Bạn ghi cụ thể các chữ đàn trên từng phím dùm. Theo tôi biết dây hò ba hò năm cũng như các dây hò khác như hò nhất hò nhì...nó sẽ thiếu đi một số chữ đàn cần phải mượn chữ đàn khác để nhấn lên. Đối với các chữ đàn dây hò nhất hò nhì hò tư bên diễn đàn cổ nhạc Việt Nam.com có chỉ tôi đã biết.Duy chỉ thiếu các chữ đàn của dây hò ba và dây hò năm. Xin bạn giúp dùm cảm ơn.
Kể từ khi có sân khấu cải lương, để xác định cho thống nhất tên gọi của các loại (5 loại) dây đàn (gọi đúng là 5 cung đàn), lấy cây đàn kìm làm chuẩn, định theo vị trí trên phím đàn mà gọi tên từng loại dây.
Giới tài tử, nhạc công, nhạc sĩ, nhạc sư lấy Dây Nhỏ của cây đàn Kìm làm chuẩn. Khi đàn ông (kép) ca Vọng Cổ, vô HÒ thì chúng ta buông Dây Nhỏ ăn với giọng ca nam (kép), nên gọi Dây Nhỏ là Dây HÒ. Từ chủ âm HÒ tính theo ngũ âm (5 cung) lần lên là XỰ, XANG, XÊ, CỐNG. Vì vậy:
Hò Nhứt: lấy Hò làm Hò
Hò Nhì: lấy XỰ làm Hò
Hò Ba: lấy Xang làm Hò
Hò Tư: lấy XÊ làm Hò
Hò Năm: lấy Cống làm Hò
Do đó:
Hò Nhứt (cung thứ 1): buông dây nhỏ
Hò Nhì (cung thứ 2): bấm phím thứ 1 dây nhỏ
Hò Ba (cung thứ 3): bấm phín thứ 2 dây nhỏ
Hò Tư (cung thứ 4): bấm phím thứ 3 dây nhỏ
Hò Năm (cung thứ 5): bấm phím thứ 4 dây nhỏ.
Bây giờ chúng ta chỉ theo một cách lên dây duy nhất như dây hiện nay dùng để đàn cải lương (gọi là dây bắc oán*, để khi trở dây không phải vặn trục lên dây lại như thời chơi tài tử sa lông). Tên chữ đàn trên phím đàn thì tuỳ theo loại dây mà gọi khác nhau.
Ví dụ 2 loại dây thông dụng là Dây Kép và Dây Đào. Dây Kép là Hò Nhứt, Dây Đào là Hò Tư.
Với dây kép (Hò nhứt) thì dây lớn buông dây là chữ XỀ, dây nhỏ buông dây là chữ HÒ (LIU)
Với dây đào (Hò tư) thì dây lớn buông là chữ HÒ, dây nhỏ buông là chữ XÀNG.
Từ ngày có sân khấu cải lương cho tới khoảng năm 1966-1967 thì các nhạc công, nhạc sĩ chỉ sử dụng có 2 loại dây (đào và kép) như trên mà thôi (tức là Hò nhứt và Hò tư).
Đến khoảng sau năm 1967 thì bắt đầu có một vài giọng nam (kép) ca cao hơn Hò nhứt một cung (2 nửa cung), như Minh Vương... thì Văn Vĩ phải đàn theo (cho ăn với giọng Minh Vương). Cao hơn Hò nhứt một cung tức là Hò nhì. Từ đó tới nay, Vọng cổ lại có thêm Dây Hò Nhì (mà có người gọi không đúng theo cung bậc là Dây Xề).
Với dây Hò nhì (kép cao) thì dây lớn buông là chữ XÀNG, dây nhỏ buông là chữ PHAN
Riêng Dây Hò Ba và Dây Hò Năm thì không có sử dụng trên sân khấu cải lương. Hai dây này chủ yếu là chỉ để đàn bản Vọng cổ và một ít bản buồn. Nhưng như đã nói, chủ yếu là chỉ để đàn bản Vọng cổ mà thôi, đàn các bản khác không hay, không rặt hơi, mà lai hơi Vọng cổ.
Với dây
Hò ba thì dây lớn buông là chữ
HÒ, dây nhỏ buông là chữ
XỀ
Với dây
Hò năm thì dây lớn buông là chữ
PHÀN, dây nhỏ buông là chữ
XỪ.
