Chuyện về những "ĐỨA CON" bị... TỪ CHỐI !?!
Thứ sáu, 22/07/2011 13:09
Một biên tập viên gọi điện tìm gặp tác giả để xin một trích đoạn diễn trên sân khấu. Ông tác giả (xin phép được giấu tên) hẹn tới nhà, để rồi sau đó nhẹ nhàng từ chối với lý do: “Đó là một trong những tác phẩm lớn của tôi, để dành làm nguyên vở, nếu trích một đoạn thì uổng và sợ sau này nếu có người cần làm, nếu biết có người đã làm rồi thì người ta sẽ không chịu”.
Không những thế, tác giả này còn ngồi tâm sự hàng giờ về nỗi bức xúc của mình trong cái cách các nhà đài, các hãng băng đĩa khai thác tác phẩm của ông và nhiều tác giả khác. Chuyện gì đã xảy ra giữa các tác giả và những người “tiêu thụ” kịch bản?
(Ảnh chỉ mang tính minh họa)
TỪ CÁCH ĐỐI XỬ CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG KỊCH BẢN ĐỐI VỚI TÁC GIẢ...
Theo lẽ thường, một tác giả khi hay tin có người cần sử dụng kịch bản của mình thì sẽ rất vui mừng. Chính ông tác giả kia (đã nêu ở trên) cũng nói rằng: “Tôi rất vui, nhưng…”. Vâng, chính cái chữ “nhưng” trái lẽ thường ấy đã bộc lộ ra nhiều nỗi bức xúc ở phía đằng sau đó.
Theo lời ông thì: tác phẩm bây giờ đưa vào tay người sử dụng, khi vở diễn ra mắt thì ít có tác giả nào còn nhận ra “đứa con tinh thần” của mình nữa. Nó đã bị sửa đổi, thêm bớt hoặc cắt xén một cách tùy tiện và tùy yêu cầu của người sử dụng. Kịch bản khi đã giao vào tay một người khác là coi như “đứa con” của mình bị bán đứt, “người cha” không còn được quan tâm, chăm sóc trong quá trình nó trở thành tác phẩm sân khấu.
Vì theo những người thực hiện vở diễn, khi thu tiếng hoặc khi dàn dựng mà có tác giả ở đó thì… “khó” lắm!. Tác giả thường đòi hỏi mọi thứ phải hoàn hảo, không được ẩu tả, trong khi một ngày thuê phòng thu là tốn bạc triệu. Cuối cùng, khi vở diễn ra mắt thì tác giả chỉ còn lại một cái tên và một số tiền “bán con” là của mình. Trong thời buổi sân khấu khó khăn, tác giả nào cũng nghèo, vì thế mà họ đành chấp nhận, nhưng trình làng được một tác phẩm của mình, vui thì ít mà buồn thì… vô kể.
Cũng có nhiều tác giả không bận tâm chuyện “cơm áo gạo tiền” (như ông tác giả trên) thì mới có “can đảm”… từ chối không giao “đứa con” của mình cho người khác. Ông nói: “Vở của tôi, bây giờ muốn dựng, tôi phải ra điều kiện đàng hoàng, có sửa đổi thế nào thì cũng phải hỏi qua ý kiến của tôi, hoặc phải trình diễn với lực lượng diễn viên đó thì tôi mới đồng ý”.
Điều đáng nói là trường hợp của ông không phải là cá biệt, nhiều tác giả tên tuổi giờ đây bỗng trở nên rất khó khăn trong việc “cho” tác phẩm của mình, có tác phẩm mới thì “giam” đó… chờ thời, còn kịch bản cũ thì không cho sử dụng nữa, ai xin cũng không cho. “Vì không chỉ có các sân khấu, các đài truyền hình, mà còn có các nghệ sĩ cũng “tham gia” vào việc “đem tác phẩm đi biểu diễn tùm lum, khi hứng thì sửa, thì cương một cách tùy tiện mà không bao giờ nghĩ tới chuyện trả một đồng thù lao cho tác giả”, ông bộc bạch.
Ông còn kể một câu chuyện: “Khi có người đến xin những tác phẩm của cố soạn giả Năm Châu, người vợ đã nhẹ nhàng từ chối: “Cám ơn mọi người còn nhớ đến chồng tôi, nhưng tôi xin lỗi, ảnh đã chết rồi, xin đừng để cho ảnh phải “chết” thêm một lần nữa”. Cách nói ví von của nữ nghệ sĩ ấy có thể “hơi quá”, nhưng ai có làm tác giả, thấy “đứa con” của mình bị thay da đổi thịt thì mới hiểu hết cái chữ “chết” kia của bà. Thái độ của những tác giả và những người lưu giữ tác phẩm như thế đã thể hiện sự chán nản, mất lòng tin vào những người sử dụng kịch bản, nhất là những tác phẩm đã từng nổi tiếng và được công nhận”.
(Ảnh chỉ mang tính minh họa)
.
VÀ... "NỖI KHỔ" CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG KỊCH BẢN
Dù không thể phủ nhận có rất nhiều sự bất công mà những người sử dụng kịch bản đã làm với các tác giả, trong đó có cả sự không thỏa đáng về mức thù lao. Nhưng những biên tập viên, những người sản xuất chương trình cũng không phải là… không có nổi khổ.
Một tác phẩm dù hay đến đâu, khi được đưa vào sử dụng cũng không thể không có chỉnh sửa - tùy theo yêu cầu mà sự chỉnh sửa ấy nhiều hay ít.
Dù là tác phẩm nổi tiếng đã được công nhận, nhưng qua thời gian, vẫn phải có những nội dung lạc hậu, người làm phải tìm cách sửa đi một chút, sao cho nó không quá xa lạ với công chúng bây giờ (như CLB Sân khấu cải lương thể nghiệm 5B Võ Văn Tần đã từng dàn dựng lại vở “Vợ và người tình” của cố soạn giả Năm Châu; mặc dù đã thay đổi rất nhiều, nhưng nội dung vở diễn vẫn được đánh giá là rất hay, rất đúng với phong cách của Năm Châu). Và nếu các tác giả không hiểu điều đó, luôn bảo thủ ý kiến của mình, không hợp tác với những người thực hiện, thì sự cộng tác với nhau ắt sẽ trở thành… thất bại.
Ngày xưa, khi sân khấu còn hoàng kim, các tác giả luôn được tôn trọng. Còn ngày nay, giữa tác giả và những nơi sử dụng kịch bản là một khoảng cách quá lớn. Việc hiểu nhau đã khó, để làm việc với nhau cho thật ăn ý trên một tác phẩm còn khó hơn. Cũng là lỗi của những tác động khách quan mà cách giải quyết tốt nhất là: mỗi bên hãy tự nhìn lại mình và thông cảm hơn để cùng làm việc.
Nếu các tác giả cứ khư khư giữ lấy “cái tôi” của mình, đó không phải là một cách “tự đào thải mình” sao? Và những người cần tác phẩm, nếu cứ đối xử với tác giả "rẻ rúng và bất công" như thế, e rằng mai đây, sân khấu sẽ không còn những kịch bản hay để dàn dựng nữa.
Mr Trần - YUME