Những người nay ngoài 70 tuổi, đã từng hoạt động sân khấu ở Bến Tre, đều cho rằng hát bội có mặt ở Bến Tre, cũng như ớ Nam Bộ cùng thời với việc xây dựng những ngôi đình làng, hoặc muộn lắm thì cũng khoảng tương đương với giai đoạn thiết lập các đơn vị hành chính cấp phủ, huyện, tổng ở vùng này.
Tổng hợp các nguồn điều tra, khảo sát các gia phả, các dòng họ và nguồn gốc dân cư cũng như về vốn văn hóa dân gian lại, chúng ta có thể xác định được rằng hát bội được phổ biến rộng ở Bến Tre vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Như vậy, có nghĩa rằng trước đó cũng đã có hát bội như một sinh hoạt văn nghệ dân gian trong thôn xóm, chưa có tổ chức qui mô.
Như chúng ta biết, trước đây khi ông cha ta đến định cư một nơi nào trên vùng đất mới, thì một trong những công trình đầu tiên là xây dựng ngôi đình làng. Mà thường là hễ có đình thì có hát bội, vì mỗi năm “đáo lệ Kỳ yên", sau lễ hội thì làng tổ chức hát, hát vừa để "cúng thần", nhưng chủ yếu là để giải trí cho dân làng. Thời ấy, trong số những lưu dân đến định cư ở đây chắc chắn có nhiều người biết nhạc lễ và hát bội. Họ sống trong thôn xóm (lúc ấy dân cư còn khá thưa thớt) với nghề ruộng rẫy là chính, có thể cả nghề đánh cá nữa.
Trong những ngày lễ Tết, hoặc sau ngày mùa, học tụ tập nhau lại thành nhóm từ 10 đến 15 người có đàn, trống, kèn, sáo... Rồi tập dượt và biểu diễn một pho tuồng nào đó, coi như một nhu cầu sinh hoạt theo kiểu "cây nhà lá vườn", sau đó thì giải thể, trở về với công việc đồng áng. Hình thức hợp rồi tan của những đoàn hát bội còn diễn ra cho đến những thập niên đầu thế kỷ XX.
Đoàn hát bội chuyên nghiệp của Bến Tre ra đời vào những năm đầu thập kỷ XX với tên Kiến Lương Ban do ông Trần Văn Huệ làm bầu. Ông Huệ gốc gác làng Song Phước, hồi ấy thuộc quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho, nhưng sống một thời gian dài ở tỉnh lỵ Bến Tre. Ông Huệ làm bầu gánh hát được hơn 10 năm thì qua đời, trao đoàn hát lại cho con trai và con dâu vốn là hai diễn viên chủ chốt của đoàn. Đoàn vẫn giữ tên Kiến Lương Ban như từ nay là của bầu Quảng – tên của con trai ông. Bầu Quảng chết quá sớm, mới trên 40 tuổi, để đoàn hát lại cho vợ. Bà Quảng tiếp tục làm bầu, dẫn đoàn đi lưu diễn trong tỉnh, song hoạt đồng dài ngày nhất là ở Bình Đại, cho đến kháng chiến chống Pháp, do gặp nhiều khó khăn, nên đã giải thể.
Bà Quảng còn nhớ rất rõ lời cha chồng là ông Trần Văn Huệ (nếu còn sống, nay khoảng 100 tuổi) kể lại rằng ông biết hát bội lúc tuổi còn thiếu niên. Điều này chứng tỏ trước ông Huệ cả trăm năm, đã có những người biết hát bội và họ truyền nghề cho nhau. Bà Quảng kể lại: Đoàn Kiến Lương Ban thời ông Huệ (và sau này khi được giao cho con là bầu Quảng) có hát những tuồng Tàu như Tống tửu Đơn Hùng Tín, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Tam Tạng thỉnh kinh, v.v... Trong những tuồng Việt Nam, vở San Hậu được hoan nghênh nhất. Hát tuồng truyện thì mỗi đêm hát một hồi, đến khi nào hết truyện (ví dụ Thuyết Đường) mới sang truyện khác (Tam quốc chẳng hạn). Khi cải lương thịnh hành ở Bến Tre (khoảng 1925-1926) thì đoàn hát bội Kiến Lương Ban ngày càng vắng khách. Ông bầu và bà bầu Quảng phải chạy theo thị hiếu để kiếm sống, nên bắt đầu đưa vài màn ca cải lương và hề diễn vào tuồng hát bội. Thấy làm ăn khá, bà Quảng sắm thêm "panô" sơn thủy, máy nổ chạy thắp sáng, bổ sung dàn nhạc cổ cho hát bội và cải lương. Đến thời kỳ này thí Kiến Lương Ban thực tế đã trở thành một đoàn hát bội pha cải lương rồi. Tuy nhiên, vì cái gốc của đoàn là hát bội, nên thỉnh thoảng đoàn vẫn diễn những tuồng hát bội. Có lúc, đoàn được mời đi “hát chầu” cúng đình.
Hát cúng đình thì chỉ được phép diễn tuồng hát bội, dứt khoát không được diễn cải lương. Ngoài "hát chầu" là :hát giàn" tức đoàn tự tổ chức hát, bán vé, thu tiền. Những đêm hát như vậy, đoàn tự do pha hát bội với cải lương. Kiến Lương Ban đi hát chủ yếu quanh quẩn trong tỉnh, rồi trở về nơi quen, chốn cũ là đình An Hội (làng trung tâm của tỉnh lỵ). Làng nào muốn mời đoàn về "hát chầu" thì đến đó thương lượng. Nếu “hát chầu” thì được ban hội tề thù lao 80 đồng, làng nào khá hơn cho 100 đồng (bạc Đông Dương) nếu “giàn hát” chỉ “góp” mỗi đêm năm, sáu chục đồng.
