo để mang về chiếc Huy chương vàng giải Trần Hữu Trang năm 2001. Với giải thưởng cao quý này, tên tuổi nghệ sĩ Lam Tuyền được khán giả biết đến và giúp cô thuận lợi theo nghề và phát triển ước mơ của mình. Cô được lãnh đạo Đoàn tạo điều kiện tham gia trong các vai diễn nặng ký trong các vở: Cánh buồm gió ngược, Công chúa Ba Tư, Tô Ánh Nguyệt, Dòng sông đỏ… Với vai Dung trong Dòng sữa đỏ , Lam Tuyền nhận được HCB tại Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp đồng bằng sông Cửu Long năm 2002.
Năm 2003 khi sự nghiệp đang phát triển, ns Lam Tuyền khăn gói lên TPHCM với quyết tâm không đi hát nữa và chuyên tâm học may để ổn định cuộc sống. Giữa Thành phố nhộn nhịp và sôi động, với biết bao sân khấu cải lương sáng đèn hàng đêm. Mỗi buổi tối đi học về nhìn qua rạp Hưng Đạo với ánh đèn lung linh huyền ảo, đôi khi làm trái tim cô quặn thắt xót xa nhớ về nghề. Vẫn biết cuộc đời nghệ sĩ đã một lần ăn cơm tổ nghiệp không sao bỏ nghề được. Rồi một ngày năm 2004, đạo diễn Trần Văn Hưng gọi điện thoại mời cô tham gia cải lương truyền hình. Nỗi nhớ nghề, nhớ sân khấu như ngọn lửa dồn nén và cháy âm ĩ trong cô, thế là Lam Tuyền nhận lời tham gia và tìm cho mình cơ hội, hướng đi mới ở TPHCM. NS Lam Tuyền có những vai diễn ấn tượng trên cải lương truyền hình: Lời thề đất Mũi, Vị đắng, Bão rừng tre…
Năm 2004 Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang thành lập chương trình Thắp sáng niềm tin, quy tụ những Huy chương vàng Trần Hữu Trang, Huy chương vàng các kỳ liên hoan hội diễn về hoạt động. Cũng từ đó nghệ sĩ Lam Tuyền đầu quân cho Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Chính ngôi nhà này đã ươm mầm và tạo điều kiện cho nghệ sĩ Lam Tuyền tỏa sáng trong nhiều vở diễn trên sân khấu và truyền hình : Kim Vân Kiều, Con dâu Bác Ba Phi, Duyên kiếp, Truyền thuyết hồ đoạt mệnh, Điều vô giá, Một kết cuộc, Tìm lại cội nguồn, Ông tám làng tôi, Nhà có ba chị em…Hoạt động trong đơn vị công lập Tuyền có cơ hội đi biểu diễn phục vụ bà con vùng sâu vùng xa, phục vụ Trường Sa, Đại hội Đảng ,Giỗ Tổ Vua Hùng tại Phú Thọ…
Nghệ sĩ Lam Tuyền là cô đào cải lương đa năng, tìm ẩn của sân khấu cải lương. Nếu so với các nghệ sĩ khác thì con đường nghệ thuật của cô có nhiều cánh cửa để lựa chọn. Với tính tình hiền, chịu khó và nẫn nại, bên cạnh đó là giọng hát ngọt ngào và gương ăn hình, diễn xuất nhập tâm, giàu cảm xúc. Vì vậy gương mặt của cô được nhiều đạo diễn mời tham gia trong nhiều phim truyền hình: Miền đất phúc, Kính thưa Ô Shin, Vua sân cỏ, Cuộc chiến hoa hồng, Hoa hồng không dành cho em, Bụi đời, Hoa vàng nơi ấy, Thiên đường vắng em, Lời thề danh dự, Trường nội trú, Ngưỡng cửa cuộc đời, Tại tôi, Xóm gà, Kỳ phùng địch thủ…
Không chỉ dừng lại ở đó giọng hát ngọt ngào của nghệ sĩ Lam Tuyền được nhiều nhạc sĩ chọn là giọng hát chính cho ca khúc chủ đề của nhiều phim như: bài hát Chút tình đau ngày ấy , Rước tình trong phim “Chuyện tình Ca Cao”; bài Trên đồng cạn dưới đồng sâu trong phim “ Đồng quê”; bài Gió ngược sông chiều trong phim “Vịt kêu đồng”; bài Bãi sầu hoàng hôn trong phim “Lòng dạ đàn bà”; bài Khóc thầm phim “Khóc thầm”; bài hát Cúi mặt và Dòng sầu trong phim “Tình án”…
Hiện tại ns Lam Tuyền đang trên trường quay phim “Mười hai bến nước” cùng với Ns Hoài Linh, Chí Tài và tham gia hát ca khúc chủ đề cho phim “Vọng kim lang” sẽ phát sóng trên đài truyền hình trong thời gian tới.
Nguyễn Thu : Theo: VĐX