(NLĐO) - NSƯT Út Bạch Lan, NSND Lệ Thủy, NSƯT Diệu Hiền, NSND Thanh Tòng... và nhiều nghệ sĩ khác thuộc thế hệ vàng cải lương bộc bạch nhiều trăn trở khi công trình tái dựng các tác phẩm sân khấu của tác giả Trần Hữu Trang sắp được thực hiện.
NSND Lệ Thủy và các diễn viên thế hệ trẻ: Kim Tiểu Long, Hoàng Nhất, Chiêu Hùng, Thanh Ngân, Thoại Mỹ, Tú Sương, Cao Thúy Vy, Lịch Sử trong live show 45 năm theo nghiệp cầm ca tổ chức tại Nhà hát TP.
Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một trong những hoạt động được Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thực hiện nhằm lên kế hoạch tái lập Trung tâm Nghiên cứu nghệ thuật cải lương và đề án đào tạo nguồn nhân lực cho bộ môn nghệ thuật này….NSƯT Diệu Hiền cho biết rất vui khi những vở diễn của tác giả Trần Hữu Trang sẽ sớm được tái dựng.
Bốn mươi năm qua sân khấu cải lương đã nhận được sự quan tâm của công chúng cho dù chất lượng nghệ thuật vì nhiều hoàn cảnh đã thay đổi khác xưa. Vở “Chiến binh” quy tụ nhiều nghệ sĩ đã đoạt HCV Trần Hữu Trang thời gian gần đây cho thấy chúng ta cũng có thế hệ kế thừa tốt, cần bồi dưỡng, phát triển thêm.
NSƯT Diệu Hiền và NSƯT Kim Tử Long trong chương trình Đưa ĐCTT Nam Bộ đến học đường
Với NSND Ngọc Giàu, bà nhấn mạnh cần tập trung truyền dạy những bài học đạo đức cho thế hệ nghệ sĩ kế thừa.“Tôi đặc biệt quan tâm đến công trình tái dựng những tác phẩm của tác giả Trần Hữu Trang như: Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Khi người điên biết yêu…
Nhưng tôi nghĩ không chỉ tái dựng những tác phẩm này, mà phải tính đến chuyện lâu dài là phục dựng những tác phẩm của tác giả Năm Châu, Hà Triều – Hoa Phượng, Thế Châu, Điêu Huyền, Viễn Châu, Lê Hoài Nở… và đừng chạy theo hình thức mà đi vào chiều sâu của các tác phẩm này.
Vấn đề là đào tạo diễn viên trẻ theo đúng bài bản, nhất là giáo huấn cho được những bài học đạo đức là vấn đề trọng tâm” – NSND Ngọc Giàu chia sẻ.
NSND Ngọc Giàu và diễn viên Hoàng Hải (đoạt giải Nhất cuộc thi tuyển chọn giọng ca cải lương Giải Nguyễn Thành Châu - Tiền Giang) do bà, đạo diễn Hồng Dung, NSƯT Thoại Miêu xét chọn với vai trò hội đồng giám khảo.
NSND Lệ Thủy nói: “Tôi cho rằng công cuộc đổi mới diễn xuất trên sàn diễn cải lương phải được thực hiện đồng bộ. Nhà hát mới được xây dựng tạo cho chúng ta không gian, nơi để có thể thực hiện những vở diễn thử nghiệm cách diễn xuất mới, phục vụ nhu cầu khán giả. Chúng ta cứ thử nghiệm nhiều cách diễn khác nhau và ghi chú, đúc kết lại thành giáo trình giảng dạy cho nghệ sĩ trẻ một cách đồng bộ"
NSND Thanh Tòng và NSƯT Thanh Thanh Tâm trong chương trình Vầng trăng cổ nhạc
NSND Thanh Tòng quan tâm đến một vấn đề, đó là hiện nay du khách đến tham quan TPHCM, muốn được xem nghệ thuật sân khấu thì không có nơi nào để xem. Nhiều đoàn khách nước ngoài đến tham quan TP HCM, nơi được xem là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nơi có nhiều đoàn nghệ thuật nhưng khi hỏi có đoàn nghệ thuật nào, rạp nào biểu diễn những tác phẩm đỉnh cao của sân khấu cải lương thì chúng ta đều lắc đầu chào thua.
Vấn đề đặt ra bây giờ là phải xây dựng bộ mặt cải lương hiện đại, để đón chào du khách và bảo lưu những vở diễn giá trị.“Tôi đã quan sát và dõi mắt theo nhiều gương mặt trẻ mà tôi cho rằng họ sẽ tiến xa hơn trong nghề như: Võ Minh Lâm, Lê Tứ, Mỹ Hằng, Kim Luận...
Nhưng hiện có quá ít sàn diễn sáng đèn, họ cứ loay hoay với những đêm diễn trích đoạn, ca cổ, ca tân nhạc mà chẳng tập trung trau dồi diễn xuất. Tôi hy vọng đề án đào tạo nguồn nhân lực của sân khấu cải lương góp phần thực hiện cuộc đổi mới trong diễn xuất” - NSND Thanh Tòng nói.
NSND Bạch Tuyết, NSƯT Út Bạch Lan và NS Hồng Nga trong chương trình Làn điệu phương nam
Cùng những trăn trở trên, NSƯT Út Bạch Lan nói thêm rằng dẫu sân khấu có gặp những khó khăn thì các thế hệ nghệ sĩ vẫn đồng lòng gầy dựng lại với quyết tâm giữ gìn và phát triển bộ môn nghệ thuật của dân tộc. Bà vui khi sắp tới nghệ sĩ trẻ có sàn diễn tại nhà hát để trau dồi tay nghề. Hy vọng, thông qua công trình tái dựng các tác phẩm sân khấu của tác giả Trần Hữu Trang, nghệ sĩ trẻ sẽ nâng cao năng lực diễn xuất, hun đúc lòng yêu nghề