1. romeo
    Avatar của romeo
    Bằng phong cách chân chất đặc sệt cải lương, do những ngôi sao một thời thủ diễn, đạo diễn kịch nói trẻ Vũ Minh đã thắp lại vầng hào quang của cải lương giữa muôn vàn khó khăn để cho khán giả, giới làm cải lương - sân khấu một niềm tin, một lực đẩy...

    Nghệ sĩ Thành Lộc - Lý Đạo Thành
    uy dũng độc đáo bên cạnh thái hậu Ỷ Lan - Bạch Lê
    vững vàng, giữ nguyên phong độ.


    Chiều 15-7, buổi phúc khảo vở cải lương Câu thơ yên ngựa đã để lại nhiều hân hoan và xúc động trên gương mặt những nghệ sĩ lão thành như Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Bạch Lê, Bạch Lựu…

    Ngọc trong đá

    Hiếm có kế hoạch làm cải lương nào lại được giới hâm mộ đồng thuận và nhận được sự quan tâm, ủng hộ của những nghệ sĩ cải lương tên tuổi như việc dựng lại Câu thơ yên ngựa lần này. Được như vậy bởi Vũ Minh - người bỏ tiền đầu tư dựng lại và đạo diễn Câu thơ yên ngựa - khẳng định anh sẽ giữ nguyên kịch bản gốc; giữ bản dựng cũ với những nét diễn, lớp diễn, âm nhạc, vũ đạo đã đi sâu vào lòng khán giả...

    Buổi phúc khảo có cả những gương mặt cải lương xưa và nay. Tiếng trống chiêng, phèng la, đàn tranh réo rắt, đàn cò nỉ non… từ lâu vắng dần ở sân khấu cải lương nay quy tụ đủ đầy khiến người xưa bồi hồi.


    Nghệ sĩ Út Bạch Lan (giữa)
    ôm nghệ sĩ Bạch Lựu và nghệ sĩ Ngọc Giàu
    khóc nức nở vì hân hoan, xúc động sau vở diễn

    Nghệ sĩ Bạch Lê vẫn giữ nguyên phong độ một nguyên phi Ỷ Lan tài năng uy lược. Nghệ sĩ Thanh Bạch vẫn làm sáng bừng sân khấu với hóa trang, vũ đạo Lý Thường Kiệt oai nghi với giọng ngân trầm ấm, ca vọng cổ ngọt ngào. Kép đẹp Điền Thanh ngày nào nay tái ngộ với nét diễn tinh tế, vũ đạo đẹp mắt hơn để làm nên một Lý Ngân chí “nam nhi múa giáo bình thiên hạ”.

    Lùi lại phía sau, nhường lớp diễn Lý Đạo Thành xử án hoàng hậu Thượng Dương cho Thành Lộc nhưng nghệ sĩ Trường Sơn vẫn tạo nên một Lý Đạo Thành lớp về triều đẹp như tranh khắc ở sự hài hòa các yếu tố hóa trang, vũ đạo, nét diễn. Riêng nghệ sĩ Thành Lộc, là dân ngoại đạo nhưng anh đã dồn lực để làm nên một Lý Đạo Thành rất riêng. Giọng không vang được như nghệ sĩ cải lương tuồng cổ nhưng sức diễn của Thành Lộc làm bừng bừng khán phòng...

    Không chỉ tập trung ở vài nhân vật, mọi vai diễn trong Câu thơ yên ngựa đều được trau chuốt. Những lớp diễn hay ngày trước như Lý Ngân bắn cung, hai thái tử ra trận, lễ xuất binh, xử án Thượng Dương... lại một lần nữa làm người xem say mê, sôi sục. Ngồi xem, đến những lớp diễn hay, nghệ sĩ Ngọc Giàu lại vỗ tay, xuýt xoa: “Như vậy mới là cải lương!”. Đến những trường đoạn mùi mẫn, nữ hoàng vọng cổ Út Bạch Lan vừa vỗ tay vừa khóc trong nhận xét: “Hay quá!”.

