Út Bạch Lan & Thành Được : Đôi uyên ương một thời lừng lẫy
Nghệ sĩ Thành Được tên thật là Châu Văn Được sanh năm 1938 tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, cha mẹ là phú nông, có ruộng vườn tại xã Nhơn Mỹ, Kế Sách. Thành Được học xong Tiểu học tại huyện Kế Sách, anh theo cậu ruột của anh là bầu gánh hát cải lương Thanh Cần, để học hát.
Gánh Thanh Cần là một gánh hát trung ban, chuyên diễn ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ; Thành Được nhờ có giọng ca tốt, sắc diện đẹp trai, lại được diễn trên sân khấu nhà nên nhanh chóng trở thành kép chánh, được khán giả Hậu Giang ái mộ.
Năm 1957, khi bộ tứ Bầu gánh Kim Thanh: Út Trà Ôn, Kim Chưởng, Thúy Nga, Thanh Tao rã phần hùng, giải tán đoàn cải lương Kim Thanh - Út Trà Ôn, nữ nghệ sĩ Thúy Nga quy tụ một số nghệ sĩ cũ của Kim Thanh, thành lập đoàn Thúy Nga - Phước Trọng, mời nghệ sĩ Thành Được làm kép chánh với contrat 150.000 đồng trong hai năm.
Ðoàn cải lương Thúy Nga - Phước Trọng
Vở tuồng khai trương của đoàn cải lương Thúy Nga Phước Trọng là vở Ngưu Lang - Chức Nữ của soạn giả Kiên Giang, Thành Được thủ vai Ngưu Lang, nữ nghệ sĩ Bích Sơn vai Chức Nữ, vở tuồng chỉ đạt được sự thành công tương đối. Sau đó, đoàn Thúy Nga - Phước Trọng trình diễn vở cải lương hương xa ( Nhựt Bổn) " Khi Hoa Anh Đào Nở" của Hà Triều Hoa Phượng, với kép chánh Thành Được trong vai kiếm sĩ Tô Điền Sơn. Vở tuồng Khi Hoa Anh Đào Nở đã thành công lớn về mặt nghệ thuật lẩn tài chánh.
Lúc đó, các phim hát bóng Địa Ngục Môn, Người Phu Xe của Nhựt, đang rất được khán giả ưa thích nên sân khấu cải lương diễn tuồng Nhựt Khi Hoa Anh Đào Nở, Đợi Anh Mùa Lá Rụng, Cầu Sương Thiếp Phụ Chàng, cũng rất ăn khách vì đáp ứng được sở thích của khán giả.
Hồi đó, trong sinh hoạt cải lương, giới báo chí kịch trường mệnh danh sự thành công của đoàn cải lương Thúy Nga - Phước Trọng là một " hiện tượng " đặc biệt đáng ghi nhớ.
Trước nhứt là hai soạn giả trẻ Hà Triều - Hoa Phượng, mới có đôi ba tác phẩm đầu tay, đã thành công rực rở với vở " Khi Hoa Anh Đào Nở". Hiện tượng thứ hai là sự xuất hiện của kép trẻ Thành Được, một giọng ca thiên phú, một lối diễn xuất chửng chạc, một nghệ sĩ kế thừa phong cách diễn xuất " Đẹp và Thật" của nghệ sĩ tiền phong Năm Châu.
Thêm nữa, những năm từ 1955 đến 1968, có nhiều soạn giả tài danh như Hà Triều Hoa Phương, Thiếu Linh, Kiên Giang, Nguyễn Phương, Qui Sắc, Hoàng Khâm, Thu An…Những soạn giả mới nầy khai thác khả năng ca của các nghệ sĩ trẻ mới nổi lên, tạo ra một lớp diễn viên mới với phong cách diễn xuất tươi mướt hơn, với lối ca vọng cổ quyến rũ hơn lớp nghệ sĩ đàn anh trước kia.
Những nghệ sĩ trẻ thành danh từ năm 1956 đến 1968 có Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Tấn Tài, Út Hiền, Thanh Hải, Út Nhị, Minh Tấn, Thanh Tú, Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng, Dũng Thanh Lâm..
Phía nữ nghệ sĩ tài danh trong giai đoạn nầy ta thấy có Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Thanh Nga, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Hồng Nga, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Bích Sơn, Ngọc Bích, Bích Hạnh, Thanh Kim Huệ, Hà Mỹ Xuân, Trương Ánh Loan, Kiều Phượng Loan... vân...
Ba diễn viên ăn khách nhất
Ba diễn viên ăn khách nhất lúc bấy giờ là các nghệ sĩ Hữu Phước, Thành Được và Hùng Cường. Trong bộ ba Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường thì Thành Được có giọng ca truyền cảm tuy kém hơn Hữu Phước một chút nhưng hơn hẳn Hùng Cường; về sắc vóc thì Thành Được đẹp trai hơn Hữu Phước.
Hai diễn viên có giọng ca vàng nầy đều có khả năng hơn Hùng Cường về ca , diễn và có nhiều thuận lợi hơn vì được nhiều soạn giả tài danh đương thời cung ứng tuồng tích, giúp cho Hữu Phước và Thành Được nhiều cơ hội biểu dương tài ca diễn của mình. Ký giả Nguyễn Ang Ca, tức soạn giả Ngọc Huyền Lan tặng biệt danh "Giọng ca vàng" cho Hữu Phước và tặng biệt danh "kép hát thượng thặng" cho Thành Được.