Khi Kiến Lương Ban trở thành một gánh hát bội pha cải lương thì khán giả có đông hơn. Đoàn cũng đã diễn ra ở giữa Sài Gòn và Chợ Lớn xưa như ở đình tân Kiểng, đình Bình tiên (Chợ Lớn) hoặc đình Minh Phụng (Chợ Lớn) là những nơi dành cho những đoàn hát bội, hoặc hát bội pha cải lương có tiếng.
Trong nghề hát bội, “hát chầu” cúng đình là khó nhắt. Không khí ở đây rất nghiêm trang, nhang đèn sáng rực từ chính điện đến võ ca. Ngoài sân, người ta còn che thêm rạp, xếp bàn ghế có trật tự. những vị chức sắc mặc áo lễ, bịt khăn đóng chỉnh tề. Một số người xem được mời bằng thiếp. Cho nên gánh hát bội nào được mời về "hát chầu" thì xem đó là một vinh dự lớn.
Hát cúng đình thường kéo dài đến ba, bốn giờ sáng. Vở diễn phải nhiều dũng, ít bi. Không được đưa hề ra đùa cợt. Kết thúc vở phải có hậu. Diễn viên ngại nhất là người cầm chầu. Hễ diễn viên hát đúng thì người cầm chầu - thường là ông Cả trong làng – đánh một tiếng "thùng". Hát giỏi thì được thưởng ba, bốn tiếng "thùng". Hát sai, hoặc đùa cợt xúc phạm thì người cầm chầu khắc một tiếng "cắc" rất mạnh vào thành trống khiến diễn viên lúng túng, thậm chí hoang mang. Sau buổi diễn, ồng bầu và ông nhưn (thầy tuồng, ngày nay gọi là đạo diễn) phải đến nhận lỗi với ông Cả. Ở An Hóa, ngày xưa có ông Cả Chiến nổi tiếng sành nghệ thuật hát bội và rất nghiêm khắc.
Nói đến đây, chúng ta nhớ đến Đào Tấn(1) bậc thầy của sân khấu hát bội. Ông hết lòng với nghệ thuật tuồng và không tha thứ bất cứ một thái độ hời hợt nào trong diễn xuất. Câu liễn Đào Tấn viết, dán trên bàn thờ Tổ nghề hát bội đến nay và có lẽ mãi về sau vẫn còn giá trị:
Tùy xứ khôi hài Mạn Thiến tiên bản sắc
Phùng trường tác hí Hoan hỉ Phật tiền thân
Câu liễn mang ý nghĩa là trên sân khấu chớ nên khôi hài bừa bãi mà phải diễn xuất cho đúng cảnh ngộ và tâm trạng của nhân vật, vì sân khấu chính là cuộc đời.
Học làm diễn viên hát bội ngày xưa rất "trần ai", không kém học chữ Nho, đó là lời của bà bầu Quảng (76 tuổi), mà chúng tôi đã giới thiệu ở trên. Gia đình cho bà theo học nghề lúc mới 12 tuổi. Thầy dạy vỡ lòng là bác Sáu Mới, người tỉnh Vĩnh Long. Thầy luyện nghề là ông Ba Lớn, người Bến Tre, giỏi chữ Nho và hát bội cổ điển. Mỗi ngày học hai buổi. Sáng, sau khi cúng tổ học từ 5 đến 7 giờ. Tối nào cũng học, nhưng lâu hay mau, tùy giờ rỗi của thầy. Khi đoàn diễn, học trò phải thức xem để học hỏi. Lúc trả bài, miệng hát tay giữ nhịp. Nhịp sai, bắt trật, thầy bắt xòe hai tay, đánh rất mạnh bằng cây thước dẹp. Tay sưng đỏ, rát rạt, nước mắt trào ra mà không dám khóc. Thầy chú ý đến cả lối sống của trò, nghiêm khắc đến nỗi trò ít khi dám đi ngang qua mặt thầy. Ảnh hưởng tâm lý đó sâu đậm đến mức sau này, khi trò đã trở thành diễn viên giỏi, vẫn sợ thầy, mặc dù thầy không còn làm nhưn, hoặc không dạy nghề nữa. Thỉnh thoảng thầy vẫn chống gậy đến ngồi xem tuồng ở hàng ghế đầu với khán giả. Cuộc đời của một kép hát bội giỏi ngày xưa thường kết thúc bằng làm ông nhưn (thầy tuồng, đạo diễn), rồi mới chịu rời sân khấu. Chính đó cũng là một cách truyền nghề cho thế hệ trẻ, khi xã hội cũ không có trường đạo tạo diễn viên.
Ngoài Kiến Lương Ban, ở Bến Tre còn có các đoàn khác như đoàn hát bội của bầu Tiền ở Giồng Miễu (Thạnh Phú), đoàn của bầu Đẩu ở Hòa Lộc (Mỏ Cày). Các ông bầu Luông, bầu Vàng, bầu Hùng tuy thành lập đoàn hát ở các tỉnh lân cận, song vẫn lưu diễn hàng năm ở Bến Tre.
Chú thích
(1) Đào Tấn sinh năm1845 tại Bình Định, là nhà soạn tuồng xuất sắc của ta, vào thế kỷ XIX ( thời Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái). Ông sáng tạo và nhuận sắc hàng mấy mươi vở tuồng hát bội.