Tìm hiểu nghệ thuật hát bội
Bài viết của:
Nguyễn Văn Tường
Có nơi, có lúc người ta nhầm lẫn gọi là
bát bộ. Chính thống theo các nhà nghiên cứu am tường đã xác định là
hát bội (Théâtre classique).
I- QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN:
1) Thời kỳ sơ khởi:
Theo sử liệu ghi nhận những trò hề của Liên Thủ Tâm diễn theo Kiểu Ban hí của Trung Quốc, thời Đường, Tống cho vua quan xem (thời Tiền Lê, vua Lê Đại Hành). Đến đầu nhà Lý có một đạo sĩ nhà Tống đến đất Việt sinh sống, dạy dân chúng múa hát và tổ chức diễn trò bước đầu. Đến đời nhà Trần (1225 -1400) một tù binh của Đức Trần Hưng Đạo là Lý Nguyên Cát (đạo sĩ người Tống), đã huấn luyện nghệ nhân người Việt ca diễn tuồng Tây Vương Mẫu của Trung Hoa, hình thức ca diễn hấp dẫn. Dưới thời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông (1428-1442) trong triều dịp tế lễ, thiết triều, yến tiệc có diễn tuồng cho vua quan xem. Hoặc sau lễ cầu đảo (thời vua Lê Trung Tôn 1548-1556) có tổ chức ca xướng, hình thức hát tuồng. Thời Lê Hiển Tông (1740-1786) hát bội được trọng vọng, nhất là nhà vua bắt con hát chia làm ba phe, Ngô, Thục, Ngụy diễn tuồng vừa hát vừa đánh nhau. Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) cho người vào Trấn Biên (Gia Định) tìm con hát phát triển hát bội, trong khi Đàng Ngoài hát tuồng đã
thịnh hành.
Như vậy, trải qua nhiều thế kỷ hát bội (tuồng) được hình thành đưa lên sân khấu từ cung đình nhằm đề cao trung quân
ái quốc và có lúc đưa cả ra dân (khi Lương Đăng chế định Nhã Nhạc 1437).
2) Thời kỳ phát triển:
Đến thế kỷ XIX, triều Nguyễn sai số nho sĩ viết lại hoặc bổ sung phục hồi số vở hát bội có giá trị hay bị thất lạc, bản tuồng giai đoạn bấy giờ phần nhiều viết bằng chữ Nôm, số ít viết chữ Hán. Dưới thời vua Gia Long, hát bội được phát triển mạnh nhất. Năm 1804, nhà hát đầu tiên của Việt Nam được xây cất ngay trong thành Huế gọi là Duyệt Thị Đường. Từ 1847 đến 1880, vua Tự Đức cho lập Ban Hát bội cung đình có đến 300 đào kép giỏi. Chọn quan giỏi vào cung soạn tuồng. Vua Thành Thái (1889 - 1909) rất mê hát bội có lần vua cùng đóng tuồng ra diễn. Cốt truyện của tuồng hát bội rút từ sử tàu, sử Việt, nhân vật ít giả tưởng hơn trước. Người có công nhiều nhất trong việc phát triển hát bội bấy giờ là cụ Đào Tấn (1844-1907) ông làm quan dưới thời vua Tự Đức, Thành Thái, được giao phó soạn tuồng đến 20 vở và lập trường dạy hát có tên là Học Bộ Đình. Tại Bình Định (Trung phần) người ta tôn ông là Tổ hát bội.
Những vở hát bội nổi tiếng do ông Đào Tấn soạn như: Diễn Võ Đình, Trần Hương Các, Hộ Sanh Đường. Tuy các vở này dựa vào truyện Tống, Phong Thần, Phản Đường của Tàu, nhưng cụ Đào Tấn hư cấu thêm một số nhân vật dám chống triều đình mục nát (chẳng hạn nhân vật Hố Nô trong Hộ Sanh Đường). Vở Cổ Thành, San Hậu (soạn lại vở cũ) ca ngợi anh hùng nghĩa sĩ, đặt nợ nước trước tình nhà.
