CẢI LƯƠNG CHI BẢO BẠCH TUYẾT:
“Mọi thứ là phương tiện,
chỉ có hơi thở này, nhân cách này là đích đến của tôi…”
“Trước khi chết, vua Phổ còn cầm tay và nói với Mo-zart: ta tiên biểu cho trật tự, nhà ngươi tiên biểu cho cái đẹp, biết đâu hậu thế sẽ quên ta và nhắc nhở đến ngươi….” Thật vậy, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông vẫn luôn luân chuyển. và theo dòng đời ấy, có biết bao nhiêu điều bị rơi vào quên lãng, bị cuốn trôi đi. Nhưng những gì là nghệ thuật đích thực thì sẽ vẫn còn mãi với thời gian. Nhìn lại hơn một trăm năm của nghệ thuật SKCL, mỗi chặng đường, chúng ta điều có những tên tuổi lưu danh cùng hậu thế. Và cô - NSƯT Bạch Tuyết kể từ lúc bước chân lên sân khấu, bắc đầu gầy dựng tên tuổi, thành danh với giải triển vọng xuất sắc Thanh Tâm và lên ngôi cải lương Chi Bảo, tính đến nay đã hơn 50 năm.
50 năm, cái tên Bạch Tuyết cùng với những vai diễn của cô vẫn còn sống trong lòng công chúng mộ điệu cải lương. 50 năm, “ngôi vị” Cải Lương Chi Bảo vẫn chưa ai có thể thay thế. Nhân dịp đầu năm mới , báo SKTP đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện rất thú vị với cô.
* Chào cô, cô đã đón những ngày xuân Nhâm Thìn vừa qua như thế nào ?
- Bình an, khỏe khoắn, đơn giản cùng gia đình và cùng bạn bè làm vài ba việc thiện. Sau đêm hát giao thừa ở Vĩnh Long, tôi trở về nhà, xông đất chính nhà mình (như mọi năm). Mỗi ngày mặt một bộ áo mới, rồi cùng người thân, bạn bè vào bếp. Có những món mà sau nhiều năm, tôi mới có dịp “ra tay” như đổ bánh da lợn, làm cơm rượu, bánh cake, bánh crêpes, pha cocktail… Sáng mùng một tôi nhâm nhi một tản văn của Hồ Anh Thái, bạn tôi: “…Thế rồi sang thời mở cửa, xã hội phân rẽ ra mấy loại người, kẻ mê tín, suốt một đời không mê, bây giờ có tiền có vàng, có chức có danh, có nhân tình nhân ngãi. Có sở hữu tức là phải lo, lo mất, vậy là phải kín phải thờ phải rón rén. Phải cầu xin để k bị mất. Kẻ không mê tín thì càng ngày càng vô tư vô sách, lấn đất nhà chùa, gây hấn với sư, dối trá lừa đảo cả xã hội. Ngập tràn những cái rởm trong mọi lãnh vực: thực phẩm rởm, thuốc rởm, danh hiệu rởm, những giá trị rởm. Người ta ngang nhiên dối trá để thu lợi, ngập tràn một tin thần không biết sợ, không sợ gì và không sợ ai. Ráo diết chạy chọt vận động để được đề bạt, lên lương, xin bằng cấp, xin bằng khen, giấy khen, giải thưởng. Xin không được thì mua, mua không được bằng tiền thì mua nhiều tiền. Mua nhiều tiền không được thì nguyền rủa, chửi bới bôi nhọa. Bằng miệng bằng văn bản photo phát tán, bằng bài báo, bằng tung hê lên mạng, lên blog cá nhân. Bằng đe dọa và cả tấn công bằng bạo lực, không sợ ai và không sợ gì”…(Vòng tay kính cẩn cúi đầu-hướng nào Hà Nội cũng sống - Hồ Anh Thái, tr.48-49). Sau đó, tôi ngồi vào máy vi tính, võ vẽ mấy dòng cho mình. Tôi nghe lại lời chúc Tết của chủ tịch nước (vì đêm giao thừa còn bận đi hát). Tôi đón theo dõi các buổi đi thăm và chúc tết tặng quà của lãnh đạo TP cho công nhân, người nghèo… Có những giọt nước mắt đã rơi trong những ngày Tết, họ khóc vì tủi thân và cũng khóc vì sự ấm áp, chân tình chu đáo của những tấm lòng dành cho nhau. Khóc vì mừng được gặp lại nhau sau mấy mươi năm thất lạc. Và tôi đặc biệt xúc động, ấn tượng bởi một chữ tình của bao con người hướng về biển đảo, chưa bao giờ tôi thấy có một cái Tết mà đất liền và biển đảo gần nhau đến vậy!