Sau khi rã phần hùng với gánh Kim Thanh - Út Trà Ôn, năm 1957, bà Kim Chưởng tách riêng ra lập gánh hát Hoa Anh Đào - Kim Chưởng, Bà bầu Kim Chưởng ký hợp đồng với nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan và kép chánh Thành Được.
Bà Bầu Kim Chưởng xuất thân từ gánh hát Bầu Bòn, học nghệ có căn bản, lại là nữ diễn viên tài danh qua nhiều đoàn hát lớn nên khi bà lập gánh hát thì bà đích thân tập luyện, chỉ dạy cho nghệ sĩ trong đoàn của bà theo phong cách ca, diễn mà bản thân của bà đã được học hỏi trước đó.
Thành Được, Út Bạch Lan được cái may mắn khi mới bước chân vào nghề hát, đã được danh sư Kim Chưởng chỉ dạy. Đoàn Kim Chưởng nổi danh là " Anh Hùng Lưu Diễn" với các diễn viên giỏi tay nghề như Thành Được, Út Bạch Lan, Kim Nên, Mộng Thu, Trường Xuân, Nam Hùng, Thanh Sơn, Hề Minh.
Khán giả khó quên cặp diễn viên " thinh sắc lưởng toàn" Thành Được - Út Bạch Lan qua các vở tuồng: Chưa Tắt Lửa Lòng, Bên Đồi Trăng Cũ, Thuyền Ra Cửa Biển, Áo Trắng Nàng Mộng Trinh, Nữa Bản Tình Ca, Người Đẹp Thành Bát Đa. . .
Trên sân khấu Kim Chưởng, đôi diễn viên tài sắc Thành Được - Út Bạch Lan yêu nhau, đưa đến cuộc hôn nhơn có hôn thơ giá thú, cô Phùng Há, chủ hôn bên đàn trai, cô Kim Chưởng, chủ hôn đàn gái. Đám cưới được tổ chức long trọng, hầu hết các ký giả kịch trường đều được mời tham dự. Báo chí đăng bài phóng sự lễ cưới và các giai thoại về cuộc tình Út Bạch Lan - Thành Được vì đây là lần đầu tiên trong giới nghệ sĩ cải lương có một cuộc hôn nhơn có hôn thơ giá thú đàng hoàng.
Trong vở Nửa đời hương phấn 1959
Đoàn hát Kim Chưởng nỗi danh Anh Hùng Lưu Diễn, thường đi hát ở các tỉnh Hậu Giang, ở miền Đông, miền Trung trong nhiều tháng liền, ít khi hát ở Saigon. Và đoàn Kim Chưởng lại chuyên hát những tuồng loại hương xa, kiếm hiệp, trong khi đó thì khuynh hướng của khán giả Saigon lại đang thích coi hát những vở tuồng xã hội.
Đoàn hát Thanh Minh chuyên hát những vở tuồng xã hội, lại là một đoàn hát thường hát quanh quẫn các rạp ở Saigon nên phù hợp với ý muốn tiến thân của Út Bạch Lan và Thành Được. Hai nghệ sĩ nầy cũng nói rõ nguyện vọng của mình nên bà Kim Chưởng bằng lòng cho cả hai trả lại tiền contrat đã ký với bà, để Thành Được và Út Bạch Lan về cộng tác với đoàn Thanh Minh của bà Bầu Thơ.
Thành Được, Út Bạch Lan sáng chói hơn hết trong hai nhân vật trung tâm của vở tuồng. Nữa Đời Hương Phấn là nữa đời ngang trái cho thân phận đàn bà, cho tình yêu, cho sự đi tìm bạn tri âm và cho cả sự hy sinh cam chịu sự tan nát của nổi lòng khi Hương biết người con gái mà Tùng kết duyên lại chính là Diệu, em ruột của Hương.
Đầu năm 1962, Út Bạch Lan và Thành Được rời gánh hát Kim Chưởng để gia nhập gánh Thanh Minh Thanh Nga với contrat một triệu đồng năm trăm ngàn đồng, lương hát một suất 1200 đồng. Đoàn nầy lưu diễn miền Trung để tập vở tuồng "Nữa Đời Hương Phấn" của Hà Triều Hoa Phượng.
Thành Được trong vai Tùng, Út Bạch Lan, vai Hương (tên The khi ở dưới quê), Hữu Phước vai Hai Cang, người anh, vì quan niệm lổi thời môn đăng hộ đối mà phá hủy hạnh phúc của em mình. Ngọc Nuôi, vai Diệu, em của Hương, về sau là vợ chính thức của Tùng.