    Tri âm ngộ tri âm

    Giữa thời buổi cải lương ngày càng vắng khán giả, các chương trình cải lương ngày càng hiếm hoi, việc một đạo diễn kịch nói trẻ và thành công như Vũ Minh bỏ tiền làm cải lương không khỏi khiến giới mộ điệu và làm nghề bất ngờ. Vũ Minh bảo: “Tôi mê cải lương từ nhỏ. Mê đến mức cứ ước lớn lên sẽ làm nghệ sĩ hát cải lương. Nhưng cơ duyên với cải lương không đủ nên làm kịch. Năm năm trước khi đến xem chương trình Những cánh chim không mỏi về nghệ sĩ Thanh Tòng, trong tôi lại bừng dậy niềm đam mê xưa. Mong muốn làm được một chương trình cải lương thật đẹp, thật hay như hồi nhỏ từng coi được tôi ấp ủ mãi. Đến nay, khi đã đủ điều kiện làm, tôi trình bày mong muốn được làm một chương trình cải lương tuồng cổ-hồ quảng riêng về dòng họ Bầu Thắng-Minh Tơ và không ngờ lại được các anh chị từ Thanh Bạch, Bạch Lê, Điền Thanh ở nước ngoài đến các nghệ sĩ Thanh Tòng, Trường Sơn, Thành Lộc, Bạch Long… trong nước ủng hộ hết lòng. Không ai đặt một điều kiện gì, thậm chí tôi nhắc đến tiền còn bị gạt đi...”.

    Sự tri âm gặp nhau nên chẳng có khoảng cách giữa người mới và cũ, giữa kịch nói và cải lương. Nổi tiếng từ lúc Vũ Minh còn bé nhưng những nghệ sĩ gạo cội lại là những người không ngại cực nhọc để tập luyện nhất. Họ còn dốc hết nghề làm cho những lớp diễn hay ngày trước thêm đặc sắc. Những người cũ đã tin tưởng để Vũ Minh có một số thay đổi. Các mạnh dạn khác như làm lại toàn bộ phục trang, làm cảnh trí mới theo lối ước lệ, xử lý chặt chẽ và khá biểu cảm ánh sáng giúp Vũ Minh để lại dấu ấn riêng của mình nhẹ nhàng, khéo léo trong Câu thơ yên ngựa.

    Nhưng hơn hết, Câu thơ yên ngựa sự tri âm còn đến từ rất nhiều lời quan tâm, khen ngợi của khán giả cải lương dành cho Vũ Minh. Anh đã biết trân trọng, gìn vàng giữ ngọc giá trị đích thực của cải lương khi mang đến cho nó tình yêu và một hơi thở mới với cách làm chuyên nghiệp, nghiêm túc.

    NSƯT NGỌC GIÀU:

    Mong cải lương vẫn giữ được chất lượng như vậy

    Tôi rất hiếm khi được xem trọn một vở tuồng hay, lôi cuốn, chuyên nghiệp như thế này.

    Tôi thấy các đồng nghiệp của mình đã rất tôn trọng nghề, làm nghề nghiêm túc và giữ được cái nghề của mình.

    Mong rằng sau vở diễn này, chương trình này, cải lương vẫn giữ được chất lượng như vậy.

    Gìn vàng giữ ngọc

    Đạo diễn Vũ Minh đã đặt tên Gìn vàng giữ ngọc cho chương trình làm về dòng tộc cải lương tuồng cổ-hồ quảng Bầu Thắng-Minh Tơ quy tụ tất cả nghệ sĩ thuộc dòng tộc này (Thanh Tòng, Trường Sơn, Thanh Bạch, Bạch Lê, Thanh Loan, Chí Bảo, Bạch Long, Thành Lộc, Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân… Gìn vàng giữ ngọc bao gồm vở cải lương tuồng cổ nổi tiếng Câu thơ yên ngựa và vở cải lương hồ quảng kinh điển Điều Tam Xuân báo phu cừu. Chương trình diễn ra tại Nhà hát Bến Thành vào các đêm 23, 24, 25, 30, 31-7 và ngày 1-8-2010.

    Theo Hoà Bình – Báo Pháp Luật TPHCM
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL