Cuộc thi "Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020" do Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Hội Sân khấu TP HCM tổ chức đã họp báo vào sáng 12-6 tại Trung tâm Báo chí TP HCM.
Đây là cuộc thi được tổ chức trên cơ sở kế thừa và phát huy Giải Trần Hữu Trang được Hội Sân khấu TP HCM tổ chức từ năm 1991 đến 2014.
Với chủ trương thực hiện chủ đề "Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị", cuộc thi hứa hẹn tạo được khí thế sáng tạo sôi nổi của lực lượng nghệ sĩ sân khấu cải lương khi mang tầm quốc gia với tiêu chí tổ chức và chấm điểm theo các hạng mục lần đầu tiên mở rộng cho các loại vai: kép độc, đào lẳng, kép lão, đào mụ, kép hài, đào hài bên cạnh đào, kép chánh là nhân vật trung tâm của các vở cải lương.
Cuộc thi có 2 vòng: sơ tuyển sẽ diễn ra tại 3 khu vực là TP HCM (dành cho thí sinh từ Đà Nẵng trở vào và các tỉnh miền Đông Nam Bộ), từ ngày 2 đến 6-8; Hà Nội (dành cho thí sinh từ Thừa Thiên - Huế trở ra các tỉnh, thành phía Bắc), từ ngày 8 đến 10-8; Cần Thơ (dành cho thí sinh thuộc khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ), từ ngày 12 đến 15-8.
Vòng chung kết sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 30-8, tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (số 136 Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM).
'Nâng cấp' Giải thưởng Trần Hữu Trang - Hay và dở!
(Thethaovanhoa.vn) - Trở lại sau 6 năm đứt quãng, Giải thưởng Trần Hữu Trang được “nâng cấp” thành Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang - 2020, với quy mô toàn quốc, nơi huy chương sẽ được tính vào việc xét NSƯT, NSND. Cuối tuần qua Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã tổ chức họp báo giới thiệu về cuộc thi này. Ngoài những điều tích cực, đổi mới về cơ chế và giải thưởng, cuộc thi này vẫn nhận về những băn khoăn, thách thức.
Cuộc thi dự kiến trao 30 huy chương, gồm 10 vàng và 20 bạc, cho nhiều loại vai, gồm đào mùi - kép mùi, kép lão - đào mụ, kép hài - đào hài, kép độc - đào lẳng... Thời gian đăng ký dự thi đến hết ngày 19/7/2020, công diễn và trao giải dự kiến ngày 2/9/2020.
Đổi mới về cơ chế
Điểm đổi mới đầu tiên là cứ nghệ sĩ hoạt động từ 5 năm trở lên là có thể tham gia cuộc thi, không phân biệt tuổi tác và danh hiệu đã có. “Thậm chí đã là NSƯT, NSND thì vẫn tham gia được, vì cuộc thi hướng đến sự khẳng định đẳng cấp nghề nghiệp, sức sống của cải lương, chứ không chỉ tìm kiếm huy chương” - NSND Trần Minh Ngọc chia sẻ.
Điểm đổi mới thứ hai là cuộc thi hướng đến những nghệ sĩ độc lập, ngoài công lập, cũng như chuyên trị các vai phụ, vai độc, mà các cuộc thi trước đây khó có cơ hội tranh huy chương. Cuộc thi cũng hướng đến những tên tuổi đã khẳng định, nếu họ muốn đủ huy chương để xin xét NSƯT, NSND, thì tham gia. Nói ví dụ như các danh hài Bảo Chung, Tấn Beo, Hồng Tơ… nếu thích, họ đều có thể tham gia cuộc thi này, vì có hạng mục huy chương cho kép hài. Hoặc như các nghệ sĩ cải lương tuồng cổ, các tài năng đặc dị ở các gánh hát kiểu “Sơn Đông mãi võ” thì vẫn có thể tham gia, vì có kép độc - đào lẳng.