Thành Được, Út Bạch Lan sáng chói hơn hết trong hai nhân vật trung tâm của vở tuồng. Nữa Đời Hương Phấn là nữa đời ngang trái cho thân phận đàn bà, cho tình yêu, cho sự đi tìm bạn tri âm và cho cả sự hy sinh cam chịu sự tan nát của nổi lòng khi Hương biết người con gái mà Tùng kết duyên lại chính là Diệu, em ruột của Hương. Hương - Út Bạch Lan ca bản Phụng Hoàng, lấy nước mắt khán giả mà đến nay hơn 40 năm sau, nghe lại lớp ca Phụng Hoàng đó của Út Bạch Lan, tôi vẩn còn bồi hồi xúc cảm như xưa...: Năm 1961, vở tuồng Nữa Đời Hương Phấn đã lập kỷ lục " ăn khách " nhờ tuồng hay, nhờ Thành Được, Út Bạch Lan, Hữu Phước, Việt Hùng Ngọc Nuôi diễn giỏi, ca hay. Ấn tượng ban đầu về những nam diễn viên có giọng ca vàng như Thành Được, Hữu Phước là ấn tượng sâu đậm, khó quên.
Thành Được nhờ thành công buổi ban đầu đó, nên anh thành công dể dàng thêm qua các tuồng Con Gái Chị Hằng, Tấm Lòng Của Biển, Bọt Biển, Chuyện Tình 17, Tình Xuân Muôn Tuổi, Rồi Ba Mươi Năm Sau, Giấc Mộng Giữa Hoàng Lăng, Tiếng Hạc Trong Trăng. . .
Nghệ sĩ Thành Được nổi danh trên năm mươi năm trên các sân khấu Đại ban ở trong nước và ở hải ngoại, chúng tôi sẽ giới thiệu gia đình và sự nghiệp sân khấu của nghệ sĩ tài danh Thành Được trong một dịp khác.
tancogiaoduyen (Theo SG Nguyễn Phương - ĐACTD)
Theo cailuongvietnam.com
The Following 2 Users Say Thank You to Thuong Tran For This Useful Post:
nguyenphuc
Út Bạch Lan - Thành Được: Cái ghen tan nhà nát cửa
Từ sau năm 1954, chiến tranh Việt - Pháp chấm dứt, giao thông thuận lợi, dân miền Nam theo chế độ tự do được yên ổn làm ăn, ruộng vườn canh tác phát đạt, thương mãi phát triển, nên dân chúng dư ăn dư mặt, có tiền dám mua sắm, chưng diện, xem hát, đọc sách báo, tự nâng cao cuộc sống vật chất và tinh thần. Vì vậy ở Saigon, Chợ Lớn, Gia Định và các tỉnh có rất nhiều rạp hát mới xây cất, nhiều đoàn hát cải lương, hát bội, hát hồ quảng mới được thành lập, khán giả đến xem đông đảo nên nghệ sĩ được hưởng lương ngày một cao do tình trạng các bầu gánh hát tranh nhau mua chuộc những nghệ sĩ tài danh về cộng tác với đoàn hát của mình.
Thử xem qua số tiền lương của nghệ sĩ Út Bạch Lan và Thành Được trong những năm từ 1954 đến năm 1965 để biết sự phát triển của ngành nghệ thuật sân khấu cải lương và cuộc sống của nghệ sĩ cải lương trong thời hoàng kim. Nếu so sánh số thu nhập của nghệ sĩ với số lương cố định của các công chức hay sĩ quan các cấp trong quân đội, người ta sẽ hiểu vì sao nhiều em sinh viên, học sinh, các thanh niên nam nữ từ thành thị đến thôn quê chọn nghệ sĩ tài danh làm thần tượng của mình và xây mộng muốn trở thành nghệ sĩ.
Năm 1947, nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan 12 tuổi (lúc đó còn dùng tên Bé Hai) đã cùng với nhạc sĩ mù Văn Vĩ đi hát dạo ở các bến xe, đầu đường cuối chợ, để nhận được đồng tiền thưởng của kẻ buôn bán hay khách qua đường. Nhạc sĩ cổ nhạc đàn violon Jean Tịnh thích giọng ca của Bé Hai và ngón đàn guitare của Văn Vĩ nên giới thiệu Bé Hai và Văn Vĩ cho ca sĩ Thành Công, trưởng Ban Cổ nhạc Đài Phát thanh Pháp-Á Saigon. Ca sĩ Thành Công đặt nghệ danh cho Bé Hai là Bạch Lan để đối lại nghệ danh Bạch Huệ (danh ca tý hon của Đài Phát thanh Saigon). Anh đưa Út Bạch Lan lên ca trong Ban Cổ nhạc Thành Công trên Đài Pháp-Á. Út Bạch Lan nhanh chóng được thính giả ưa thích. Cô Năm Cần Thơ, chủ nhân quán ca cổ nhạc Họa Mi trong Giải trí trường Đại Thế Giới Chợ Lớn, mời Út Bạch Lan và Văn Vĩ đàn ca trong quán cổ nhạc Họa Mi. Nhờ có giọng ca vọng cổ trên Đài Phát thanh Pháp-Á và quán cổ nhạc Họa Mi, Út Bạch Lan nổi danh và được mời hát vai đào con, đào nhì trên sân khấu Thanh Minh của bầu Nghĩa.
