Sân khấu TP HCM 'sáng đèn' nhờ xã hội hóa
Không có sự hỗ trợ nào, nhưng giới đầu tư tư nhân đã làm thay đổi diện mạo sân khấu giải trí ở TP HCM. Hàng loạt điểm diễn mới sáng đèn, hàng loạt vở mới ra đời trong sự chờ đón của công chúng, điều người ta tìm đỏ mắt trước khi sân khấu được xã hội hóa. Trong khi đó, nhiều sân khấu, nhà hát được Nhà nước đầu tư trong tình trạng "vắng vẻ".
Hai cảnh tương phản
Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP HCM, đơn vị nghệ thuật truyền thống, nơi đào tạo nhiều nhân tài âm nhạc của thành phố, rất nhiều năm qua đã chịu cảnh cư trú tạm bợ tại rạp chiếu phim Khải Hoàn (cũ), dù dự án xây dựng một cơ ngơi cho đơn vị này được hình thành cách đây hơn 10 năm, với quy mô khá hoành tráng. Từ đó đến nay, mỗi bận biểu diễn, đơn vị này lại đem quân ra Nhà hát Thành phố.
Rạp hát Hưng Đạo, nơi gần như duy nhất dùng để biểu diễn cải lương của thành phố, cũng không còn có thể xuống cấp hơn, dù dự án cải tạo, xây dựng nơi này đã được lập cách đây 5 năm với tổng mức đầu tư dự kiến 70 tỷ đồng.
Còn dự án Nhà hát Bông Sen - đoàn nghệ thuật ca múa nhạc lừng danh của TP HCM trước đây cũng được triển khai nhiều năm qua nhưng đến nay mọi thứ vẫn chỉ còn ở trên giấy. Mỗi lần biểu diễn, đoàn cũng phải mượn địa điểm khác.
Trong khi đó, khá vất vả vì không có hỗ trợ, nhưng chỉ sau mấy năm xã hội hóa, hệ thống sân khấu, nhà hát tư nhân đã vượt mặt về số lượng lẫn chất lượng đáp ứng nhu cầu khán giả.
Khi tham gia lĩnh vực kinh doanh sân khấu theo cơ chế xã hội hóa, “bà bầu” Hồng Vân đã chọn một phương án khá an toàn là thuê một không gian của Trung tâm văn hóa Phú Nhuận mới vừa xây dựng. Vì mới được xây nên việc cải tạo bên trong thành một sân khấu không mấy tốn kém. Riêng “ông bầu” Phước Sang thì “liều” hơn với việc thuê trọn một địa điểm và cải tạo nó thành sân khấu. Sau địa điểm ban đầu tại 135 Hai Bà Trưng, trong một thời gian ngắn, ông bầu này đã cải tạo thêm hàng loạt địa điểm khác thành sân khấu đúng nghĩa: sân khấu kịch Sài Gòn, rạp Quốc Thanh và mới đây nhất là rạp hát Đại Đồng.
Kỹ nghệ lấy Tây , vở diễn ăn khách của sân khấu Phú Nhuận, địa điểm giải trí quen thuộc của công chúng TP HCM. Ảnh: Gia Tiến.
Hiện sân khấu kịch Phú Nhuận, kịch Sài Gòn, sân khấu IDECAF, 5B, Nụ cười mới… đã trở thành những địa điểm giải trí của số đông người dân thành phố. “Chúng tôi tự lo mặt bằng, tự lo xây dựng hay sửa chữa, tự lo dựng vở và tự lo quảng bá, tiếp thị… Kinh phí thu về thì lời ăn lỗ chịu và may mắn là chúng tôi đã “đứng’ được”, nghệ sĩ Hồng Vân,“bà bầu” của sân khấu kịch Phú Nhuận, cho biết.
Cần đầu tư để tránh chảy máu nhân tài
Cho đến nay, sân khấu kịch Phú Nhuận đã diễn được gần 2.000 suất, IDECAF cũng đạt con số tương tự… Trong khi đó, việc sáng đèn đối với các đơn vị như Nhà hát Trần Hữu Trang lại là một điều khá khó khăn, mà lý do không phải vì cải lương đã hết thời.
“Nhà hát xập xệ, chật chội khiến không ít các nghệ sĩ nản lòng. Nhiều vở cải lương với ý định dàn dựng quy mô, hoành tráng đều phải bó tay trước không gian quá nhỏ của rạp, còn không thì phải thuê địa điểm khác. Mà thuê thì chi phí đội lên”, ông Phan Quốc Hùng, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang (đơn vị sử dụng rạp Hưng Đạo), cho biết. Riêng nhạc sĩ Trần Vương Thạch, Phó Giám đốc Nhà hát Giao hưởng vũ nhạc kịch, lại băn khoăn về một khía cạnh khác: “Nếu có một nhà hát riêng để tăng cường những suất diễn mà không phải tốn tiền thuê địa điểm, thu nhập cho nghệ sĩ sẽ tăng, tránh tình trạng nghệ sĩ được đào tạo bài bản về múa, về âm nhạc cuối cùng lại phải đi làm công việc khác vì mối lo kinh tế”.
Theo ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM, việc chậm trễ các dự án xây dựng các nhà hát, sân khấu có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất vẫn là vướng các thủ tục thiết kế, xây dựng và mặt bằng. Hiện dự án Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch đã được khảo sát lại địa điểm dưới sự chỉ đạo của UBND TP HCM, và dự kiến sẽ được xây dựng ở Công viên 23/9.
Võ Hà ( Theo Báo Đất Việt Online)