NSƯT Thanh Thúy (PGĐ Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) cho biết: “Chúng tôi mong muốn tạo mọi điều kiện cho các thí sinh là các nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp, kỳ cựu, có thể tham gia bằng các sở trường diễn xuất, như độc, lẳng, mùi, thương… Chúng tôi mong mỏi cuộc thi năm nay sẽ tạo được sự chuyên nghiệp và công minh, để thực sự tìm ra và khẳng định các tài năng sân khấu cải lương”.
Họp báo Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang - 2020
Băn khoăn vẫn còn đó
Giải thưởng Trần Hữu Trang do Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức từ năm 1991 là một kế thừa tinh thần của Giải Thanh Tâm từ năm 1958 đến 1968. Tính đến mùa giải cuối năm 2014, Giải thưởng Trần Hữu Trang đã tổ chức trao 12 lần, với khoảng 70 thí sinh đoạt giải, trung bình gần 6 giải một mùa. Góp phần tạo ra nhiều ngôi sao sáng như Kim Tử Long, Tài Linh, Vũ Linh, Phượng Hằng, Thanh Hằng, Thoại Mỹ, Kim Tiểu Long, Thanh Thanh Tâm, Linh Tâm, Châu Thanh, Quế Trân, Hữu Quốc… Bây giờ nâng cấp lên tầm quốc gia, ngay mùa đầu tiên đã dự kiến trao 30 huy chương, có bị nhiều quá chăng?
Đây là băn khoăn và tranh luận sôi nổi tại cuộc họp báo, nơi BTC tin rằng tài năng cải lương trên toàn quốc là rất nhiều, bây giờ thi đa dạng vai diễn, 30 huy chương là hợp lý. Trong khi nhiều ý kiến muốn hướng đến “quý hồ tinh” như Giải Thanh Tâm, như Giải thưởng Trần Hữu Trang trước đây; thậm chí trao ít như Giải Thanh Tâm thì mới kịch tính và danh giá.
Nhiều ý kiến cho rằng cứ trao huy chương được cho những cái tên như Vũ Linh và Phượng Hằng ở Giải thưởng Trần Hữu Trang, dù ít, cũng đã xứng đáng để tổ chức một cuộc thi. Ảnh: Thanh Hiệp
Một băn khoăn nữa là cái nôi cải lương ở Nam bộ, đỉnh cao cải lương thì ở TP.HCM, giờ mở rộng ra toàn quốc, liệu có cần thiết và thực tế không? Tại sao không giữ nguyên cái tên Giải thưởng Trần Hữu Trang, vốn đã thành một dấu ấn lớn, chỉ cần mở rộng quy chế và quy mô cuộc thi là đủ?
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, việc thay đổi là để phù hợp với quy chế trao huy chương và xét danh hiệu hiện thời. Tuy nhiên, vài cử tọa và nhà báo cho rằng nếu làm hợp lý hơn thì không cần thiết phải như vậy, bởi đặc trưng vùng miền là rất quan trọng trong văn hóa nghệ thuật có nguồn gốc trực tiếp từ dân gian. Ví dụ như việc nâng cấp quan họ Bắc Ninh, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, bài chòi miền Trung, cồng chiêng Tây Nguyên… lên tầm mức toàn quốc là không cần thiết. Bởi chúng là đặc trưng vùng miền, có tính riêng biệt, UNESCO công nhận là di sản của nhân loại cũng vì các khía cạnh này.
Dời cuộc thi "Trần Hữu Trang", nghệ sĩ mong sớm được tranh tài
(NLĐO) - Dù ban tổ chức đã hoàn thành tất cả các khâu chuẩn bị cho cuộc thi "Tài năng diễn viên sân khấu Trần Hữu Trang" 2020, nhưng trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch covid 19, cuộc thi đã không thể khai mạc tối 3-8 như dự kiến.
Đạo diễn Phan Quốc Kiệt, giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, cho biết Ban tổ chức cuộc thi quyết định tạm hoãn cuộc thi đến sau khi có lệnh của UBND TP cho phép các hoạt động văn hóa nghệ thuật trở lại bình thường. Cuộc thi sẽ được tổ chức tại TP HCM, sau đó tổ chức tại Hà Nội và Cần Thơ.