Từ lúc khởi đầu hát dạo nhận sự bố thí của khách qua đường hay của người thưởng thức ở bến xe, bến tàu, đầu đường xó chợ, Út Bạch Lan nhờ sự giúp đỡ của ca sĩ Thành Công nên nổi danh trên đài phát thanh và được mời ký hợp đồng hai năm hát trên sân khấu Thanh Minh của bầu Năm Nghĩa với số bạc 80.000 đồng và lương mỗi suất hát là 250 đồng.
Năm 1954, 1955, 1956, Út Bạch Lan trở thành đào chánh của đoàn Thanh Minh, cô hát các tuồng Biên Thùy Nổi Sóng, Hồi Trống Vân Lâu, Lửa Hờn của Nguyễn Phương, tuồng Đồ Bàn Di Hận của Lê Khanh, tuồng Tình Tráng Sĩ của Mộc Linh, tuồng Nhan Sắc Thần Phi của Thiếu Linh, tuồng Cung Đàn Trên Sông Lạnh của Thu An... Thời gian này Út Bạch Lan được các hãng dĩa Việt Nam, Asia, Tứ Hải, Hồng Hoa mời ký hợp đồng thu thanh ca dĩa vọng cổ.
Cuối năm 1956, Út Bạch Lan gia nhập gánh hát Kim Thanh của bốn ông bà bầu: Út Trà Ôn, Thanh Tao, Kim Chưởng, Thúy Nga. Đến năm 1959, cô trở về cộng tác với bầu Năm Nghĩa gánh hát Thanh Minh, contrat của Út Bạch Lan ký trong hai năm lên đến 800.000 đồng và lương mỗi suất hát là 800 đồng.
Thời gian này Út Bạch Lan hát cặp với Thành Được, nổi danh qua các tuồng: Nửa Đời Hương Phấn, Con Gái Chị Hằng, Ngược Dòng Sông Lỗi, Bóng Chim Tăm Cá, Đêm Vĩnh Biệt...
Năm 1966, Út Bạch Lan ký contrat hát cho đoàn Kim Chung của bầu Long với số tiền ba triệu năm trăm ngàn đồng trong hai năm, lương mỗi suất hát là 3.500 đồng.
Nghệ sĩ Thành Được ở lại cộng tác với đoàn hát Thanh Minh-Thanh Nga với contrat cũng ba triệu năm trăm ngàn đồng và lương ba ngàn năm trăm đồng một suất hát.
Tôi trình bày tổng quát số thu nhập của cặp vợ chồng nghệ sĩ Út Bạch Lan và Thành Được để thấy: chỉ trong vài năm ngắn ngủi số thu nhập của họ tăng cao đến độ lương của một công chức cấp giám đốc, đốc học, hay trưởng ty cũng không sánh nổi (120.000 đồng/mỗi tháng), đó là chưa kể số tiền contrat bạc triệu, cộng thêm số lương nhận được từ hãng dĩa, từ đài truyền hình hay từ các đại nhạc hội vào sáng chúa nhật...
Khi Út Bạch Lan mới nổi danh, cô thường được anh Ba Hóa, chủ tiệm may áo dài Hạnh Dung ở đường Bùi Viện, chăm sóc. Anh Ba Hóa đẹp trai, là một tay lão luyện giang hồ, đóng tiền thế chân để bán vé hát cho đoàn Thanh Minh (thực tế đó là tiền cho vay trá hình dưới danh nghĩa thế chân khi bán vé hát cho đoàn). Vì vậy anh Ba Hóa thường xuyên có mặt ở đoàn Thanh Minh. Anh có xe hơi đưa rước Út Bạch Lan mỗi khi Út Bạch Lan đi tập tuồng hay đi hát, có tiệm may áo dài để may y phục chưng diện cho Út Bạch Lan, có tiền mua nữ trang, son phấn tặng Út Bạch Lan, vì vậy cô gái nghèo khó vừa mới nổi danh, chưa sành đời, dễ bị anh Ba Hóa cám dỗ. Cô trở thành vợ của anh Ba Hóa, người lớn hơn cô trên mười lăm tuổi. Anh Ba Hóa vừa là chồng vừa là cố vấn và đại diện cho Út Bạch Lan khi Út Bạch Lan ký contrat với ông bầu Nghĩa và bà bầu Thơ. Tất nhiên anh Ba Hóa cũng là thủ quỹ của Út Bạch Lan, anh cất giữ số tiền contrat, lãnh tiền lương mỗi suất hát của cô Út, anh cũng là người quản lý lo mọi việc ăn, ở, sinh hoạt, mua sắm của Út Bạch Lan, cô vợ đang hái ra bạc triệu.
Anh Ba Hóa đeo đuổi Út Bạch Lan, vợ anh là thợ may chánh và là chủ tiệm may Hạnh Dung, cô quá ghen nhưng không giữ được chồng, cuối cùng cô đành buông Ba Hóa, bước thêm bước nữa với anh ca sĩ Thành Công.
