Ở tuổi thất thập, NSƯT Thanh Sang viết hồi ký. Mới được mấy chục trang, nhưng ông vui vẻ chia sẻ với bạn đọc Thanh Niên những nội dung mà ông sẽ viết. Có rất nhiều chuyện trước nay ông chưa từng kể với báo chí, giờ nói ra thật bất ngờ...
Nghệ sĩ Thanh Sang lúc trẻ - Ảnh: Tư liệu
Nghệ sĩ Thanh Sang vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long, một trong những vai diễn để đời của ông - Ảnh: Tư liệu
Hỏi ông có phải viết hồi ký đang là “mốt” của các ngôi sao nên ông cũng vậy. Ông xua tay: “Tôi có cái tánh đó hồi nào đâu! Chỉ tại ngồi buồn nhớ lại bao nhiêu gian truân của đời mình, nên muốn ghi lại để con cháu có đứa nào để mắt coi thì coi, như một kinh nghiệm, một trường huấn luyện trau dồi”. Thực tế sức khỏe ông không tốt lắm, nên mỗi ngày ông chỉ viết tay được vài trang, thậm chí có hôm chẳng được trang nào. Và viết xong thì đưa cho bà vợ đọc giùm, viết lại. Bà Liễu không chỉ là vợ, là y tá, mà còn là bạn ông, nhớ vanh vách những năm tháng, những vai diễn, bạn diễn, để bổ sung cho chính xác. Bà lặng lẽ dìu chồng đi, đưa từng viên thuốc, gom từng trang bản thảo… Ông nhìn bà cười hài hước: “Tôi viết tháu lắm, bả viết lại cho đầu đuôi thứ tự, chữ nghĩa rõ ràng. Cho nên tui hổng dám chọc bả giận, bả bỏ luôn là tiêu à. Đồ mỏ nhọn, ủa, nhỏ mọn!”. Bà Liễu liếc ông, cũng bật cười. Thanh Sang là vậy, lúc đang thấy ông “nghiêm mặt” thì bất ngờ ông pha trò như thế.
Miếng thịt bò đầu tiên
Thanh Sang sinh năm 1943, trong một gia đình làm nghề biển ở Bình Định. Ba ông mất khi ông mới 7 tuổi, bà mẹ dẫn 4 đứa con vào Long Hải, Bà Rịa sinh sống. Nhà chỉ mình ông là con trai, lại là trai út, nên từ nhỏ ông đã ý thức gánh vác trách nhiệm. Nhưng mấy mẹ con đã phải trải qua một thời gian nghèo khổ không tưởng tượng nổi. Ông nói: “Long Hải là xứ cá, cá rẻ như bèo, vậy mà nhà tôi không có cá ăn thì biết là nghèo cỡ nào. Tôi phải đi lượm những con cá nhỏ xíu rớt lại trên bờ biển sau khi thuyền ghe đi khỏi. Thậm chí lượm cả gà chết người ta quăng trên bãi. Gà mắc gió là họ bỏ, tôi coi con nào còn ngáp ngáp hoặc giãy giãy là cứ lượm về làm thức ăn cho cả nhà. Có lần biển động thuyền ghe không đi đánh bắt, tôi lang thang đi tìm mà trên bãi chẳng có con cá nào, chợt nhìn ra khơi thấy một khối gì to đùng như chiếc thùng tô nô, tôi mừng quá lội ra biển tính vớt cái thùng đem bán kiếm tiền. Ai ngờ đó là con bò chết. Cái lưng nó bắt đầu trương sình lên, nhưng 4 cái chân nhờ ngâm dưới làn nước biển nên còn tươi. Tôi lôi nó vô, xẻ lấy 4 cái đùi to về chia cho bà con trong xóm. Đó là lần đầu tiên tôi được ăn thịt bò, chừng 9 - 10 tuổi, nhớ mãi không quên”. Dĩ nhiên, ông nhớ trong nước mắt!
Ma cũng thương người khổ
13 tuổi, ông đi gỡ lưới cá cho các chủ ghe để họ cho cá về ăn. Nhưng ông không hiểu sao ông cứ bị người ta hất tay ra, ăn hiếp. Rồi lâu dần cũng có việc làm ổn định. Rồi mẹ và các chị của ông đi làm mướn xa, bỏ ông ở lại Long Hải một mình, không có nổi một mái lá che thân. Người ta thương tình cho ở nhờ trong một căn nhà đổ nát mà dân quanh vùng rất sợ, cứ gọi đó là “nhà ma”. Chạng vạng là dân bu trước cổng nhà chờ coi ma hiện hình.