Theo soạn giả Hoàng Song Việt, các thí sinh vẫn ôn tập tiết mục để khi cuộc thi được khởi động thì sẵn sàng tham gia.
NSƯT Lê Trung Thảo - thí sinh dự thi - cho rằng việc dời cuộc thi là chấp hành tốt mọi khuyến cáo, những quy định của chính phủ và cơ quan y tế, nhằm phòng chống dịch. Trong thời gian này, các nghệ sĩ sẽ tập luyện và chờ văn bản thông báo cụ thể từ ban tổ chức để sẵn sàng bước vào cuộc thi.
Nghệ sĩ Cao Mỹ Châu (học trò của NSND Bạch Tuyết) cho biết: "Cuộc thi tổ chức với nhiều loại vai nên tôi có thể chọn những tính cách phù hợp với mình. Dời lại là có thêm thời gian để tập luyện".
Nghệ sĩ Hiền Linh, con trai của soạn giả Đức Hiền (cha đẻ của tác phẩm sân khấu "Bàn thờ Tổ một cô đào"), mong có thêm nhiều thời gian để ôn luyện và việc dời cuộc thi phần nào đáp ứng mong mỏi có được những buổi tập chu đáo hơn.
Nghệ sĩ hài Phú Quý sau khi tham dự Đại hội Sân khấu TP HCM mới biết tin cuộc thi chuẩn bị khai mạc, Ban tổ chức cũng đã tiến hành cho các diễn viên bốc thăm ngày dự thi. Theo nghệ sĩ này, cuộc thi dời lại thì ban tổ chức nên mở rộng cửa để các thí sinh chưa kịp đăng ký, có thể tham gia. Ông dù đã là U70 nhưng vẫn muốn được tham gia với các bạn diễn viên trẻ.
31 thí sinh tranh tài ở vòng chung kết cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang” 2020
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM Trần Thế Thuận tặng hoa cho Hội đồng giám khảo
Tối 26/10, vòng chung kết cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang” 2020 đã khai diễn tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (Quận 1).
Đến dự đêm khai mạc có Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu; Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM Trần Thế Thuận; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Truyền...
Diễn ra từ ngày 26 đến 29/10, vòng chung kết cuộc thi có sự tham gia tranh tài của 31 thí sinh đã vượt qua vòng sơ tuyển tại các điểm thi TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ. Tại vòng chung kết, các thí sinh thi diễn một trích đoạn cải lương thể hiện một trong các loại vai: đào - kép mùi, kép lão - đào mụ, kép độc - đào lẳng, kép - đào hài; đồng thời trả lời câu hỏi kiến thức về nghệ thuật cải lương, vai trò người nghệ sĩ.
Hội đồng Ban Giám khảo có sự tham gia của: NSND Trần Ngọc Giàu (Chủ tịch Hội đồng), NSND Giang Mạnh Hà, NSND Trần Minh Ngọc, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Thanh Thanh Hiền.
NSƯT Lê Trung Thảo thi diễn vai Lê Tư Thành, trích đoạn "Đêm trước ngày hoàng đạo"
Phát biểu khai mạc cuộc thi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang” 2020 do Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Hội Sân khấu TPHCM tổ chức được kế thừa từ “Giải thưởng Trần Hữu Trang” (Hội Sân khấu TPHCM tổ chức từ năm 1991 đến năm 2014) theo định hướng nâng tầm quốc gia nhằm tạo thêm điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ trong sáng tạo, biểu diễn, góp phần thúc đẩy nghệ thuật Cải lương tiếp tục lan tỏa sâu, rộng hơn. Bên cạnh đó, thành tích đạt được sẽ tạo điều kiện cho công tác xét tặng các danh hiệu cao quý của Nhà nước.
Lễ công bố và trao giải thưởng dự kiến diễn ra vào ngày 3/11 tại TPHCM.
