Vào khoảng năm 1917, nghệ thuật ca kịch cải lương bắt đầu hình thành từ Mỹ Tho, Nam Bộ - tại rạp hát của Thầy Năm Tú, tức ông Pierre Châu Văn Tú, khi gánh hát của ông, tên là gánh hát Thầy Tú, bao gồm đào kép mặc y trang khá chu đáo gần giống như các nghệ sĩ cải lương bây giờ và ca diễn trên sân khấu trong một rạp hát rộng lớn, đẹp đẽ ở gần chợ Mỹ Tho, có tranh cảnh phỏng theo lối trang trí của rạp hát Tây, có dàn nhạc cổ và cả dàn nhạc Tây nữa.
Trước khi chúng tôi trình bày về lược sử nghệ thật ca kịch cải lương, mời quý vị nghe sọan giả lão thành Nguyễn Phương, đang định cư tại Canada, người từng sáng tác nhiều tuồng cải lương và những vở kịch, truyện phim nổi tiếng tại Miền Nam hồi trước 1975, giải thích về nguồn gốc của hai tiếng “Cải Lương”.
“ Trước năm 1920 thì các gánh hát mang tên của người chủ như gánh hát thầy Thận, trên bảng có ghi thêm “Cirque jeune Annam – Carabộ - Sadec Amis”, gánh hát của thầy Năm Tú ở Mỹ Tho, gánh Đồng Bào Nam của cô Tư Sự ở Mỹ Tho, gánh Tân Phước Nam của ông thầy thuốc Minh ở Sóc Trăng.”
Đến năm 1920, khi gánh Tân Thinh của ông Trương Văn Thông khai trương, sọan giả Lâm Hòai Nghĩa làm hai câu đối treo bên bảng hiệu:
Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh
Từ đó người ta kêu gánh hát Tân Thinh là gánh hát cải lương. Rồi các gánh hát khác, người ta cũng kêu là gánh cải lương.”
Như vậy cải lương phát xuất từ 2 chữ đầu câu liễn vừa rồi. Có tài liệu cho rằng “ BAN hay ĐÒAN cải lương là tên bảng hiệu, còn GÁNH cải lương là do trước kia, khi đi diễn ở những vùng xa xôi, các nhân viên trong đòan phải GÁNH dụng cụ, đồ nghề tới dựng rạp, treo màn để hát nên người ta gọi là GÁNH HÁT”.
Thưa quý vị, cải lương là lọai nghệ thuật trữ tình, tự sự qua lời ca tiếng hát và cả cách nói diễn theo nỗi niềm tâm sự của nhân vật trong tuồng để khán, thính giả có thể đồng cảm, xúc động theo những nỗi niềm tâm sự ấy.
Như quý vị nghe tâm sự của Sơn Nữ Phà Ca – do Út Bạch Lan thủ diễn – yêu tha thiết chàng Kiểu Mộng Long – con của Sứ Quân Kiểu Thuận ở Sơn Tây, nhưng mối tình ấy chỉ có duyên mà không nợ: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Vừa rồi là trích đọan trong vở cải lương Người Vợ Không Bao Giờ Cưới của các sọan giả Kiên Giang-Quy Sắc. Sơn Nữ Phà Ca do Út Bạch Lan thủ diễn khi còn ở tuổi thanh xuân.
Thưa quý vị, theo một số nhà nghiên cứu thì nghệ thuật ca kịch cải lương là sản phẩm tất yếu của bối cảnh Nam Bộ lúc bấy giờ. Miền Tây Nam bộ có thể xem là cái nôi của cải lương - một thể lọai ca kịch sân khấu phát triển từ phong trào đờn ca tài tử với lối ca ra bộ, tức phong trào ca nhạc không chuyên lan rộng khắp Nam Bộ xưa kia.
Có tài liệu cho rằng Ca ra bộ đầu tiên phát xuất từ Vĩnh Long qua nhóm đờn ca tài tử của ông Tống Hữu Định. Theo tài liệu của sọan giả Nguyễn Phương thì có 2 nhóm tài tử: một ở Miền Tây và một Miền Đông.
Nhóm tài tử Miền Tây ở Bạc Liêu có ông Phó Tổng An vốn là bầu hát bội, và là cha của nhạc sư Hai Khị được giới sân khấu tôn là Hậu Tổ Cải lương. Nhạc sư Hai Khị có các môn đệ là ông Sáu Lầu, người sáng chế bản vọng cổ, và sọan giả Mộng Vân từng sáng tác các lọai tuồng kiếm hiệp nổi tiếng.
Nhóm tài tử Miền Đông có danh sư Ba Đợi cùng học trò tên tuổi như giáo Thinh, Tư Nghị, Cao Hòai Sang, Văn Vĩ, Tư Còn…
Theo sọan giả Duy Lân từng dạy tại Phân Khoa Kịch nghệ thuộc trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn trước năm 1975, thì hồi năm 1910 có Ban Tài Tử Ca ra bộ của Nguyễn Tống Triều, bao gồm các nhạc sĩ là Tư Triều – tức ông Nguyễn Tống Triều vưa nói – đờn kìm, Chín Quán đờn độc huyền, Mười Lý thổi tiêu, Bảy Vô đờn cò, Cô Hai Nhiễu đờn tranh và cô Ba Đắc chuyên về ca.