Cuối năm 1959, kép trẻ đẹp trai Thành Được từ gánh hát Thanh Cần ở dưới tỉnh Sóc Trăng được ông bà bầu Nghĩa mời ký hợp đồng, hợp cùng danh ca Hữu Phước thành một đôi kép chánh, danh ca để thay thế cho kép chánh Út Trà Ôn vừa rời đoàn. Lúc hát ở đoàn Thanh Cần, Thành Được đã có vợ là đào Kim Xuyến. Cô Kim Xuyến đẹp nhưng giọng ca không có những nét đặc sắc so với các nữ danh ca đang lên như Thanh Hương, Út Bạch Lan, Kim Anh, Thúy Nga, Ngọc Nuôi... Vì vậy Kim Xuyến không được ký giao kèo với đoàn Thanh Minh, và vì Thành Được cũng không đặt điều kiện phải có Kim Xuyến ký giao kèo chung với anh. Do đó, Thành Được hát một mình ở đoàn Thanh Minh và rất ít người biết là anh đã có vợ là đào Kim Xuyến ở đoàn hát Thanh Cần.
Đầu năm 1960, hai nghệ sĩ Thành Được và Út Bạch Lan trở thành một cặp đào kép thinh sắc lưỡng toàn, được đại đa số khán giả và các ký giả kịch trường khen tặng qua vở tuồng Nửa Đời Hương Phấn của Hà Triều Hoa Phượng. Sau đó, Thành Được và Út Bạch Lan chánh thức trở thành chồng vợ dù chưa có tiệc cưới chánh thức.
Để hiểu rõ hơn tình cảm nảy nở giữa Út Bạch Lan và Thành Được, tôi xin kể sơ lược vở tuồng Nửa Đời Hương Phấn, vở tuồng đã thật sự gắn kết hai tâm hồn nghệ sĩ xuyên qua hai nhân vật trong tuồng mà họ thủ diễn:
Tóm lược vở tuồng Nửa Đời Hương Phấn:
Tùng và người anh, Hai Cang, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được ông bác đem về nuôi. Đến tuổi trưởng thành, Tùng được giao trông coi một cửa hiệu bán đồ điện ở Saigon. Tùng gặp một kỹ nữ giang hồ, tên là Hương, họ yêu nhau say đắm. Nhưng ông bác và anh Hai Cang phản đối, vì chuyện tình ấy ảnh hưởng đến gia phong. Tùng vẫn nhất quyết sẽ làm lễ thành hôn với Hương.
Lúc đến nhà Hương ở trọ để báo tin vui, Tùng tình cờ gặp Định. Đó là một tay điếm đàng đội lốt văn nghệ, hắn dọa sẽ cho gia đình Hương dưới quê biết sự thực về cuộc đời son phấn của nàng, với mưu đồ giữ Hương trong vòng tay của hắn, không cho Hương được lấy Tùng. Hương nuốt lệ, đành phải chia tay Tùng bằng bức thư tuyệt tình. Nàng vờ đóng kịch cho Tùng biết nàng đã có chồng (đó là tên Định). Thấy vậy, Tùng thuận cưới vợ theo sự sắp xếp của anh Hai Cang.
Hương về quê nhưng chẳng may mụ chủ nợ mò đến, nói toạt cho cha mẹ nàng biết Hương là gái giang hồ, cha nàng giận quá đuổi đi. Lên Saigon, Hương tìm đến Tùng. Đến lúc này, Hai Cang mới tiết lộ chính anh ta đã năn nỉ Hương xa lánh Tùng. Và Hương đã âm thầm hy sinh để Tùng khỏi mang tội bất hiếu! Một bất ngờ khác, vợ của Tùng là Diệu, chính là em ruột của Hương. (Tên thật của Hương ở dưới quê là The).
Đau đớn tột cùng, Hương lặng lẽ từ bỏ mái tóc xinh đẹp, mượn cửa thiềng để khép lại vĩnh viễn quãng đời cay đắng.
Tùng đến chùa xin Hương tha thứ, mẹ và em nàng khóc lóc mong Hương trở lại cuộc sống trần tục. Nhưng Nửa Đời Hương Phấn, đối với Hương là dĩ vãng. Nàng ngậm ngùi chôn thân trong chiếc áo nâu sòng mãi mãi...
Các vai:
- Tùng - Thành Được
- Hương - Út Bạch Lan
- Hai Cang - Hữu Phước
- Định - Việt Hùng
- Diệu - Ngọc Nuôi
Út Bạch Lan đóng vai Hương thật xuất sắc. Hương dù sống dưới lớp áo cô gái giang hồ nhưng không kiêu sa khêu gợi, trái lại Hương còn mang vóc dáng bình dị, e dè vì cô vốn là một cô gái quê, một cô gái có cái tên The, cái tên chân chất của thời con gái đồng quê, vì lỡ lầm trong cuộc tình đầu mà phải biến thành Hương của chốn đọa lạc phong trần.
Mở đầu vở tuồng, Hương vui sướng đón nhận tin vui, người yêu của Hương là Tùng (do Thành Được thủ diễn) báo tin sẽ tổ chức lễ cưới của hai người. Nhưng tin vui chưa được trọn thì Định (do Việt Hùng đóng) tên gian manh đã lừa gạt hại đời của Hương (The) xuất hiện, đe dọa sẽ cho thân nhân của Hương và Tùng biết lai lịch làm gái gọi của Hương để bắt buộc Hương vĩnh viễn lệ thuộc vào hắn.