Sau lễ khai mạc, 8 thí sinh đầu tiên là Lê Trung Thảo, Lê Thanh Thảo, Trần Ngọc Nhã Thi, Võ Thanh Tiền, Võ Thành Phê, Võ Thị Trí, Đào Thanh Phong và Đinh Thị Nga đã dự thi. Các thí sinh đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các phần thi của mình, nhất là đầu tư thêm phần dàn dựng nhằm tăng sức hấp dẫn cho tiết mục dự thi.
Lê Thanh Thảo, Võ Thành Phê hút hồn khán giả đêm chung kết 1 Trần Hữu Trang
(NLĐO) - Tối 26-10, vòng chung kết cuộc thi "Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020" đã khai mạc tại TP HCM. 8 thí sinh đã tranh tài, khán giả khen ngợi nhiều về tài năng của Lê Thanh Thảo và Võ Thành Phê.
NS Lê Thanh Thảo và Võ Minh Lâm trong trích đoạn "Bão táp Nguyên Phong"
Nghệ sĩ Lê Thanh Thảo (con gái của NSƯT Trường Sơn – NS Thanh Loan, gia tộc Minh Tơ) đã khẳng định đẳng cấp thể hiện sở trường đào võ qua vai Quận chúa Huyền Nga (trích đoạn "Bão táp Nguyên Phong" – tác giả Dương Linh, Huỳnh Minh Nhị, chuyển thể cải lương: NSND Thanh Tòng) do ông xã của cô là NS Điền Trung dàn dựng.
Trích đoạn thể hiện khí phách kiên cường, quyết lòng gìn giữ thủ đô Thăng Long của một nữ anh hùng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Vai diễn này trước đây đã từng là dấu son của mẹ cô, nghệ sĩ Thanh Loan (em gái thứ sáu của cố NSND Thanh Tòng) trên sân khấu đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ.
NS Chí Bảo và nghệ nhân Trường Lộc hỗ trợ đắc lực cho diễn xuất của Lê Thanh Thảo
Lê Thanh Thảo đã vận dụng khéo léo vũ đạo kết hợp với ca diễn, tạo khí phách hào hùng cho nhân vật nữ lưu anh hùng vốn là sở trường của các diễn viên nữ trong gia tộc Minh Tơ gồm: Trinh Trinh, Tú Sương, Quế Trân... Hỗ trợ cho cô về phần diễn xuất còn phải kể đến sự xuất hiện của NS Chí Bảo (con trai của cố nghệ sĩ Khánh Hồng), nghệ nhân Trường Lộc (chuyên trị những vai kép độc, lần này anh vào vai Hồng Xích Nguyên), nghệ sĩ Võ Minh Lâm…
NSƯT Ngọc Đợi và NS Võ Thành Phê trong trích đoạn "Con cò trắng" (soạn giả Thu An)
Nghệ sĩ Võ Thành Phê (Chuông vàng vọng cổ 2008) đã hóa thân xuất sắc vai Lộc – kép mùi trong trích đoạn "Con cò trắng" (tác giả Thu An, đạo diễn Minh Hoàng), một nhân vật vì suy nghĩ nông nổi đã sa chân vào nghiện ngập, gây khổ lụy cho vợ con và người mẹ già tần tảo nuôi anh khôn lớn.
Khán giả cổ vũ cho anh kép bước lên từ một anh thợ lái xà lan quê ở Cần Giuộc – Long An, nhờ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2008 đã đổi đời, nay là một nam diễn viên chuyên đóng các vai kép chính của Nhà hát Trần Hữu Trang. NSND Thoại Miêu ngồi trong hàng ghế khán giả đã nhận xét: "Nhờ Võ Thành Phê biết giữ giọng ca nên chất mùi mẫn của vai Lộc khi hối lỗi, ăn năn và gặp lại mẹ, gặp lại vợ gây xúc động. Trong khi một số nghệ sĩ bước ra từ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ không biết giữ gìn giọng hát, thì anh kép này ngày càng tiến bộ trong ca diễn".