Cụ cùng một số bạn soạn giả soạn 2 vở tuồng lớn như:
- Vạn Bửu Trình Tường với 100 hồi, phải diễn 100 buổi.
- Quần Phương Hiếu Thụy, phải diễn đến 40 buổi.
Ngoài ra còn nhiều soạn giả tài ba như: Vũ Đình Phương, Ngô Quý Đồng, Nguyễn Trọng Trì v.v… đẻ ra những vở tuồng nêu tình vợ chồng, nghĩa bạn bè như: Giác Sanh Duyên, Lý Âm Long Châu, Châu Nhơn Trần Nghĩa v.v.... Số truyện Nôm cũng được soạn thành tuồng hát bội như: Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, Nhị Độ Mai, Phạm Công Cúc Hoa. Cũng trong thời kỳ này có loại tuồng hát bội đượm màu sắc dân gian hơn hát bội cung đình, diễn viên nói nhiều hơn hát, động tác tự nhiên, ít điệu bộ hơn hát bội cung đình, nó mang tính chất châm biếm xã hội xấu, đả kích quan lại tham ô xấu xa như vở: Ngao, sò, ốc, hến, - Trần Bồ - Trương Ngáo. Loại tuồng này mang đậm tính dân gian.
3) Thời kỳ suy yếu:
Bước đầu thời Pháp thuộc, một số quan lại như Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân… cũng tiếp tục cho tổ chức hát bội, các vở mới như: Tây Nam Bắc Bằng, Tượng kỳ khí xa, có vở lồng kịch thơ cổ điển Pháp vào như vở Lộ Địch (phỏng theo vở kịch Le Cid của Corneille). Trước hiện tượng này, những người Việt yêu nước phải ứng bằng cách soạn tuồng mới như: Trưng Nữ Vương (của Phan Bội Châu), Đông A, Song Phượng (của Nguyễn Hữu Tiến), Nga Mao Oán (của Phan Xuân Thuận).
Tuồng, hát bội mất dần tính thuần nhất, pha trộn nhiều yếu tố ngoại lai nhất là về nhạc.
Các vua quan thời Pháp thuộc không duy trì được hát bội cung đình. Những vở tuồng ái quốc bị cấm đoán. Những đoàn hát bội nhỏ chia nhau đi hát ở thôn quê. Nghệ thuật ca diễn co lại đơn giản.
Ở miền Nam chỉ còn những gánh hát bội cha truyền con nối, lưu diễn vở các chợ, hát đình, một số đào kép ngả qua sân khấu cải lương. Luồng gió văn nghệ lãng mạn từ Pháp đưa vào, từ đó tuồng tích Hát bội, lối ca diễn hát bội cũng pha trò để theo đà sân khấu mới, mục đích làm đẹp mắt, mùi tai khán giả.
Như vậy hát bội quả là bộ môn nghệ thuật dân tộc đã một thời vang bóng trải qua nhiều thế kỷ, khắp Bắc – Trung – Nam.
II- NGHỆ THUẬT HÁT BỘI MANG NHIỀU YẾU TỐ ƯỚC LỆ:
Hát bội là sân khấu mang tính cách tượng trưng, tính cách ước lệ từ âm nhạc, động tác, hóa trang, phục trang v.v...
1) Điệu bộ, động tác:
Ca hát kết hợp với điệu bộ, động tác nằm trong tính cách tượng trưng, ước lệ, nhằm hình dung biểu hiện tính cách nhân vật.
- Bộ bê, bộ sảng: Dành cho nhân vật sảng sốt.
- Bộ nhảy lót: Dành cho kép võ.
- Bộ đá giáp (che vết thương) dành cho tướng bị thương.
- Bộ phát mảng: Dành cho các quan ra chầu vua.
- Bộ siếng lỉa - lăn: Diễn tả hoàn cảnh bi đát.
- Đặc biệt, bộ nhảy ngựa là cả nghệ thuật ước lệ độc đáo. Với cái roi, diễn viên dùng động tác điệu bộ thể hiện cho lên ngựa xuống ngựa, ngựa chạy sải, chạy té, ngã ngựa, dắt ngựa đi vòng qua núi, qua sối, cứu ngựa bị nạn cột ngựa gốc cây.
