Ngọc Giàu rất thích nói đùa.
Chị tự trêu mình: “Già mà ham! Tui còn ham hát dữ lắm.
Hát như đi chơi vậy mà, tung tăng với tụi nhỏ cho vui, chứ ở nhà buồn chết!”.
Nhìn chị lúc nào cũng tràn đầy năng lượng như thế, ít ai thấu hiểu hết nỗi vất vả, nhọc nhằn sau cánh màn nhung mà chị trải qua. Bờ vai của chị đã là điểm tựa cho cả gia đình, dòng họ từ hồi chị mới lên 10 tuổi cho đến tận bây giờ.
Cát sê của Ngọc Giàu lâu nay thuộc hàng rất cao, và chị đã nuôi cha mẹ, anh em chu đáo, thoát khỏi kiếp nghèo ở Thủ Thiêm. Nhưng căn nhà nơi đó chị vẫn giữ cho tới sau này, vì ba chị thích sống ở đây, rồi khi ông quá già yếu phải về ở với chị tại Q.1 thì ông vẫn không muốn mất căn nhà đó. Sau này, tôi thường đến thăm chị tại căn nhà trên đường Phó Đức Chính, thấy chị chăm sóc ba, nâng niu ba như trẻ thơ. Ông cụ sống thọ đến 103 tuổi thì mất.
Ngọc Giàu là người con hiếu thảo đáng khâm phục. Chị cho rằng chính lòng hiếu ấy đã “động lòng trời” nên chị mới có được công danh sự nghiệp như thế này. Chị kể: “Ba tôi làm tài xế xe hủ lô (xe cán nhựa đường), còn má tôi mò cua bắt ốc kiếm thêm nuôi lũ con đông đúc. Hồi 7 tuổi, có lần tôi đem cơm cho ba, thấy ông phơi mình dưới nắng hè gay gắt, tôi rướm nước mắt khấn rằng: “Trời Phật cho con làm có tiền mỗi tháng 5 đồng để ba con được nghỉ ngơi”. Không ngờ, bà chủ quán bar Lệ Liễu đã cho tôi đi hát và trả lương 10 đồng, thế là ba tôi được nghỉ đúng như lời tôi cầu nguyện”.
NSƯT Ngọc Giàu (vai cô Bảy cán vá) và NSƯT Bảo Quốc (vai anh thợ bạc) trong vở Đời cô Lựu - Ảnh: M.Châu
Ngọc Giàu vô nghề rất sớm. Mới 10 tuổi chị đã nổi tiếng là con nhỏ có giọng ca ngọt lịm, mà không hề có thầy dạy dỗ chi cả, chỉ là ca theo radio. Giọng hát khiến bà chủ quán bar Lệ Liễu phải lần mò qua tận Thủ Thiêm nghe thử, rồi đem con nhỏ về hát cho mình. Hát chưa bao lâu thì Ngọc Giàu theo người anh vào làm cho gánh Kim Phụng. Cũng chỉ hát câu vọng cổ trước khi mở màn, hoặc múa, hoặc làm tỳ nữ. Nhưng cũng không bao lâu thì ông anh gây nợ, bắt em đi theo gánh sơn đông mãi võ để trừ tiền. May mà gánh Ngọc Chiểu phát hiện ra chị, đem đi, rồi đến gánh Ngọc Kiều đưa chị lên đào nhì, và đào chánh chỉ sau vài tháng. Rồi chị lọt mắt xanh bà bầu Kim Chưởng, trở thành ngôi sao sáng giá khi mới 13 tuổi.
Ngọc Giàu hát chung với những anh kép lừng danh như Minh Chí, Hùng Cường, và thu đĩa không biết bao nhiêu mà kể, thu nhập gia đình cũng từ đó khấm khá hơn. Con đường nghệ thuật của chị càng rực rỡ khi năm 1960 Ngọc Giàu về đoàn Thanh Minh, được soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng ưu ái đo ni đóng giày cho nhiều vai hay, từ đào thương cho tới đào lẳng, đào độc, đào mụ, đào võ, kể cả giả trai, giả lão, con nít... vai nào chị diễn cũng xuất sắc. Và chính vai Điêu Thuyền đã giúp chị lãnh giải Thanh Tâm năm 1960, khi chị mới 15 tuổi.