* Được biết cô vừa mới ra mắt CD “Gợi giấc mơ xưa” cùng với hai học trò của mình là Phương Trần và Khang Hữu Điền. Cô có thể chia sẽ một chút về album mới này của mình?
-Một trò tốt nghiệp nhạc viện, yêu cải lương, một trò sinh ra để hát cải lương và … .tôi. Cả 3 chúng tôi rong chơi, hát ca - hát cho mình cho bạn bè, và kính dâng tới khán giả. Và “Gợi giấc mơ xưa” nằm trong chuyến du ca nghệ thuật ấy!
* Trong 2 năm qua, cô đã gắn bó với lớp Trung Cấp Diễn Viên của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và trường Cao Đẳng Văn Hóa Nghệ Thuật. Cô đánh giá thế nào về học trò của mình?
- Mọi sự đánh giá đều được thể hiện ở thành quả của chính các bạn sinh viên khi đứng trước khán giả của mình. Còn với tôi, ân cần chăm chỉ đến cùng các em, chung sức chung lòng cùng các giảng viên như NSƯT Thanh Hải, Tuấn Phương, Huỳnh Mai, Thanh lựu… truyền trao những gì mà chúng tôi có, những gì mà chúng tôi mong mỏi và dĩ nhiên thầy trò chúng tôi đã học, đã hành hết khả năng của mình. Riêng tôi, tôi còn được tiếp sức bởi các học trò của mình, mãi mãi là lòng yêu nghề, sức thanh xuân, sự trì chí, nhẫn nại cho nghề và đôi khi cả những thiệt thòi, thua thiệt mà những người bạn trẻ của chúng tôi đã phải gánh chịu khi chấp nhận theo nghề!
* Kỷ niệm nào với học trò khiến cô nhớ nhất?
- Mỗi ngày đến lớp, mỗi giờ lên lớp là niềm vui và hạnh phúc của tôi nên khóa học này là một “công trình” trong đời học nghề và truyền nghề của tôi. Mới đây thầy trò chúng tôi có buổi biểu diễn phục vụ Trương Ương UBND TP ở hội trường TP. Đời đi hát của tôi vô cùng hạnh phúc khi được hát Dương Vân Nga, Kiều Nguyệt Nga…. với dàn nhạc trên dưới gồm 20 nhạc sĩ, một nhạc trưởng. Âm nhạc của vở diễn được sáng tác bởi nhạc sĩ Ca Lê Thuần, sau này là nhạc sĩ Thanh Hải, vào những thời kỳ huy hoàng của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, do nhà đạo diễn tài ba Lưu Chi Lăng làm giám đốc. Đây là lần thứ hai tôi cảm nhận niềm vui, lòng tự hào dân tộc khi hát bản tân cổ được phối khí bởi dàn nhạc giao hưởng gồm nhạc sĩ Huỳnh Khải cùng với 48 nhạc sĩ của nhạc viện TPHCM, ca sĩ Phương Trần và nghệ sĩ Khang Hữu Điền không giấu được xúc động, các bạn tíu tít: “Cô ơi! Chúng con không thể ngờ, chúng con được hát cải lương trong điều kiện hết sức tốt đẹp đầy giá trị này… Đây là điều mà chúng con không bao giờ dám mong, dám tưởng tượng, vậy mà giờ đây tất cả điều là thật, cô há! Cô chuyển dùm tụi con lời cảm ơn tới cô giám đốc Minh Hương và các nhạc sĩ của nhạc viện TP mình, tụi con tha thiết mong được hát như vậy lắm, nghen cô”. Thật ra, nếu mỗi lần nghệ sĩ xuất hiện trước khán giả, mọi thứ từ bài hát tốt, vở diễn giá trị, nhà hát hiện đại, âm thanh hoàn hảo cùng với dàn nhạc gia hưởng dân tộc sáng tác, phối khí, tập dợt chăm chút kỹ càng… thì cải lương vẫn mãi là loại hình nghệ thuật dân tộc - hiện đại, được khán giả - công chúng yêu mến và quý trọng!
* Đảm nhận bộ môn kỹ thuật biểu diễn, theo cô, cái khó nhất của bộ môn này là gì? Và cô đã chọn phương pháp nào để hướng dẫn các bạn?
