Đoàn Văn Công Quân Khu 7 trong mỗi thời kỳ luôn có những giọng ca vàng. Nếu trước đây có danh ca Đức Tài, suốt một thời gian dài quen thuộc với các chiến sĩ Quân khu, trở thành một biểu tượng được yêu mến nhất trong lực lượng bộ đội, mang tầm cỡ nghệ sĩ chuyên nghiệp, từng rất thành công ở Đoàn Cải Lương Trung Hiếu của Công An Tp.HCM.
Khi Đức Tài nghỉ hưu, tìm một giọng ca trẻ thay thế không phải là chuyện dễ dàng. Có một chàng trai đến từ Chợ Mới, Tỉnh An Giang, nơi có phong trào đờn ca tài tử phát triển rất mạnh. Anh có giọng ca trong trẻo, cao vút, âm vực rộng, lên cao xuống thấp đều rất ngọt, tròn vành, rõ chữ, đặc biệt anh có bộ nhịp rất chắc, lại cũng ảnh hưởng bởi cách ca vọng cổ của danh ca Thanh Tuấn như Đức Tài.
Nhưng anh vẫn giữ được những sắc thái riêng của mình, anh lại thích khoác áo lính, nên chuyện gia nhập vào đoàn Văn Công Quân Khu 7 như mối lương duyên định sẵn. Mới đó anh đã có trên 12 năm là chiến sĩ nghệ sĩ. Đó là Lư Quốc Vinh, Chuông Bạc giải Chuông Vàng Vọng Cổ năm 2009.
Ngược dòng thời gian, Vinh có năng khiếu ca hát từ nhỏ, có người cậu biết đờn ca, thường hay dẫn cháu đi ca hát. Năm 1996 Vinh đoạt giải I giọng ca cải lương Huyện Chợ Mới. Sau đó được trung tâm văn hóa tỉnh mời về hợp tác. Trong một dịp tình cờ, Vinh quen biết với tác giả Trần Dương, được ông giới thiệu vào Đoàn Văn Công Tỉnh An Giang. Từ đó tiếng hát của Vinh theo đoàn hát phục vụ bà con tỉnh nhà.
Ở đoàn vinh được NSƯT Thiện Vũ nhận làm đệ tử, anh đã chỉ dạy Vinh rất nhiều.Vinh ca chắc nhịp là nhờ anh ấy. NSƯT Thiện Vũ ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp ca hát của Vinh. Sau này, khi lên Tp.HCM hành nghề, mỗi lần có dịp về quê, Vinh thường ghé thăm thầy, trao đổi, học hỏi thêm nhiều điều bổ ích cho nghề.
Vinh đã đoạt Huy Chương Bạc giải Bông Lúa Vàng, do Đài Tiếng Nói Nhân Dân Tp.HCM tổ chức. Một năm sau, được sự khuyến khích của gia đình và bạn bè Vinh quyết chí lên Tp.HCM phát triển sự nghiệp. Đức Tài rất thích giọng ca của Vinh, đã giới thiệu với lãnh đạo Đoàn Văn Công Quân Khu 7, người sẽ thay thế vị trí của mình sau này.
Xét toàn diện thì Vinh có nhiều điểm tương đồng với Đức Tài, một sự kế thừa hoàn hảo. Năm 2009, Lư Quốc Vinh tham gia cuộc thi Chuông Vàng Vọng Cổ, xuất sắc vượt qua hàng ngàn thí sinh vào đến vòng Chung Kết Xếp Hạng và đạt Huy Chương Bạc chỉ xếp sau Thu Vân, cô em cũng đến từ An Giang.
Nói một cách công bằng các giọng ca trẻ rất nể Lư Quốc Vinh, nhưng qua các cuộc thi lớn, tại sao Lư Quốc Vinh hay về nhì, trong khi làn hơi hay hơn, đặc biệt hơn người về nhất. Một vài vị giám khảo chấm điểm tiếc cho Vinh điều này. Thứ nhất, khi thi Vinh chọn giải pháp an toàn, không dám đột phá, ca hay nhưng không có gì mới nên bị đối thủ vượt qua ở những khoảnh khắc quyết định, tâm lý thi đấu của Vinh chưa tốt.
