Nhiều năm trở lại đây, sân khấu cải lương ít xuất hiện các vở tuồng mới nên lực lượng soạn giả hầu như im hơi lặng tiếng và sống trong nỗi khắc khoải chờ đợi đơn đặt hàng từ các đoàn.
Các nghệ sỹ trong vở Hoa Vương Tình Mộng, một kịch bản mới của tác giả Hoàng Song Việt
Theo nhiều quản lý của các đoàn cải lương, việc không kiếm được tiền để tái đầu tư là lý do chính khiến các đoàn không đủ kinh phí đặt hàng kịch bản mới. Vì vậy, các soạn giả cải lương phải đối phó với hoàn cảnh bằng nhiều cách khác nhau để giữ ngọn lửa đam mê với nghề.
Tiền nào của nấy
Hiện tại tiền thù lao cho một kịch bản cải lương mà các đoàn trả cho mỗi tác giả khoảng từ 20-30 triệu đồng. Theo soạn giả Tô Thiên Kiều, số thù lao đó là thoạt ra tưởng nhiều nhưng tính ra quá thấp so với công sức lao động của một người sáng tác. Bởi vì một kịch bản cải lương đòi hỏi nhiều công phu mới chỉnh chu nhiều phần gồm thoại, ca và diễn. Riêng phần ca cũng đã rất phức tạp vì mỗi một đoạn sẽ có một điệu ca khác nhau. Nếu là tuồng cổ thì tác giả còn phải kỳ công hơn để soạn lời thoại và điệu bộ diễn xuất.
Chính vì vậy, nhiều soạn giả khi được đặt hàng đã sáng tác không hết nhiệt tâm, họ làm nhanh để xong chuyện. Hệ quả là nhiều vở tuồng mới đã không đảm bảo về yếu tố nghệ thuật. Trước bối cảnh như thế, các đoàn cũng không mặn mà tìm kiếm kịch bản mới mà chỉ khai thác những kịch bản cũ. Điều này được xem như một lợi ích kép vì vừa không tốn tiền vừa đở tốn công.
Nói về thực tế đấy, nghệ sĩ Kim Tiểu Long bộc bạch: “Làm nghệ thuật mà không có sáng tác mới có khác gì là một bước thụt lùi. Với một nghệ sĩ, diễn mãi một vở tuồng cũ có thể giúp cho diễn xuất nhuần nhuyễn hơn nhưng cảm giác cũng nhàm chán thiếu động lực đột phá”.
Chờ đợi thời cơ
Có một điều thú vị là cho dù cải lương không còn là mãnh đất tốt đối với các soạn giả, nhưng họ rất say nghề. Nói theo nhiều người là cái nghiệp thầy tuồng cải lương đã mang vào người thì không thể dứt ra được. Đặc biệt hơn, trong bối cảnh gần như được xem là khủng hoảng đó, lực lượng sáng tác không những không giảm sút mà vẫn còn khá dồi dào, dù họ hoạt động một cách lặng lẽ.
Để tồn tại, mỗi người chọn cho mình một nghề tay trái. Trong các soạn giả tên tuổi, thì Hoàng Song Việt khá ổn định với vai trò người quản lý nghệ thuật của đoàn Trần Hữu Trang. Còn Lam Tuyền và Tô Thiên Kiều phải hăng hái viết kịch bản cho kịch, viết tiểu phẩm cho các trích đoạn cải lương mới đảm bảo cuộc sống. Còn những soạn giả ít tên tuổi thì kiếm sống bằng cách tham gia trình diễn đờn ca tài tử ở địa phương. Và dù mỗi người làm một nghề tay trái nhưng họ vẫn chờ đợi liên hoan sân khấu được tổ chức định kỳ hai năm một lần. Bởi khi ấy, các đoàn có nhu cầu kịch bản mới nên các soạn giả uy tín thường được để mắt đến, và thù lao có thể lên đến 80-90 triệu đồng cho một vở diễn.
Soạn giả Hoàng Song Việt tâm sự: “Khi được tham gia các liên hoan chúng tôi có cảm giác mình được sống trọn vẹn với nghề. Nhờ tiền thù lao xứng đáng nên chúng tôi bỏ hết tâm huyết để sáng tác. Nhờ vậy, các vở tuồng cũng thể hiện được hết cái hay và cái đẹp vốn có của cải lương”.
Theo Nguyễn Huy – Báo Đất Việt