Bến nước Ngũ Bồ - Giản dị mà sâu sắc
Tôi đến rất sớm để lặng lẽ ngồi vào hàng ghế khán giả. Cầm trên tay tờ giấy quảng cáo vở diễn, tôi nghĩ có hay, hay không khi vở diễn chỉ có 5 nhân vật và chỉ có một đào lại là Quế Trân, cô đào có nhiều khuyết điểm về phần ca. Khán phòng tối om để bắt đầu vở diễn. Nhìn lên sân khấu mới thấy cái ´´đẹp lạ´´ của nó. Đơn giản ở cái quán, chỉ có cái mái đủ để cho khán giả biết đó là quán nhỏ của cha con ông lái đò, những hàng lau theo gió như có hồn của nó làm toát lên vẻ thơ mộng của cảnh vật rồi.
Hữu Quốc, Chiêu Hùng, Quế Trân trong vở "Bến nước Ngũ Bồ"
Chỉ 5 nhân vật, nhưng nhân vật nào cũng có đất diễn thật đồng đều. Hoàng Quốc Thanh, một gương mặt mới toanh đã chinh phục được hội đồng nghệ thuật cũng như khán giả qua tráng sĩ Lê Liêm. Ở Lê Liêm toát ra vẻ hùng dũng của một võ tướng nhưng cũng không kém phần lãng mạn với những cảnh tình tứ bên nàng Trinh (Quế Trân). Quế Trân có vẻ đằm thắm dịu dàng của người phụ nữ Á Đông và cả sự hiên ngang, yêu nước không khuất phục trước quân thù đã làm khán giả có những phút ''xúc động'' trước cảnh nàng Trinh bị hãm hiếp. Sở trường của NSUT Hữu Quốc vẫn là những vai lão, có thừa không khi tôi đưa ra những lời ca ngợi về anh? Cái khí tiết của lão chủ quán đã được NSUT Hữu Quốc lột tả khá xuất sắc, thà hy sinh con còn hơn để non sông vào tay quân giặc. Ns Chiêu Hùng, ns Thanh Sơn, mỗi người một nét tính cách khác nhau, ai cũng tròn vai của mình. Tiết tấu của vở diễn làm cho khán giả không thấy rề rà bởi cách dàn dựng của đạo diễn Nguyên Đạt đã làm cho vở diễn trở nên hợp lý, không thiếu cũng không thừa. Đây là vở cải lương chuyển thể từ kịch thơ của Hoàng Công Khanh (viết năm 1953), tác giả Võ Tử Uyên đã chuyển thể, bằng ngòi bút của một nữ tác giả trẻ, chị đã không làm mất đi chất thơ vở vở kịch. Khán giả đã rất hài lòng khen ngợi bởi các bài bản, điệu lý tác giả sử dụng hợp lý, lời văn trau chuốt đã chuyển tải hết nội dung của vở diễn. Đó là sự kiên quyết bảo vệ bí mật để đưa chàng tráng sĩ Lê Liêm sang Chiêm quốc chiêu tập binh sĩ về chống lại quân Minh của cha con ông lái đò. Những người luôn giàu lòng yêu nước, biết gạt tình cảm riêng tư cho nghĩa lớn. Tình yêu quê hương đất nước, nỗi đau khi quê hương còn bóng giặc đã cho họ biết hy sinh vì nghĩa lớn mà không cần hậu thế lưu danh. Từ những con người đó, sử sách ít khi biết đến, họ lặng lẽ góp một phần công sức và tình cảm của họ để cho non sông đại Việt trường tồn. Một cốt truyện đơn giản nhưng chứa đựng những điều lớn lao, những nghệ sĩ trẻ đã làm nên vở diễn hay, một tác giả, đạo diễn có tâm huyết với nghề đã tạo nên một ''Bến nước Ngũ Bồ'' trên cả tuyệt vời.
Thiết nghĩ, những người cầm bút, viết bằng chính con tim, bằng niềm đam mê và tâm huyết của mình thì những điều tưởng như đơn giản sẽ trở thành vĩ đại. Nghệ sĩ ca diễn hết mình cho vai diễn thì khán giả chẳng bao giờ quay lưng. Không áp đặt, không tuyên truyền, không quá hoành tráng và cũng không phải là những diễn viên xuất sắc, cũng không phải là cây viết lão làng nhưng ''Bến nước Ngũ Bồ'' đến từ đơn vị Nhà hát Thế Giới Trẻ đã làm nên một Huy chương Vàng trong lòng khán giả. Qua vở này, những người làm nghề có lẽ cũng nên tìm ra hướng đi mới cho cải lương. Biết biến những cái tưởng như đơn giản trở thành những cái to lớn mà vẫn gần gũi mới là cái hay.
Lâm Hữu Tặng - (Đại học KHXH NV) – Theo SKTP