Tuổi thơ của cô thích xem hát bội và mê những nhân vật hát bội. Thế nhưng mẹ cô - nghệ sĩ
Thanh Ngọc lại hướng con gái mình tới với sân khấu cải lương. Cũng giống anh trai, nghệ sĩ
Tuấn Sang, năm 15 tuổi
Thanh Uyên đã được đưa lên sân khấu đóng những vai nhỏ. Cô thuật lại tuổi thơ mình bằng một giọng ví von dễ thương :
"Mẹ tôi xô tôi ra sân khấu đóng vai tỳ nữ, dẫu biết rằng tôi run như con thỏ mắc nước, nhưng mẹ vẫn muốn tôi bước ra sàn diễn bằng chính nổ lực của mình".
Một suất rồi hai suất, từ từ tôi quen và yêu thích ánh đèn sân khấu. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn mơ sẻ có ngày mình biểu diễn hát bội. Ngày trước hễ có ai rủ tôi đi xem cải lương là tôi từ chối ngay, còn hát bội thì giá nào cũng đi. Tôi mê động tác vũ đạo sinh động của nghệ sĩ hát bội. Mê nhất là cách diễn tả nỗi lòng của những bậc thầy nghề như :
NSND Đinh Bằng Phi, NSUT Minh Biện, Kim Thanh, Ngọc Dung, Minh Tốt, Công Khanh...Các cô chú đã truyền cho tôi ngọn lửa yêu nghệ thuật, dẫu tôi đã nối nghiệp cha mẹ đến với nghề hát cải lương, nhưng tôi vẫn yêu say mê các vai tuồng hát bội".
Thanh Uyên lớn lên trong vòng tay thương yêu của người thân và nhanh chóng hội tụ những khả năng ca diễn để khẳng định mình. Cô không được như anh hai học ca theo nhịp với những thầy đờn trứ danh, cô chỉ học lóm qua cánh gà, rồi nhịp nhàng gần như nhiễm vào máu tim lúc nào không hay.
Thanh Uyên được làm đào chánh năm 20 tuổi trên sân khấu đoàn CL Đồng Nai, sau đó về đoàn CL Kiên Giang và một năm sau về Nhà hát Trần Hữu Trang.
Vai diễn đầu tiên ghi dấu một bước ngoặt đến với dạng nhân vật có nội tâm, phải kể đến Thủy Tiên trong vở
Lệnh truy nã. Sau đó là Dung trong vở
15 năm tình hận. Sức diễn của
Thanh Uyên không mạnh mẽ như
Cẩm Tiên, Thanh Ngân, nhưng cô có nét ca diễn riêng, đi thẳng vào nội tâm nhân vật không màu mè, kiểu cách. Tuy nhiên, hạn chế của Thanh Uyên đó là khó đi vào những bài bản Tổ. Bởi, cô không được học căn bản từ nhỏ nên thường phải né những bài bản này hoặc có hát cũng chỉ cảm nhận trên phương diện yêu thích, chưa thực sự nắm vững kỹ thuật để thể hiện cho tốt.
