Những giọng ca vàng của sân khấu cải lương: Các giọng ca nữ
1. TRƯỜNG PHÁI ÚT BẠCH LAN:
Sau khi Út Trà Ôn lên ngôi Vua Vọng Cổ bên phía các nam danh ca, một thời gian dài, các giọng nữ nổi tiếng thời đó (thập niên 50-60) chưa có giọng ca nào tạo thành một liên danh đối trọng với Út Trà Ôn. Có hai giọng ca trẻ nổi lên là Thanh Hương, Út Bạch Lan hợp cùng với Út Trà Ôn trở thành những giọng ca vàng ăn khách nhất trên dĩa hát. Người có số lượng vai diễn và bài ca đóng cặp với Út Trà Ôn trên các hãng dĩa thập niên 60-70 nhiều nhất của thế kỷ trước chính là NSƯT- Sầu nữ Út Bạch Lan – Nữ Hoàng Sương Chiều.
Các xưng danh mà giới nghệ sĩ, ký giả kịch trường, khán giả, thường các tước vương phong cho nam còn nữ chỉ được phong hậu. Có một thực tế không thể chối cãi, nữ nghệ sĩ dù có ăn khách cỡ nào thì số lượng khán giả ái mộ vẫn không thể bằng các nam nghệ sĩ. Xét một cách tổng thể thì chính giọng ca của Út Bạch Lan mới là giọng ca số một phía bên nữ, cùng với Út Trà Ôn mở đường đưa bản vọng cổ nhịp 32 lên tới đỉnh cao trong hệ thống bài bản cải lương. Út Bạch Lan có chất giọng kim pha thổ (kim nhiều hơn) nên giọng trong trẻo, lảnh lót, thời trẻ bà có cách vô vọng cổ chồng hơi rất ngọt, rất mùi như tiếng nức nở tận đáy lòng bộc phát lên thành những âm thanh cao vút nghe như xé lòng. Ngoài chất giọng thiên phú, mùi mẫn, nghệ thuật ca của Út Bạch Lan rất nhẹ nhàng không thấy ráng hơi, ca như nói, đặc biệt Út Bạch Lan có cách nhấn dấu sắc lửng rất hay, vút lên rồi nhẹ nhàng rơi rơi như chiếc lá bay nhè nhẹ. Thường thì các danh ca nữ hành văn sắp nhịp hiền hơn các giọng ca nam. Ở các giọng ca nữ chủ yếu là diễn cảm, ca cho ra cái thần của nhân vật, diễn tả được nội dung bài hát muốn thể hiện, ít có người áp dụng những kỹ thuật luyến láy, sắp nhịp độc đáo. Út Bạch Lan là một trường hợp ngoại lệ, vừa cao, vừa ngọt, vừa mùi nhưng cũng vừa điêu luyện trong cách hành văn sắp nhịp, có lẽ những nghệ sĩ thời trước có khuynh hướng ca chú trọng tới cách sắp nhịp nhiều hơn, đẳng cấp người ca chính là cách sắp nhịp, làn hơi đứng thứ hai. Vì vậy các nữ danh ca trẻ ngày nay ca nhịp tương đối hiền. Giọng ca của Út Bạch Lan cho tới nay vẫn là một chuẩn mực, nhưng có lẽ cách ca của bà khó, các nghệ sĩ trẻ chưa có người ca đạt được trình độ kỹ thuật như bà. Nghệ sĩ Phượng Liên là người ảnh hưởng sâu sắc cách ca vọng cổ của Út Bạch Lan. Có thể nói, Thanh Nga cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều cách ca của Út Bạch Lan, Hương Lan cũng vậy. NSƯT Thanh Ngân là giọng ca ảnh hưởng rất nhiều đến kỹ thuật luyến láy nhấn chữ của Út Bạch Lan. Cách ca của bà thể hiện đẳng cấp cao của nghệ thuật ca vọng cổ chính thống, không lai căn. Các giọng ca trẻ nữ nên chú ý học tập.