Thêm một trở ngại như là định mệnh chia cắt Hương và Tùng là Hai Cang, anh của Tùng, chống lại cuộc hôn nhân giữa Hương và Tùng với lý do không môn đăng hộ đối. Hai Cang đã thay mặt ông bác nuôi để quyết định đi hỏi vợ cho Tùng ở một nơi khác. Đó là cô Diệu, nhưng định mệnh trớ trêu lại đặt Hương ở vào cái thế nan giải: cô Diệu, người được anh Hai Cang hỏi cưới cho Tùng, lại chính là em ruột của Hương mà cả Hai Cang và Tùng không hề biết sự thật ngang trái đó.
Hương trở về quê, định mạng khắc khe khác đổ ập xuống đầu Hương. Bà chủ nợ đến đòi nợ và tố giác The chính là cô gái làng chơi tên Hương, làm cho cha cô xấu hổ, không nhận The là con mà quyết liệt đuổi The ra khỏi nhà.Hương, một cô gái làng chơi bất đắc dĩ, muốn có một người chồng đàng hoàng để hoàn lương nhưng nghịch cảnh đã cản ngăn nhiều lần. Khi Hai Cang nhận ra định kiến sai lầm đối với Hương thì anh đã phá hoại hạnh phúc của Tùng và Hương. Tùng hiểu được nỗi khổ tâm khi Hương hy sinh để nhường tình yêu cho Diệu, em ruột của mình, thì mọi việc đã lỡ làng.
Hương không muốn vướng mắc với một định mệnh chập chùng ngang trái, cô khép lại tấn bi kịch với tột đỉnh đớn đau: Hương xuống tóc đi tu, gởi lại mái tóc cho mẹ già...
Với giọng ca thảm sầu thiên phú, Út Bạch Lan làm rơi lệ hàng chục ngàn khán giả qua vai Hương, cô gái giang hồ bất hạnh trong tuồng Nửa Đời Hương Phấn:
Hương: Má ơi! mái tóc dài đậm đượt, con đã từng ve vuốt ấp yêu. Nơi phồn hoa, trong một buổi chiều, người ta đã cắt đi của con phân nửa. Rồi trong một đêm vừa đau vừa tủi, con lại cắt đi mái tóc sau cùng. Con đau lòng ngất lịm. Khi tỉnh dậy, sờ lên đầu thì tóc đâu không còn thấy nữa, con hoảng hốt la lên. Trời ơi, ai đã cắt tóc của tôi! Má ơi, chừng nhớ ra chính tay con đã cắt tóc của con rồi...
(vọng cổ) Mái tóc mà hơn hai mươi lăm trời, ngày đêm con săm soi ngắm nghía, tha thiết nưng niu. Nay nhìn mái tóc kia rời khỏi mái đầu, lòng con đòi đoạn từng cơn. Đoạn lìa mái tóc ngày xuân thì chẳng khác nào con cắt đoạn lìa quãng đời má phấn mày xanh!
(...) Má ơi, đây là phân nửa tóc mà con giữ mấy năm trường... Nay con xin gởi lại cho má với ba, mái tóc dịu mềm suôn sẻ này là của đứa con lạc loài bạc phận. Còn nửa mái tóc kia là mớ tóc nửa đời hương phấn, con đã chôn trước cửa Phật Đài.
Số phận con đã không may,
Kiếp hoa tàn héo, đọa đày truân chuyên
Tóc xanh gởi lại mẹ hiền
Đời con khép kín cửa Thiền từ đây!
Thành Được và Út Bạch Lan diễn vai Tùng và Hương thật xuất sắc, giọng ca bi cảm, truyền đạt đến khán giả nỗi đau của hai kẻ yêu nhau nhưng phải chia ly tan tác. Út Bạch Lan và Thành Được nhập thân vào nhân vật, khi hát cả hai đã khóc thật như người trong cuộc. Và từ chỗ cảm thông nhau qua nhân vật, Út Bạch Lan và Thành Được yêu nhau. Họ công khai chung sống với nhau như vợ chồng. Anh Ba Hóa trước đây được biết như là chồng của Út Bạch Lan nhưng không hôn thơ giá thú, anh Ba Hóa đành chịu mất Út Bạch Lan và mất luôn cô vợ chánh thức là chủ tiệm may Hạnh Dung mà không thể kêu ca hay phản ứng gì được. Dư luận của khán giả và ký giả kịch trường lại tán thành chuyện Út Bạch Lan sánh duyên với Thành Được theo họ phải như vậy mới thật xứng đào xứng kép. Trời sanh họ ra là để trở thành một cặp đẹp đôi trên sân khấu!
Út Bạch Lan và Thành Được mua một căn nhà rộng ở gần góc đường Nguyễn Thiện Thuật và Hồng Thập Tự làm tổ uyên ương. Thành Được mua xe hơi mới, đêm đêm chở Út Bạch Lan đi hát. Họ mướn một bà đầu bếp, một tài xế, một cô gái lo việc giặt giũ dọn dẹp trong nhà và một cô gái trẻ để lo săn sóc tủ làm tuồng, giúp việc cho họ trong đêm hát ở Saigon hay lúc đoàn đi lưu diễn.
