Chăm chút từ diễn xuất, vũ đạo, kỹ xảo đến những vai quần chúng. Rơi nước mắt với bé Nghé của Trinh Trinh. Tết 2011, cải lương không còn rình rang với những vở tiền tỉ gây dư luận ì xèo về việc lãng phí tiền đầu tư. Tết 2011, đi xem vở cải lương Đả chiến phá sông Ngân, khán giả đã trầm trồ xuýt xoa vì một sân khấu công phu, rồi vỗ tay cảm động vì cảm nhận rõ những nỗ lực tận sức để khôi phục lại những vốn nghề quý của cải lương xưa nhằm chinh phục lại khán giả…
Nỗi lo chung
Trải qua một năm cải lương vắng khán giả hơn hẳn những năm trước, có thể thấy rõ sự lo lắng, ưu tư của từ ông Quốc Hùng - Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đến tận đạo diễn, nghệ sĩ, anh em hậu đài tham gia vở diễn. Ông Quốc Hùng bám sàn tập từ đầu đến cuối buổi để theo dõi, lo lắng các thứ. Các nghệ sĩ ngôi sao có nhiều show… cũng chẳng dám lơ là việc tập dượt. Bởi trong thực trạng không sáng sủa này, nếu vở này thất bại nữa thì tình hình cải lương nói chung sẽ tụt lùi thêm một khoảng cực kỳ nguy hiểm. Thế nên hậu trường của vở Đả chiến phá sông Ngân là một khối đoàn kết đầy sức mạnh cống hiến.
Chỉ tham gia một vai diễn nhỏ, xuất hiện không nhiều nhưng nghệ sĩ Trường Sơn cũng theo sát từng chi tiết đường dây vở diễn. Ông nhiều lần xuất chiêu, chỉ điểm những miếng diễn đắt giá cho Kim Tử Long, Võ Minh Lâm… Nghệ sĩ Kim Tử Long, nghệ sĩ dàn dựng vũ đạo sân khấu Thanh Sơn, nhạc sĩ Minh Tâm có bao nhiêu vốn nghề… đều dốc ra hỗ trợ đạo diễn Vũ Minh cho vở được đậm đà chất cải lương.
Cây giáo phun lửa
Tất cả đều tận lực, song công đầu để Đả chiến phá sông Ngân hấp dẫn lại thuộc về những dòng mồ hôi của nhân viên kỹ thuật hậu đài và dàn diễn viên tì nữ, quân sĩ. Để có được những kỹ thuật khói lửa, bay lượn, tắt đèn chuyển cảnh hấp dẫn, đạo diễn Vũ Minh đã có yêu cầu cao với tổ hậu đài, buộc họ phải làm việc công phu, vất vả. Những đòi hỏi khó của đạo diễn lại như tạo hưng phấn của những nhân viên kỹ thuật sân khấu. Họ chế ra những cách đánh chưởng đá bay, tóe lửa, những màn phi thân đánh võ trên không của diễn viên hiếm có sân khấu nào hiện nay có được. Để có những pha bay đẹp mắt ấy, đằng sau cánh gà, nhân viên hậu đài phải è sức kéo dây bay bằng đôi tay chứ chẳng có máy móc gì.
Họ còn chế được một cây giáo phun lửa khiến khán giả vừa vỗ tay vừa khen luôn miệng: “Hay quá, hay quá!”. Buổi tập cuối cùng mảng miếng bay, khói lửa, đánh võ… đều đã có. Tuy nhiên, các nghệ sĩ, các anh kỹ thuật sân khấu… vẫn chụm lại bàn bạc làm sao cho hấp dẫn hơn. Cuối cùng mọi người nhất trí là màn bay lượn, múa giáo của con Ngưu Lang dưới thủy cung, ngọn giáo phải phun được lửa. Nhưng làm sao phun lửa được thì chẳng dễ. Mọi người phải vừa nghĩ vừa moi đầu nhớ lại sân khấu xưa từng làm như thế nào, rồi phải qua nhiều lần làm thử mới có kết quả.
Quân sĩ, nữ tì cũng mướt mồ hôi
Để có vở cải lương đạt chất lượng chẳng hề đơn giản. Ngay dàn quân sĩ, nữ tì cũng phải được chăm chút, dàn dựng đâu ra đó. Những diễn viên quần chúng của Nhà hát Trần Hữu Trang đã te tua tơi tả trong Đả chiến phá sông Ngân. Những diễn viên rất phụ này lúc làm quân lính - nữ tì, lúc làm tiên đồng - ngọc nữ, khi thì là thiên binh thiên tướng, lúc biến thành dàn đồng ca… Bất kể là nam hay nữ, họ hết múa hát, đến lăn lê bò toài đánh võ, rồi mang vác, bưng bê đạo cụ, cảnh trí trên sân khấu… Những động tác chẳng dễ dàng chút nào, những diễn viên này vừa chạy vừa thở, mồ hôi tuôn như tắm.
Chính vì sự kỹ lưỡng như thế, chính nhờ công sức lao động của các diễn viên rất phụ như thế, Đả chiến phá sông Ngân đậm đà đặc trưng, chất lượng của cải lương làm xiêu lòng khán giả. Lượng khán giả suất sau đông hơn suất trước, lấp đầy khán phòng mênh mông hơn 1.000 chỗ ngồi của rạp Thủ Đô. Đó là quả ngọt trả cho cái tâm làm cải lương hay, nghiêm túc mà ê kíp thực hiện Đả chiến phá sông Ngân hướng tới. Cách làm cải lương đúng chất lượng, đúng giá trị này còn đem lại nhiều tin tưởng cho sức hồi phục của cải lương khi sân khấu không còn hát nhép và mọi thứ đều không hề làm chụp giật, qua loa khiến khán giả nản lòng.
Rơi nước mắt với bé Nghé của Trinh Trinh
Gần 20 năm về trước, bộ phim điện ảnh Phạm Công - Cúc Hoa lấy nước mắt như mưa của người xem bởi cảnh tình đói khát, bị mẹ ghẻ hành hạ của hai đứa trẻ mồ côi Nghi Xuân - Tấn Lực. Diễn vai Nghi Xuân đáng thương lúc ấy, cô bé con nhà nòi cải lương Trinh Trinh đã làm khán giả sụt sùi, nhớ mãi đến hôm nay. Tết 2011, khi đã là ngôi sao cải lương trẻ, vào vai Nghé, đứa con gái côi cút của Ngưu Lang - Chức Nữ vì mẹ bị bắt về trời, người cha nghèo ngày đêm thương nhớ trong Đả chiến phá sông Ngân, Trinh Trinh một lần nữa khiến khán giả rơi nước mắt. Với lối diễn nhập vai, nhiều nội lực bởi trải nghiệm từ cuộc sống bản thân có nhiều khó khăn - nỗi buồn; cùng với diễn xuất tinh tế nỗi đau mất vợ, xa con của Kim Tử Long trong vai Ngưu Lang, đôi bạn diễn Trinh Trinh - Kim Tử Long đã làm nên những khoảnh khắc sâu lắng cho vở diễn.
Theo Hoà Bình – Báo Pháp Luật TPHCM