Nghệ sĩ Cẩm Tiên: Khi lái theo thuyền
Nếu bất ngờ gặp Cẩm Tiên và nghe chị nói chuyện, nhiều người sẽ tự hỏi, người đối diện đang là nghệ sĩ cải lương hay là một CEO giỏi trong kinh doanh?
Bởi, Cẩm Tiên có thể nói một cách say sưa về các quy trình kỹ thuật xử lý chất thải bảo vệ môi trường, về sự hữu dụng của công nghệ đèn Led, về kinh doanh khách sạn hay nợ đầu tư cho dự án nhà thu nhập thấp tại Bạc Liêu. Nhưng khi nói về nghiệp diễn, trong chị cũng đầy nỗi đam mê và những trăn trở về số phận sân khấu cải lương, về tương lai của một loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Sự đan xen những phẩm chất trái ngược giữa nghệ thuật và kinh doanh, thật ra không khó hiểu với một người nghệ sĩ trải qua nhiều thăng trầm như Cẩm Tiên.
Mê vọng cổ từ tuổi lên sáu, từng trốn học để chui vô sân vận động Gò Dầu (Tây Ninh) xem ké cải lương…, tình yêu ban đầu rất bản năng đó cũng đủ sức mạnh khiến cô gái 20 tuổi bỏ ngang ước mơ trở thành cô giáo để về đầu quân cho đoàn cải lương Trung Hiếu, theo gợi ý
...cứ thấy đêm đêm ba cổ chở cổ đi hát là tôi yêu lắm... Thuyền không theo lái thì lái theo thuyền. Vậy là tôi theo nàng về Việt Nam cho tới giờ...
của trưởng đoàn Chín Bùng. Thật ra, động lực chính để Cẩm Tiên “cãi lời” ông ngoại, bỏ nghề giáo theo nghiệp xướng ca chính là sự động viên của nghệ sĩ Châu Thanh và soạn giả Đăng Minh, những người anh đồng hương của chị. Nhưng điều này cũng chính là nguyên nhân khiến chị gặp phải sự ganh ghét tị hiềm của những bạn diễn trong đoàn, nghiệt ngã đến mức có lúc chị cảm thấy mình đã đi… sai đường. Nếu như không có sự động viên của khán giả, của những giải thưởng được nhiều người mơ ước: năm 1995 đoạt huy chương vàng (HCV) giải trần Hữu Trang, năm 2000 đoạt HCV Liên hoan sân khấu Mùa thu, năm 2005 đoạt HCV Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp…, có lẽ chị đã bỏ nghề.
Sở hữu một sắc vóc khá gợi cảm, nhưng câu nói người xưa, “hồng nhan đa truân” dường như rất ứng vào chị, khi đường tình duyên của chị ban đầu không may mắn. Chị bảo, nghệ sĩ nữ thường hay nhõng nhẽo vì quen được sự ái mộ của khán giả. Khi được ái mộ, chiều chuộng, rất dễ có cảm tình và quên mất sự kiểm soát các yếu tố phù hợp, để rồi “yêu” lúc nào không hay. Khi nghiệp hát của chị đang ở đỉnh cao, một Việt kiều vì quá yêu giọng hát luyến láy lạ lẫm của Cẩm Tiên, đã vượt nửa vòng trái đất để về gặp gỡ chị hằng năm. Sau 10 lần gặp nhau, hai người đi đến hôn nhân. Tới giờ này, chị vẫn bảo đó là tình yêu rất thật mà chị dành cho người đàn ông độc thân và có hai con này. Nhưng cuộc hôn nhân tan vỡ sau hai năm chung sống, chị biết chồng mình vẫn còn một người đàn bà khác ở bên kia bờ đại dương. “Đó là giai đoạn thật sự khó khăn. Đám cưới quá lớn mà cũng chưa lâu, giờ bể ra… quê lắm. Tôi sốc đến mức xỉu luôn trên sân khấu vì nhiều ngày không ăn được. Đau khổ nhưng đó là quyết định sáng suốt. Tôi ra Lãnh sự Mỹ xin rút đơn nhập cảnh