Ông ở bờ biển về, lập cập chui vô nhà khấn vái: “Mấy ông mấy bà khuất mặt khuất mày ơi, tui khổ lắm rồi, nhờ có căn nhà này để nương thân, đừng có nhát tui, tui sợ bỏ đi thì tui hổng biết ở đâu bây giờ!”. Khấn xong ông nằm chèo queo trên bộ ván, rồi chìm vào giấc ngủ, chẳng có ma cỏ gì xảy ra. Ông bồi hồi: “Ma cũng biết thương người nghèo khổ chứ!”.
Tô hủ tiếu... lạt nhách
Vì quá nghèo nên ký ức Thanh Sang còn ấn tượng rất mạnh với mỗi món ăn thời thơ ấu. Ông nói: “Năm đó tôi 9 tuổi, nghe người ta nói hủ tiếu ngon lắm, mà mình hổng biết nó ngon ra làm sao. Bà già tôi thương tình cho 5 cắc đi ăn hủ tiếu. Tôi chạy một hơi ra quán, kêu một tô, nhưng mới ăn vào thì… chưng hửng. Ủa, sao nó lạt nhách vậy trời? Chủ quán đó là hai anh em người Tàu, tôi hỏi ổng: “Sao lạt vậy chú?”. Ông em nói: “Mầy xịt nước tương vô!”. Tôi xịt. Cũng lạt nữa! Tôi lại xịt. Ủa, cũng lạt! Tôi xịt riết hết luôn chai nước tương. Ông anh la lên: “Ha, mầy xịt hết trơn chai nước tương của tao rồi!”. Tôi bèn cắm cúi ăn cho hết tô, mà thiệt tình cứ thấy nó lạt hoài. Chắc tại mình dân biển, ăn mặn quen rồi, nên chai nước tương không đủ đô!”.
Lần đầu tiên Thanh Sang ăn phở là năm 1961, lúc đang ở Nha Trang. Ông vừa bưng tô phở lên thì nghe radio phát tin đảo chính hụt Ngô Đình Diệm, rồi bắt ai, bắt ai… Ông cười: “Đến ăn thôi mà tôi cũng có “sự kiện” kèm theo! Nhớ vanh vách luôn”.
Nhưng bây giờ ông đã thoát qua cảnh khổ, nhà cửa khang trang. Ông đang xây một biệt thự xinh xắn trong khuôn viên 1.600 m2 ven bờ sông Sài Gòn, an dưỡng tuổi già. Trời đất đã đền bù cho một quãng đời khốn khó không tưởng tượng nổi.
15 tuổi, Thanh Sang bắt đầu đi theo gánh hát. Tưởng hết cơ cực, nhưng không ngờ vận đen còn đeo đuổi không thôi.
Bạch Tuyết, Thanh Sang trong vở Kiều Nguyệt Nga - Ảnh: H.K
Vừa vá lưới vừa ca vọng cổ
Cậu bé làng biển mỗi chiều ngồi vá lưới trên bãi cát thường ngân nga mấy câu vọng cổ. Ấy bởi vì cậu ở gần một rạp hát, cứ vô “coi cọp”, riết rồi mê cải lương như điếu đổ. Đúng ra, cái thời radio còn thu hút mọi người, cứ phát sóng những bài vọng cổ và tuồng cải lương, nên dân miền Nam nghe vọng cổ tới ghiền. Từ nghe, rồi bắt chước giọng ca người này người kia. Thanh Sang ca theo giọng Út Trà Ôn, ai cũng xuýt xoa khen. Cái giọng trầm của Thanh Sang hình như rất hợp với giọng trầm của ông Út Trà Ôn.
Nghe thôi, chưa “đã”, còn phải vô rạp coi cải lương mới sướng. Thanh Sang nói: “Nghe tiếng trống chầu xa xa dội tới là ruột gan tôi đã nôn nao. Rốt ráo làm công việc cho xong để chạy tới rạp mà coi”. Nhưng hồi ấy ông làm gì có tiền mua vé, mà chờ bà bầu xả giàn thì mất hết nửa tuồng, nên Thanh Sang nghĩ cách làm sao để coi được ngay từ đầu tuồng khi mới mở màn. Thế là ông lân la tới chỗ mấy anh đánh trống: “Anh để em đánh giùm cho”. Ờ, đánh hoài cũng mỏi tay, có thằng nhỏ chịu làm giùm thì cho nó làm. Thanh Sang đánh trống một hồi thì người ta bắt đầu kêu khiêng trống vô để chuẩn bị mở màn hát chính thức, vậy là cậu bé làng biển cũng lăng xăng trong đoàn người khiêng trống, lọt vô rạp dễ ợt. Cái trò này đã giúp Thanh Sang coi ké đã đời biết bao nhiêu vở diễn.
