Ngành Biên kịch sân khấu
Ngành đào tạo: BIÊN KỊCH SÂN KHẤU (Play Writing)
Trình độ đào tạo: Đại học
Thời gian đào tạo: 4 năm
MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
Mục tiêu chung
Chương trình khung giáo dục đại học ngành Biên kịch sân khấu trình độ đại học nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về Biên kịch sân khấu, đáp ứng nhu cầu hoạt động sáng tác trong lĩnh vực sân khấu nói riêng và văn hoá nghệ thuật nói chung.
Mục tiêu cụ thể
Phẩm chất đạo đức
Có lập trường tư tưởng vững vàng, có đạo đức và nếp sống lành mạnh, say mê nghề nghiệp; nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt trên lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật.
Kiến thức
Nắm vững những kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn, hệ thống các kiến thức chung, kiến thức cơ sở và kiến thức ngành Biên kịch sân khấu ở trình độ đại học.
Kỹ năng
Có kỹ năng về nghệ thuật sân khấu và nghệ thuật Biên kịch sân khấu; có khả năng độc lập sáng tạo, tư duy khoa học, tạo hiệu quả trong lĩnh vực Biên kịch sân khấu.
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Danh mục các học phần bắt buộc
Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin
Tin học đại cương
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lịch sử văn học Việt Nam
Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam
Lịch sử văn học thế giới
Đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam
Giáo dục thể chất
Cơ sở văn hóa Việt Nam
Giáo dục quốc phòng - an ninh
Ngoại ngữ
Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp
Kiến thức cơ sở của ngành
Phương pháp sân khấu truyền thống
Nghệ thuật đạo diễn
Lý luận kịch
Nghệ thuật diễn viên
Lịch sử sân khấu Việt Nam 1
Trang trí sân khấu
Lịch sử sân khấu Việt Nam 2
Phân tích tác phẩm âm nhạc
Lịch sử sân khấu thế giới
Kiến thức ngành
Nghiệp vụ biên kịch 1
Nghiệp vụ biên kịch 3
Thực hành nghiệp vụ biên kịch 1
Thực hành nghiệp vụ biên kịch 3
Nghiệp vụ biên kịch 2
Nghiệp vụ biên kịch 4
Thực hành nghiệp vụ biên kịch
Thực tập nghề nghiệp
Khóa luận (hoặc thi) tốt nghiệp
Nội dung các học phần bắt buộc (Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp)
Phương pháp sân khấu truyền thống
Nội dung: những đặc điểm của sân khấu truyền thống, khi chịu sự chi phối của hệ thống triết học, mỹ học phương Đông; phương pháp tái hiện thực cuộc sống với sự đan xen các yếu tố tự sự, kịch tính, trữ tình trong cấu trúc kịch bản văn học (tích trò); mối quan hệ giữa kịch bản văn học và nghệ thuật biểu diễn; giới thiệu và phân tích những nguyên tắc nghệ thuật như: tả thần, tả ý, khoa trương, cách điệu, nghệ thuật ước lệ; những nguyên tắc và đặc trưng trong nghệ thuật biểu diễn, múa, hát, âm nhạc, hóa trang.
Lý luận kịch
Nội dung: những kiến thức cơ bản về thể tài, tính thống nhất của kịch bản và vở diễn; về phương pháp luận để phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học kịch (kịch nói, tuồng, chèo, cải lương…); những phong cách sáng tác, cá tính sáng tạo của nhà văn, nhà viết kịch.
Lịch sử sân khấu Việt Nam 1
Nội dung: giới thiệu các loại hình sân khấu truyền thống, những đặc trưng cơ bản, chủ yếu là kịch hát dân tộc để vận dụng, tiếp thu vốn quý của cha ông vào quá trình sáng tác, tạo ra bản sắc riêng của kịch bản Việt Nam.
Lịch sử sân khấu Việt Nam 2
Nội dung: những giai đoạn hình thành và phát triển của sân khấu Việt Nam hiện đại; những thành quả và tồn tại của sân khấu cách mạng, trong đó có cả sân khấu truyền thống trong thời kỳ mới.