Cẩm Tiên luôn tự hào mình là người phụ nữ không lệ thuộc kinh tế vào chồng. Khi biết điều này, nhiều nghệ sĩ đàn anh như Minh Vương, Thanh Tuấn, Châu Thanh, Trọng Hữu đều bày tỏ sự ngạc nhiên vì với họ, trách nhiệm tiền bạc, chi tiêu cho gia đình thuộc về phái mạnh. Nhưng với chị, gánh lo của chị không chỉ riêng mình mà còn là cả gia đình lớn có cha mẹ và anh chị em của mình nên không thể trông dựa vào người khác. Mẹ chị là giáo viên, ba là tài xế thu nhập không bao nhiêu, nhưng cả nhà đều gồng gánh những lúc khó khăn, để chị theo đuổi đam mê của mình. Vì vậy, lúc thành danh, khi kiếm được tiền từ sự lao động chân chính của nghề hát, chị thấy mình có nghĩa vụ bồi đáp. Chối từ cuộc hôn nhân nhiều hứa hẹn bên trời Tây, chấp nhận cuộc sống nhiều khó khăn trước mắt, nhưng bằng nỗ lực của chính mình, chị đã tạo được cuộc sống ổn định cho cha mẹ và tìm việc làm cho anh em trong gia đình… Chị bảo: “Mình nhờ tổ đãi nên mỗi khi hết tiền thì lại có người mời sô”. Còn anh Lâm Đức, ông xã hiện tại của Cẩm Tiên hóm hỉnh: “Phật thương người con hiếu thảo nên đã độ trì”.
Lâm Đức là Việt kiều Canada, về Việt Nam đầu tư kinh doanh bất động sản, khách sạn, nhưng thất bại nên buồn chán và thường xuyên đi chùa rồi anh gặp và quen với nghệ sĩ Châu Thanh, lúc đó cũng buồn vì vừa ly dị vợ. Trong một lần Cẩm Tiên đi hát ở chùa Giác Lâm (Q.11), Châu Thanh đánh tiếng cho hai người quen nhau. “Dần dần, tôi thấy cổ có tánh… đàn ông, trái tính là phang ngang không nương tay, đó là thế mạnh của người làm kinh doanh. Hơn nữa, ngoài sắc đẹp, giọng hát… thì tính chân thật của cổ khiến tôi xao lòng. Về lại Canada, tôi kể chuyện cho mẹ tôi nghe, bà bảo, người như vậy mà không chịu cưới? Tôi quay lại Việt Nam, cứ thấy đêm đêm ba cổ chở cổ đi hát là tôi yêu lắm. Nhưng để chắc ăn, tôi đưa cổ về Canada, mở cửa hàng kinh doanh băng đĩa lớn nhất Toronto cho cô lập nghiệp… Nhưng sau sáu tháng, cô ấy thừa nhận cải lương chỉ tồn tại ở Việt Nam nên muốn về quê hương. Thuyền không theo lái thì lái theo thuyền. Vậy là tôi theo nàng về Việt Nam cho tới giờ”, anh Đức chân tình tâm sự.
Mười hai năm chung sống, bé Tiên Kim, con chung của hai người, giờ đã lên 10. Khoảng thời gian ấy không chỉ để hai người hùn phước xây một ngôi chùa ở Hòn Nghệ (Kiên Giang), mà còn đủ để anh Đức tỉnh táo nhận ra, lấy vợ nghệ sĩ mà ghen tuông thì hôn nhân sẽ không bền. Còn chị, ngoài việc thừa nhận rằng ở chồng chỉ có mỗi một điều là… khắc khẩu với mình, còn lại, “tính ổng tốt đến mức chiếc áo mới mua chưa mặc, nhưng ai thích thì cho liền”. Chính vì thế, dù rất đồng tình với quan điểm bình đẳng giới nhưng chị vẫn sống hướng theo quan niệm “nhà trên lớn hơn nhà dưới” trong mọi ứng xử thuộc phạm vi gia đình. “Bây giờ đi đâu, con gái cũng nói, nhà có hai anh em. Con trai ảnh coi tôi như mẹ ruột. Tôi bằng lòng với điều mình đang có, vì đó là hạnh phúc mà tôi cảm nhận được”.
NGUYỄN THIỆN - PNCN
Nguồn tin:
www.phunuonline.com.vn