Đối với nghệ sĩ cải lương, mướn một bà đầu bếp để chăm lo việc ăn uống trong gia đình là một việc vô cùng quan trọng vì nó thay đổi nếp sống của người nghệ sĩ. Nghệ sĩ cải lương quen nếp sống ăn quán, ngủ đình. Nghệ sĩ thích được ăn uống tự do, không tuân theo giờ giấc nào cả. Gặp quán nào, tiệm nào nếu đói bụng, nếu thích thì vào ăn ngay, không câu nệ. Mướn một bà đầu bếp tức là ăn uống ngay tại nhà, ngồi bàn ăn đàng hoàng, ăn uống theo đúng giờ giấc và theo menu của bà xã quyết định cho bà đầu bếp nấu. Ngày ngày, Thành Được ngồi đối diện với Út Bạch Lan, chỉ có hai người trong một giờ giấc nhất định, ăn uống theo sở thích nhất định. Lâu ngày, cuộc sống nề nếp đó sớm đem lại sự nhàm chán cho anh chàng lãng tử Thành Được.
Nghệ sĩ Thanh Được càng nổi tiếng thì không thiếu những nữ khán giả đến hậu trường tặng quà, mời đi dùng cơm, xin chữ ký, xin chụp ảnh chung hoặc mời đi du ngoạn hoặc đến nhà riêng tâm sự.
Nghệ sĩ Út Bạch Lan cũng được nhiều sĩ quan, nhiều ông chủ hãng giàu sang đeo đuổi, tặng quà, mời dùng bữa riêng...
Thế là hai vợ chồng Út Bạch Lan và Thành Được bắt đầu có mâu thuẫn với nhau, bắt đầu ghen bóng ghen gió.
Út Bạch Lan cho anh Hai tài xế và cô Trinh, người chuyên lo săn sóc tủ làm tuồng của mình, tiền riêng để hai người này theo dõi và báo cáo cho Út Bạch Lan biết những cô nào, bà nào thường đến nói chuyện, tặng quà cho Thành Được.
Thành Được chỉ có sở thích là ham mua xe hơi, đổi xe mới, thích đánh billard, thích đánh cờ tướng nên rất bực mình khi biết Út Bạch Lan mướn người theo dõi mình. Anh Hai tài xế và cô Trinh đều nhận được tiền thưởng của cả Út Bạch Lan và Thành Được trong việc theo dõi và báo cáo nhưng cả hai người này đâu có muốn tự làm bể nồi cơm của mình nên họ không báo cáo những gì có hại cho Thành Được hay bất lợi cho Út Bạch Lan. Họ vẫn được tín nhiệm của hai ông bà chủ, vẫn nhận được tiền thưởng riêng đều đều...
Cho đến một ngày đầu xuân năm 1966, như một trái bom nổ chậm bùng nổ trong gia đình êm ấm của Thành Được và Út Bạch Lan, cô Trinh, cô gái lo tủ làm tuồng của hai nghệ sĩ tài danh Út Bạch Lan - Thành Được, bỗng nhiên có chửa, cái bụng ngày một phình lớn lên...
Ai là thủ phạm? Anh Hai tài xế chăng? Khi Út Bạch Lan chất vấn, anh Hai tài xế nói nếu cô Trinh nói anh là tác giả cái bào thai đó thì anh vui mừng xin cưới cô Trinh ngay. Cô Trinh xinh đẹp, nước da trắng nõn nà như bông bưởi, đôi chân mày rậm đen dài khỏi đuôi mắt, môi hồng, má đỏ tự nhiên, người hiền lành nói năng nhỏ nhẹ dễ thương, cưới được một người vợ như cô Trinh là anh như hưởng được phước đức của ông bà anh để lại. Nhưng rất tiếc là anh Hai tài xế không phải là người ở trong tầm mắt yêu chuộng của cô Trinh.
Đêm đó, sau vãn hát, Út Bạch Lan chất vấn Thành Được. Thành Được đổ quạu, nói: Chuyện đâu còn có đó, thủng thẳng rồi xem coi cách giải quyết như thế nào, chớ làm gì mà ồn ào suốt ngày vậy?
Út Bạch Lan hét lên: Mà tôi hỏi anh, cái thai của con Trinh đang mang đó là của ai? Ai là cha của cái bào thai đó?
Thành Được: Thì đi hỏi nó, coi nó nói nó đã lấy ai?
Út Bạch Lan: Nếu nó nói anh đã ngủ với nó, anh nói sao?
Thành Được: Nếu nó nói vậy thì... thì...
Út Bạch Lan hét lớn: Thì sao?
Thành Được ấp úng: Thì... thì để tôi lo, làm gì mà bà la quá vậy?
Út Bạch Lan: Trời ơi! vậy là của anh rồi... Anh phản bội tôi, anh nói yêu tôi mà hết con này tới con khác, tới con nhỏ ở trong nhà mà anh cũng không tha...
Thành Được: Đừng có ghen rồi la bậy! Bà ở đó la, tôi đi chỗ khác...
Út Bạch Lan: Đứng lại... Đứng lại!... Anh đi đâu? Không đứng hả? Không đứng lại hả?...
