Năm 1885, một vị nhạc quan trong ban nhạc của Vua Hàm Nghi là Nguyễn Quang Đại đã vào Nam dạy nhiều học trò ở đồng bằng sông Cửu Long và Sài Gòn, miền Đông Nam bộ. Từ đó, nhạc tài tử phát triển nhanh. Bài được ưa thích đương thời là “Tứ Đại Oán”. Một điệu ca phổ biến suốt thời kì ca nhạc tài tử “thính phòng”, trên sân khấu “nhà hàng” và “ca ra bộ”.
Độc đáo nhất là khoảng năm 1928, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, thành lập gánh hát mang tên
“Đồng Nữ Ban” gồm toàn nữ diễn viên trẻ tuổi, khoảng từ 12 đến 18, nhằm mục đích tập hợp quần chúng nhân dân yêu thích ca nhạc, kịch, qua đó tuyên truyền tinh thần yêu nước, đấu tranh chống ngoại xâm và giáo dục, đào tạo lớp cán bộ cho cách mạng. Ngoài ra, còn gây quỹ tài chính hỗ trợ cho hoạt động cách mạng.
Gánh cải lương “Đồng Nữ Ban” do
Cô Ba Trần Ngọc Viện, con gái một gia đình có tiếng về âm nhạc ở Vĩnh Kim đứng ra điều khiển gọi là bầu gánh.
Cô chính là cô ruột của Giáo sư – Tiến sĩ nhạc học Trần Văn Khê, chị ruột của Trần Văn Triều (nổi tiếng với cây đờn cò). Còn Cô Ba Viện xuất sắc về đàn tranh và đàn tì bà khắp Nam kì lục tỉnh. Những diễn viên của gánh “Đồng Nữ Ban” hầu hết là con em của những gia đình yêu nước, tiến bộ, vượt bức tường phong kiến, xoá hẳn thành kiến “Xướng ca vô loài” tham gia gánh hát cải lương.
Thời điểm đó, giao thông đường bộ chưa mở mang, đến được với công chúng khán giả, gánh hát phải di chuyển bằng ghe chài. Mái nhà lưu động của chủ gánh và đào chính là chiếc tàu đầu dài, cùng một số ghe chở nghệ sĩ, công nhân và đội bảo vệ gánh hát.
Sở dĩ có đội bảo vệ nhằm đối phó các trường hợp phá rối của bọn côn đồ chuyên “coi hát cọp” và tệ nạn hà hiếp nghệ sĩ của thầy chú, cò bót sàm sỡ... Đa phần lực lượng bảo vệ là những người dày dạn bản lĩnh, luôn ứng xử êm đẹp với thầy chú, cò bót địa phương để vừa mua chuộc, vừa thuyết phục họ chơi đẹp với gánh hát trong tinh thần tôn trọng danh dự nghệ sĩ và bảo đảm việc hát xướng.
Gánh cải lương “Đồng Nữ Ban” được sắp xếp lực lượng chu đáo. Cô Ba Viện làm bầu gánh kiêm thầy tuồng, hiệp cùng Nguyễn Tri Khương, Trần Văn Hòe quản lí đối nội và đối ngoại; Trần Văn Giai, chính trị viên; Trần Văn Trương, an ninh trật tự. Bên cạnh đó, có sự nâng đỡ về tài chính, tinh thần và tuồng tích của nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước khi cần đến là đáp ứng ngay.
Hầu hết các diễn viên được rèn luyện tác phong đạo đức, tập dượt tuồng tích nghiêm túc. Ngoài ra còn được sự chỉ giáo của các nghệ sĩ đi trước ở gánh Phước Cương như cô Năm Phỉ. Mọi người trong gánh từ lãnh đạo đến diễn viên, nghệ sĩ, công nhân đều đoàn kết, gắn bó, yêu thương, trật tự ngăn nắp, kỉ cương đâu ra đó.
Đến giữa năm 1928, gánh “Đồng Nữ Ban” ra mắt khán giả đầu tiên tại chợ Vĩnh Kim với vở:
“Giọt máu chung tình” của soạn giả Nguyễn Tri Khương được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Rồi lần lượt lưu diễn tại các điểm khác thuộc huyện Châu Thành (Mỹ Tho) tiếng vang lan rộng.
Phát huy thắng lợi, gánh “Đồng Nữ Ban” dàn dựng thêm các vở mới: “
Hiệp tình quân tử”, “Bên nghĩa bên tình”... Khi tuồng tích lôi cuốn người xem, gánh hát lưu diễn xa hơn, vượt qua Bến Tre, Cao Lãnh, Cần Thơ, Rạch Giá, Thủ Dầu Một... đến đâu cũng được quần chúng nhân dân ủng hộ hết mình. Qua hơn hai năm lưu diễn ở các tỉnh thành công rực rỡ, lãnh đạo gánh “Đồng Nữ Ban” quyết định mở chuyến lưu diễn tại Sài Gòn để cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của toàn dân. Đêm đầu, thấy công chúng đến xem quá đông, nên đêm thứ hai, bọn lính kín, mã tà ập vào bắt bớ, kiểm tra gây khó dễ nên phải ngưng. Gánh “Đồng Nữ Ban” bị thực dân ra lệnh cấm hoạt động, chụp mũ là tuyên truyền quốc sự, phá rối trị an, nên phải giải tán, một số diễn viên được sự dìu dắt của các bậc đàn anh tham gia cách mạng, đứng vào hàng ngũ cứu quốc.
Trong thời gian hoạt động “Đồng Nữ Ban” được đông đảo khán giả ủng hộ, khẳng định được chỗ đứng trong nghệ thuật sân khấu.
Trần Trọng Trí
(Theo nguoicaotuoi.org.vn, 06/08/2008)