NSƯT Thoại Miêu: Những trang đời
Kỳ 1: Mê và đi theo nghề hát
NSƯT Thọai Miêu là một trong những đào thương cá biệt, chị khác với nhiều đào thương khác, trong khi NS khác nổi danh thành công nhờ vai diễn chánh, còn NS Thọai Miêu thì thành công vang dội nhờ những vai diễn đào nhì. Giờ đây chị đã nghỉ hưu, nhưng nhà hát THT mời chị cố vấn cho đoàn 1. Lẽ ra, chị đã rời sân khấu, bắt đầu công việc quản lý, nhưng có lúc đứng bên cánh gà sân khấu chỉ huy đêm diển chị bổng muốn trở lại sân khấu. Nhắc lại những kỷ niệm xa xưa thời lưu diễn càng thấy “lửa” nghề của chị dường như chưa từng nguội lạnh.
Nghệ sĩ Thoại Miêu lúc mới vào nghề
TUỔI THƠ MÊ HÁT XƯỚNG
Gốc gác của NS Thọai Miêu là ở Quảng Nam – Đà Nẵng, nhưng sinh ra (1953) và lớn lên ở SG. Thuở ấy phụ mẫu của chị rời quê quán trước năm 1950 vào SG lập nghiệp. Không ai là họ hàng ở SG lúc bấy giờ, nhưng cha mẹ chị sống có tình có nghĩa, nên bà con lối xóm thương mến. Ông bà được một phụ nữ nhận làm má nuôi, tức Thoại Miêu, gọi bà ấy là bà nội nuôi.
Tên thật của NS Thoại Miêu là Nguyễn Thị Ngọc Hoa, mọi người thường gọi là Ngọc Hoa. Trong gia đình chị, có đến 12 anh chị em, 5 nam, 7 nữ, chị (thứ năm) và em gái là NSƯT Thoại Mỹ (thứ 12) là theo Cải lương. Từ nhỏ chị rất mê Cải lương; nhưng lúc đó gia đình chị còn cơ cực, làm sao được đi xem sân khấu. Khi đó gia đình của bà nội nuôi khá giả, bà lại mê Cải lương, nên Ngọc Hoa xin cha mẹ qua sống với bà nội nuôi; chị vừa đi học và phụ công việc nhà cho bà nội, cốt yếu là để cuối tuần vào tối thứ bảy được nội dẫn đến rạp xem Cải lương. Mấy lần, Ngọc Hoa được xem những xuất hát ở gánh Dạ Lý Hương, Thanh Minh – Thanh Nga, nên chị rất thần tượng hai nghệ sĩ: Thanh Nga và Mỹ Châu. Về nhà, Ngọc Hoa thường hát nghêu ngao trong những lúc rảnh rỗi, thậm chí lúc làm công việc nội trợ trong nhà. Sẵn bà nội nuôi mê Cải lương nên khi nghe Ngọc Hoa hát, bà đã tinh tế nhận ra giọng ca của Ngọc Hoa có triển vọng. Rồi chị được bà nội dẫn đến gởi thầy đờn Mười Phú để học ca Tài tử - Cải lương gần ba năm. Trong thời gian này, Ngọc Hoa được thực tập bằng cách theo thầy đi hát quán nghệ sĩ hoặc ở các cuộc chơi đờn ca Tài tử, nên hơi giọng, nhịp nhàng bài bản nhờ đó mà vững vàng.
Về con đường học vấn, bà nội cho Ngọc Hoa học tới tú tài một; vì chị mê học ca hơn là học chữ nên bà nội cho Ngọc Hoa tiếp tục thi vào Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ (QGAN&KN) Sài Gòn để học khoa diễn viên Cải lương. Năm đó Ngọc Hoa trúng tuyển với thứ hạng đặc cách (1969).