Khi về
đoàn CL Sông Bé - Kim Hương,
Thanh Uyên diễn chung với
Ngân Tuấn, Chiêu Hùng, Trọng Nghĩa, Hồng Nhung, Kim Thoa. Lúc này là giai đoạn
Thanh Uyên đúc kết nhiều kinh nghiệm ca diễn, nhất là đi vào sở trường biểu diễn tuồng cổ - cái nghề mà cha cô - nghệ sĩ
Trường Sơn đã cả đời cống hiến. Năm 2001 Thanh Uyên lại về TPHCM, gắn bó với sân khấu đoàn 3 Nhà hát Trần Hữu Trang. Trên sân khấu này, Thanh Uyên diễn chung với các diễn viên cùng trang lứa như :
Vũ Luân, Tú Sương, Tuấn Sang, Chí Cường, Trinh Trinh, Thy Trang, Trung Thảo...và cô đã từng bước thâm nhập vào những vai diễn khó. Điểm lại hành trang của Thanh Uyên trên sàn diễn này, sẽ thấy cô có nhiều cố gắng trong cách thể hiện nhiều dạng vai đào khác nhau. Ở đó có một
Phùng Tả Hậu nghiêm khắc, yếu lòng trong vở
Xử án Phi Giao, một Tạ Ngọc Dung khẳng khái, nhu mì trong
Xử bá đao Từ Hải Thọ, một nàng Yến Linh duyên dáng, dí dỏm trong
Tứ tử đậu tân khoa, một nàng Di Quan hết mực yêu nước, yêu dân trong
Giang sơn mỹ nhân và còn nữa những vai : Thánh Mẫu
(Thanh Xà, Bạch Xà), Mẫn Trinh
(Bao Công tra án anh em song sinh), Thúy Vân
(Trăng thề vườn Thúy)...Thanh Uyên cũng xuất hiện khá nhiều trong các chương trình sân khấu như : Đêm hoa đăng, Làn điệu phương nam, Vầng trăng cổ nhạc, Dạ cổ tri âm, Nối vòng tay lớn, Những cánh chim không mỏi, Thắp sáng niềm tin.
Đối với Thanh Uyên khi đã quyết tâm theo nghề thì luôn ý thức phấn đấu không ngừng. Có nhiều đêm diễn do sơ suất trễ nãi hoặc quên lời, cô về nhà cứ trằn trọc mất ngủ. Hoặc có khi nhận được lời khen ngợi động viên của khán giả, bạn bè đồng nghiệp là cô chia sẻ niềm vui đó ngay với gia đình, nhất là với mẹ. Trước đây nghệ sĩ Thanh Ngọc ở tận Bà Rịa, Vũng tàu, nay đã dọn lên TP ở chung với hai con. Tuy mỗi người đều có cuộc sống riêng nhưng cả NS
Thanh Ngọc và
Trường Sơn vẫn xem nhau như bạn và cùng chăm lo, động viên các con theo nghề. Người chồng sau của nghệ sĩ Thanh Ngọc là nghệ sĩ Minh Trường, Thanh Uyên có một người em gái tên Hà Tú Trinh đã chính thức nối nghiệp cha mẹ, dù cô bé đến với nghề ca sĩ. Trong chương trình Làn điệu phương nam lần 9, Hà Tú Trinh và Lâm Chấn Vũ (em trai của nghệ sĩ Trọng Thanh) đã song ca bài Thương nhau lý tơ hồng và Thanh Uyên luôn có mặt bên em để động viên, chia sẻ.
Thanh Uyên cho biết : "Khi cả gia đình đã quyết tâm sống bằng nghề hát, ai cũng tự hào sẽ làm tốt những vai diễn, tiết mục được giao. Vui nhất là được cùng sắm tuồng trong một đêm diễn, để cả nhà cùng đứng chung trên một sân khấu. Hà Tú Trinh đang từng bước đến với nghề, tôi hiểu tâm trạng hồi hộp, lo lắng của em. Vì tôi đã trải qua giai đoạn đó. Tôi mơ ước có nhiều cơ hội để đến với nhiều vai diễn khó hơn. Hạn chế của thế hệ diễn viên chúng tôi là ít có cơ hội tiếp xúc với các bậc tiền bối. Ít dịp xem họ diễn nên không có điều kiện cọ xát nghề. Song, bù lại chúng tôi có nhiều chương trình để hướng tới công chúng nhất là trên sân khấu màn ảnh. Tôi rất biết ơn những nghệ sĩ tiền bối đi trước, ngọn lửa yêu nghề của họ đã truyền cho chúng tôi ý thức phấn đấu nghiêm túc, để xứng đáng với tình thương mà khán giả dành cho mình".
Mong rằng Thanh Uyên sẽ tự tin hơn nữa trên con đường đã chọn, để gia đình cô luôn tự hào về những gì đã dành cho cô.
(Theo trinhtrinh.net)