Lịch sử sân khấu thế giới
Nội dung: giới thiệu và hướng cho sinh viên nắm chắc về sự hình thành và phát triển của sân khấu thế giới qua mỗi thời đại, thời kỳ; đặc điểm riêng biệt của mỗi giai đoạn, mỗi nền sân khấu trên thế giới; giới thiệu những tác giả, tác phẩm tiêu biểu.
Nghệ thuật đạo diễn
Nội dung: giúp sinh viên nắm vững nhiệm vụ của người đạo diễn để từ đó hình thành mối quan hệ cộng tác giữa các thành phần sáng tạo vở diễn. Nội dung bao gồm:
+ Đạo diễn làm việc với người viết kịch bản- hình thành ý đồ vở diễn.
+ Đạo diễn làm việc với họa sỹ thiết kế sân khấu, thiết kế phục trang, đạo cụ, nhạc sỹ, biên đạo múa....
+ Đạo diễn làm việc với diễn viên.
+ Đạo diễn làm việc với âm thanh, ánh sáng.
+ Quá trình tập phác thảo.
+ Quá trình tập phối hợp.
+ Vở diễn ra đời: Kết quả của sự phối hợp đồng bộ giữa các thành phần sáng tạo.
Nghệ thuật diễn viên
Nội dung: những kiến thức cơ bản của kỹ thuật biểu diễn, đặc biệt là quá trình khai thác và phát triển hành động khi diễn viên sáng tạo vai kịch. Nội dung bao gồm:
+ Những yếu tố cơ bản của kỹ thuật biểu diễn.
+ Hành động kịch: đi tìm hành động từ lời thoại của nhân vật trong hoàn cảnh qui định của kịch bản.
+ Khai thác hành động hình thể.
+ Khai thác hành động ngôn từ.
+ Xây dựng tính cách nhân vật.
+ Sáng tạo vai diễn - hình tượng nhân vật.
Trang trí sân khấu
Nội dung: vai trò, vị trí, chức năng và nhiệm vụ của họa sĩ trang trí sân khấu; các công việc trang trí trong từng công đoạn và tổng thể từ việc xử lý kịch bản, ý đồ phác thảo, xử lý bối cảnh, đạo cụ, phục trang, hoá trang đến tính cách và tâm lý nhân vật; mối quan hệ sáng tác với các thành phần như: đạo diễn, diễn viên, biên kịch, kỹ thuật viên âm thanh - ánh sáng..., nhằm tạo nên sự thống nhất trong phong cách sáng tác cho một kịch bản sân khấu. Trong học phần ở từng thời điểm sinh viên sẽ được giới thiệu tiếp về công tác trang trí sân khấu hiện đại. Nội dung gồm:
+ Vai trò, chức năng và nhiệm vụ của người hoạ sĩ trang trí sân khấu.
+ Xử lý tạo hình trang phục
+ Xử lý kịch bản văn học và phác thảo trang trí.
+ Quan hệ giữa họa sĩ trang trí với đạo diễn và diễn viên.
+ Công tác trang trí hiện nay.
Phân tích tác phẩm âm nhạc
Nội dung: kiến thức cơ bản về nguyên tắc kết cấu của các thể loại âm nhạc. Trên cơ sở đó, sinh viên phân tích được các tác phẩm âm nhạc ở các hình thức và thể loại từ đơn giản đến phức tạp, liên quan mật thiết với nghệ thuật sân khấu, giúp sinh viên nâng cao năng lực cảm thụ âm nhạc và phát triển tư duy biên kịch trong xử lý âm nhạc sân khấu.
Nghiệp vụ biên kịch 1
Nội dung: tính thuyết phục của tác phẩm kịch bản, gồm các phần:
+ Khái luận.
+ Tiếp thu sân khấu truyền thống trong kịch nói và sân khấu truyền thống thời đương đại.
+ Những đặc điểm chính của kịch bản sân khấu.
