Nghệ sĩ hài TẤN BEO: Lang thang tìm một... "bến" nghề
Kể chuyện về mình, câu đầu tiên Tấn Beo phát biểu là: “
Ngày xưa muốn làm hề đâu phải dễ, bây giờ mới dễ nè…”!.
“Những trang đời…” của nghệ sĩ hài Tấn Beo dưới đây sẽ là một minh chứng “hùng hồn” nhất.
BƯỚC NGOẶT CUỘC ĐỜI
Bước ngoặt cuộc đời của Tấn Beo bắt đầu khi cuộc chiến tranh giải phóng đất nước bước vào giai đoạn cam go nhất. Tình hình Sài Gòn khi ấy lộn xộn đến nỗi Tấn Beo phải bỏ học để về quê lánh thân. Sau giải phóng, không thể tiếp tục con đường học vấn nên đành theo mẹ cha đi đoàn hát. Sống ở đoàn (Sông Hậu 1), thỉnh thoảng cũng được lên sân khấu hát kép “con” mỗi khi thiếu người, cũng có máu văn nghệ và thuộc lòng nhiều bài bản cải lương nhưng trước sau Tấn Beo chỉ thích làm hề - mà chỉ hát cho vui chớ trong thâm tâm, Tấn Beo cũng không nghĩ mình sẽ theo nghề hát. Cho đến ngày danh hề Thanh Việt được mời về đoàn Sông Hậu 1, cũng là lúc đôi nghệ sĩ Tấn Tài - Như Ngọc rời đoàn hát, Tấn Beo phải đứng trước một sự lựa chọn và anh đã quyết định ở lại để được kề cận thần tượng của mình - khi ấy Tấn Beo nung nấu ý định: trở thành một anh hề trên sân khấu.
Thế là từ đó, trong đoàn Sông Hậu 1 có một thầy - một trò luôn khắng khít bên nhau - dù Thanh Việt không hề tuyên bố nhận Tấn Beo làm đệ tử (họ gắn bó với nhau hoàn toàn vì tình cảm và sự tự nguyện, chớ không như những quan hệ “anh em nuôi”, “cha con nuôi” đầy vụ lợi như bây giờ).
Đi theo Thanh Việt còn có 5 người con, nhưng người gần gũi nhất “cùng ăn, cùng ngủ, cùng đi chơi” với ông lại là… Tấn Beo. Mỗi khi đoàn đến điểm diễn mới, nhiệm vụ của Tấn Beo là xách chiếc ghế bố đi “giành chỗ” trước cho ông. Sau đó là đi mua về một chai rượu, ngồi đối ẩm với ông (Tấn Beo nói bây giờ mình biết nhậu và nhậu dữ như vậy cũng là tại “ổng”). Khi Thanh Việt đã say và ngủ rồi thì Tấn Beo ngồi kế bên nhổ tóc ngứa, nhổ râu. Và cuối cùng, khi tới giờ hát thì Tấn Beo lãnh luôn phần làm mặt (hóa trang) cho Thanh Việt.
Đó là “lịch” làm việc của một ngày bình thường; còn những lúc rỗi rảnh, mỗi khi đi đâu, Thanh Việt đều gọi Tấn Beo đi theo và những cuộc tiếp xúc giữa thầy với mọi người mới chính là cái để Tấn Beo học hỏi nhiều nhất, vì “ngồi ở đâu, với ai, thầy cũng trở thành trung tâm chú ý vì khả năng hài hước của mình”.
2 anh em: TẤN BEO - TẤN BO .
NHỮNG "CON ĐƯỜNG VÒNG" THEO SÂN KHẤU...
Tình nghĩa thầy trò sâu đậm là vậy, nhưng rồi cũng phải chia tay. Vì khi đó “Tấn Beo mê hát lắm rồi, mà ở lại đoàn thì làm sao được hát, dù đã nhiều lần thầy Thanh Việt giả bệnh để học trò được ra sân khấu diễn. Thế là mình quyết định ra đi…”.
Tấn Beo đã phải trốn ra đi (vì không được phép của đoàn và Sở VHTT tỉnh Hậu Giang) với cõi lòng tan nát nhưng cũng đấy quyết tâm gầy dựng sự nghiệp. Về quê nội ở An Giang, Tấn Beo được người dượng giới thiệu vào đoàn cải lương An Giang. “Mới vô nghe nói đoàn đã có 5 anh hề, Tấn Beo “rụng rời” rồi, nhưng nếu không theo thì biết đi đâu bây giờ? Cũng may là số mình đi đâu cũng được người thương, một tháng sau là được mấy ảnh chia vai cho hát”. Một thời gian sau, mấy anh hề kia lần lượt nghỉ, Tấn Beo trở thành hề chính của đoàn và nổi tiếng với vai diễn Siêng khi đoàn dàn dựng vở cải lương “Bàn thờ Tổ của một cô đào”.