Vào năm 1911, Ca ra bộ ngày càng được nhiều mến mộ và rồi thịnh hành khắp Nam Phần, sau khi nghệ thuật đờn ca này xuất hiện trước công chúng qua Ban Tài Tử của ông Tư Triều phục vụ tại Minh Tân Khách Sạn và rạp chớp bóng Casino ở Mỹ Tho, và tại nhà hàng Cữu Long ở Sàigòn. Ca điệu Tứ đại oán của bài “Bùi Kiệm-Bùi Ông-Nguyệt Nga do Mạng Tử Trương Duy Toản biên sọan ăn khách nhất lúc bấy giờ.
Vào cuối thế kỷ 19, phong trào đờn ca tài tử lên cao điểm, hòan chỉnh về trình độ đờn, ca cùng bài bản, nhưng nghệ thuật đờn ca ra bộ này vẫn còn hạn hẹp trong bối cảnh có tính cách thính phòng, như trong tiệc tùng, các bửa trà dư tửu hậu, trên thuyền dưới ánh trăng…, và lại gò bó trong lối diễn xuất ca ra bộ– tức những cử chỉ đơn giản minh họa theo lời ca. Nên nó cần tới nghệ thuật sân khấu để đáp ứng đúng mức hơn sự hâm mộ ngày càng nhiều của đông đảo dân chúng.
Năm 1917, gánh hát Thầy Năm Tú như đề cập từ đầu, với đào, kép, y phục, cảnh trí sân khấu khá hiện đại đã thu hút đông đảo giới mến mộ qua những tuồng như Hạnh Nguyên Cống Hồ, Trang Tử cổ bồn ca…của sọan giả Trương Duy Toản.
Và vở cải lương “Kim Vân Kiều” của thầy tuồng đầu tiên Trương Duy Toản đã thành công vang dội, mở đường cho nhiều gánh hát cải lương khác xuất hiện ở Saigòn và các tỉnh, và tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trẻ lúc bấy giờ, như cô Năm Phỉ, cô Tư Sạng, Cô Bảy Phùng Há, kép kiêm sọan giả Năm châu, kép Ba Vân…trở thành các đại thụ cải lương sau này.
Vào năm 1920, gánh cải lương đầu tiên từ Saigòn ra Bắc trình diễn là gánh của ông Sáu Súng, được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả ở nhiều nơi như Hà Nội, Bắc Cạn, Cẩm Phả, Bắc Giang; sau đó cũng có nhiều gánh nổi tiếng ở Miền Nam ra Bắc phục vụ như các gánh Phước Cương, Năm Thinh, Năm Châu Kịch Đòan…Riêng gánh cải lương Kim Chung từ Bắc vào Nam cũng đạt được nhiều thành công.
Ở Miền Trung, hoạt động của nghệ thuật ca kịch cải lương không được nhộn nhịp lắm, vì các hào phú địa phương không sốt sắn thành lấp gánh cải lương như ở Miền Nam.
Thời vàng son của sân khấu cải lương là tại Sàigòn trong thập niên 60 và bước sang đầu thập niên 70, khi nhiều giọng ca vàng xuất hiện như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thanh Nga, Út Bạch Lan, Văn Hường, Hùng Cường, Bạch Tuyết, Tấn Tài, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Minh Cảnh, Minh Vương, Minh Phụng, Mỹ Châu, Lệ Thủy…qua những vở tuồng bất hủ như Đêm Lạnh Chùa Hoang, Mùa Thu Trên Bạch Mã Sơn, Đường Gươm Nguyên Bá, Nửa Đời Hương Phấn, Đôi Mắt Người Xưa, Tiền Rừng Bạc Biển, Chiếc Lá Giữa Dòng, Đêm Hờn Cung Lạnh…
Sọan giả Nguyễn Phương có nhận xét về nghệ thuật ca kịch cải lương như sau:
“Trước năm 1975, miền Nam có hơn 60 đòan hát cải lương đại ban và trung ban. Sau 75, đòan hát trong cả nước cộng lại có hơn 120 đòan. Bất cứ tỉnh nào, quận, huyện hay thôn xã nào, nơi nào có rạp hát , có sân bãi là có đòan hát cải lương tới trình diễn.
Đó là chưa kể những tuồng cải lương được phát thanh trên Đài Phát Thanh, Đài Truyền Hình, được hát qua băng video, dĩa nhựa hay băng cassette. Chưa có lọai hình nghệ thuật biểu diễn nào thu hút được đông đảo người hành nghề như nghệ thuật cải lương và cũng thu hút được đông đảo người xem, người nghe như cải lương”.