Điểm nổi trội của Võ Thành Phê là hóa thân rất chi tiết vào nhân vật nghiện ngập, khiến khán giả bất ngờ trước lực diễn của anh. Hỗ trợ đắc lực cho anh còn có các nghệ sĩ: Quỳnh Hương, Diễm Thanh, Ngọc Đợi, Minh Hoàng, Tấn Lộc… Từng câu ca và cách vô vọng cổ của anh đã gieo vào lòng khán giả nhiều cảm xúc. Không ít người xem đã thốt lên "ngay đêm thứ nhất đã thấy được hai HCV lấp lánh xứng đáng".
Ông Trần Thế Thuận (Giám đốc Sở VH-TT TP HCM) tặng hoa các nghệ sĩ trong Hội đồng giám khảo chung kết cuộc thi Trần Hữu Trang năm 2020
Đêm chung kết thứ nhất còn có các thí sinh: Phương Nga (Nhà hát cải lương Việt Nam – trích đoạn "Cung phi Điểm Bích"), Võ Hoài Long (Nhà hát Trần Hữu Trang – trích đoạn "Trần Cảnh"), Nhã Thi (Nhà hát Trần Hữu Trang – trích đoạn "Nước mắt thần phi"), Đào Thanh Phong (Hội Sân khấu TP Cần Thơ – trích đoạn "Người đánh rơi hạnh phúc"), Võ Thi Trí (Đoàn nghệ thuật Cải lương Bến Tre – trích đoạn "Nợ người xưa").
NS Võ Thành Phê tạo cảm xúc đối với khán giả qua trích đoạn "Con cò trắng" với sự tham gia hỗ trợ của NSƯT Ngọc Đợi và NSƯT Quỳnh Hương
Tối 28-10, đêm thứ hai của vòng chung kết sẽ diễn ra tại Nhà hát Trần Hữu Trang. Hội đồng giám khảo vòng chung kết gồm: NSND Trần Ngọc Giàu (Chủ tịch Hội đồng giám khảo), NSND Trần Minh Ngọc, NSND Giang Mạnh Hà, NS Thanh Thanh Hiền, NSƯT Thoại Mỹ. Hội đồng tư vấn nghệ thuật: Nhà giáo ưu tú Diệu Đức (Chủ tịch Hội đồng), NSƯT Phượng Loan, NSƯT Lê Tứ.
Ngoài phần thi chuyên môn, các thí sinh còn phải trả lời câu hỏi lý thuyết của hội đồng giám khảo về lịch sử sân khấu, tác giả - tác phẩm, ý thức nghề nghiệp, phân tích nhân vật và niềm trăn trở, khát khao của người nghệ sĩ trong đời sống sân khấu cải lương hôm nay.
Ba "kép lão" tỏa sáng đêm chung kết 2 cuộc thi Trần Hữu Trang
(NLĐO) – Tối 27-10, đêm chung kết 2 của cuộc thi "Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020" diễn ra sôi nổi, ba diễn viên: Nguyễn Thanh Toàn, Hải Linh, Trần Linh chiếm trọn cảm tình của khán giả với vai kép lão.
Nguyễn Thanh Toàn (Chuông vàng vọng cổ 2015) đã thể hiện xuất thần vai ông Tám Khỏe trong trích đoạn cải lương "Người ven đô" (tác giả Minh Khoa, chuyển thể cải lương Nguyễn Gia Nghiệm). Anh nhận được nhiều tràng vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt của đông đảo khán giả và đồng nghiệp.
Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Toàn vai ông Tám Khỏe (trích đoạn "Người ven đô")
Vốn có làn hơi khỏe, giọng ca sâu lắng, lời thoại khẳng khái, Nguyễn Thanh Toàn đã chọn cho mình một hướng đi riêng, đó là thể hiện vai kép lão có số phận ngang trái.
Nhân vật ông Tám Khỏe bị địch bắt, dùng đủ cực hình tra tấn buộc ông khai cơ sở cách mạng trong 18 thôn vườn trầu nhưng ông vẫn một lòng trung thành với cách mạng. Biết không thể khuất phục tinh thần hiên ngang của ông Tám Khỏe, chúng bắt các cô gái trong làng để gây áp lực - nếu ông không tuyên bố ly khai cách mạnh, chúng sẽ hãm hiếp các cô gái, trong đó có Nghĩa, con gái ông.