2. TRƯỜNG PHÁI THANH HƯƠNG:
Đây là một danh ca lừng lẫy một thời với Út Bạch Lan, giọng đồng của nữ (có pha một chút hơi thổ) Thanh Hương ca chân phương, mạnh mẽ nhưng cũng rất ngọt, rất mùi, thường ca chung với Hữu Phước tạo thành một liên danh ăn khách trên các hãng dĩa. Thanh Hương là giọng ca độc nhất vô nhị, cho tới bây giờ cải lương chưa có giọng ca nữ nào được như bà, cách ca của Thanh Hương hoàn toàn đối lập với Út Bạch Lan. Nếu Thanh Hương mộc mạc, âm vực rộng thì Út Bạch Lan mềm mại, dịu dàng, trữ tình. Hai người như một văn (Út Bạch Lan), một võ (Thanh Hương). Rất tiếc sau này Thanh Hương lập đoàn hát đi lưu diễn các tỉnh miền Tây rồi qua đời năm 1975 tại An Giang nên không xuất hiện nhiều trên băng dĩa. Dấu ấn để lại không nhiều với lớp nghệ sĩ trẻ nhưng với những nghệ sĩ thành danh thập niên 60-70, Thanh Hương là một giọng ca hàng đầu của SKCL ngang hàng với Út Bạch Lan, Hữu Phước, Thành Được, Thanh Hải…
3. TRƯỜNG PHÁI LỆ THỦY:
Là người chịu ảnh hưởng sâu sắc lối ca vọng cổ của nữ danh ca Thanh Hương, chất giọng kim pha thổ, âm vực rộng, ca chân phương không cầu kỳ, sức thu hút của giọng ca Lệ Thủy là sự mộc mạc, chân thật được thể hiện hiền lành, trong sáng, có một chút khào khào rất riêng, bao nhiêu năm qua vẫn cách ca chân phương ấy, Lệ Thủy vẫn là giọng ca ăn khách hàng đầu của SKCL hiện nay. Nhiều nữ nghệ sĩ trẻ từ thập niên 70 đến nay ảnh hưởng sâu sắc giọng ca của Lệ Thủy, một số đã thành danh, sau này tách ra thành một trường phái riêng (Thanh Kim Huệ). Bích Hạnh, Lệ Thu, Dạ Hương, Lệ Trinh, Lệ Thu Thảo là những người ảnh hưởng theo cách ca của Lệ Thủy. Trường phái ca vọng cổ của Lệ Thủy hiện vẫn được rất nhiều nghệ sĩ trẻ đi theo. Trường phái này vẫn còn sống mạnh.
4. TRƯỜNG PHÁI MỸ CHÂU:
Đây là giọng nữ trầm (thổ pha kim) đặc biệt nhất từ trước tới nay của sân khấu cải lương, âm vực rộng, mượt mà, trữ tình, sang trọng, trau chuốt, ca trong lòng câu rất hay. Chất giọng tự nhiên mang nỗi buồn rười rượi. Mỹ Châu là nữ danh ca có lối sắp nhịp độc đáo nhất, ca như không cần nhịp, bay lượn trên nhịp rồi bất ngờ về ngay nhịp chính. Giọng trầm nên Mỹ Châu ca như tự sự như tiếng nói tự lòng mình phát ra, nên có sức hút rất lạ, khi thu dĩa hay đứng trên sân khấu hát chung với nhiều giọng ca tài danh khác, giọng ca Mỹ Châu có nét rất riêng của mình không hòa lẫn vào ai, nổi bật lên, như dòng nước êm đềm len chảy qua từng ngõ ngách tâm hồn người nghe, đây là giọng ca hiếm có của sân khấu cải lương. Mộng Nghi, Thoại Miêu ảnh hưởng cách ca vọng cổ của Mỹ Châu. Hiện nay chưa có giọng ca nữ trẻ nào ca được như Mỹ Châu. Trường phái này dường như tới thời Thoại Miêu là hết.
5. TRƯỜNG PHÁI THANH KIM HUỆ:
Ban đầu, Thanh Kim Huệ ảnh hưởng rất nhiều với cách ca của NSƯT Lệ Thủy và Mỹ Châu. Suốt mấy chục năm liền, đây là hai giọng ca nữ tiêu biểu cho giới trẻ. Thanh Kim Huệ rất thần tượng Mỹ Châu và Lệ Thủy nhưng chị cũng hiểu rằng muốn thành công thì phải có nét riêng không thể sao chép, Thanh Kim Huệ có chất giọng kim lảnh lót, nhẹ nhàng, trẻ trung, ca rất biến hóa trong lòng câu, có nhiều cách vô vọng cổ lạ, lạng bẻ, nhưng rất chính chắn, không phô. Cũng như Thanh Tuấn, Thanh Kim Huệ có phong cách ca mới phù hợp với giới trẻ, hiện nay lối ca này vẫn còn được rất nhiều người học hỏi bắt chước theo. Thanh Kim Huệ có đầy đủ yếu tố, hơi và nhịp. Đây là trường phái hiện đại có nhiều cách tân. Linh Huệ, Bình Trang, Ngân Huệ…thuộc trường phái này.
Theo Việt Khang - Báo Sân Khấu