Thành Được bước đến cầu thang định đi xuống nhà dưới, Út Bạch Lan chụp cái gạt tàn thuốc bằng pha lê, liệng một cái thật mạnh trúng vô đầu của Thành Được, máu phun có vòi. Thành Được ngã lăn xuống cầu thang la lớn: "Trời ơi, chết tôi rồi..."
Anh Hai tài xế lại đỡ Thành Được lên: "Máu nhiều quá... Mợ Út ơi. Máu trên đầu cậu chảy nhiều quá..."
Thành Được: "Anh Hai, chở tôi đi nhà thương mau lên".
Anh Hai tài xế đỡ Thành Được ra xe, chở đi nhà thương Bình Dân, bác sĩ may hết 12 mũi trên đầu mới cầm máu lại được. Đêm đó Thành Được mướn khách sạn ở và bặt luôn ba ngày không trở về nhà. Anh nhờ anh Hai tài xế báo cho bà bầu Thơ biết.
Đoàn hát phải đổi tuồng, ngưng không hát tuồng Nửa Đời Hương Phấn vì vắng mặt Thành Được và Út Bạch Lan.
Đêm hôm Thành Được bị Út Bạch Lan liệng cái gạt tàn thuốc bể đầu thì cô Trinh sợ quá, ôm quần áo bỏ trốn khỏi nhà Thành Được. Bà bếp và chị giúp việc trong nhà cũng bỏ đi luôn, chỉ còn một mình Út Bạch Lan.
Ba ngày sau, Thành Được và anh Hai tài xế vô nhà. Lên phòng ngủ, Thành Được thấy dưới gối nằm của Út Bạch Lan có để cái đế bằng sắt để cắm bông, Thành Được và anh Hai tài xế biết là Út Bạch Lan để cái đế cắm bông bằng sắt dưới gối là cố ý sẽ để thẹo trên mặt Thành Được để cho anh ta đừng "bay bướm" nữa. Thành Được sợ đến rởn tóc gáy. Anh biết Út Bạch Lan không nói nhưng một khi đã nổi cơn ghen lên thì không thể đoán trước cô ta sẽ làm gì.
Đúng lúc đó Út Bạch Lan về, cô thấy Thành Được cầm cái đế cắm bông bằng sắt, cô không nói gì, bỏ xuống nhà ngồi. Thành Được xuống phòng khách, Út Bạch Lan cho biết đã ký hợp đồng hát cho bầu Long, Kim Chung và đã thối contrat cho bà bầu Thơ. Hai người ở hai gánh hát khác nhau và cuộc tình chấm dứt ngay ngày hôm đó. Út Bạch Lan dọn đồ đến mướn một phòng ở tại chung cư Quốc Thanh. Thành Được cũng bán căn nhà đó, chia tiền cho Út Bạch Lan. Anh mướn một phòng ngủ ở khách sạn Majestic.
Năm mươi năm sau, Thành Được và Út Bạch Lan gặp nhau, hát lại một lớp tuồng Nửa Đời Hương Phấn trong dịp cô Phượng Liên tổ chức kỷ niệm 45 năm sân khấu ở Paracell SeaFood (Westminster). Có sự hiện diện của Út Bạch Lan, Thành Được kể lại chuyện ghen tan nhà nát cửa của Út Bạch Lan năm mươi năm trước. Út Bạch Lan chỉ nói: "Hồi đó còn trẻ, có thương mới ghen. Hỏng biết tại sao hồi đó tôi ghen quá!"
Hai vợ chồng nghệ sĩ Út Bạch Lan-Thành Được đã chia tay năm mươi năm qua, bây giờ gặp lại nhau, cả hai đều già hết rồi, có nhắc lại chuyện xưa thì chắc trong lòng mỗi người còn giữ lại một dư vị buồn thương, chắc cả hai cũng nuối tiếc cho cuộc tình đẹp bị tan vỡ bất ngờ vì một cơn ghen như sấm sét bão táp của Út Bạch Lan.
Nguyễn Phương, 2011
(Nhớ những chuyện Yêu và Ghen của nghệ sĩ )
Ừa, cũng ko biết được, các vị tiền bối kể lại thôi à, nếu ko có thì sao nói được. Tuy nhiên, khi ở thời kỳ đỉnh cao, vả lại là con người mà, khi ghen con người ta cũng có thể làm ra ngô ra khoai, lúc đó đâu có thể đúng sai gì đâu. Nhưng xét toàn cục, cô Út có nhiều điều đáng quý hơn. Khi xét con người, mình cần phải nhìn thấy cái chưa được và cả cái tốt của họ nữa.
mình k tin ns út bạch lan la người dữ vậy đâu. từ nhỏ tới lớn mình biềt ns út bạch lan la người hiển.
Hiền chứ cũng biết yêu và biết ghen mà. Hiền như thánh thì đâu phải là người... Ớt nào mà ớt chẳng cay
Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng.
Người càng hiền càng có 1 điểm yếu, và khi chạm được đến điểm yếu thì cái giận dữ ấy mới ghê hơn mấy người dữ đó... vì nó nằm ngoài khả năng chịu đựng mà.
Nhưng... cô Út vẫn là người hiền.