GẶP QUAN NIỆM XƯỚNG CA VÔ LOẠI
Khi Ngọc Hoa vào chính thức học ở Trường QGAN&KN Sài Gòn, chị học cùng khóa với Đỗ Quyên và Tài Lương (chị của NS Tài Linh và Chí Linh) và khóa này chỉ có ba học viên. Cả bộ ba đều may mắn được các bậc thầy Cải lương tài danh truyền dạy; đó là cố NSND Nguyễn Thành Châu, cố NSND Phùng Há, NS Duy Lân, NS Kim Cúc, NS Bích Thuận, NS Mai Thành (phụ giáo, nay là diễn viên điện ảnh)... nên cả ba sau này đều thành danh.
Sau ba năm rèn luyện ở trường chính qui – chuyên nghiệp, khi tốt nghiệp ra trường Ngọc Hoa đã vững vàng ca diễn (cuối 1971). Trong thời gian học ở trường, Ngọc Hoa còn được Ban ca kịch của NS Chín Sớm và Ban ca kịch của NS Duy Chức mời cộng tác ca trên Đài phát thanh Sài gòn. Chị còn nhớ dạo ấy, chị cùng Ngọc Đan Thanh (đang sống nước ngoài) và NS Tú Trinh, Mai Thành đã nổi ảnh nổi đám trên Đài phát thanh Sài Gòn với vở Cải lương truyền thanh “Trần Minh khố chuối” của soạn giả Duy Lân; Ngọc Hoa đóng chánh vai Quỳnh Nga, Mai Thành vai Trần Minh, Tú Trinh vai công chúa Bích Vân, Ngọc Đan Thanh vai lão mẫu Trần... Bên cạnh đó, thầy Năm Châu lập ra nhóm “Nữ Ban” cho học viên của trường thực tập nghề; Ngọc Hoa cũng nổi ảnh nổi đám với bộ ba trong vở “Trường hận”: Ngọc Hoa vai Dương Qúy Phi, Đỗ Quyên – An Lộc Sơn và Tài Lương - Đường Minh Hoàng. Vở diễn này, còn được thầy đưa đi biểu diễn giới thiệu nhiều nơi khác ngoài học đường. Vở “Trường hận” còn được chuẩn bị đi biểu diễn ở nước ngoài (1972), nhưng do thủ tục trục trặc nên không được. Qua đó, nhiều ông bầu gánh hát biết đến tên tuổi của bộ ba này, dù là học viên mới ra trường. Khi bộ ba chính thức ra trường, Đỗ Quyên và Tài Lương được bầu gánh nhận ngay đi hát; còn Ngọc Hoa cũng có bầu gánh mời nhưng chị không được đi hát...
Bởi lẽ, bà nội nuôi của Ngọc Hoa tuy có tâm hồn Cải lương, nhưng lại có quan niệm khắc khe với Cải lương. Với định kiến của bà cho Cải lương là “Xướng ca vô loài”. Tuy nhiên, bà vẫn mê Cải lương và nhìn nhận nghệ thuật cải lương là tuyệt vời; nhưng quan niệm cũ vẫn tồn tại nên bà không cho Ngọc Hoa theo Cải lương. Lúc đó, Ngọc Hoa buồn bã, thường khóc thâm một mình vì mộng ước không thành; thêm vào đó là sự buồn chán vì suốt ngày quanh quẩn với những công việc lặt vặt trong nhà. Thật ra, ngoài nghề hát thì chị chẳng có công việc gì khác để làm có tiền. Dù vậy, Ngọc Hoa phải chấp nhận không dám than phiền lời nào cả, vì chị nghĩơn cưu mang của bà nội đối với gia cảnh chị khó mà đo đếm được, nên một chữ chị cũng không dám làm phật ý nội.
THẮNG QUAN NIỆM CŨ – CÓ NGHỆ DANH MỚI
Những ngày đầu giải phóng năm 1975, Sài Gòn từng bước ổn định trật tự xã lại hội, các đơn vị nghệ thuật được củng cố và sắp xếp lại đi vào hoạt động; những nghệ sĩ hoạt động tự do trước đây được đăng ký lại với ngành VHTT, để sau đó bố trí biên chế đơn vị theo khả năng chuyên môn của từng nghệ sĩ.