Sau đây là chi tiết chữ đàn trên các phím của dây Hò ba và Hò năm:
Dây Hò Ba:
Dây lớn: phím 1 chữ XỪ, phím 2 chữ XÀNG, phím 3 chữ XỀ, phím 4 chữ CỒNG, phím 5 chữ LIU, phím 6 chữ U, phím 7 chữ XÁN, phím 8 chữ XẾ
Dây nhỏ: phím 1 chữ CỘNG, phím 2 chữ LIU (HÒ), phím 3 chữ U, phím 4 chữ XỨ lợ (Y), phím 5 chữ XÊ, phím 6 chữ CỐNG, phím 7 chữ LÍU, phím 8 chữ Ú
Dây Hò Năm:
Dây lớn: phím 1 chữ Hò, phím 2 chữ XỪ lợ (Y), phím 3 chữ XÀNG, phím 4 chữ XỀ, phím 5 chữ PHAN, phím 6 chữ LIU (HÒ), phím 7 chữ XỰ lợ (Y), phím 8 chữ XANG
Dây nhỏ: phím 1 chữ XANG, phím 2 chữ CỐNG, phím 3 chữ PHAN, phím 4 chữ LIU (Hò), phím 5 chữ XỰ lợ (Y), phím 6 chữ XANG, phím 7 chữ CỐNG, phím 8 chữ PHÁN
Dây Hò Ba thì không có phím chữ XANG, do đó phải mượn chữ XỰ lợ để nhấn và rung ra XANG
Dây Hò Ba lên dây kiểu này (kiểu dây cải lương) rất khó đàn, ngay cả ông Ba Tu cũng phải hạ chùng dây lớn xuống một cung (2 nửa cung) để lấy song thinh với phím 2 dây nhỏ (HÒ = LIU). Đây là dây Hò ba tài tử xưa (khi chưa có cải lương).
Dây Hò ba rất ít sử dụng và cũng không thông dụng. Dây Hò năm cũng ít sử dụng mà dây Hò ba còn ít hơn nữa.
Ba Tu có dùng dây Hò năm để đàn bản Xuân Nữ (hoà tấu với Văn Môn đàn guitar).
*Dây bắc oán nghĩa là chỉ một cách lên dây duy nhất mà vừa đàn được đàn bản bắc vừa đàn được bản oán, không phải vặn trục lên dây lại như thời còn đàn ca sa lông chưa co cải lương. Thời đàn ca sa lông dây bắc riêng dây oán riêng, khi ca bắc phải ca một lèo xong ngồi nghỉ uống trà, ăn cháo khuya, xong vận trục lên dây lại, lấy dây oán để đàn bản oán và các bản mùi. Thời đó chưa có vọng cổ dây kép (vì bản Dạ Cổ Hoài Lang đàn dây bắc hoặc dây oán), cho nên kép ca vọng cổ phải ca lòn (giống như Việt Hùng). Từ khi có người ở Rạch Giá lấy cây đàn Guitar Espanol (Tây Ban Cầm) móc phím lõm xuống để đàn vọng cố, lên dây theo cây đàn Mandoline là Sòl Rê La Mí (Hò Xê Xự Cống), lấy chủ âm Sòl làm Hò thì ăn với gọng đàn ông (nên gọi là dây kép). Từ đó đàn ông ca vọng cổ đúng hơi của mình mà không còn ca lòn mượn dây của đàn bà nữa. Cách lên dây Sòl Rê La Mí (Hò Xê Xự Cống) của guitar phím lõm này xuất xứ đầu tiên ở Rạch Giá nên cũng gọi là Dây Rạch Giá** (thời này còn đàn ca sa lông, chưa có cải lương).
**Dây Rạch Giá: thời còn đàn ca sa lông thì khi đàn ông ca vọng cổ guitar đàn Dây Rạch Giá, đàn bà ca vọng cổ thì guitar đàn Dây Tứ Nguyệt. Hai dây này cách lên dây khác nhau. Khi có phong trào ca ra bộ (có diễn xuất), nam nữ ca chung thì khi trở dây từ đào qua kép (hoặc ngược lại) rất bất tiện vì làm sao ngưng lại để vặn trục lấy dây. Do đó người ta chế ra Dây Lai vừa đàn cho đàn ông ca (vọng cổ) được vừa đàn cho đàn bà ca (vọng cổ) được. Gọi là Dây Lai là vì nó "lai" giữa dây Rạch Giá và dây Tứ Nguyệt. Dây Lai (guitar) để đàn cải lương như hiện nay đang dùng.