Nguyễn Thanh Toàn để lại dấu ấn đẹp trong đêm thi chung kết thứ hai, thể hiện xuất sắc trích đoạn này, khiến nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền, đại diện Hội đồng Giám khảo đặt câu hỏi vấn đáp cho anh đã bật khóc vì xúc động.
Nhân vật ông Tám Khỏe của Nguyễn Thanh Toàn khiến khán giả mộ điệu cải lương nhớ đến "Đệ nhất danh ca" NSND Út Trà Ôn - người diễn vai này năm 1976 với phong cách diễn xuất đạt đến mức thượng thặng. Anh đã xử lý rất điệu nghệ bài "Ái tử kê", một bài bản rất khó mà không phải diễn viên trẻ nào cũng thể hiện được khi hóa thân "ông Tám Khỏe".
Hải Linh mang từ miền đất Tây Đô đến cuộc thi nỗi niềm của một ông bầu (trích đoạn "Miền nhớ") thà chết chứ không bẻ cong ngòi bút, sáng tác những vở tuồng phỉ báng lòng ái quốc. Công tác tại Nhà hát Tây Đô nhiều năm, Hải Linh tiến triển trong nghề rất nhanh. Anh đã vượt qua nhiều chặng đường chông gai để sống với sân khấu cải lương.
Nghệ sĩ Hải Linh nhận được hoa và sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả dành cho anh sau đêm thi
Hải Linh diễn xuất tài tình, vận dụng vũ đạo với võ thuật, khiến khán giả yêu mến nhân vật và nhớ đến tác giả Lê Duy Hạnh – người sáng tác kịch bản cải lương "Miền nhớ", đồng thời là người giữ vai trò quan trọng trong Ban chỉ đạo "Giải thưởng HCV Trần Hữu Trang" của Hội Sân khấu TP HCM suốt 12 lần tổ chức (1991-2014) – tiền thân của cuộc thi năm nay.
Trần Linh vốn là anh kép hiền lành, nhút nhát, gắn bó với sân khấu cải lương nhiều năm. Tối qua, anh làm khán giả bất ngờ khi thể hiện vai lão Quý trong trích đoạn "Hòn vọng phu" (tác giả Lưu Quang Vũ, chuyển thể cải lương Mộc Linh).
Trần Linh đã được đạo diễn Chí Linh dốc sức, dàn dựng khá chi tiết để anh thể hiện đầy cảm xúc vai kép lão vốn là nhân vật để đời mà nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã thể hiện thành công trước đó.
NS Hải Linh (vai lão Quý) và Tô Tiểu Long (vai Vịnh) trong trích đoạn "Hòn vọng phu"
Đây là thành quả của sự phấn đấu đáng khen mà Trần Linh mang đến cuộc thi, sau thời gian dài gắn kết với sân khấu Chí Linh – Vân Hà. Anh đặt mình đúng vào vị trí một diễn viên biết vận dụng đúng sở trường của mình. Khán giả dành cho Trần Linh lời khen ngợi bởi lòng yêu nghề, miệt mài gắn bó với những vai phụ, không nề hà so đo, bám chặt niềm đam mê sân khấu cải lương.
Vòng chung kết 2 còn sự tranh tài của các diễn viên: Hằng Ny (Đoàn Cải lương Hương Tràm – vai Nguyễn Thị Hạnh, trích đoạn "Người không cô đơn"); Trúc Hương (Nhà hát Trần Hữu Trang – vai Hiền, trích đoạn "Huyền thoại một tình yêu"); Diễm Thanh (Nhà hát Trần Hữu Trang, vai Nhớ, trích đoạn "Diều ơi"); Hải Yến (thí sinh tự do, vai Lý Chiêu Hoàng, trích đoạn "Đêm cuối Lý Chiêu Hoàng") và Như Huỳnh (Hội Sân khấu Bạc Liêu, vai Trang, trích đoạn "Trà Hoa Nữ").