Nhận được thông tin này từ bạn bè, Ngọc Hoa liền đăng ký xin đi hát, rồi chị về nhà nói “láu” với bà nội là “nếu biết nghề mà không đi hát để phục vụ nhân dân thì sẽ bị Cách mạng phê bình, khiển trách...”. Nhiều bà lão thời đó đâu rành “mô, tê” gì, nói Cách mạng phê bình, khiển trách thì sợ... Nên khi hay tin Ngọc Hoa đã đăng ký, bà không do dự gì nữa mà còn lại hối thúc Ngọc Hoa, “Thôi, lo sửa soạn đồ đạc xin đi hát đi con” (!). Lúc đó, Ngọc Hoa trong lòng mừng như mở hội, vừa vui vừa tức cười: một là thực hiện được ước mơ, hai là đã “chiến thắng” được bà nội.
Sau đó, Ngọc Hoa được cấp trên quyết định đưa chị về làm diễn viên dự bị đoàn Cải lương Sài Gòn ll. Lúc đó lực lượng diễn viên Sài Gòn ll rất hùng hậu, là những Lệ Thủy, Thanh Tuấn, Diệp Lang, Giang Châu; kế đó có Ngọc Bích, Mỹ Châu, Tuấn Thanh... Ngọc Hoa và Đỗ Quyên cùng về Sài Gòn ll một lúc, suốt 4 tháng trời mà hai người vẫn chưa có vai, hàng đêm chỉ ngôi bên cánh gà xem đồng nghiệp đàn anh đàn chị diễn. Trong 4 vở được dựng trong thời gian này là Lỡ bước sang ngang, ánh lửa rùng khuya, Khách sạn hào hoa, Tìm lại cuộc đời, Ngọc Hoa và Đỗ Quyên vẫn chưa chen chân vào được một vai nào, dù là vai nhỏ.
Cuối năm 1975, Đoàn Văn công Giải phóng (TP. HCM) ra đời, với lực lượng diễn viên hùng hậu từ ba nguồn sát nhập: các nghệ sĩ ngoài Bắc về, nghệ sĩ trong chiến khu ra và nghệ sĩ Sài gòn tại chỗ như những Thanh Hùng, Ngọc Hoa, Quốc Hùng, Tứ Đại, Thanh Hồng, Ngọc Hồng, Hữu Phước, Chí Tâm, Hương Lan, Thanh Liễu, Thoại Miêu, Đỗ Quyên....; sau đó có thêm các nghệ sĩ Hoàng Giang, Lệ Thủy, Phương Quang... Giai đoạn đầu ở Đoàn Văn công Thành phố, Ngọc Hoa được hát đào ba - vai sinh viên trong vở “Ngày tàn bạo chúa” của soạn giả Lê Duy Hạnh. Đây là dấu mốc trong cuộc đời đi hát của NSUT Thoại Miêu.
Khi chị nhận vai đào ba trong vở “Ngày tàn bạo chúa” thì NS Ngọc Hoa (ngoài Bắc về) hát đào chánh vai Yên Ly. Trong cùng đoàn hát không thể có hai nghệ sĩ cùng nghệ danh mà NS Ngọc Hoa vợ NS Thanh Hùng lớn tuổi nghề và tuổi đời hơn, bà lại là nghệ sĩ kháng chiến về nên Ngọc Hoa chạy về thầy Năm Châu xin thầy đổi cho nghệ danh khác. Cố NSND Năm Châu tra sách Hán - Việt và đặt nghệ danh mới cho Ngọc Hoa là ”Thọai Miêu”. Thầy Năm Châu giải thích rằng, Miêu có nghĩa là mèo, Thoại nghĩa là thơm; ngữ nghĩa chung của từ Thoại Miêu nghĩa là con mèo thơm là nghĩa hàm ẩn của một mỹ danh. Và từ đó chị lấy nghệ danh Thọai Miêu cho đến bây giờ. Sau này em gái chị là Ngọc Mỹ vào nghề, Mỹ tự lấy chữ “Thoại” của chị mình đặt nghệ danh cho mình “Thoại Mỹ” là vậy.
Còn tiếp…
Đỗ Dũng
(Theo Báo sân khấu)