NSƯT Ngọc Giàu khi còn trẻ - Ảnh: T.L
Ngọc Giàu cũng là bờ vai cho chồng con tìm hơi ấm. Chị theo lời cha mẹ, lấy chồng năm 17 tuổi, một người công chức không hề quen biết. Chị tức cười khi nhớ lại tuổi xuân của mình: “Tui sợ quá trời, nói với ổng là đụng tới tui thì tui chết liền, ổng cũng hết hồn, đành để tui yên. Hai năm sau mới cho ổng gần gũi”. Nhưng đứa con gái của chị 10 tuổi đã mất vì bệnh nặng, khiến chị mất hồn, và hạnh phúc vỡ tan. Chị bồi hồi: “Lúc đó tôi vào vai Dương Vân Nga thay cho chị Thanh Nga vừa qua đời, mỗi lần đến lớp diễn Thái hậu đau khổ vì ấu chúa bị bắt cóc, nước mắt tôi tự nhiên chảy dài, nhập vai như không. Bởi tôi nhớ đến con, không cầm lòng được”.
Sau này, trời đất đền bù cho chị một người chồng hiền lành và một đứa con gái ngoan ngoãn khác. Anh là nhạc công trong Nhà hát Trần Hữu Trang, sống hủ hỉ với chị trong khi con gái qua Mỹ du học và lập gia đình luôn bên đó. Giờ đây, sáng sáng, nếu chị không có lịch quay, lịch tập, hai vợ chồng cùng đi thể dục, ăn điểm tâm, ríu rít bên nhau, chia nhau công việc nhà, không cần mướn người giúp việc, vì ăn uống chẳng bao nhiêu và cũng muốn vận động cho khỏe gân cốt. Trông chị vui vẻ với những bộ quần áo màu sắc và hoa lá tươi tắn, vẫn giọng nói vang vang, giọng cười ha ha thoải mái pha chút “giang hồ” dễ thương. Chị nói: “Bây giờ mình cần tình nghĩa, chứ mọi thứ đều là phù du. Bao nhiêu tiền làm ra tôi cũng lo lắng cho người này người kia hết, bởi tôi nhận ra rằng khó nắm giữ cái gì trong tay lắm. Tiền mà đổi được tình thương gia đình, dòng họ thì cũng xứng đáng để đổi”.
Năm nào chị cũng có mấy vai trong làng kịch, vì chị là “cái tên bán vé”. Vai bà Sáu bán chè (vở Chưa yêu sao hiểu được) vừa tung hứng ngoạn mục tại Nhà hát Sân khấu nhỏ, cực kỳ duyên dáng. Chị thích đóng kịch mà có chen vô vài câu vọng cổ như vậy cho đỡ nhớ nghề. Chị cũng vào vai cô Tiên trong vở cải lương Một ông hai bà tại rạp Kim Châu, “quậy” hết cỡ mà khán giả vỗ tay rần rần. Chị còn hướng dẫn cho một số ca sĩ trẻ ở hải ngoại làm quen với cải lương, chẳng hạn ca sĩ Quang Thành đã thọ giáo “sư phụ” Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, trở thành một người quen thuộc trong nhiều chương trình tại Mỹ và Việt Nam.
Chị vừa đi Mỹ thăm cháu ngoại, kết hợp biểu diễn. Đài truyền hình bên Mỹ và Úc cần giới thiệu nghệ thuật cải lương truyền thống của Việt Nam, chị rất tự hào khi được quảng bá văn hóa dân tộc như thế. Đi suốt mấy tháng, mới về tới nửa ngày đã chạy đi quay phim túi bụi. Đúng là “già mà ham”! Nhưng không hiểu sức lực ở đâu mà chạy hay đến thế, cứ như còn rất trẻ không bằng!
NSƯT Ngọc Giàu sinh năm 1945 tại Thủ Thiêm (TP.HCM). Những vai diễn nổi bật là: bà mẹ điên (vở Bông hồng cài áo), Dương Vân Nga (Thái hậu Dương Vân Nga), Nhung (Tướng cướp Bạch Hải Đường), Thị Lộ (Rạng ngọc Côn Sơn), bà Hương (Đời cô Lựu)... Đặc biệt, vai cô Bảy cán vá trong vở Đời cô Lựu đã gây bất ngờ và đưa Ngọc Giàu lên hàng danh hài.
HOÀNG KIM
(Thanh Niên Online)