Rồi Tấn Beo lại rời đoàn An Giang ra đi “vì muốn thử sức mình trên nhiều sân khấu. Hơn nữa, ý tôi cũng muốn thử tìm đường về thành phố. Không ngờ “lạng” ra tới miền Trung với đoàn cải lương Kim Thanh luôn”. Về đoàn Kim Thanh, Tấn Beo lại “đụng” với danh hài Nguyên Hạnh, phải chờ đến khi Nguyên Hạnh nghỉ đoàn, Tấn Beo mới được chính thức hát và nổi tiếng hơn trên sân khấu của đoàn Kim Thanh. Nghe danh anh, các đoàn cải lương ở TP.HCM như Trần Hữu Trang, Trung Hiếu mời Tấn Beo về hát, nhưng “Tấn Beo… chưa dám, dù lòng rất muốn về”.
“Ngày trước, làm hề không phải dễ, không như bậy giờ…”, Tấn Beo nhắc lại câu nói ban đầu. Chính vì chữ “không dễ” ấy mà Tấn Beo trốn hoài ở tỉnh, không dám về TP vì biết diễn ở TP khác với ở tỉnh rất nhiều. Tiếp tục lưu diễn các tỉnh cùng đoàn Kim Thanh mãi đến năm 1992, khi đoàn Văn Công TP mời, Tấn Beo mới dám “xuất hiện” ở TP. Đoàn Văn Công TP dựng vở “Một chuyện tình buồn”, bên cạnh những tài danh Minh Vương, Lệ Thủy, Thoại Miêu, Diệp Lanh. Diệu Hiền, khán giả được tiếp xúc một duyên hài mộc mạc mà dí dỏm của “tân” anh hề Tấn Beo trong vai Trạch. Cũng từ vai diễn này, tên tuổi Tấn Beo đã “đứng” được trong lòng khán giả TP.
Xem Tấn Beo diễn hài, người biết thì sẽ nói anh diễn giống danh hài Thanh Việt, nhưng người không biết thì sẽ chẳng thấy giống ai cả. Có thể so sánh giữa Tấn Beo và nghệ sĩ hài Thanh Nam (đoàn cải lương Nhân Dân Kiên Giang) để thấy là cả hai đều giống Thanh Việt ở chất hài tự nhiên giản dị, diễn “tỉnh” như không; nhưng nếu cái tự nhiên của Thanh Nam khề khà theo kiểu ông già Nam bộ, thì Tấn Beo lại có sự linh hoạt, láu lỉnh thông minh của một anh hề trẻ. Vai Trạch của Tấn beo trong vở “Một chuyện tình buồn” - một vai dường như chẳng có gì để diễn, nhưng Tấn Beo - với sự thông minh của mình - đã thể hiện được đúng chất một anh chàng nhà quê chân chất nhưng không ngu ngơ, khờ khạo…
Nói về nghề nghiệp hiện tại của mình, Tấn Beo gật gù: “Cũng may là tôi có chút năng khiếu. Hồi đó tôi theo nghề hát là vì hoàn cảnh bắt buộc mà. Nếu không có năng khiếu, thì dù thầy Thanh Việt có chỉ bảo bao nhiêu, mình có cố bắt chước bao nhiêu, chắc cũng không thành công được”.
VÀ... "MỘT ĐƯỜNG THẲNG" TRONG TÌNH YÊU
Chính vì vậy mà tôi thường hay gọi Tấn Beo là… "
Anh hề nghiêm túc". Đến nhà anh, nhìn nhà cửa ngăn nắp gọn gàng, vợ con đề huề sung túc, tôi tin anh là người sống có kỷ luật. Kể về chuyện tình cảm của mình, Tấn Beo rất cởi mở: “
Là nghệ sĩ hài, lếu tếu chọc cười người ta thì được, coi vậy chứ Tấn Beo nhát lắm. Hồi đó hát ở đoàn Văn Công TP, đêm nào cũng có một cô ngồi ở hàng ghế đầu, thấy mình ra là cười. Để ý vài lần, Tấn Beo quyết định làm quen bằng cách… sai đệ tử xuống hẹn giùm. Gặp nhau sau khi vãn hát, hai đứa ngồi uống nước xong rồi… về. Lúc đầu gia đình cô ấy cũng cấm cản, vì ngại mình là nghệ sĩ, nhưng khi biết rồi thì… thương Tấn Beo còn hơn thương con gái nữa đó!”.
* Vậy sau khi cưới vợ rồi, anh có “lạc lòng” lần nào không?
- Không và sẽ không bao giờ. Như vầy không phải là hạnh phúc hơn sao? Ngoài thời gian đi diễn, thì đưa vợ con đi chơi hoặc ở nhà cũng… bấm điện tử. Riêng tư chút nữa thì chơi với chim, với cá. Muốn làm gì cũng phải nghĩ đến hậu quả đã chứ!
* À, thì ra là anh chàng Beo cũng biết sợ. Nhưng sống mà ràng buộc mình vào khuôn phép như thế thì liệu cái tâm hồn nghệ sĩ có lúc nào buồn lắm không?
- Trên đời có trăm niềm vui và vạn nỗi buồn, mất cái này ắt sẽ có cái kia. Tấn Beo sợ nhất là cái buồn trong nghề nghiệp - đó là khi ra ngoài đường không còn được con nít bu theo chỉ mặt kêu “anh Beo”, nhưng may quá - điều đó chưa xảy ra. Vậy thì… còn đòi hỏi gì nữa?
Tấn Beo kết thúc câu chuyện với một câu nói đầy mãn nguyện…
Mr Trần - YUME