+ Cấu trúc kịch bản Kịch nói, kịch bản Chèo, kịch bản Tuồng, kịch bản Cải lương...
+ Sự khác biệt và tương đồng giữa kịch bản sân khấu và kịch bản sân khấu truyền thống.
+ Vấn đề đặt ra trong kịch bản với cuộc sống hôm nay.
+ Ý tưởng và thông điệp trong kịch bản.
+ Tính logic trong tâm lý nhân vật.
+ Tính hợp lý trong quá trình phát triển hành động kịch.
+ Tính hiệu quả của kịch bản đến với khán giả khi đặt trong hoàn cảnh tập thể sáng tạo.
+ Sân khấu với nhu cầu công chúng qua những dạng kịch bản.
Thực hành nghiệp vụ biên kịch 1
Nội dung: phân tích tác phẩm sân khấu trong từng nội dung trên để sinh viên tự rút ra bài học qua hướng dẫn của giảng viên chuyên môn.
Nghiệp vụ biên kịch 2
Nội dung: tình huống kịch, gồm các phần:
+ Khái niệm về tình huống kịch trong Kịch nói, Chèo, Tuồng, Cải lương...
+Tình huống và sự kiện trong tác phẩm kịch bản sân khấu.
+ Những dạng tình huống thường sử dụng trong nghệ thuật biên kịch.
+ Chuẩn bị và tạo tình huống kịch.
+ Phát triển tình huống kịch.
+ Lớp mở đầu của kịch bản.
+ Tình huống bi, tình huống hài.
Thực hành nghiệp vụ biên kịch 2
Nội dung: tiến hành làm những bài tập sáng tạo từ thấp đến cao và xây dựng tình huống, viết và trả bài bằng một tiểu phẩm 7 đến 15 trang đánh máy A4, tham dự thảo luận bài viết ở lớp với sự hướng dẫn của giảng viên chuyên môn.
Nghiệp vụ biên kịch 3
Nội dung: nhân vật kịch và hành động kịch, gồm các phần:
+ Khái niệm về nhân vật kịch và hành động kịch trong kịch nói, chèo, tuồng, cải lương...
+ Xây dựng và sáng tạo lý lịch nhân vật.
+ Nhân vật hài và nhân vật bi.
+ Mối quan hệ nhân vật trong kịch bản và sự phát triển hành động.
+ Nhân vật chính, nhân vật phụ và hành động kịch trong kịch bản.
+ Tuyến nhân vật và dạng (nhân vật thứ ba) tác động đến các nhân vật với sự đột biến của hành động kịch.
+ Tính cách nhân vật.
+ Sự va chạm tính cách và sự phát triển hành động kịch.
Thực hành nghiệp vụ biên kịch 3
Nội dung: xây dựng nhân vật và viết tiểu phẩm hoặc có thể viết kịch ngắn, tham dự thảo luận bài viết ở lớp với sự hướng dẫn của giảng viên chuyên môn.
Nghiệp vụ biên kịch 4
Nội dung: xung đột kịch; hành động kịch, gồm các phần:
+ Khái niệm về xung đột kịch trong kịch bản Kịch nói, Chèo, Tuồng, Cải lương...
+ Xung đột kịch và mâu thuẫn.
+ Những hình thái xung đột: xấu - tốt, xấu - xấu và tốt - tốt.
+ Xung đột giữa nhân vật với nhân vật.
+ Xung đột giữa nhân vật với hoàn cảnh.
+ Xung đột nội tâm.
+ Tính mục đích và phát triển xung đột kịch.
+ Sự hình thành và phát triển xung đột kịch.
+ Giải quyết xung đột kịch.
Thực hành nghiệp vụ biên kịch 4
Nội dung: luyện kỹ năng viết kịch, sửa chữa, nâng cao, phát triển tiểu phẩm đã viết thành kịch ngắn, kết thúc học kỳ trả bài bằng một kịch ngắn, tham dự thảo luận bài viết ở lớp với sự hướng dẫn của giảng viên chuyên môn.