Những ngày cận Tết, khi phải dọn dẹp đóng sách báo, hữu duyên thay con tìm được bài viết "Những người bạn gái thân thương" trong trang đời của nghệ sĩ Phượng Liên. Tâm tư con bỗng dạt dào và nay nhân ngày Quốc tế Phụ nữ con ở vị trí là "khách tri ân" xin lấy lòng yêu kính mà dâng lên các cô lời ca ngợi và xin phép được gọi các cô một tiếng mẹ: Mẹ Liên và 2 người mẹ rất đỗi hợp tình, hợp nết với mẹ Liên là mẹ Ngọc và mẹ Thủy!!!
NSUT Lệ Thủy và Phượng Liên
- Nhân gian có câu "Con gà ghét nhau tiếng gáy" nhưng các mẹ toàn là dùng ái ngữ khi nói về nhau. "Tôi quý Thủy ở đức tính khiêm tốn, rất thực tế nhưng không thực dụng..."/ "Kim Ngọc vui tính, ruột để ngoài da, nghĩ sao nói vậy, chẳng bao giờ hơn thua nhau trong câu nói, là người biết phân biệt phải trái"/ "Tôi thương chị Liên ở cá tính chân thật, vui vẻ, hòa đồng, cá tính ồn ào một chút nhưng tuyệt nhiên không để bụng, sống sâu sắc, biết phải quấy..."
- Các mẹ đều giống nhau về một thời tuổi thơ nghèo khó, đều chăm chỉ, ngoan hiền, biết phụ mẹ, chăm em, rồi chập chững vào nghề hát, làm ra bao nhiêu tiền cũng đem về gia đình, có món gì ngon cũng để dành cho mẹ, hẳn là mẹ của các chị đã rất hãnh diện về con gái của mình?! Quả thật người xưa nói đúng "nhân hiếu đạo, vạn sự thành" nên các mẹ đều thành danh rực rỡ, gia đình hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn và tình yêu bền bỉ của khán giả cũng là một phần thưởng lớn, một thành công lớn của các mẹ.
- Con thương mẹ Liên với những trang đời đầy nước mắt, người con gái Cần Thơ phải niếm trải nhiều chua cay bất hạnh trong cuộc sống. Con gọi điện cho mẹ chưa kịp chúc Tết thì mẹ đã hỏi "Ăn tết vui không con? Có đi đâu chơi không? Thời tiết VN thế nào?". Mẹ ơi! Nếu mẹ đọc được những lời này, mẹ phải biết rằng dù gió có thổi con vẫn tin mẹ là người phụ nữ tuyệt vời. Sống ở Mỹ mẹ vất vả mà vẫn nhiều nghị lực vượt qua, tâm hồn dành cho cải lương và quê hương.
- Con thương mẹ Ngọc (nữ quái kiệt) người phụ nữ đa đoan, thành công trên nhiều lĩnh vực, từ cải lương đến kịch trường, nhớ cái thời vàng son của bà Tư xả láng, đi đến ngỏ hẻm nào cũng nghe tiếng cười của mẹ, tưởng như gỗ đá cũng còn muốn nghe. Nhắc về mẹ không khỏi bùi ngùi, con tự hỏi ngôn ngữ nào đây cho con viết tiếp về mẹ?! "Sinh nghề tử nghiệp". Cải lương đã đem mẹ lại gần khán giả và cũng chính cải lương đưa mẹ đi xa...
- Còn mẹ Thủy ( đệ nhất đào thương)- giấy mực nào con tả hết về mẹ đây?! Mẹ thủy chung, tử tế, mẹ ca hay, diễn giỏi,...đặc biệt mẹ có trái tim nhân ái, mẹ đã nhiều lần vượt qua lũ đến với đồng bào. Mẹ có hai tình yêu lớn, một cho gia đình, một cho sân khấu. Suốt gần nửa thế kỷ mẹ hoạt động không hề lơ là, luôn hết lòng tận tâm cho nghệ thuật. Con nhớ có lần mẹ mệt nhưng vẫn đến chia vui với cô Kiều Phượng Loan, hát và diễn say sưa, lúc ra về con được ôm mẹ thấy lưng áo mẹ ướt đẫm, mẹ nói: "Mồ hôi không mà hôn cái gì con?". Mẹ ơi, mẹ biết không, những giọt mồ hôi ấy chính là giọt mực, sẽ lưu tên mẹ mãi mãi trên nền sân khấu của nước nhà.
-Các mẹ tôn trọng nghề nghiệp, trân trọng khán giả. Các mẹ không có công sanh nhưng có công nuôi dưỡng tâm hồn con, dạy dỗ con bằng những lời ca ngọt ngào, chứa đầy ân tình. Các bài vọng cổ, các tuồng cải lương luôn hàm chứa tính nhân văn, giáo dục cao, khuyên người từ bỏ ích kỷ, tham lam, độc ác, nên trau dồi đạo làm người, hiếu thảo, thủy chung...Con nhìn tình bạn của các mẹ rồi nghĩ về các bạn của mình. Họ chỉ thích các loại nhạc hiện đại: tình cảm yêu đương, nhạc kích động ...nó là ác quỹ kéo đạo đức người ta xuống cấp trầm trọng, nhẹ thì đánh nhau, nặng thì giết nhau. Học sinh dốt đặc lịch sử, kém cỏi văn chương, chỉ giỏi sử dụng từ ngữ ngoại từ điển. Con ước ao ngày không xa nhiều người sẽ trở về với cải lương vì chỉ có dân ca cải lương của dân tộc mới giúp người ta biết lắng nghe để thẫm thấu đạo lý yêu quê hương mình, yêu những người xung quanh mình hơn.
- Con tự hào là khán giả mộ điệu Cải lương, hãnh diện là khán giả của các mẹ. Con nghe các mẹ và nhiều khán giả cầu xin nếu có kiếp sau thì cũng xin làm nghệ sĩ để hát cho bà con nghe. Vậy nếu như các mẹ được đáp ứng nguyện vọng thì con đây cũng cầu sinh kiếp sau vẫn được làm khán giả của các mẹ.
"Yêu nghề, giử nghiệp, tổ tông
Tâm đầy, đạo trọn, vẹn lòng sắc son
Dầm mai chân mỏi gối mòn
Tình yêu khán giả mãi còn thủy chung"
Con mãi yêu Cải lương và các Mẹ.
Trúc Phương – Báo Sân Khấu TPHCM