Và ấn tượng đầu tiên của cậu bé 12 tuổi là cái hôm đoàn Thanh Minh xuống hát, có con trai bà bầu tên Bảo Quốc mới 6, 7 tuổi mà lên sân khấu hát ngon lành. Cái tuồng Động rồng bí mật có kép Năm Nghĩa chồng bà bầu Thơ làm kỹ xảo tắm máu rồng được đồn đãi trước đó mấy ngày khiến bà con mê mẩn chộn rộn. Khi Thanh Sang được xem thì càng khoái Bảo Quốc rồi tự nhủ: “Ủa nó hát được kìa, mình cũng đi hát được không ta?”.
Vậy là 15 tuổi, giấc mơ thành hiện thực, khi giọng hát Thanh Sang vang trên bờ biển mỗi chiều vá lưới đã lọt vô tai của một ông bầu gánh hát tỉnh lẻ, ông đưa Thanh Sang đi. Chuyến đi mở đầu cho một giấc mộng đẹp nhưng cũng mở đầu cho những cơn ác mộng khác của cuộc đời và nghiệp dĩ.
Anh kép nghèo đói lê đói lết
Đi gánh nhỏ, lại chưa có nghề, dĩ nhiên trước tiên phải đóng vai quân sĩ. Và những dạng “quần chúng” thế này hồi đó thường bị các nghệ sĩ “ngôi sao” ăn hiếp. Cú đầu, nói nặng nói nhẹ là chuyện thường. Hoặc phải xách tráp xách rương theo hầu. Hoặc khi gánh nước về tẩy trang thì mấy nghệ sĩ đàn anh đàn chị nói: “Để tao tẩy trước”. Lại lủi thủi đi gánh thùng nước khác về xài. Thanh Sang nói: “Ngay cả mấy ông nhạc sĩ cũng thị uy với tụi nhỏ. Muốn mấy ổng dợt cho ca đúng nhịp đúng đờn thì phải đấm bóp, làm sai vặt cho mấy ổng. Mà hồi xưa nhạc sĩ cứ đờn ai hát không được thây kệ, rớt nhịp ráng chịu. Còn bây giờ nhạc sĩ giỏi hơn, ai hát yếu thì mấy ổng vớt, đờn theo cho đúng”. Và khi bị ăn hiếp thì những anh quân sĩ ức quá chịu không nổi sẽ xảy ra đánh lộn với nghệ sĩ lớn. Vậy là bị bà bầu chửi, đuổi thẳng tay. Thanh Sang nói: “Tôi đánh lộn hoài, bị đuổi thì đi, chứ không thể chịu được người ta xúc phạm mình quá đáng. Nhịn thì nhịn, nhưng cũng phải có chừng mực thôi”. Hỏi tại sao nghệ sĩ lớn lại ăn hiếp người nhỏ, Thanh Sang lắc đầu: “Thì thấy nó có triển vọng, có thể cạnh tranh với mình”. Thực sự lúc ấy tuy Thanh Sang chưa đóng vai lớn nhưng giọng ca của ông đã hàm chứa một nội lực lớn, một triển vọng lớn mà người biết nghề đã linh cảm được.
Nhưng cái số phận cay đắng vẫn còn đeo theo Thanh Sang lâu lắm mới chịu nhả ra. Ông vô đoàn nào chừng vài tháng là đoàn thua lỗ, rã gánh. Cả chục đoàn như vậy. Đến nỗi có lần ông và vài người bạn quân sĩ tá túc trong một chòi canh, vì không tiền về quê. Đói quá, phải bắt cóc nhái làm thịt, rồi vô xóm xin được tô gạo, về chòi lượm cái thùng thiếc làm nồi mà nấu, húp cháo cầm hơi.
Cuối cùng ông quá giang xe về Sài Gòn, quẩn quanh đi tìm các đoàn hát xin vô làm gì cũng được miễn có hai bữa cơm mỗi ngày. Ông bầu hỏi: “Mày đã từng hát ở đâu?”. “Dạ, đã hát ở đoàn X, đoàn Y, đoàn Z…”. “Trời, mày hát ở đâu thì rã gánh ở đó. Thôi, số mày xui quá, tao không nhận đâu”. Cứ vậy mà đi lòng vòng Sài Gòn, đói lê đói lết… 7 năm trời xa mẹ xa quê, không có tiền đi xe về thăm dù chỉ một lần. Mẹ cũng chỉ biết con trai mình đi hát chứ không rõ nó trôi dạt nơi nào. Bặt vô âm tín. Mù mịt tương lai. Thắc thỏm nhớ thương. Cay đắng phũ phàng. Có lúc tưởng không chịu nổi…
Đến khi đoàn Thanh Hương - Hùng Minh mời Thanh Sang về hát, thì ông có cơ hội đóng chung với cô đào Thanh Hương lừng lẫy tiếng tăm. Vậy là cuộc đời Thanh Sang rẽ sang một hướng khác, bắt đầu thấy ánh sáng của hào quang.