- Vừa khó vừa dễ, khó là vì các em mới tập làm quen, tiếp cận với các phương pháp, nghệ thuật SK khoa học của các bậc thầy nước ngoài như B.Brecht, Stani… Dễ bởi vì những phương pháp này đã được NSND Năm Châu tiếp nhận, nghiên cứu, truyền tải cả cuộc đời vĩ đại của ông để ngày nay thành những bài học quý giá, được NSND Phùng Há, Kim Cúc, Tám Vân thay nhau day dỗ thế hệ nghệ sĩ trước chúng tôi và sau chúng tôi. Giờ đây, những bạn trẻ yêu cải lương thời kỳ đất nước thái bình, độc lập đang phát triển, có đủ “duyên- phước” vừa học vừa được hát ngay khi còn được ngồi ở ghế nhà trường. Phương Pháp của chúng tôi là vừa hàn lâm vừa truyền nghề, thầy trò tiếp nhận, áp dụng, thử nghiệm giúp cho các bạn tiếp thu nhanh và nhớ lâu. Đồng thời cũng giúp các bạn góp nhặt nhiều kinh nghiệm quý báu cho nghề nghiệp, từng bước tạo dựng, hình thành nhân cách bản thân, giữ được tâm hồn thanh khiết, ý chí mạnh mẽ để không bị tổn thương cũng như không làm tổn thương người khác!
* Giải Trần Hữu Trang lần thứ XI đã qua vòng bán kết, sắp bước vòng chung kết, với tư cách là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Khảo cô có nhận định gì về các thí sinh của mùa giải năm nay?
- Một sự dồn nén 4 năm đã tạo nên một sức bức phá, nhiều gương mặt mới đã xuất hiện, những gương mặt quen thì chửng chạt hơn, chín mùi hơn. Vấn đề không chỉ nằm giới hạn trong một cuộc thi mà qua đây xác lập mới một bằng của tiềm năng và thực trạng SKCL cũng như xác quyết hướng đi, hướng đào tạo, hướng đầu tư, hướng phát triển cho một thế hệ cải lương thời kỳ mới của đất nước !
* Nếu có một lời nhắn gởi, cô sẽ nói gì với các thí sinh đang chuẩn bị bước vào vòng chung kết của mùa giải năm nay?
- Hãy giữ tâm hồn mình trong trẻo, hãy ăn ngủ đầy đủ để giữ được giọng hát và tạo độ bền cho sức diễn, hãy luyện tập thường xuyên, tránh chủ quan, cố gắng khắc phục những nhược điểm còn rơi rớt ở vòng trước, ở chính mình và bạn diễn. Tự tin, làm chủ bản thân, nói tóm lại, bạn không chỉ là thí sinh, bạn chính là nghệ sĩ cải lương!
* Nhiều người cho rằng, cải lương đang hấp hối nhưng riêng cô, cô vẫn khẳng định rằng cải lương không èo uột, dựa trên cơ sở nào cô có thể tin chắc như thế?
- Một đội ngũ làm nghề vẫn đang sống bằng nghề, một không khí khán giả mà bạn có thể cảm nhận qua những đợt lưu diễn, trên truyền hình, truyền thanh và cả trên báo chí, mà cụ thể là bạn đang phỏng vấn tôi về cải lương. Ai mà chả có lúc gặp khó khăn, gặp ngặt, cải lương cũng thế mà thôi. Nhưng nếu chỉ nhìn sự ngặt mà quy kết tội nghèo, hoặc đôi ba lần đi khám mà kết luận “án tử” thì e rằng khắc nghiệt với nhau quá !
* Một Bạch Tuyết trên sàn diễn - một Bạch Tuyết trên bục giảng và một Bạch Tuyết giữa đời thường có gì khác nhau?
- Mỗi môi trường đều hình thành một cách ứng xử, giao tế cách sống khác nhau nhưng tựu trung đều do một Bạch Tuyết làm chủ mà ra. Có khác nhau thế nào thì “chủ thể-tôi” đã tạo ra nó, xin hãy để những “khách thể” nhận xét. Sàn diễn – bục giảng – đời thường với tôi đều là một, bởi sự biết ơn và lòng tôn kính, trân trọng nhau thì ở đâu cũng cần!
* Với cô danh vọng, địa vị có giá trị như thế nào?
- Mỗi thứ đều có giá trị riêng của nó, vấn đề cuối cùng là giá trị ấy phục vụ được như thế nào cho cuộc sống thật sự của bạn. Mọi thứ là phương tiện, chỉ có hơi thở này, nhân cách này là đích đến của tôi!
* Cô có những ước vọng gì trong năm mới này? Và đã có những kế hoạch nào cho riêng mình?
- Tôi yêu cải lương và ơn cải lương nên được hát, được truyền nghề, được viết… nói tóm lại là tất tần tật những gì liên quan đến cải lương, đến văn hóa tôi đều say mê đều xem đó là ước vọng, là “kế hoạch” cuộc đời cho mình. Bạn hãy chúc tôi luôn khỏe để còn sống tốt, sống lương thiện và sống tử tế với cải lương với những người yêu thương cải lương!
* Xin cảm ơn cô và kính chúc cô mọi đều đúng như sở nguyện!
Viên Vi
Theo Báo sân khấu 1075