Nghệ sĩ Minh Cảnh tiết lộ khi đã có tên tuổi, ông quyết học võ, không phải phục vụ cho diễn xuất mà để… làm bầu. Thời ấy, có nhiều đại ca khét tiếng nhưng mê cải lương đã bị tiếng hát của ông cảm hóa
Sau khi đã có tên tuổi trong giới nghệ sĩ cải lương,Minh Cảnh đứng ra lập Đoàn Cải lương Minh Cảnh và Đoàn Thiên Cảnh. Ông từng đưa đoàn của mình đến hát với bà con vừng quê xa xôi. Gánh hát của ông thường bị quậy phá bởi những kẻ côn đồ miệt vườn khoái xem hát nhưng không muốn tốn tiền mua vé.
Một lần đoàn lưu diễn ở Bình Định, có đám thanh niên do một tên để râu quai nón đến quậy phá. Minh Cảnh dùng vài đường quyền hạ đo ván gã ngay trước rạp. Không ngờ, gã đó lại là chủ một lò võ, sau đêm hát đã mang gà, rượu tới xin kết nghĩa đệ huynh.
Lần khác, khoảng năm 1969-1970, khi lưu diễn ở Phan Rí, đoàn hát của ông lại bị một đám lính đến gây sự. Ông bị 2 tên gí súng vào đầu dọa bắn. Khi ấy, nghệ sĩ Minh Cảnh xuất chiêu, tước hết vũ khí và khống chế chúng. Sau đó, ông quyết định hạ phông màn để chuyển bến. Ai ngờ, đại ca của nhóm này lại tìm đến xin lỗi…
Nghệ sĩ Minh Cảnh trong chương trình Những cánh chim không mỏi do HTV tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM năm 2001
Cảm hóa tướng cướp Điền Khắc Kim, Lê Vũ Cầu
Trước 1975, các băng nhóm thế giới ngầm hoạt động rộng, công khai ở Sài Gòn. Chúng chia nhau lãnh địa để bảo kê nhà hàng, sòng bạc, đâm thuê, chém mướn… Nhiều “đại ca” khét tiếng thời đó như Đại Cathay, Huỳnh Tỳ, Long “trăng”, Tạ Tình, Vũ Thế Hùng, Tín Mã Nàm, Điền Khắc Kim… tuy bản chất tàn ác nhưng cũng có nhiều tay mê cải lương. Trong đó, tướng cướp Điền Khắc Kim là một khán giả trung thành của nghệ sĩ Minh Cảnh.
Nam nghệ sĩ nhớ lại: “Mỗi lần đi xem hát, tay này đều mua tặng tôi lẵng hoa với dòng chữ “Một khán giả vô cùng ái mộ Minh Cảnh”. Ban đầu, tôi đâu biết Điền Khắc Kim là ai, cứ ngỡ đó là một khán giả bình thường và cũng chỉ mấy lần sơ giao. Một hôm, tôi bỗng thấy hình ảnh gã trên báo đăng kèm tin tức một vụ cướp tiệm vàng táo tợn. Tôi giật nảy mình nhưng rồi sau đó vẫn thấy gã đi xem hát và tiếp tục tặng hoa”
"Một lần, khi vãn hát, tôi mời gã đi ăn khuya và hỏi thẳng chuyện báo đăng. Điền Khắc Kim cười cười. Gã giải thích: “Vụ này em làm để kiếm tiền cứu đám đàn em bị bắt quân dịch. Đại ca yên tâm, lo lót xong vụ này, em giải nghệ xin theo đoàn hát làm quân sĩ”. “Không rõ lời Điền Khắc Kim có chính xác hay không, tôi chỉ biết ký tặng gã bài ca cổ Tu là cội phúc của soạn giả Viễn Châu như một lời gửi gắm"
Trước đây, cố NS Lê Vũ Cầu từng xuất thân từ một băng nhóm xã hội đen ở Quy Nhơn - Bình Định và cũng được NS Minh Cảnh ra tay cưu mang, dứt ra được hang ổ đó rồi theo đoàn của ông và trở thành NS.
tướng cướp Điền Khắc Kim (phải)
Nghệ sĩ Minh Cảnh luôn tâm niệm lấy chữ tâm của nghề để hướng thiện con người. Là một nghệ sĩ cải lương, ấy vậy, rất nhiều tướng cướp, đại ca giang hồ lại bị chính tiếng hát và sự trượng nghĩa của ông cảm hóa mà hoàn lương.