Thứ hai, giai đoạn đó Vinh chưa định hình riêng cho cách ca của mình, vẫn cứ là bản sao của thần tượng Thanh Tuấn, mặc dầu hơi giọng hoàn toàn khác. Cứ việc mê, tôn sùng thần tượng, nhưng muốn thành công phải có những chiêu độc, mang đậm dấu ấn riêng của mình. Danh ca Thanh Tuấn từng cho biết khi mới khởi nghiệp ông cũng mê nhiều danh ca bậc thầy, cũng bắt chước họ, sau này khi đã cứng nghề, ông thay đổi dần, tìm hướng đi riêng, sáng tạo ra cách ca phù hợp với chất giọng của mình.
Giá trị của nghệ thuật là sự sáng tạo, cứ đi theo lối mòn, bắt chước người khác, dù có hay không cũng không có gì xuất sắc, độc đáo. Tại sao không là chính mình? Tạo sao cứ núp theo bóng người khác? Giá trị của chính mình mới quý. Theo ông, cách hay nhất là chọn cách ca nào phù hợp và phát huy được tối đa chất giọng của mình, hạn chế khuyết điểm, phát huy ưu điểm.
Giọng ca Lư Quốc Vinh như viên ngọc được mài dũa nhưng chưa tới, vẫn còn tiềm ẩn, có thể khai thác hay hơn nữa. Sau khi đạt Chuông Bạc 2009, bây giờ Vinh ca hay hơn, sâu lắng hơn, không còn kiểu khỏe hơi đầy nội lực, thiếu nội tâm, ít cảm xúc. Nhược điểm của Lư Quốc Vinh cũng là “bịnh” chung của nhiều giọng ca trẻ, có làn hơi mà chưa biết khai thác chiều sâu.
Gì thì gì, nguyên tắc cơ bản khi ca vọng cổ phải ngọt, phải mùi, sâu lắng (chỉ trừ ca vọng cổ hài). Danh cầm Năm Cơ từng nói vui khi có người hỏi ý kiến ông nhận xét về các tay đờn, các giọng ca trẻ, ông hóm hĩnh trả lời: “mấy đứa nhỏ bây giờ tụi nó đờn ca vọng cổ nghe vui lắm...” câu nói vui cần được suy ngẫm của một bậc sư tổ trong nghề.
So với một số giọng ca trẻ hiện nay Lư Quốc Vinh là người có chất giọng tự nhiên phong phú nhất, bộ nhịp vững chắc vào hàng cao thủ. Có thừa khả năng đột phá, sáng tạo ra phong cách ca vọng cổ mới mẻ, mang bản sắc riêng của mình. Ngày nay thiếu sân khấu để nâng cao nghề diễn, lớp trẻ chủ yếu khai thác lợi thế giọng ca. Dẫu sao đường đi tới tầm một ngôi sao cải lương cũng bắt đầu từ giọng ca vàng.
Lư Quốc Vinh hiện nay như đã tìm được cho mình hướng đi mới trong nghệ thuật ca vọng cổ, hay hơn chính anh lúc trước rất nhiều. So với nhiều làn hơi khác, làn hơi cảu Lư Quốc Vinh không thua bất cứ tài danh nào, qua bao nhiêu thế hệ. Hạn chế của Vinh là chưa dám thoát ra, chưa đủ tự tin, cứ nghĩ mình chưa hơn ai và sợ phá cách, lệch khỏi quỹ đạo truyền thống, chính vì sợ, phần nào hạn chế đi khả năng sáng tạo.
Phải dám thí nghiệm, dám chấp nhận thất bại mới có thể thành công. Lư Quốc Vinh đang thời sung sức nhất, vừa đến độ chín của nghệ thuật ca vọng cổ. Có một Lư Quốc Vinh khác hơn những năm trước. Chúc mừng Vinh, giọng ca trẻ hàng đầu hiện nay, xứng danh bước vào hàng danh ca vọng cổ.