Trong lúc thế hệ nghệ sĩ đàn anh đang bước dần vào cái tuổi “thất thập”, chuẩn bị lui vào hậu trường sân khấu thì lớp diễn viên trẻ kế thừa hôm nay vẫn chưa đủ sức thay thế họ.Nếu Sân khấu cải lương của giai đọan thập niên 60 – 70 là những sắc màu, đường nét rất rõ ràng với những ngôi sao , tên tuổi được khẳng định cùng thời gian như: Diệp lang, Bạch Tuyết, Thanh Sang, Minh Vương, Lệ Thủy… thì sân khấu cải lương hôm nay vẫn đang loay hoay với bài toán “ đâu rồi tài năng trẻ”.
Mộng Tuyền (phải) và NSƯT Lệ Thủy trong trích đoạt vỡ cải lương Hoa Mộc Lan.
Thực tế hiện nay cho thấy, kịch bản nào muốn được sống lâu trên sân khấu thì ít nhất phải có một vài cái tên có thương hiệu thì mới có thể khiến khán giả đến rạp. Còn nếu kịch bản đó chỉ tòan những gương mặt mới toanh thì y như rằng vở đó chỉ sống được 5 – 7 suất rồi lại cất vào kho. Câu hỏi được đặt ra là thật sự chúng ta không có lực lượng diễn viên trẻ, hay có nhưng chúng ta chưa có những đầu tư xứng đáng để các bạn được tỏa sáng, có phải khán giả quá khó tính không chấp nhận cái mới hay do các bạn trẻ chưa tạo được dấu ấn riêng cho mình, chưa thóat ra được cái bóng của những cây cổ thụ.Đạo diễn – NSƯT Trần Minh Ngọc – ủy viên ban chấp hành hội nghệ sĩ Việt Nam , cũng là một nhà giáo giảng dạy nhiều năm khoa kịch hát dân tộc tại trường đại học sân khấu điện ảnh Tp HCM cho rằng: “Hiện nay tại khu vực phía nam ,mà cụ thể là tại Tp HCM có hai đơn vị đào tạo chuyên ngành cải lương là trường đại học Sân khấu điện ảnh và nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Dẫu không nhiều nhưng hai đơn vị này cũng đào tạo cho sân khấu cải lương khá nhiều gương mặt mới, chưa kể đến các cuộc thi khác như : giải triển vọng Trần Hữu Trang, Giải bông lúa vàng, cuộc thi chuông vàng vọng cổ…nhưng những gương mặt trẻ ấy, sau khi cuộc thi khép lại, sau khi rời khỏi ghế nhà trường họ đã làm gì để khẳng định tài năng của mình.” 4 năm đèn sách với một giáo trình đào tạo bài bản ở trường nghệ thuật chưa đủ để một tài năng bừng sáng. Đọat giải thưởng cao ở một sân chơi nào đó chưa phải đã là sao, diễn một vài vai chưa hẳn đã được khán giả nhớ đến. Sân khấu cải lương hôm nay cần nhiều hơn thế: cải lương cần lớp trẻ thổi vào đó những hơi thở năng động gần gũi – tươi trẻ hơn, đòi hỏi người nghệ sĩ phải trân trọng nghề như chính cuộc sống và hơi thở của mình, phải làm nghề bằng tất cả cái tâm, nghị lực, niềm đam mê mãnh liệt và hơn cả là phải hát bằng trái tim thì khi đó mới làm lay động lòng khán giả . Nhà giáo ưu tú – tiến sĩ Phan Bích Hà – hiệu trưởng trường đại học sân khấu điện ảnh Tp HCM mong muốn: “Chúng ta không đổ lỗi cho các bạn trẻ, vì sự thực các bạn không được may mắn vào nghề ở thời điểm hòang kim của sân khấu cải lương.Khi phía trước thương hiệu của lớp nghệ sĩ tên tuổi còn đang in đậm trong lòng khán giả thì các bạn phải cố gắng để thóat ra cái hào quang ấy, nhưng xem ra rất nhiều các diễn viên trẻ hiện nay làm nghề với một thái độ hời hợt. Nếu ai đã từng có vài lần đến rạp, sẽ dễ dàng nhận thấy một điều đàng buồn: diễn viên để cho cảm xúc vai diễn lơi dần vì phải phụ thuộc vào máy nhắc tuồng, vai này lẽ ra phải hóa trang xấu đi thì diễn viên lại rất đẹp, bộ trang phục giản dị trong trường hợp đó sẽ làm cho vai diễn ấn tượng hơn thì diễn viên lại không ngần ngại khoác lên một chiếc áo thật lộng lẫy, rồi chưa kể đến việc ca nhép. Cứ như thế thì liệu khán giả có thể đặt niềm tin vào các bạn trẻ, những ngôi sao tương lai của sân khấu cải lương. Thiết nghĩ, với tài năng trí tuệ, sức trẻ các bạn sẽ còn làm nên những điều kỳ diệu hơn cho sân khấu cải lương, nếu như các bạn thật sự đến với nghệ thuật, với cải lương bằng trái tim của một người nghệ sĩ, hát bằng ngọn lửa khát khao nghề chứ không phải vì những ánh hào quang của sự nổi tiếng”. NSƯT Phan Quốc Hùng – giám đốc nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, nơi đã vinh danh nhiều tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng nói: “Cũng rất mong những nhà làm sân khấu, các đạo diễn, nhà biên kịch tin tưởng giao cho các bạn trẻ những vai diễn lớn để các bạn có cơ hội được thể hiện sở trường, thể hiện trách nhiệm và khả năng của mình với vai diễn. Phải có đi thì mới tới, hãy cho các bạn trẻ cơ hội để được sống – trải nghiệm với sân khân khấu, để các bạn tỏa sáng nếu thật sự các bạn có tâm có tài, bởi ngọc có mài mới sáng”. Chúng tôi xin chuyển đến các bạn diễn viên trẻ lời khuyên của một nghệ sĩ suốt đời tận tâm với nghề – NSƯT – tiến sĩ Bạch Tuyết khẳng định: “Nói về sân khấu cải lương thì có quá nhiều điều cần nói, nhưng trong khuôn khổ của bài viết chúng tôi chỉ dành để nói về các diễn viên cải lương trẻ hôm nay. Hãy để cho khán giả tin rằng lớp nghệ sĩ kế thừa hôm nay sẽ làm được những điều mà các nghệ sĩ đi trước đã làm được, đó là mang lại ánh hòang kim cho sân khấu cải lương . Nếu yêu nghề, làm nghề bằng tất cả tình yêu của người nghệ sĩ, trân trọng khán giả, đầu tư tỉ mỉ cho vai diễn thì cải lương sẽ lại được sáng đèn hơn, khán giả chắc chắn sẽ đến rạp xem nhiều hơn và sẽ không có chuyện khán giả quay lưng lại với sân khấu cải lương”./. Ngọc Bích