- Bộ vuốt râu: Vua vuốt râu, tướng trung, quân tử vuốt râu dài, râu ngắn. Tướng nịnh tiểu nhân, vuốt râu dài, râu ngắn. Vuốt râu khi vui tươi thanh thản, sầu khổ buồn đau, lo âu. Vuốt râu khi nổi giận căm tức. Vuốt râu khi thắng trận, đắc ý, kênh kiệu, khi thảm bại v.v... Đối với bậc võ tướng đội mão có cặm lông công dài thượt, cách vuốt lông công, một bên, hai bên, nắm đuôi chót lông công kéo xuống, thả lên… để thể hiện tính khí, tài ba anh hùng của mình, thể hiện oai phong lẫm liệt bậc võ tướng.
2) Hóa trang, phục trang:
Tuồng hát bội, hóa trang, phục trang phân biệt rõ nào vua, nào tướng, kép đào, lão bột. Tướng còn phân biệt tướng trung, nịnh, lác. Kép có kép xanh, kép trắng, kép đỏ, kép xéo, kép rằn có màu sắc lối vẽ riêng. Đào có đào thương, đào lẳng, đào độc, điên. Bột là những vai phụ, chỉ lấy bột thoa mặt trắng bệt không hóa trang gì cả.
Kỹ thuật vẽ mặt của tuồng hát bội của ta không bắt chước rập khuôn của tàu. Chẳng hạn vẽ mặt Trương Phi hay Hoàng Phi Hổ có khác nhau nhiều.
Phục trang của hát bội ta mang kiểu dáng, màu sắc của vua quan thời nhà Lê và chúa Nguyễn.
3) Không gian, thời gian:
- Chỉ cần một bục có ghế bành kê lên cao là có thể tả cảnh cung vua, diễn viên đi vài dòng thì đó là rừng rậm, là đèo cao, sông suối. chiến trường v.v… Không dọn cảnh như cải lương.
- Chỉ cần một câu ca hoặc nói để giới thiệu là thời gian đổi khác, có thể đến hàng chục, hàng trăm năm.
III- DÀN NHẠC HÁT BỘI:
Kèn dăm (sona) nổi bật nhất do khả năng bộc lộ mọi tình huống bi hùng rất linh động, tạo kịch bản thêm đậm đà nội dung, thu hút người xem. Ngoài ra bộ thổi còn có sáo, kèn sô v.v...
2- Bộ gõ: Có trống trận, trống chiến, trống cơm, trống bát cấu, đồng la, chập chỏa, phách, mõ v.v…
Nổi bật là trống chiến: Nghệ thuật đánh trống này tạo 6 âm thanh: Đánh vào giữa mặt da trống (thùng) – Đánh vào vành mặt trống (tang) – Đánh rung 2 dùi vào giữa trống (rụp) – một dùi chặn, môt dùi đánh giữa (tịch) – Đánh nhón dùi vào vành da trống (tòng) – Đánh vào dăm gỗ trống (cắc).
Trống chiến còn có nhiệm vụ báo trước hoặc nhấn mạnh cho những cảnh diễn, những lớp, hồi như: Trống đâm bang là tướng sắp ra trận, trống giao chiến xáp trận, trống tẩu mã đuổi giặc, trống đổ khi đào kép ngâm xướng, trống đổ chiên khi đào kép đi vòng tròn v.v…
Riêng trống chầu đặt trước sân khấu dành cho cấp chức quyền đánh 9 tiếng (thúc giục ra tuồng, dàn nhạc cử bài trống rao) – 3 tiếng (là lệnh của ông bầu, gọi là nhưng). Người cầm chầu đánh 1 tiếng (điểm câu), 2 tiếng (khen vừa), 3 tiếng khen nhiều), 1 tiếng tịch (là chê diễn viên), 1 tiếng tang (là cần góp ý với ông bầu).
3- Bộ dây: Đờn kìm, cò, gáo. Sau này có tăng cường thêm đờn tranh (thập huyền cầm).
Nguyễn Văn Tường