Nhạc đờn ca tài tử khác với nhạc cải lương
September 23, 2016
Ngành Mai
Có người thắc mắc rằng cuộc họp mặt giới đờn ca tài tử do Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại tổ chức từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều Chủ Nhật, 9 Tháng Mười Năm 2016, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, có hát cải lương không?
Ðể giải đáp thắc mắc nầy, chúng tôi xin nhấn mạnh, đờn ca tài tử khác xa với cải lương, ngay cả tên gọi cũng phân biệt. Trong dân gian người ta gọi giới đờn ca tài tử là “tài tử giai nhân,” còn giới hát cải lương thì thiên hạ gọi là “đào kép.”
Từ lâu nay đa số những người hâm mộ cổ nhạc, thích nghe ca vọng cổ, đã vô tình hiểu rằng đờn ca tài tử và hát cải lương giống nhau. Thật vậy, khi người ta đi coi cải lương, nghe đào kép ca vọng cổ (vì bản vọng cổ không thể thiếu trong tuồng cải lương), ít ai chú ý rằng ca vọng cổ trong tuồng khác với ca vọng cổ ở các nhóm đờn ca tài tử.
Tuy rằng giữa nhạc tài tử và nhạc cải lương có mối tương quan mật thiết với nhau, bởi nhạc cải lương thoát thai từ nhạc tài tử, rồi biến thể biến âm theo kịch tính. Cũng thời một bài bản cổ nhạc, nhưng lúc còn ở trong phạm vi đờn ca tài tử thì người nghe thưởng thức được từng lời ca, hòa với âm hưởng âm điệu của tiếng đờn. Nhưng cũng bản nhạc ấy mà đưa lên sân khấu thì nó biến thể, nói lên hành động và hỗ trợ cho diễn xuất của diễn viên.
Chẳng hạn như bài vọng cổ mà ca đúng điệu nhạc tài tử thì đờn phải rao mùi cho người ca lấy hơi bắt giọng, đồng thời cũng để lôi cuốn người nghe. Nghe tiếng đờn rồi tùy theo bài ca dài hay ngắn đã được phân nhịp, giàn đờn vô trước, người ca sĩ đưa bài ca rơi đúng vào chữ “hò” và tiếp tục đi luôn cho đến khi dứt bản.
Ngược lại bài vọng cổ trong cải lương thì trước khi diễn viên vô vọng cổ, giàn đờn im lặng cho đến lúc diễn viên ca dồn một hơi dài (có khi dừng lại rồi ca tiếp) để xuống hò, thì giàn đờn cũng canh kỹ để đánh (bắt) chữ hò cho ăn với lời ca và tiếp tục đờn luôn để người ca theo dõi nhịp.
Cũng cần nói thêm về cách vô vọng cổ thì sau năm 1975, không biết tay nào đó đã chế ra cách vô vọng cổ cho đào kép ca một loạt hàng trăm chữ mới xuống hò. Rất nhiều người đã lắc đầu chán ngán với lối ca kỳ quặc này. Soạn giả Kiên Giang nói đó là lối ca đồng bóng, như thầy pháp đọc thiệu. Trong cải lương mới có vô vọng cổ kiểu nầy, chớ đờn ca tài tử thì tuyệt nhiên không thấy.
Nếu như không đi sâu vào sinh hoạt đờn ca tài tử, mà chỉ nhìn vào những nhạc cụ, những cây đờn cùng bài bản ca cổ nhạc thì người ta rất dễ nhầm lẫn cho rằng nhạc tài tử là nhạc cải lương, hay ngược lại, hoặc cũng có thể cho rằng hai loại nhạc là một.
Ðờn ca tài tử xuất hiện bất cứ nơi nào, ở dưới tàn cây, sân nhà, bờ sông, ven rừng, chòi ruộng, hoặc trên ghe… Nhưng khi chơi là rất nhiệt tình, vô điều kiện, tài tử giai nhân đã nhập cuộc thì dường như quên cả sự đời. Những ca sĩ tài tử tuy không qua trường lớp chuyên nghiệp nào, nhưng rất vững vàng nhịp điệu.
Xưa nay người đờn ca tài tử không hề phân biệt người nầy ca hay, người kia đờn giỏi, không phân biệt thành phần đẳng cấp trong xã hội, cũng không phân biệt nam, phụ, lão, ấu hay sang hèn. Ðờn ca tài tử được đa số công chúng mến mộ hơn cải lương, và nơi đâu có người dân miền Nam sinh sống, ở đó có đờn ca tài tử.
Do bản chất người tài tử là “tri âm tri kỷ,” rất dễ gần gũi với công chúng, ai đó có năng khiếu, tinh thần đến với đờn ca tài tử là được. Ðờn ca tài tử không đòi hỏi phải có tiền bạc mới tham gia, tiệc trà hay rượu ai có gì cứ mang ra thưởng thức chung, không bắt buộc ai cả.
Các ban đờn ca tài tử được mời đờn ca giúp vui cho đám cưới, họ không hề ra giá, gia chủ muốn thưởng bao nhiêu tùy ý, mà không có cũng chẳng sao, không ai phàn nàn. Còn ca cải lương thì phân biệt hẳn hòi, đào nhì kép ba không thể ngang hàng với đào kép chánh.
Ca cải lương thì người nghe, tức khán giả phải mua vé, người ca trong cải lương thì phải ra tiền họ mới ca, và phải trả đúng số tiền mà họ ra giá. Tóm lại tuy cũng xuất thân từ đờn ca tài tử, nhưng sang qua cải lương thì biến thể, biến chất từ phong cách, lời ca cho đến cách phục vụ.
Ðã không ít người họ chỉ muốn nghe nhạc tài tử mà thôi, chớ hiếm khi vào rạp để rồi phải nghe nhạc cải lương, mà theo họ thì cải lương đã biến thể về phong cách lẫn âm điệu.
Người hâm mộ cổ nhạc than rằng, ở hải ngoại từ bao nhiêu năm nay muốn đi thưởng thức cổ nhạc theo lối đờn ca tài tử mà không thấy ở đâu, chỉ thấy cải lương nhưng mua vé đắt quá nên nghỉ coi luôn mấy năm nay. Mong rằng có đờn ca tài tử thì sẽ đi nghe như hồi còn ở trong nước.
Kể từ ngày UNESCO công nhận đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, buổi hội ngộ vào Tháng Mười sắp tới là lần đầu tiên giới đờn ca tài tử ở hải ngoại gặp nhau, không phân biệt thế hệ nào.
Ngành Mai